Tượng đài Ðội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. |
Các hiện vật "Di sản văn hóa biển Việt Nam" được trưng bày theo ba không gian với các nội dung: Di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử tới thế kỷ 10; di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 và di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 19 đến hiện đại. Bên cạnh những hiện vật khảo cổ học và các hình ảnh thể hiện các không gian di sản văn hóa biển Việt Nam qua các di chỉ Hạ Long ở Quảng Ninh, Quỳnh Văn, Xóm Ốc ở đảo Lý Sơn, các hiện vật văn hóa Ðông Sơn, Sa Huỳnh... phòng trưng bày còn có nhiều tài liệu khoa học như bản đồ di tích khảo cổ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồ đồng vùng duyên hải và một số đảo, quần đảo Việt Nam; bản dập hoa văn hình thuyền trên trống đồng Ðông Sơn, bản đồ con đường gia vị thời cổ đại, v.v. Các hiện vật không những cho thấy sự phong phú về văn hóa biển Việt Nam qua các thời kỳ mà còn thể hiện sự phát triển về thương mại, giao lưu quốc tế với các nước trong khu vực đường biển ở nước ta qua các di tích, tài liệu về những cảng thị lớn trải dài từ bắc vào nam...
Nhiều tài liệu lịch sử quý hiếm cũng đã được trưng bày một cách đầy đủ theo tiến trình lịch sử về quá trình tiến ra Biển Ðông, khai thác và khai phá các vùng biển, đảo từ rất sớm của người Việt, nhất là trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây là phần trưng bày thu hút sự quan tâm của người xem, trong đó có tấm bản đồ khảo cổ học Vân Ðồn, bản trích Ðại Việt Sử ký Toàn thư về việc lập thương cảng Vân Ðồn; bản phục chế Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn có ghi chép rõ chi tiết về việc thành lập và quá trình hoạt động của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ðặc biệt là tấm bản đồ trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630 - 1653) do Ðỗ Bá, tự Công Ðạo soạn. Tài liệu này bao gồm các bản đồ nước ta từ thế kỷ 15, trong đó có tấm bản đồ vẽ và ghi chú về quần đảo Hoàng Sa; bản đồ Ðông - Nam Á, bao gồm Biển Ðông và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam của Blaeu năm 1635. Trong phần trưng bày từ thế kỷ 19 đến nay, người xem cũng được chứng kiến nhiều tài liệu khoa học như bản in sao Ðại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh; bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1838), trong đó nói rõ về quá trình thực hiện khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với việc cử các đội hải binh cùng các chức quan lên đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Bên cạnh đó, còn có bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Ðại thứ 13 (1939) về Hoàng Sa và bản in nội dung trang sách Ðại Nam thực lục ghi rõ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn cùng những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam...
Những hiện vật của phòng trưng bày "Di sản văn hóa biển Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bằng chứng cho thấy quá trình tham gia khai thác, giao lưu và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào lịch sử hình thành và hoạt động sôi động của hệ thống giao thương hàng hải trong khu vực và quốc tế, đồng thời là sự khẳng định mạnh mẽ sự thật không thể tranh cãi về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét