Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn cảng nước sâu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cảng nước sâu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Chuyển động mới của công nghiệp Quảng Ngãi

Nắng ấm trong những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn đã tạo thuận lợi cho các đơn vị, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Từ ngày mồng 3 Tết, hàng chục đơn vị, công ty, nhà máy đã bắt đầu ra quân lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Bốc xếp hàng xuất khẩu lên tàu tại cảng nước sâu Dung Quất.

Những chuyển động đầu năm

Ðầu tháng 2, chúng tôi đến các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong (Quảng Ngãi), được chứng kiến nhiều dự án vừa được khởi công. Khu kinh tế Dung Quất "trái tim" công nghiệp của Quảng Ngãi đang phát triển nhiều nhà máy công nghiệp nặng, dầu khí. Các Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy đóng tàu Dung Quất hoạt động suốt ngày đêm, tạo không khí sôi động ngay từ những ngày đầu Xuân.

Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất được khởi công tháng 4-2009 với tổng vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng, có công suất 100 triệu lít xăng sinh học/năm. Những ngày trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn vừa qua, Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đã hoạt động liên tục 24/24 giờ với hàng trăm công nhân, kỹ sư trực tiếp điều hành sản xuất tại bốn phân xưởng chính của nhà máy, bảo đảm cho ra những dòng sản phẩm đầu tiên đạt hiệu quả kinh tế cao như phân vi sinh, thức ăn gia súc, khí CO2, đặc biệt sản phẩm ethanol đạt độ cồn hơn 99,7%, bảo đảm chế biến xăng sinh học (E5) đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ khi triển khai dự án, nhà máy đã chú trọng công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ và đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, nhà máy có 237 cán bộ, công nhân (trong đó người Quảng Ngãi chiếm khoảng 80%). Nhiều kỹ sư, công nhân có tay nghề cao với tác phong lao động công nghiệp đã được nhà máy bố trí trực tiếp vận hành các phân xưởng sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho rằng, hiện nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành ổn định 100% công suất, cho nên chúng tôi phải duy trì chế độ làm việc"ba ca, bốn kíp". Năm 2012, Công ty được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giao:"Sản xuất và bán ra thị trường khoảng sáu triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu đạt 108 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 15 nghìn tỷ đồng". Việc dừng nhà máy dù chỉ một ngày sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thế nên, ở nhà máy,"vui Xuân, đón Tết" nhưng không một ai trễ ca hay vào trật kíp. Sau ba ngày đón năm mới Nhâm Thìn, sáng mồng 4 Tết, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã ra quân làm việc sớm với quyết tâm bàn giao các tàu 104 nghìn tấn, tàu Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa đúng tiến độ cam kết với chủ tàu. Chủ tịch Hội đồng thành viên DQS Nguyễn Văn Hội cho hay, năm Nhâm Thìn được xem là năm có ý nghĩa quan trọng đối với DQS, bởi trong quý I này, công ty sẽ hoàn thành bàn giao ba tàu: Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa cho Vietsovpetro. Nhưng tâm điểm là sự kiện bàn giao tàu chở dầu 104 nghìn tấn cho PV Trans trong tháng 4 tới. Ðặc biệt, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina đã khởi xuất chuyến hàng đầu tiên của năm 2012 đến Phi-li-pin. Ðơn vị"mở hàng" cho Doosan Vina là Nhà máy sản xuất thiết bị xử lý hóa chất (CPE) khi vừa hoàn thành chuyến xuất bảy tháp chưng cất đến Nhà máy lọc dầu JG Summit Olefins, Phi-li-pin, có tổng trọng lượng 210 tấn.

Nói về sự phát triển ngành công nghiệp Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho biết: Tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp đến năm 2015 và Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất lên hơn 45 nghìn ha. Hiện nay, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng có ý nghĩa chiến lược và giá trị kinh tế tăng cao; đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ với các ngành sử dụng nhiều lao động như: công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt may-da giày, chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm đồ uống.

Nhờ đó, ngay từ đầu năm đã có bước chuyển mạnh với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1-2012 đạt hơn 2.038 tỷ đồng, tăng 3,81% so cùng kỳ năm 2011 và bằng 9,08% kế hoạch năm. Năm 2005, tỷ trọng công nghiệp chỉ là 30%, nay tăng lên gần 60%, tỷ trọng lao động công nghiệp từ 12,7% đến nay tăng lên 17%.

Tạo động lực mới

Thấy rõ những mặt hạn chế trong công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư và nhất là hạ tầng trong các khu công nghiệp còn yếu kém, tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành rà soát, điều chỉnh chính sách ưu tiên, bảo đảm tạo điểm nhấn thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH. Theo đó, các chỉ tiêu cơ bản đề ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 từ 17 đến 18%/năm; tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 52%, lao động trong ngành công nghiệp chiếm khoảng 17% trong tổng số lao động (với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hơn 45%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 47%), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.200 USD và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 3 đến 4%/năm... Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Ðể đạt các chỉ tiêu trên, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư để trao đổi nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực và tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tỉnh giao các ngành chức năng triển khai sớm các dự án xây dựng khu tái định cư bền vững, nhằm phục vụ phát triển những dự án công nghiệp trọng điểm; tạo quỹ đất sạch giao cho các tập đoàn kinh tế lớn; triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và tiến hành thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước mắt, tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn và từng bước hình thành, phát triển nhanh ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành thủy sản và vùng cây nguyên liệu chuyên canh, bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển dịch vụ, du lịch. Ðầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào Khu công nghiệp Dung Quất, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện. Ngay đầu năm 2012, Quảng Ngãi triển khai đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công ty Liên doanh TNHH Việt Nam-Xin-ga-po thực hiện đầu tư dự án khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh; đồng thời hỗ trợ Công ty Semcorp-Xin-ga-po lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp Dung Quất I. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với PVN tiến hành giải quyết những công việc cần thiết thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm đầu tư mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hỗ trợ tích cực chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, nhất là Thủy điện Ðác Ðrinh sớm đưa vào thử tải, đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia...

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đang nỗ lực phấn đấu, phát huy dân chủ, trí tuệ, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và tạo động lực mới, bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi bước đột phá công nghiệp do Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, tạo nền tảng để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Theo Nhandan.com.vn