Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Học giả Trung Quốc phân tích 5 tử huyệt trong lý lẽ về đường lưỡi bò


Tại sao sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, để thể hiện “tình cảm” của mình với Việt Nam, Trung Quốc lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?

Ông Tiết Lý Thái - học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong bài viết đăng trên tờ báo mạng trên ngày 20/7 cho rằng, tranh chấp chủ quyền tại Nam Hải (Biển Đông) giữa Trung Quốc và Việt Nam có dấu hiệu ngày càng căng thẳng trong thời gian qua, trong đó việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu quốc tế vào cuối tháng 6 vừa qua khiến tình hình càng thêm phức tạp.

9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mời thầu nằm ở phía Đông đường 9 đoạn, tuy nhiên nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. 

Học giả Trung Quốc phân tích 5 tử huyệt trong lý lẽ về đường lưỡi bò
Học giả Trung Quốc phân tích 5 tử huyệt trong lý lẽ về đường lưỡi bò

Ông Tiết Lý Thái cho rằng: Nếu Trung Quốc giải thích và muốn cộng đồng quốc tế công nhận đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia thì khó khăn sẽ không hề nhỏ, ít nhất sẽ gặp phải những thách thức sau:

Thứ nhất, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới đầu chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ nước mình, mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Về bình diện luật pháp quốc tế cũng chưa có sự giải thích rõ ràng, chi tiết nào. Nói một cách nghiêm túc thì đây mới chỉ là “tự nói lời của mình”.

Thứ hai, cho đến hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ, đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Đến một định nghĩa cũng không có, hơn nữa cũng chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của mình, thì làm sao mà thuyết phục được người khác?

Thứ ba, nếu như Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia không thể xâm phạm, thì thử hỏi tại sao sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, để thể hiện “tình cảm” của mình với Việt Nam, Trung Quốc lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?

Thứ tư, theo học giả này, nếu như Bắc Kinh khẳng định đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia, sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, trong thời gian 30 năm, Việt Nam đã chiếm hữu đến 30 hòn đảo lớn nhỏ một cách liên tục, mà Bắc Kinh trong các lần phản đối ngoại giao lại không hề có lần nào nêu ra vấn đề trên?. Điều này là hoàn toàn không bình thường.

Cuối cùng, Biển Đông là tuyến vận tải của hơn 80% hàng hóa chiến lược của khu vực Đông Bắc Á, trong đó bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, của hơn 40 % hàng hóa chiến lược của hầu hết các quốc gia phương Tây. Nếu như nói tuyến đường vận tải trên Biển Đông là tuyến đường sinh mạng của các quốc gia phương Tây cũng không có gì là quá.

Nếu "đường 9 đoạn" được tuyên bố là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc, khi Mỹ và các đồng minh chuyển dịch lực lượng quân sự giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bất cứ lúc nào, họ  đều có thể bị coi là ở vị trí phi pháp và sẽ bị cản trở mạnh mẽ. Như vậy liệu cộng đồng quốc tế có chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc? 

Học giả Tiết Lý Thái cho rằng: ngày nay, cư dân mạng Trung Quốc không ngừng hô hào những luận điệu hiếu chiến trong thế giới ảo. Tuy nhiên sau khi thoát khỏi thế giới ảo, chúng ta phải trở về thế giới thực tại.

XUÂN DẦN (TIỀN PHONG ONLINE)

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Hoàn Cầu xuyên tạc bài phỏng vấn về biển Đông như thế nào?


Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã cố tình cắt xén ý kiến chuyên gia quốc tế nhằm ngụy tạo các ý kiến ủng hộ cho các hành động ngang ngược của nước này trong tranh chấp.
Ông Robert C Beckmand.
Ông Robert C Beckmand.
Thời báo Hoàn Cầu đã có buổi phỏng vấn với ông Robert C Beckmand, Giám đốc Trung tâm Luật pháp quốc tế CIL, ĐH Quốc gia Singapore về một số vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Bài viết có tiêu đề: “Trung Quốc từng bước di chuyển vào biển Nam Trung Hoa (biển Đông)".
Tuy nhiên, sau khi thực hiện buổi phỏng vấn này, Thời báo Hoàn Cầu đã cố tính bóp méo câu trả lời của ông Robert C Beckmand bằng cách sửa lại hoặc đăng không đầy đủ câu trả lời của ông Robert C Beckmand. Trong đó có đoạn, ông Robert C Beckmand khẳng định: "Luật biển Việt Nam vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua là một việc làm hoàn toàn phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982".
Trong bài phỏng vấn ông Beckmand cũng cho rằng, việc Tổng công ty CNOOC (Trung Quốc) công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trả lời báo Đất Việt, ông Beckman khẳng định, Thời báo Hoàn Cầu đã chỉnh sửa hầu hết các câu trả lời của ông. Đồng thời, ông Beckman hoan nghênh việc đính chính.
Trích thư trả lời Báo Đất Việt của ông Robert C Beckmand: ..."However, the Global Times edited out most of my responses to their questions. You are welcome to do an article based my responses to their questions, which are set out below".
Trích thư trả lời Báo Đất Việt của ông Robert C Beckmand: ..."However, the Global Times edited out most of my responses to their questions. You are welcome to do an article based my responses to their questions, which are set out below".
Để giúp độc giả thấy rõ sự can thiệp của Thời báo Hoàn Cầu đối với ý kiến chuyên gia quốc tế, Đất Việt xin đăng tải lại phần trả lời nguyên bản của ông Robert C Beckmand.
Dưới đây là nội dung các câu trả lời của ông Robert C Beckmand (với phần in nghiêng bị chỉnh sửa hoặc cắt bỏ):
- Thời báo Hoàn Cầu: Ông có xem các báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc như là một dấu hiệu mạnh mẽ và quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ “chủ quyền” hàng hải đối với các hành động khiêu khích từ các nước láng giềng, đặc biệt sau khi Việt Nam thông qua luật tuyên bố quyền tài phán đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa? (cách Trung Quốc gọi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - ĐV)
- Ông Robert C Beckmand: Tôi thấy Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết đoán hơn đối với tuyên bố của mình ở biển Đông. Theo quan điểm của tôi có một số hiểu lầm liên quan đến pháp luật về biển gần đây được thông qua bởi Quốc hội Việt Nam. Mục tiêu chính của bộ luật này, theo tôi hiểu, là xây dựng luật pháp quốc gia phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Thực tế các quy định trong bộ luật mới này gồm việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải là một điều bất ngờ và đó không phải là một sự phát triển mới. Việt Nam đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này trong nhiều năm trong các ghi chú ngoại giao chính thức đã ký với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, cũng có tuyên bố chủ quyền khác của Trung Quốc và Phillippines quy định trong pháp luật của họ đối với các quần đảo và đảo trên biển Đông.
- Thời báo Hoàn Cầu: Bên cạnh việc thành lập Tam Sa và các báo cáo của Bộ Quốc phòng, Tổng công ty CNOOC công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi tên biển Đông - ĐV). Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc sử dụng nó như công cụ để giải quyết các tranh chấp, quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
- Ông Robert C Beckmand: Việc thành lập Tam Sa và tuyên bố mời thầu quốc tế của CNOOC cho thấy Trung Quốc đang làm phức tạp thêm các tranh chấp trong khu vực.
(Trong khi đó, bài viết của báo Hoàn Cầu lại nói rằng, “ông Beckman coi hành động của Trung Quốc là một bước ngoặt, là một bước đi để khẳng định những tuyên bố của mình”. Thời báo Hoàn Cầu cũng không quên cắt bỏ đoạn ông Beckman nói rằng, đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc là quá xa so với bất kỳ hòn đảo nào của nước này và không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý nào - ĐV).
- Thời báo Hoàn Cầu: Chính phủ Việt Nam đã phản đối thành lập Tam Sa và tuyên bố của CNOOC. Ông có cho rằng Việt Nam có khả năng để khởi động các biện pháp đối phó nhiều hơn nữa với các bước đi của Trung Quốc.
- Ông Robert C Beckmand: Họ (Việt Nam) chắc chắn sẽ thách thức tính hợp pháp đối với các tuyên bố của Trung Quốc như một hành vi xâm phạm chủ quyền của họ đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuyên bố của Việt Nam là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
(Phần trả lời khẳng định sự phi lý của việc CNOOC công bố mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị biên tập viên của báo Hoàn Cầu loại ra khỏi bài viết - ĐV).
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu chỉ đăng một phần cầu trả lời với nội dung như sau: “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí, các tranh chấp trong khu vực không làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang”.
Sự việc báo Hoàn Cầu bóp méo các câu trả lời của chuyên gia quốc tế về biển Đông nhằm cố tình đánh lừa độc giả rằng, Luật Biển Việt Nam, tuyên bố phản đối việc mời thầu của CNOOC là những hành động mang tính khiêu khích chứ không phải là một việc làm hoàn toàn hợp pháp và chính đáng theo Công ước Luật biển Quốc tế UNCLOS.
Đối với báo chí, việc bóp méo câu trả lời của chuyên gia quốc tế được coi là một hành vi thiếu tôn trọng người được phỏng vấn, đi ngược với phương châm của người làm báo là cung cấp thông tin cho độc giả một cách chính xác và trung thực. Điều này một lần nữa cho thấy sự phi lý và ngang ngược của Trung Quốc đối với các hành động của họ trên biển Đông.
Ông Robert C Beckmand còn là người đứng đầu chương trình Luật và chính sách hải dương và đứng đầu dự án nghiên cứu của CIL về cáp ngầm, luật biển và tội phạm hàng hải quốc tế tại châu Á.
QUỐC VIỆT (ĐẤT VIỆT ONLINE)

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Trung Quốc công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông


Bắc Kinh đang liên tiếp đưa ra các hành động vi phạm những cam kết và luật pháp quốc tế, dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ phía Việt Nam và nhận sự chỉ trích của giới học giả quốc tế.
Tình hình Biển Đông đang dậy sóng với những động thái liên tiếp bằng cả biện pháp hành chính, chính trị và quân sự của chính phủ Trung Quốc, thể hiện sự không tuân thủ các cam kết của Bắc Kinh với nước láng giềng Việt Nam, đồng thời cho thấy rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.

Những động thái liên tiếp

Hành động đầu tiên trong chuỗi các động thái gây bức xúc của Trung Quốc đợt này là tuyên bố thông qua việc lập "thành phố Tam Sa" ở cấp vùng, nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Ngay lập tức, lãnh đạo Khánh Hòa và Đà Nẵng lên tiếng phản đối Trung Quốc, đồng thời khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhấn mạnh quyết định của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng kịch liệt lên án việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa". Trước đây, Trung Quốc từng có ý định lập thành phố Tam Sa ở cấp huyện, nhưng sau đó quyết định xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam này đã bị hủy bỏ.
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Nghiêm trọng hơn, ngày 23/6, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), dưới sự cho phép của chính phủ nước này, đã ngang ngược thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa đây lại là vùng hoàn toàn không có tranh chấp từ trước đến nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên. Ông nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên".
Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao Công hàm phản đối CNOOC mời thầu tại Biển Đông. Cùng ngày, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu họp báo để phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp.
Các lô mà Trung Quốc mời thầu nằm trên khu vực rộng hơn 160.000 km2, chồng lên các lô mà PVN đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Vùng biển Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý (hơn 140 km), cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý (hơn 105 km) và cách đảo Phú Quý 30 hải lý (55 km).
PVN cho biết đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Trung Quốc công khai mời thầu dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp việc bản thân CNOOC và PVN cũng đã có quan hệ với nhiều hợp đồng thăm dò chung. PVN yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên và khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai các hợp đồng khai thác dầu khí với đối tác nước ngoài tại Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/6, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố nước này có các đội tuần tra có tính "sẵn sàng chiến đấu" trên các vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông này cũng cho biết Bắc Kinh có thể sẽ thành lập Bộ tư lệnh quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây là diễn biến mới nhất trong loạt các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

'Trung Quốc khiêu khích Việt Nam'

Các động thái của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm diễn ra hội thảo An ninh hàng hải Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington. Phần lớn các học giả và quan chức quốc tế, trong đó có giáo sư nổi tiếng người Australia Carlyle Thayer, khẳng định khu vực mà Trung Quốc mời thầu dầu khí là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng "Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Nhà nghiên cứu này cũng cho đây là một hành động chính trị hơn là một hành động kinh tế.
Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman chung quan điểm với Giáo sư Thayer khi phát biểu rằng việc Trung Quốc mời thầu là "hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội". Ông đánh giá việc CNOOC mời thầu tại Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Do vậy giới nghiên cứu quốc tế nhận định sẽ không có công ty nước ngoài nào quan tâm tới lời mời thầu phi pháp của Trung Quốc. Financial Times dẫn lời ông Laban Yu, giám đốc nghiên cứu dầu khí tại Jefferies Hong Kong Ltd., một công ty ngân hàng đầu tư và chứng khoán: "Sẽ chẳng có công ty nước ngoài nào tới đó (khu vực Trung Quốc chào thầu). Chính quyền trung ương (Trung Quốc) chỉ muốn sử dụng hành động của CNOOC để đưa ra một tuyên bố chính trị".
Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm CSIS cho rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia đấu thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ kỹ càng" trước khi quyết định.

Trung Quốc đang đi ngược các cam kết

Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận cấp cao, trong đó quan trọng là sự kiện tháng 10/2011, khi hai bên ký Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm. Thỏa thuận này nhấn mạnh việc hai bên tôn trọng các nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng là một bên tham gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (DOC) năm 2002. Theo DOC, các bên khẳng định cam kết với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC).
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" và đặc biệt là việc mời thầu dầu khí trên vùng biển của Việt Nam đã đi ngược lại với tất cả các cam kết giữa nước này với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.
Liên quan đến Luật Biển được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hôm 21/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển. Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", ông nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 29/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, Luật Biển đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, do đó Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp giữ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền.

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

‘Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc’


Đưa tàu trở lại bãi cạn Scarborough, mời thầu dầu khí ở ngay trong thềm lục địa Việt Nam… cung cách ứng xử của Trung Quốc đang ngày càng nguy hiểm và ngạo mạn.

Bài viết “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc” (China’s Dangerous Arrogance) đăng trên The Diplomat cho rằng việc Trung Quốc tìm cách độc chiếm vùng biển châu Á và đe dọa quyền tự do hàng hải quốc tế đang trở thành vấn đề không chỉ đối với các nước láng giềng.

Theo bài viết, thái độ quyết đoán của Trung Quốc về ngoại giao và quân sự rõ ràng được thúc đẩy bởi sự tự tin thái quá và khiến cho người khác cảm thấy vô cùng lo ngại, đặc biệt về tự do hàng hải.

Thái độ tự tin thái quá của Trung Quốc thường được thể hiện qua những tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh THX
Thái độ tự tin thái quá của Trung Quốc thường được thể hiện qua những tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh THX

Khi Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng, nước này càng trở nên quyết đoán hơn trong lĩnh vực ngoại giao. Thái độ quyết đoán này ngày càng gia tăng cùng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc và khiến cho người ta tự hỏi liệu nó có biến thành ngạo mạn, đặc biệt ở Biển Đông.
Sự kết hợp giữa hoạt động hải quân ráo riết và các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc cho thấy chỉ dấu đáng báo động: sự quyết đoán của Trung Quốc về đòi hỏi chủ quyền đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự giàu có và nhận thức về quyền lực. Trung Quốc đang đi ngược với ý nguyện của cộng đồng thế giới, khi không chỉ muốn biến tây Thái Bình Dương thành “vùng cấm” đối với các thế lực bên ngoài mà còn coi vùng biển này là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Điều này thể hiện rất rõ ràng trong thái độ của Trung Quốc đối với Biển Đông. Bắc Kinh đã từng ám chỉ Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, giống như các khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trên thực tế, Trung Quốc đã dẫm đạp khái niệm chung của cộng đồng quốc tế về tự do hàng hải, hàng không… trong một thế giới toàn cầu hóa. Trung Quốc đã thách thức các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế về luật pháp, tự do đi lại và đặt mình ở vào vị thế đối đầu với Mỹ.

Đối với các khu vực nhất định, Trung Quốc hoặc độc quyền thống trị hoặc nói với các nước khác “đừng có can thiệp vào”. Trên thực thế, theo quan điểm của Trung Quốc, những khu vực này “không phải là của chung”. Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” nhằm hạn chế cộng đồng thế giới thực thi những quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh tùy tiện tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông và dành cho mình cái quyền kiểm soát các hoạt động hàng hải và nghiên cứu ở vùng biển này, chứ không chỉ kiểm soát đánh cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển trong phạm vi cái gọi là các Khu vực độc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones) của Trung Quốc. Nếu không bị phản đối, thái độ quyết đoán biến thành ngạo mạn của Trung Quốc sẽ dẫn tới nhiều rủi ro về luật pháp vì luật pháp quốc tế dựa trên những chuẩn mực đã được các nước công nhận.

Trung Quốc coi việc Mỹ hoạt động cái gọi là bên trong chuỗi đảo thứ nhất của nước này là xâm phạm chủ quyền. Bắc Kinh có cách diễn giải “ngược đời” về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như thẩm quyền của nước này trong phạm vi các Khu vực độc quyền kinh tế EZZ, kể cả ở các khu vực đang có tranh chấp.

Sự kết hợp giữa chiến lược pháp lý với lực lượng hải quân của Trung Quốc cho thấy không giống như các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác, Trung Quốc hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của họ bằng sức mạnh quân sự.

Yêu cầu Trung Quốc hủy mời thầu dầu khí ở Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/6 cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 23/06/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay. Trước việc làm của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

"Trước hết, cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.

Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC)".

Tuần trước, sau có khi tin Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc.

Lãnh đạo của tỉnh Khánh Hoà và thành phố Đà Nẵng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của nước Việt Nam.

Quyết định lập cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý", chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định.

Trong tuần qua, sau khi phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Việt Nam thông qua Luật Biển, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định thông qua luật này là hoạt động lập pháp bình thường.

"Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam", phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, và chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Sau một số sự việc hồi năm ngoái, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đạt được tháng 10/2011.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam là một bên tham gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (DOC) đạt được năm 2002. Hiện nay hai bên đang hướng đến việc xây dựng và ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thường được đề cập đến là COC. Hai ngày cuối tuần vừa qua, các quan chức cấp cao của Hiệp hội và Trung Quốc vừa họp tại Hà Nội để bàn về các vấn đề xung quanh DOC và COC.