Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn xung dot bien Dong. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn xung dot bien Dong. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

"Biển Đông không phải là thùng thuốc súng"


Trung Quốc không có ý định tìm kiếm xung đột trên Biển Đông. Trên thực tế, điều này được thấy qua cách nước này đã “dịu giọng” với Philippines trong tranh chấp ở Scarborough/Hoàng Nham thời gian gần đây.

Liệu có xảy ra chiến tranh tại Biển Đông?
Liệu có xảy ra chiến tranh tại Biển Đông?

Dưới đây là bài phân tích của Allen Carlson, phó giáo sư Khoa chính phủ, Đại học Cornell (thuộc hệ thống Ivy League, 8 trường đại học lâu đời và chất lượng hàng đầu của Mỹ) ở New York và Xu Xin, giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương của Đại học Cornell.

Trong suốt nhiều tuần qua, thái độ đầy quả quyết của Trung Quốc đối với Philippines về Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông đã gây kinh ngạc ở châu Á và cả bên ngoài khu vực này. Nếu xét về tình hình căng thẳng trong khu vực, lo ngại về khả năng căng thẳng dẫn đến đóng băng mối quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, ngoài cái vẻ bề nổi đó ra, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang thực sự theo đuổi tích cực một kết cục như thế. Ngược lại, thậm chí là ở Biển Đông, khu vực mà nhiều người cho rằng đã “chín muồi” cho một cuộc xung đột, vẫn có vài lý do để lạc quan.

Rõ ràng là Bắc Kinh đã khởi động chiến dịch dùng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Manila. Tuy nhiên, mục đích của những động thái đó không phải là để khiêu khích xung đột quân sự, mà là nhằm gây áp lực để Philippines đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ. Nhưng cũng phải nói rõ, Bắc Kinh hoàn toàn không hề tỏ ý từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại khu vực. Chắc chắn là sẽ không. Sẽ là ngây thơ và sai lầm khi nghĩ vậy.

Kể từ khi xảy ra vụ xung đột quân sự trực tiếp, mặc dù khá nhỏ, cuối cùng giữa Trung Quốc và Philippines trên vùng biển này, gần 2 thập niên trôi qua. Ngoài ra, trong suốt một thời gian khá “yên ả”, Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông vào năm 2002, quy định Trung Quốc và các bên ký kết khác chỉ dùng biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt. Khi những diễn biến mới đây được đặt cạnh nhau, với thái độ trước đó của Trung Quốc, có thể thấy xu hướng chung trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với khu vực theo hướng hợp tác hơn là xung đột.

Mặc dù nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận 2002 chỉ là “thùng rỗng” nhưng ngay cả những người chỉ trích cũng thừa nhận Trung Quốc chưa trực tiếp vi phạm bất kỳ khía cạnh nào của thỏa thuận. Song điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không bao giờ vi phạm và tất cả mọi thứ đều tốt đẹp ở Biển Đông. Nó nhắc chúng ta thấy vấn đề hiện nay ở khu vực vẫn chứa đựng nhiều bằng chứng ổn định hơn bất định.

Bắc Kinh chắc chắn chỉ đưa ra các biện pháp mạnh hơn nếu ban lãnh đạo cảm thấy họ bị khiêu khích trực tiếp. Bất chấp leo thang âm ỉ gần đây ở châu Á, vẫn rất khó tìm thấy bất kỳ chỉ dấu nào của một mối đe dọa như thế. Thiếu một chất xúc tác này, Trung Quốc sẽ không vứt bỏ cam kết đã đưa ra ở Biển Đông mà ủng hộ dùng vũ lực trực tiếp để tuyên bố chủ quyền đối với những lãnh thổ tranh chấp.

Đặc biệt, đã có dấu hiệu “dịu giọng” hơn trong cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, chiến dịch chống Philippines của báo chí Trung Quốc không còn “ồ ạt” như nhiều tuần trước. Bắc Kinh đã giảm nhẹ nhấn mạnh tới những cảnh báo mà họ đưa ra về sự kiên nhẫn có giới hạn và các nhân tố khác. Thay vào đó hàng loạt bài bình luận nổi bật đã được đăng tải trên các báo Trung Quốc, cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông sẽ mang lợi cho Philippines nhiều hơn.

Rộng hơn, có hai nhân tố khác làm giảm khả năng leo thang xung đột. Thứ nhất, một số nhân vật ở Trung Quốc đã có cảm giác cách tiếp cận đối với Biển Đông của Trung Quốc hiện nay không còn hiệu quả và đáng tin cậy nữa. Cùng với đó là hàng loạt kêu gọi bắt đầu nổi lên, cho rằng phải có nỗ lực chung mang tầm cỡ quốc gia để phối hợp và hòa nhập các mảng tách biệt về chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Hơn nữa, một số nhà phân tích có vị trí ở Trung Quốc thậm chí còn dám chắc rằng những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến điều mà họ coi là “giai đoạn cơ hội chiến lược” của Trung Quốc trong khu vực.

Thứ hai, quan trọng hơn, chắc chắn không có bất kỳ đề xuất chính sách lớn nào được hé lộ trước Đại hội đảng lần thứ 18, dự kiến được diễn ra vào mùa thu tới. Trong giai đoạn đoạn chuyển giao lãnh đạo sẽ gần như không có thay đổi lớn nào trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hơn nữa vụ việc về ông Bạc Hy Lai, người bị cách chức bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh, và Trần Quang Thành, người đã tá túc trong sứ quán Mỹ 6 ngày, vẫn còn đang “vang dội” ở Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ không tìm kiếm rủi ro khi giải quyết các vấn đề với thế giới bên ngoài. Một khi đã có nhiều bất lợi, chiến tranh với một trong những nước láng giềng của Trung Quốc chỉ càng làm trầm trọng hóa tình hình, khiến ban lãnh đạo của nước này thêm bấp bênh.

Tóm lại, khả năng leo thang xung đột thêm giữa Trung Quốc và Philippines khó có thể tưởng tượng đến. Mặc dù khó có sự ổn định trong tương lai gần, nhưng viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự thực sự vẫn còn rất xa vời.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Trung Quốc có thực sự bị hiếp đáp ở Biển Đông?


Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc - ông Đới Bỉnh Quốc hôm qua (15/5) cáo buộc, Philippine đang ăn hiếp Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu có chuyện cường quốc hùng mạnh số 1 Châu Á lại bị nước láng giềng bé nhỏ như Philippine hiếp đáp?

Trung Quốc có thực sự bị hiếp đáp ở Biển Đông?
Trung Quốc có thực sự bị hiếp đáp ở Biển Đông?

Manila và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu gay gắt vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Cuộc đối đầu này đã kéo dài dai dẳng suốt hơn một tháng qua mà chưa có dấu hiệu dịu đi. Không những thế, độ nóng của nó còn ngày một tăng.

Trong cuộc khủng hoảng mới nhất ở Biển Đông này, người ta chứng kiến một Philippine cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Liệu có phải sự không khoan nhượng này của Manila đã khiến giới quan chức lãnh đạo ở Trung Quốc nghĩ rằng họ đang bị Philippine “ăn hiếp”?

Tuy nhiên, bất kỳ ai theo dõi diễn biến cuộc đối đầu giữa Philippine và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough hiện nay đều có thể trả lời được câu hỏi ai đang hiếp đáp ai.

Ai đang đe dọa ai?

Kể từ sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough hôm 8/4, Bắc Kinh liên tục thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt hơn rất nhiều so với phía Manila.

Về lời nói, Trung Quốc đã và đang tung ra những lời cảnh báo, đe doạ “sặc mùi thuốc súng”. Có vẻ như Bắc Kinh đang tăng cường dùng “võ mồm” tấn công Philippine. Cấp độ căng thẳng trong những lời đe doạ, cảnh báo này cũng ngày một tăng lên theo thời gian.

Hồi đầu tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying đã triệu tập Đại biện Philippine tại Trung Quốc đến để trực tiếp bày tỏ sự phản đối về những diễn biến quanh cuộc tranh chấp lãnh hải hiện tại giữa hai nước ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ này, bà Fu đã “tố” Manila không những “không chịu thừa nhận sai lầm nghiêm trọng” mà còn có những hành động “làm leo thang căng thẳng”. Kèm theo những lời tố tội này, Thứ trưởng Fu còn “đe”, phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả bất kỳ hành động nào làm leo thang tình hình căng thẳng từ phía Philippine.

Ngoài đe doạ trực tiếp, phía Trung Quốc còn “tận dụng” các tờ báo chính thức của nước này để phát đi một loạt cảnh báo sắc lạnh và những thông điệp mang đầy tính răn đe dành cho Manila.

Mới đây, cũng trong tuần trước, tờ Tân Hoa xã có bài viết kêu gọi Philippine đừng bao giờ thử thách ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh. Bài báo này nhấn mạnh, chủ quyền lãnh thổ là lợi ích then chốt của Trung Quốc và sẽ không có chỗ cho sự nhượng bộ ở đây. Bắc Kinh nhắn nhủ Manila rằng, tốt hơn hết là nước này nên dừng ngay những hành động gây hại và quay trở lại con đường đúng đắn càng sớm càng tốt.

Đáng chú ý nhất trong các đòn tấn công bằng lời nói của Trung Quốc vào Philippine là sự lên tiếng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Phát biểu trên tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của PLA, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tuyên bố, “đừng tìm cách lấy đi dù chỉ một cm lãnh thổ của Trung Quốc”. Giới quan chức quân sự Trung Quốc cho rằng, Manila nên lùi bước để nhận được sự "tha thứ" của nhân dân Trung Quốc và của cộng đồng quốc tế.

Chưa hết, Trung Quốc còn tuyên bố, họ đã rất kiềm chế trong vấn đề đảo Hoàng Nham. “Nếu một người nào đó nhầm lẫn sự tử tế của Trung Quốc là sự yếu đuối và coi Trung Quốc chỉ là một ‘con hổ giấy’ thì họ đã sai lầm một cách khủng khiếp”, PLA Daily cảnh báo.

Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “hiếu chiến” thì phía Philippine lại điềm tĩnh hơn dù vẫn cứng rắn. Trong những phát biểu của giới lãnh đạo ở Manila, người ta hầu như không thấy có những ngôn từ mang tính đe dọa, cảnh báo hay thách thức.

Thay vào đó, Manila chỉ tố cáo những hành động “quấy rối”, “hiếu chiến” của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực tranh chấp, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước này. Đồng thời, Philippine cũng thể hiện mong muốn đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế.

Manila từng thừa nhận, về sức mạnh quân sự, họ không thể nào địch nổi cường quốc khổng lồ như Trung Quốc. Vì vậy, việc họ đe dọa Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra.

Ai đang uy hiếp ai?

Không chỉ thông qua lời nói, với những hành động của Trung Quốc và Philippine trong thời gian vừa qua, người ta cũng có thể nhìn thấy rõ ai đang uy hiếp ai.

Sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền ở bãi cạn Scarborough, nước huy động nhiều tàu thuyền đến khu vực tranh chấp nhất là Trung Quốc chứ không phải Philippine. Tàu thuyền Trung Quốc đã rầm rập đổ về bãi cạn Scarborough. Có những thời điểm số tàu thuyền Trung Quốc hiện diện ở khu vực tranh chấp lên tới 14, thậm chí là 30 trong khi phía Philippine chỉ có vọn vẹn vài ba tàu thuyền ở đây.

Điều đáng lo ngại hơn là những động thái của các tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực tranh chấp. Trong hơn một tháng qua, đã có vài lần xảy ra những vụ đối đầu giữa tàu thuyền Trung Quốc và Philippine và lần nào nguyên nhân cũng được xác định là từ phía Trung Quốc.

Hôm 17/4, tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc bị “tố” là đã có hành động “quấy nhiễu”, “ngăn cản” tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippine đang làm việc tại bãi cạn Scarborough.

Mới đây nhất, hôm 28/4, Manila cáo buộc Bắc Kinh đã dùng chiến thuật “dọa dẫm” với nước này sau khi một tàu cao tốc của Trung Quốc bất ngờ tiếp cận một cách nguy hiểm với hai tàu của Philippine ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Trong vụ đụng độ này, tàu Trung Quốc đã tăng tốc vượt qua hai tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippine ở tốc độ 37km/giờ, tạo ra những cơn sóng lớn làm rung lắc mạnh tàu thuyền của Philippine.

Manila cho biết, họ đã phải ghi chép lại toàn bộ những hành động của Trung Quốc ở vùng tranh chấp để chứng minh sự “dọa dẫm” của nước này đối với họ.

Sau những vụ dọa dẫm kiểu trên, Trung Quốc tuần vừa rồi còn tiến hành một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn để “răn đe”, “thị uy” đối thủ. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 5 tàu chiến lớn của Trung Quốc, trong đó có tàu Kunlun Shan. Kunlun Shan là một trong những chiếc tàu chiến lớn nhất và được trang bị vũ khí hùng hậu nhất của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, trong cuộc đối đầu ở Biển Đông hiện nay, chính Trung Quốc mới là nước lên tiếng đế cập đến xung đột và chiến tranh ở Biển Đông. Tin đồn chiến tranh cũng xuất phát từ phía Trung Quốc sau khi có thông tin Quân khu Quảng Châu, Hạm đội Biển Đông và một số đơn vị quân đội Trung Quốc nhận được lệnh nâng cấp độ chuẩn bị chiến tranh lên 2 trong thang cấp độ là 4.

Với những diễn biến nói trên, tuyên bố về việc "Trung Quốc đang bị Philippine ăn hiếp ở Biển Đông" quả là một phát biểu gây sốc!

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Liên minh gọng kìm của Mỹ

Mỹ đang "trở lại Á châu", và không chỉ bằng lời nói. Một thế kiềm chế chiến lược giống như những gì mà Hoa Kỳ đã làm với Liên Xô trước kia, với Nhật Bản, Australia, Nam Hàn hay Philippines đang tạo dựng ma trận bao quanh Trung Quốc.

Từ tốt đến vĩ đại?


Ở khu vực Đông Á, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh truyền thống Nhật Bản ấm lên với sự gia tăng của các cuộc tập trận và hội đàm song phương sau một thời gian dài đình trệ, từ khi người dân Nhật phản đối Mỹ đóng quân ở Okinawa năm 2005.
Các cuộc tập trận giữa hai nước diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Điển hình là cuộc tập trận chung kỉ niệm 50 năm quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại biển Nhật Bản vào tháng 12/2011 với 1 tàu sân bay, 40 tàu chiến, 400 máy bay và 44000 binh sĩ.

Hơn một tháng sau, cuối tháng 1/2012, Mỹ - Nhật lại tiếp tục thực hiện 2 cuộc tập trận khác để khẳng định lại những cam kết trong cuộc Hội đàm cấp cao giữa các lãnh đạo quân đội hai nước hồi tháng 12/2011 về tăng cường khả năng tương tác giữa quân đội Nhật - Mỹ và phản ứng với các mối đe dọa từ bên ngoài. Ngoài ra, Mỹ - Nhật còn có cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng 2/2012.

Các cuộc tập trận diễn ra liên tục này không chỉ thể hiện sự sẵn sàng của liên minh Mỹ - Nhật đối với các sự kiện diễn ra trong khu vực, mà còn khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với Mỹ như trong bản Chỉ đạo chiến lược quốc phòng mà Tổng thống Barack Obama đã công bố vào đầu tháng 1/2012.

Triển vọng phát triển hơn nữa liên minh chiến lược Mỹ - Nhật tiếp tục được củng cố khi cuối tháng 4/2012, hai nước đã thống nhất giải quyết được vấn đề gai góc nhất tồn tại vài năm qua là chuyển một nửa lực lượng lính Mỹ ở Okinawa đi các căn cứ khác của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ngay sau đó một tuần, vào 30/4/2012,  Tổng Thống Mỹ và Thủ tướng Nhật đã có cuộc Hội đàm song phương tại Nhà trắng về các vấn đề nóng nhất hiện nay. Hai nước đã đưa ra tuyên bố chung đầu tiên kể từ năm 2006 và gọi liên minh giữa hai nước là "hòn đá tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".

Hơn nữa 2 nước còn cam kết mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt nhất là hợp tác về xây dựng năng lực an ninh biển của Philippines và nỗ lực xúc tiến đàm phán Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quân đội Mỹ và Philippines tập trận trên Biển Đông.
Quân đội Mỹ và Philippines tập trận trên Biển Đông.

Nhìn về châu Úc, quan hệ đồng minh Hoa Kỳ - Australia được định hình từ thời Chiến tranh Lạnh với việc Washington thiết lập khối hiệp ước quân sự Australia - New Zealand - Hoa Kỳ (ANZUS) vào năm 1951. Kể từ đó đến nay, Australia cùng với Nhật Bản vẫn luôn là đồng minh truyền thống và đáng tin cậy bậc nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Tổng thống Barrack Obama mới đây tới Canberra được đánh giá đi vào lịch sử. Cuối năm 2011, Washington tuyên bố sẽ đưa 2500 quân đến Darwin. Sự kiện này đánh dấu hai mục đích lớn. Thứ nhất là tăng cường mối quan hệ song phương, mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Washington và Caberra trên tất cả các mặt, đặc biệt là về mặt chiến lược. Từ trước đến nay, ngoài tiến hành các vụ tập trận chung, đóng góp nhân lực vào các chiến dịch lớn của Hoa Kỳ ở nước ngoài, các cuộc viếng thăm cấp cao giữa các quan chức quốc phòng hay chia sẽ các cơ sở tình báo, Australia chưa bao giờ cho phép Hoa Kỳ đóng quân trên lãnh thổ của mình.

Thứ hai sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở đây sẽ cho phép Washington sử dụng các cơ sở kỹ thuật cũng như địa hình đa dạng ở phía bắc Australia để tiến hành các cuộc tập trận, có thể bao gồm một nước thứ ba khác. Australia đang sở hữu một sức mạnh quân sự đáng kể, là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu và có một vị thế địa chính trị đặc trưng.

Là một đảo quốc, đúng hơn là một lục địa lớn bao quanh bởi biển, cộng thêm thực lực hùng hậu của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, Canberra và Washington đã kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương, qua đó khống chế mặt nam của đại dương này ngay từ đầu, hạn chế được một phần tham vọng của Trung Quốc. Hơn nữa, với căn cứ mới được đặt tại Darwin, quá trình tiếp cận của quân đội Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á sẽ dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều.

Hoa Kỳ cũng có khả năng nhanh chóng can thiệp vào khu vực Ấn Độ Dương, nằm trên tuyến hàng hải sống còn vận chuyển năng lượng của vùng. Đặc điểm cuối cùng của Darwin chính là nó nắm ngoài tấm với của hầu hết các loại vũ khí thông thường của quân đội Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á, trước những đụng độ với Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough thời gian gần đây, Philippines đã phải nhượng bộ. Nhưng ngay sau đó, Philippines tuyên bố sẽ tăng tập trận với Mỹ, cũng như yêu cầu Mỹ trợ giúp thêm một số vũ khí hạng nặng để hiện đại hóa hải quân. Để thể hiện sự ủng hộ của mình, Mỹ không chỉ khẳng định lại cam kết Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước trong các cuộc hội đàm và tuyên bố tăng cường tập trận với Philippines.

Hơn nữa, Mỹ còn tuyên bố sẽ tăng gấp ba viện trợ quân sự cho Philippines, chuyển giao thêm một tàu chiến lớp Hamilton trong 2012 và sẽ tích cực tìm kiếm thêm các nguồn viện trợ khác cho Philippines. đáng chú ý nhất là tập trận chung Balikatan giả định bảo vệ một dàn khoan dầu khí vào tháng 4/2012 đã được lên kế hoạch kĩ lưỡng từ cuộc hội đàm cấp cao giữa các quan chức quốc phòng 2 nước từ tháng 1/2012. Kế hoạch tập trận được đưa ra sau khi Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 11,2%.

Các cuộc tập trận và hội đàm giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng khiêu khích và gây hấn với Philippines. Trong đó Hành động đa phương hóa các cuộc tập trận thường niên giữa 2 nước không chỉ thể hiện Mỹ và đồng minh sẽ đứng về phía Philippines, mà còn là cơ hội để Mỹ kêu gọi các đồng minh khác giúp đỡ và viện trợ quân sự cho Philippines.

Hiện nay, Philippines là đồng minh duy nhất của Mỹ ở biển Đông, là một trong bốn mắt xích quan trọng nhất để kiềm chế Trung Quốc, nhưng cũng là mắt xích yếu nhất khi tiềm lực quân sự của nước này là yếu nhất Đông Nam Á. Cuộc Hội đàm Liên Bộ Ngoại giao - Quốc phòng hai nước Philippines - Mỹ vào 30/4/2012 vừa qua đã khẳng định liên minh hai nước là "mỏ neo của hòa bình, ổn định và thịnh vượng" tại châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ cam kết sẽ củng cố năng lực quốc phòng cho Philippines ở mức đáng tin cậy tối thiểu thông qua các chương trình hỗ trợ an ninh.

Không như với Nhật Bản, Philippines hay Australia, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ mang tính chất đối tác chiến lược. Hai quốc gia đang thực sự cần tới nhau trên rất nhiều phương diện. Không như giai đoạn trước năm 1991, khi mối quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng đóng băng do chính sách tiếp cận quan hệ quốc tế của hai nước khá khác biêt. Hoa Kỳ tập trung kiềm chế Liên Xô. Trong khi Ấn Độ với tư tưởng không liên kết của mình, lại có xu hướng ủng hộ Moscow trong các vấn đề quốc tế. Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, sự chuyển dịch địa chính trị mạnh mẽ, cuộc chiến chống khủng bố và Trung Quốc chính là những lý do chính khiên quan hệ giữa Washington và New Delhi phát triển rất nhanh chóng.

Chuyến thăm của ngoại trưởng Hilary Clinton mới đây đến New Delhi sau chuyến thăm của bà tới Bắc Kinh đã cho thầy được tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Washington, đặc biệt trong các vấn đề an ninh. Việc hợp tác với Hoa Kỳ không chỉ giúp Ấn Độ về phát triên kinh tế, mà còn về phát triển quốc phòng, qua đó làm đối trọng với Trung Quốc tại Châu Á. Trải qua nhiều thập nhiên, thì quan hệ giữa Washington và New Delhi đã chuyển từ đối đầu như trong chiến tranh lạnh sang đối tác như hiện nay.

Phải nói thêm rằng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là rất phức tạp, hai nước có nhiều tranh chấp về lãnh thổ cũng như về quyền lực, hai nước lại là đối tác thương mại lớn của nhau và cạnh tranh nhau trong nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là năng lượng. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược chuỗi ngọc trai nhắm kiềm chế Ấn Độ, trong khi đó Hoa Kỳ lại khuyến khích Ấn Độ hướng đông, cùng các nước đồng minh của mình.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc tập trận song phương, Nhật Bản còn lần đầu tiên tập trận chung với các đồng minh khác của Mỹ như tập trận Mỹ - Nhật - Úc (2/2012), tập trận Mỹ - Ấn - Nhật. Các động thái của Liên minh Mỹ - Nhật càng ngày càng thể hiện sự liên kết toàn diện không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế giữa các mắt xích của một mạng lưới cho cả vùng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là sự hình thành thế trận như vậy sẽ để làm gì? Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc hay đóng vai trò người "gác cửa", "mỏ neo của hòa bình, ổn định và thịnh vượng" tại châu Á - Thái Bình Dương"? "Từ tốt có đến được vĩ đại?" sẽ nằm ở mục đích lâu dài mà liên minh gọng kièm này hướng đến.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Trung Quốc biến Philippines thành kẻ gây hấn trên Biển Đông


Ngày 9-5, Trung Quốc qua cái loa đồng loạt của các hãng truyền thông lớn đã đổ tội cho Philippines là kẻ gây hấn đang leo thang căng thẳng ở khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Sự thật ra sao?

Tàu ngư chính 310 của Trung Quốc cùng 32 tàu khác đã có mặt ở bãi cạn Scarborough
Tàu ngư chính 310 của Trung Quốc cùng 32 tàu khác đã có mặt ở bãi cạn Scarborough
Cuộc đối đầu giữa tàu hai nước ở bãi cạn Scarborough đã bước sang tuần thứ ba. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh lớn giọng đe nẹt: Bắc Kinh đã chuẩn bị mọi thứ để phản ứng bất kỳ hành động nào của Philippines ở vùng tranh chấp này. Tân Hoa xã bình luận với đầy ngầm ý là thế bí của cục diện ở Scarborough có thể đang bị phá vỡ.
Tại cuộc họp với các nhà ngoại giao Philippines ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Bà Phúc Oánh tuyên bố: “Rõ ràng là phía Philippines chẳng những đã không nhận ra mình sai lầm nghiêm trọng mà còn đang ra sức leo thang căng thẳng”.
Vừa đánh trống vừa la làng
Trong khi đổ tội cho Philippines làm tình hình thêm căng thẳng, Trung Quốc lại tiếp tục điều tàu đến bãi Scarborough. Báo Philippines Daily Inquirer cho biết hiện có tới 33 tàu Trung Quốc đang có mặt ở khu vực này. Ngược lại, phía Philippines chỉ có hai tàu neo đậu ở đây là tàu tìm kiếm và cứu hộ của lực lượng bảo vệ bờ biển BRP Edsa II và một tàu khác của Cục Ngư nghiệp và nguồn tài nguyên dưới nước.
Báo này mô tả đội tàu của Trung Quốc đang vây kín khu vực nước xung quanh bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh đưa ba tàu cực lớn đến đây, đó là tàu ngư chính 310, hai tàu hải giám 75 và 81, cả ba đều là những tàu hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra còn bảy tàu đánh cá loại lớn và 23 tàu cá nhỏ đang lờn vờn quanh khu vực.
Thị trưởng thành phố Masinloc Desiree Edora cho biết các tàu ngư chính và hải giám ngang nhiên dẫn đường cho tàu cá Trung Quốc vào bãi cạn Scarborough đánh bắt. Ngư dân Philippines cũng quyết tâm trở lại bãi cạn Scarborough để đánh bắt. Song, như hải quân Philippines cho biết, Trung Quốc lại “lấy thịt đè người” khi cho các tàu tiếp cận tàu cá của Philippines và chiếu đèn pha gây rối.
Trong lúc đó, Tân Hoa xã viết: bất chấp phản đối của Trung Quốc, Philippines vẫn điều tàu chiến đến bãi Scarborough và đổi tên bãi cạn này thành Panatag. Manila còn tháo bỏ những tín hiệu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng nước xung quanh bãi cạn này. Bà Phúc Oánh cũng cao giọng yêu cầu Philippines rút tàu khỏi vùng biển xung quanh bãi Scarborough, không được ngăn cản tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động.
Phía Philippines lại khẳng định chính Trung Quốc đang kiếm chuyện với họ khi cho ba tàu lớn cùng hàng đàn tàu cá dàn trận ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường quanh bãi đá cạn Scarborough thuộc chủ quyền của mình. Căng thẳng đang rình chờ khi bà Phúc Oánh cứng rắn tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các tàu cá của họ hoạt động trong khu vực này.
Cả vú lấp miệng em
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong những ngày này liên tục có các bài xã luận cho thấy rõ ý đồ độc chiếm chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Ngày 7-5, phát thanh viên Hòa Giai của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã nhiều lần tuyên bố “Philippines thuộc về Trung Quốc”.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng Philippines là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và Philippines thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Điều này là không thể tranh cãi” – phát thanh viên Hòa Giai tuyên bố. Trước phản ứng của truyền thông Philippines và quốc tế, suốt những ngày qua CCTV đã im hơi lặng tiếng. Phần tin tức này trên trang web của CCTV đã biến mất ngay sau đó, không một lời đính chính.
Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi luôn miệng khẳng định: “Hoàng Nham là phần lãnh thổ không thể nhường cho ai được”, và yêu cầu Philippines kiềm chế những hành động sẽ làm phức tạp, lan rộng hoặc quốc tế hóa vấn đề. Kèm theo là ngày 9-5, Thời Báo Hoàn Cầu đe dọa: hòa bình trên biển Đông là “thứ hàng xa xỉ” trước “sự gây hấn của Manila”. Do vậy, “hành động cứng rắn là rất cần thiết trong tranh chấp với Philippines”. Tờ báo này cũng đổ tội cho Philippines là đã “khuấy động” tình hình, nên “cần dạy cho Philippines một bài học về chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ”.
Phó tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc La Viện còn cho rằng Trung Quốc cần khẳng định chủ quyền của mình ở bãi cạn Scarborough bằng việc cắm cờ Trung Quốc hoặc lập căn cứ quân sự hay một cơ quan ngư nghiệp ở đây.