Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hội nghị ngoại trưởng Đông Á. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hội nghị ngoại trưởng Đông Á. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

ARF dậy sóng biển Đông


Căng thẳng trên biển Đông sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị ngoại trưởng Đông Á, diễn ra từ ngày 9 đến 13-7 tại Phnom Penh (Campuchia).

Đội tàu hải giám Trung Quốc sau khi tuần tra bất hợp pháp trên biển Đông từ ngày 26-6 đã trở về Quảng Châu
Đội tàu hải giám Trung Quốc sau khi tuần tra bất hợp pháp trên biển Đông từ ngày 26-6 đã trở về Quảng Châu

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tham dự ARF tại Phnom Penh vào ngày 12-7. Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Úc… cũng sẽ tham dự. Tranh chấp và căng thẳng trên biển Đông được đánh giá là chủ đề chính tại Phnom Penh trong thời điểm Trung Quốc liên tục thể hiện giọng điệu hiếu chiến và có các hành vi gây hấn.
Tiêu biểu nhất là vụ Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc mời thầu thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam hay việc truyền thông Trung Quốc liên tục đòi đánh Philippines vì tranh chấp bãi cạn Scarborough. Trước thềm ARF, các học giả quốc tế tiếp tục chỉ trích chính sách của Trung Quốc trên biển Đông.

Chờ đợi đột phá về COC

Theo báo Phnom Penh Post, tối 7-7 Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy tuyên bố các quan chức cấp cao ASEAN đã hoàn tất việc soạn thảo các yếu tố chủ chốt của bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). “Giờ ASEAN đã sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biển Đông” – bà Soeung Rathchavy khẳng định. ASEAN hi vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về COC với Trung Quốc vào cuối năm nay, 10 năm sau khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định đây là thời điểm then chốt với các thành viên ASEAN và có khả năng hai bên sẽ tạo được bước đột phá về COC. Tuy nhiên, giáo sư Thayer nhận định để COC không trở thành một văn bản yếu ớt, nó cần có cơ chế mang tính ràng buộc và phân định rõ đâu là vùng tranh chấp, đâu là vùng không có tranh chấp trên biển Đông.
“Một vấn đề quan trọng nữa là làm thế nào để ngăn chặn các cơ quan hàng hải Trung Quốc không gây ra căng thẳng trên vùng biển tranh chấp – giáo sư Thayer nhận định – Nếu COC không giải quyết vấn đề này, nó sẽ chẳng khác gì DOC”.
Khó khăn lớn nhất, theo giáo sư Thayer, là việc COC chỉ quy định cách các quốc gia hành xử cho đến khi giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên Trung Quốc không chỉ “đòi” chủ quyền trên biển Đông mà còn đang dùng sức mạnh để khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp.
“Khi Trung Quốc tiếp tục hiếu chiến thì sẽ không có cơ sở để giải quyết tranh chấp” – giáo sư Thayer cho biết.

Ý đồ thâm độc

Trước thềm ARF, các chuyên gia và quan chức quốc tế tiếp tục chỉ trích các thủ đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. Theo báo Philippines Star, mới đây chính quyền Philippines cho biết sẽ không đối thoại song phương với phía Trung Quốc tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và ARF để phản đối việc Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng ở bãi cạn Scarborough.
Hiện nay vẫn có vài chục tàu Trung Quốc lởn vởn ở khu vực này dù trước đó Bắc Kinh và Manila đã cam kết rút hết tàu ra khỏi đây. Tổng thống Philippines Benigno Aquino chỉ trích Bắc Kinh đang cố tình kéo dài căng thẳng để gây sức ép lên Philippines. Thượng nghị sĩ Philippines Defensor Santiago cho rằng việc Trung Quốc giở giọng đe dọa các quốc gia láng giềng với ý đồ thâm độc là buộc các quốc gia này phải chấp nhận khai thác tài nguyên chung trên vùng biển của mình với Trung Quốc.
“Đó luôn là trò của họ” – thượng nghị sĩ Santiago nhận định. Bà cảnh báo kể cả khi cùng khai thác chung với các nước khác thì Trung Quốc với lợi thế về công nghệ và tài chính cũng sẽ nuốt trọn nguồn lợi. Trên trang Eurasia Review, hai chuyên gia Youna Lyons và Tara Davenport thuộc Trung tâm Luật quốc tế ĐH Quốc gia Singapore lên án việc Trung Quốc đang cố tình khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá trên biển Đông. Bắc Kinh đang dùng tàu công xưởng để khai thác quy mô lớn và thậm chí còn khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Đây đều là những hành vi vi phạm Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc.