Song Tử Tây là đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng vào năm 1975. Đúng vào ngày 14/4/1975, lá cờ giải phóng hai màu xanh, đỏ với ngôi sao vàng đã tung bay trên đảo. Người chiến sỹ cắm cờ giải phóng trên đảo năm xưa nay đã tròn 60 tuổi - ông Lê Xuân Phát, một chiến sỹ đặc công nước.
>> Xem thêm: Kỷ niệm 37 năm giải phóng Trường Sa
Biên đội gồm ba tàu 673, 674, 675 chở quân ra giải phóng Trường Sa. (Ảnh: tư liệu Bảo tàng Hải quân). |
Từ đó đến nay đã 37 năm, người chiến sỹ ấy mới có dịp ra thăm lại chiến trường xưa, ôn lại kỷ niệm một thời chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Thật vinh dự và tự hào cho chúng tôi khi được gặp và trò chuyện cùng ông trên chuyến tàu HQ996 ra Trường Sa vào những ngày tháng 4 lịch sử.
Hồi ức lịch sử…
Đặt chân lên đảo Song Tử Tây sau 37 năm, người chiến sỹ năm xưa không nén được nỗi xúc động trào dâng, nhất là khi nhìn thấy tấm bia mộ người đồng đội hy sinh trong trận đánh giải phóng đảo. Cả đêm trên tàu ông trằn trọc không ngủ yên, hồi ức lịch sử một thời sống lại trong ông như mới diễn ra ngày hôm qua. Lúc đó, ông Lê Xuân Phát mới là một Thượng sỹ, thuộc đội 1, tiểu đoàn 861, Binh chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây cũng chính là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp.
Ông Lê Xuân Phát cho biết: Ông cùng với hơn 20 đồng đội nhận nhiệm vụ ra giải phóng đảo đều xác định sống chết vì Tổ quốc. Xuất phát ngày 11/4/1975 tại Đà Nẵng trên 3 tàu không số cải trang thành tàu cá. Lênh đênh trên tàu hai ngày đêm tới rạng sáng ngày 14/4 thì tới đảo. Khi tới đảo tất cả vẫn đang trong tình trạng mơ hồ vì say sóng nhưng ông Phát cùng với những người đồng đội đã chia làm 4 mũi, bí mật, bất ngờ tiếp cận đảo.
Khi ra đi, ông Lê Xuân Phát được giao một nhiệm vụ đặc biệt hơn các đồng đội khác, ông mang theo người một lá cờ giải phóng cùng loa pin để tiến hành công tác địch vận, tránh thương vong cho đồng đội. Lá cờ giải phóng được ông Phát quấn gọn quanh người. Ngay sau khi trận địa bớt tiếng súng, ông Lê Xuân Phát đã nhanh chóng tiếp cận cột cờ trên đảo, hạ cờ ngụy xuống để thay bằng cờ giải phóng.
Ông Lê Xuân Phát nhớ lại lúc đó cờ đã bị ướt, vẫn còn những loạt đạn bắn về phía cột cờ nên ông phải thực hiện động tác kéo cờ thật nhanh để tránh thương vong. Khi cờ kéo xuống chỉ còn khoảng vài mét thì bất ngờ bánh xe kéo bị kẹt, buộc ông phải leo lên cột cờ để hạ cờ ngụy xuống và thay bằng cờ giải phóng, báo hiệu rằng đảo đã được giải phóng hoàn toàn… “Tôi không sợ hy sinh, trái lại tôi thấy vô cùng vinh dự, tự hào vì được giao nhiệm vụ kéo cờ giải phóng trên đảo. Đó là nhiệm vụ vinh quang, khó khăn nào tôi cũng hết sức vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nên trong đầu tôi chỉ tâm niệm một điều là phải kéo được cờ lên…”
Trận đánh diễn ra rất nhanh chóng, chỉ kéo dài khoảng 20 phút, nhưng đã có một đồng đội của ông mãi mãi nằm xuống trên hòn đảo này; một người khác bị thương nặng cũng hy sinh khi đang chuyển vào đất liền cứu chữa…
Cuộc gặp của 2 người lính
Là người lính, lại được lựa chọn vào đơn vị đặc công nước, trải qua các đợt huấn luyện gắt gao nên cho đến tận bây giờ ông Lê Xuân Phát vẫn giữ được tác phong, nếp sống của người chiến sỹ. Rời xa quân ngũ từ năm 1988, ông vẫn luôn mong mỏi có được cơ hội trở lại thăm đảo nơi chiến đấu cũ. Quê gốc của ông Phát ở Thanh Hóa nhưng hiện ông sinh sống với gia đình tại Hải Phòng. Ở Hải Phòng, ông Phát gặp gỡ nhiều đồng hương Thanh Hóa song không thể ngờ rằng trong số đó lại có một người lính đã từng sống, chiến đấu bảo vệ Trường Sa trong nhiều năm liền.
Ông Lê Xuân Phát và ông Lê Văn Tấn cùng đi Trường Sa chuyến này. Chỉ đến khi gặp gỡ nhau chuẩn bị cho chuyến đi cả hai người lính mới hay biết về chiến công thầm lặng của đồng đội mình. Nếu như ông Lê Xuân Phát là chiến sỹ đầu tiên cắm cờ giải phóng trên đảo Song Tử Tây, mở đầu các trận đánh giải phóng quần đảo Trường Sa thì ông Lê Văn Tấn đã có nhiều năm tham gia giữ đảo Sinh Tồn và Trường Sa lớn.
Thật khó có lời nào tả được cuộc gặp gỡ của hai người đồng đội trên chuyến đi lịch sử này, cả hai đều rất bất ngờ khi biết tin về đồng đội của mình. Nhưng họ đều có chung mục đích mong muốn đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến sự thay đổi của biển đảo quê hương. Với ông Lê Xuân Phát, sau 37 năm trở lại nơi chiến đấu xưa kia ông ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của đảo Song Tử Tây. Ngày xưa đảo chỉ có cây sâm đất là chủ yếu thì nay cây cối tươi tốt, nhà cửa san sát dưới các tán cây xanh hệt như một khu du lịch sinh thái giữa biển khơi. Đây chính là thành quả của quân và dân trên đảo từ ngày giải phóng đến nay.
Ông Lê Văn Tấn đã sống, chiến đấu, xây dựng đảo Sinh Tồn và Trường Sa lớn trong hơn 10 năm. Sau khi nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, cho đến nay là hơn 20 năm ông Lê Văn Tấn mới có dịp trở lại Trường Sa. Với ông, đây thực sự là một cuộc trở về ngôi nhà thân thương với bao xúc cảm, bồi hồi, khi nằm trên tàu HQ 996, những kỷ niệm, hồi ức từ xưa lại quay trở lại trong tâm trí người lính Trường Sa. Ông không khỏi xúc động khi hình dung lại những công việc thường ngày ông vẫn hay làm khi còn là chỉ huy hai đảo…
Ngày nay, cơ sở vật chất trên các đảo đã khang trang, cuộc sống của quân và dân đã được cải thiện nhiều so với trước. Cuộc gặp gỡ giữa hai người lính với quân và dân trên đảo thực sự có ý nghĩa, không chỉ với ông Lê Xuân Phát và ông Lê Văn Tấn mà với các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây. Họ luôn ghi nhớ công lao của những người đi trước, quân và dân trên đảo nguyện một lòng chắc tay súng bảo vệ thành quả mà các thế hệ đi trước phải trả bằng biết bao xương máu, hy sinh…/.