Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

TBT Nguyễn Phú Trọng: Một tấc đất cũng phải bảo vệ


“Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đó là yêu cầu thiêng liêng, đối với thành quả mà rất gian khổ chúng ta mới giành được”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Ba Đình, Hà Nội, ngày 29.6.

Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh các vấn đề dân sinh bức xúc, cử tri cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh trên biển Đông khi xuất hiện thông tin Trung Quốc mở thầu trái phép 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cử tri Vũ Mạnh Hiền (phường Điện Biên) đặt vấn đề: không chỉ trên biển, trong đất liền nhiều nơi cũng đã xuất hiện người Trung Quốc tự do làm ăn, chưa được kiểm soát. “Dân băn khoăn tại sao các cơ quan chức năng để thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường nước ta dễ thế. Để người Trung Quốc nuôi cá ở sát vịnh Cam Ranh có đảm bảo an ninh, quốc phòng không? Khổ mấy dân cũng chịu đựng được, nhưng chạm vào chủ quyền đất nước là điều không thể chấp nhận!”, ông Hiền nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hà Nội (Như Ý)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hà Nội (Như Ý)

Cùng mối quan tâm, cử tri Vũ Duy Thông (phường Đội Cấn), cử tri Trần Thanh Phi (phường Cửa Đông) hỏi: “Vấn đề biển Đông, chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta như thế nào? Với hành vi sai trái gần đây của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, hoạt không khai thác dầu khí của ta có bị ảnh hưởng gì không?”

Chia sẻ tâm tư của cử tri về tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Tổng bí thư cho biết: “Những băn khoăn, lo lắng đó là đúng. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã bàn để có phương án xử lý đúng đắn nhất”. Khẳng định việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Biển Việt Nam tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua là một thành công rất lớn, Tổng bí thư cho rằng, Luật đã quy định rất rõ: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”. Ông cũng cho biết, các cơ quan liên quan đã dự liệu được phản ứng của quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Trước cử tri, Tổng bí thư nhấn mạnh 3 mục tiêu: “Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Một tấc đất cũng phải bảo vệ. Đó là yêu cầu thiêng liêng, là thành quả mà rất gian khổ chúng ta mới giành được. Thứ hai, phải bảo vệ được chế độ. Thứ ba là giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Cũng tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Một số cử tri đồng tình với Nghị quyết TƯ 4, cho rằng nhân dân rất trông chờ vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này trong thời gian tới. Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh đặt câu hỏi: “Việc quản lý giám sát các tập đoàn kinh tế lâu nay diễn ra như thế nào mà tới giờ khi thanh tra đụng đâu cũng có sai phạm, thất thoát. Trước Quốc hội, không thấy lãnh đạo bộ ngành liên quan nào nhận trách nhiệm, vậy tập đoàn, tổng công ty có phải đang hoạt động tự do?”. Cử tri Phan Ngọc Minh cũng băn khoăn: “Nói chống tham nhũng, nhưng hiếm thấy cán bộ tự khai nhiều tài sản và không thấy ông nào nghèo cả”.

Đánh giá các ý kiến của cử tri là thẳng thắn, tâm huyết và chất lượng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội và các cơ quan chức năng liên quan để triển khai thực hiện.

Liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng bí thư cho biết, đúng là có sức ép rất lớn vì người dân đang chờ đợi xem Đảng làm được gì. Tuy vậy, Tổng bí thư khẳng định: “Kiên quyết phải làm. Cách làm là lâu dài, thường xuyên. Bước nào chắc bước đó. Hôm nay chưa “thắng” được tất cả nhưng sẽ “thắng” từng việc một, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...”. Tổng bí thư thông tin, hiện nay, các khâu triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đều thực hiện đúng tiến độ với các bước đi đồng bộ, kịp thời. Thực tế, một số vấn đề cũng là được sửa chữa kịp thời. Dự kiến, trong tháng 7.2012, cấp cao nhất trong Đảng sẽ kiểm điểm, tự phê bình.

Đề cập việc sửa Hiến pháp, Tổng Bí thư cho biết, sửa Hiến pháp là việc đại sự, lần này phải làm rất công phu. Phải lấy ý kiến toàn dân và dự kiến nếu sớm cũng phải đến năm 2013 mới có thể ban hành.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Đến Trường Sa lớn


Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa.

Thả hoa sau Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Anh: Đỗ Anh Thư
Thả hoa sau Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Anh: Đỗ Anh Thư

Thị trấn giữa trùng khơi

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tầu HQ 936 đưa chúng tôi qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây, sau đó đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, quân chủng Hải Quân đã cập bến đảo Trường Sa Lớn.
Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa. Hiện đảo Trường Sa Lớn là nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận như đảo An Bang, bãi Thuyền Chài, ...
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa – Trưởng đoàn công tác cho biết, chuyến công tác lần này là tiếp tục khảo sát cụ thể tình hình cuộc sống của quân và dân trên đảo. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp mang tầm vĩ mô để cho huyện đảo Trường Sa phát triển bền vững.

Sau giờ học của các em học sinh trên đảo.
Sau giờ học của các em học sinh trên đảo.

Một điều rất đáng ghi nhận là đến thăm lần này, đoàn đã được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thị xã Trường Sa Lớn, đời sống của quân và dân được cải thiện rõ rệt. Trên đảo  có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trạm khí tượng, trạm y tế, lớp học mẫu giáo lớn và các lớp cấp tiểu học...
Thị trấn nhìn từ xa đã tỏ rõ dáng hình của một đô thị nhỏ với Nhà khách Thủ đô – quà tặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân trên đảo - duyên dáng khoe mình ngay lối dẫn từ cầu tàu đi lên. Chưa kể một chòi đá cao 5,5m ở mũi phía nam, một  đường băng và một cảng cá. Vành đá ngầm bao quanh đảo nổi trên mặt nước khi triều xuống. Trên đảo còn có  giếng nước lợ sử dụng được, là nguồn  nước quan trọng thứ 2 sau nước mưa.
Theo thượng tá Đinh Văn Hải - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cùng với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, đây là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Năm 2011 và quý I/2012 đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, đồng thời hỗ trợ nước ngọt, khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp (ngư dân 177, nhân dân 66) và nhiều thuốc chữa bệnh cũng như vật dụng sinh hoạt khác.

Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Thượng tá Đinh Văn Hải cũng cho biết, đảo ở xa đất liền, môi trường khí hậu khắc nghiệt. Cuối năm 2011 mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 1 đến sớm trái với quy luật nên có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Mặc dù vậy, quân và dân trên đảo đã chủ động khắc phục khó khăn, nhiều hộ gia đình đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Cụ thể, đã trồng được 21.920kg rau xanh (bình quân 92kg/ng/năm). Tổng sản phẩm thu hoạch là 414.364.500 đồng, đưa vào cải thiện 331.491.600 đồng, bình quân đạt 1.649.212 đồng/người/năm. Ngoài ra trên đảo còn trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, đã chiết được 486 cây, trồng mới 714 cây xanh các loại, làm cho đảo “trắng” trước đây giờ xanh mát.

Tặng hộp đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở Vĩnh Phúc cho Trường Sa.
Tặng hộp đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở Vĩnh Phúc cho Trường Sa.

Đến thăm lớp học chừng 20m2, 1 cô giáo với 7 học sinh đủ các cấp học từ mẫu giáo lớn đến lớp 5 (chỉ thiếu lớp 4). Giảng toán cho lớp 3 xong quay sang kiểm tra bài làm văn của lớp 5, lại vội chỉnh nét chữ cho bé lớp mẫu giáo lớn - hình ảnh không mấy xa lạ ở các lớp ghép từng phổ biến một thời ở các vùng sâu, vùng xa, nay đã không còn thấy nhiều, nhưng đó lại là những hình ảnh vô cùng quen thuộc, nếu không muốn nói là đặc trưng của các lớp học nơi đảo xa này.
Thị trấn đảo Trường Sa Lớn chúng tôi đến hôm nay cũng tương tự thế, hơn ở chỗ đây là đảo duy nhất có giáo viên chuyên trách cho các lớp học chứ không chỉ toàn cán bộ xã kiêm nhiệm nhiệm vụ dạy học như bên Sinh Tồn hay Song Tử Tây... Việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo cũng được chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, sắp sinh nhưng bị thai ngang rất nguy hiểm, đảo phải điện ra bờ điều máy bay trực thăng vào, đưa thêm bác sĩ, rồi tiếp máu cùng những thiết bị y tế; 2 mẹ con được cứu kịp thời, nay cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa mừng sinh nhật tròn 1 tuổi trước hôm chúng tôi đến ít ngày. Điều đáng nói hơn, không chỉ là công dân bé nhất của đảo thời điểm này, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân còn là công dân đầu tiên, cũng là duy nhất, được sinh ra trên đảo Trường Sa Lớn.
Thể theo nguyện vọng của quân và dân trên quần đảo, cũng như của các vị chư tăng, đợt công tác này có 5 nhà sư ra trụ trì gồm 2 vị ở chùa Song Tử Tây, 2 vị ở đảo Sinh Tồn. Chúng tôi đã được nghe Đại Đức Thích Ngộ Thành gõ tiếng chuông đầu tiên tại chùa Trường Sa Lớn.
Cũng tại chùa, đặc biệt có tượng Phật ngọc Thích ca Mâu ni do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ tại chùa Vàng Shwedagon (Myanmar), nay Thủ tướng tặng cho chùa Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Trí Thành đã cầu nguyện cho quốc thái dân an, vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, cầu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc được siêu thoát, nhân dân an lạc, cán bộ chiến sĩ trên đảo vạn sự cát tường như ý.
Thấu hiểu và chia sẻ  những vất vả của quân và dân trên huyện Trường Sa, phong trào “Hướng về Trường Sa thân yêu” được cả nước nói chung, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã quan tâm, đến nay hầu hết các đảo đã được xem truyền hình, các điểm đảo đều có máy vi tính, máy lọc nước, thư từ báo chí...
Với tình cảm với Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, chính quyền, đoàn thể cũng như các doanh nghiệp trong đoàn đã mang nhiều phần quà rất thiết thực tặng cho quân và dân trên đảo Song Tử Tây. Cụ thể, Bộ tư lệnh Hải quân, văn phòng UBND, các ban ngành, doanh nghiệp... của tỉnh Khánh Hòa tặng 19 thùng hàng gồm các trang thiết bị trường học, các nhu yếu phẩm thiết yếu... Điện lực Vĩnh Phúc tặng 205 triệu đồng của cán bộ công nhân viên toàn công ty phát động ủng hộ 1 ngày lương. Ngoài ra tỉnh còn tặng tượng Bác Hồ bằng đồng, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 5 bộ máy vi tính, 2 tủ lạnh, bóng đèn tiết kiệm điện...
Đặc biệt hộp phần đất Vĩnh Phúc mang cùng cây trồng tặng huyện đảo Trường Sa rất có ý nghĩa. Đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở  miếu Ghè, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi thờ 2 vị Thánh Cô có công đánh giặc giữ nước. Tỉnh Vĩnh Phúc còn mang 2 cây đại, 1 cây bồ đề, 1 cây trúc tặng chùa Trường Sa Lớn.
Ông Ngô Hà Thái - Phó Tổng Giám đốc TTXVN, đã thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN tặng 1 tủ sách để xây dựng thư viện trên đảo với gần 3.000 đầu sách, 1.000 cuốn tạp chí, máy tính truy cập Internet... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo, phần nào bớt đi  những khó khăn cho các chiến sĩ, nhân dân Trường Sa để vượt lên bám biển, giữ cho bằng được chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Khai thác các nguồn lợi từ biển

Đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa Lớn, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thay mặt lãnh đạo tỉnh đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với tinh thần Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa, hãy nghiên cứu đóng góp kinh phí hoặc trực tiếp triển khai để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên đảo, trước mắt là đầu tư 3 tàu đánh bắt thủy sản 33 CV và 3 khu chăn nuôi, tập trung tại 3 xã đảo là Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa Lớn để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhân dân trên đảo, cũng như cải tạo cảnh quan môi trường trên các đảo.

Lễ tưởng niệm.
Lễ tưởng niệm.

Chuẩn đô đốc -  Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, cùng với Quân chủng Hải quân còn có các cấp, các ngành, các tỉnh thành, các doanh nghiệp, với hành động thiết thực và hiệu quả góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu cũng như đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần để quân dân huyện đảo Trường Sa ấm lòng, yên tâm hơn và vững tin vào đất liền, yêu mến  gắn bó với biển đảo.
Quân và dân huyện đảo Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Chuẩn đô đốc cũng cảm ơn những người dân đã sẵn sàng rời đất liền, chọn đảo là nhà của mình, bên cạnh đó cũng ghi nhận sự cố gắng rèn luyện của các chiến sĩ trên đảo xa.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đoàn công tác  đã có nhiều cảm xúc và tình cảm khác nhau, nhưng tựu trung là ngạc nhiên, khâm phục, chia sẻ và tin tưởng vào QĐNDVN, vào Hải quân trong việc nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, thực hiện thành công chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.
Ông Trần Sơn Hải cũng cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các xã, thị trấn huyện đảo thì chăm lo đến đời sống cán bộ, nhân dân  trên đảo được đặt lên hàng đầu. Đồng thời việc hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân của các địa phương đến đánh bắt hải sản tại vùng biển, vùng đảo cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Trường Sa là tiền đồn Tổ quốc, nhưng để tiền đồn được vững mạnh như ngày nay, đã có sự góp sức quan trọng của các anh các chị, những người con của Trường Sa. Tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển đang là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với cả dân tộc ta.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Chung tay giu gin bien dao


Hơn 30 kiều bào trở về từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có chuyến đi lịch sử đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc – Trường Sa – từ ngày 18 đến 26-4

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”. Lời bài hát vẫn cứ ngân vang trong lòng hơn 30 kiều bào sau hành trình 9 ngày đến với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sơn Đông, Đảo Lớn, nhà giàn DK1… Họ đến với đảo để được tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Họ đã cùng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các linh hồn chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.

Những người con trở về


Ông Võ Đăng Quốc, Việt kiều Đức, từng làm việc cho Công ty Siemens và nay là thành viên CLB Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều thuộc Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết chuyến đi của ông thật tuyệt vời.
Ông thật sự bất ngờ khi gặp ở Trường Sa toàn màu xanh bát ngát trên các đảo, người dân và chiến sĩ không lo thiếu nước, rau xanh trong hoàn cảnh khắc nghiệt của hải đảo. Là một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, ông bày tỏ mong muốn được góp công sức, cung cấp các máy lọc nước biển thành nước ngọt để giúp cho quân, dân sống trên các đảo có thể yên tâm sinh sống, vững tin gìn giữ biển đảo của quê hương.
Tuy không phải là lần đầu tiên ra Trường Sa nhưng anh Điện Văn Hùng đến từ Romania vẫn không giấu được xúc động khi đi thăm các ngôi mộ liệt sĩ ở đảo Nam Yết. Anh tâm sự: “Dù chúng ta cố gắng bù đắp bao nhiêu vẫn không thể đền đáp hết được công lao những chiến sĩ quên mình vì chủ quyền Tổ quốc. Tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh để sau chuyến đi này sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với bà con nhằm chia sẻ và giới thiệu cho mọi người cùng biết”.

Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát
Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát. Ảnh: QUEHUONG ONLINE

Cũng như Hùng, ca sĩ hải ngoại Lệ Hằng tâm sự sẽ mang những băng video, tranh ảnh về khoe với gia đình, bạn bè của bà ở California, nơi bà sinh sống. Trên tất cả, điều mà bà muốn khoe nhất vẫn là tình cảm của chiến sĩ và đồng bào Trường Sa dành riêng cho mình. Ở đâu, ca sĩ Lệ Hằng cũng cố gắng hát “hết công suất”, cứ chiến sĩ nào yêu cầu là bà lại cất cao giọng, hát cho đến khi không thể hát được nữa.
“Được trở về với biển đảo quê hương là một vinh dự và tôi thật sự xúc động khi mang tiếng hát lời ca đến với các chiến sĩ” – ca sĩ Lệ Hằng tâm sự. Lệ Hằng kể ở đâu bà cũng được đón chào nhiệt tình như một người thân trong gia đình. Khi bà hát, có người đuổi muỗi cho bà, rồi có chiến sĩ còn muốn trang điểm cho bà khi bà đã quá mệt vì hát nhiều. “Chuyến đi này thật đặc biệt. Tôi rất hạnh phúc khi được trở về quê nhà, về với Trường Sa thân yêu ” – Lệ Hằng thốt lên.

Cùng xây dựng quê hương


Chồng ca sĩ Lệ Hằng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng, mang tâm trạng của người con tha hương đã lâu, nay được trở về mái nhà xưa. Ông cảm thấy ân hận vì đã gần 36 năm mới đặt chân lên nơi mình đã sinh ra. “Tôi là một người Việt Nam bỏ đất nước ra đi dù là trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng sao đất nước thống nhất lâu rồi tôi lại không về? ” – ông Hùng tự hỏi.
Từng tham gia quân đội Sài Gòn, ông Hùng đã rời bỏ quê hương và không muốn quay lại bởi những thông tin mù quáng và bị bưng bít. Thế nhưng, sau 9 ngày về với đất mẹ, ông đã hiểu mình bị lừa dối. Ông tâm sự: “Ai cũng sung sướng được đặt chân lên hải đảo thiêng liêng nhưng với tôi còn thêm cảm giác ăn năn của một người con từng bỏ đất nước đang quay về tạ tội”.
Làm việc cho một trang mạng, ông Hùng đã liên tiếp gửi hàng chục bài viết, hàng ngàn tấm ảnh và video lên đó. Ông cho biết bước chân về Việt Nam, ông cảm thấy quê hương thật sự thanh bình suốt 37 năm. Theo ông, giờ là lúc “cần đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” để cùng bắt tay xây dựng quê hương, giữ gìn biển đảo.

Tại lễ cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ trên đảo Gạc Ma, đại diện cho cộng đồng Hồi giáo Việt Nam ở Ninh Thuận, ông Issa Tâm xúc động nói ông cảm thấy rất gần gũi với các chiến sĩ trên đảo và muốn được ở lại cùng với họ nơi đầu sóng ngọn gió để chia sẻ đắng cay, ngọt bùi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, thay mặt đoàn đã trồng những cây bồ đề trên các đảo nổi. Đoàn công tác cũng mang theo những nắm cát mang về từ dãy Himalaya để trao cho trụ trì chùa Song Tử Tây, đại diện đảo Nam Yết và Trường Sa Lớn.

500 triệu đồng ủng hộ quân, dân Trường Sa

Đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa cùng với một số kiều bào ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha ngày 1-5 đã chuyển số tiền hơn 500 triệu đồng ủng hộ quân, dân quần đảo này.
Nhiều kiều bào cho biết sẽ tiếp tục vận động bà con ở hải ngoại hưởng ứng đợt phát động “Vì biển đảo thân yêu” của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Sóng chồng lên sóng


Trường Sa mùa biển động

Con tàu HQ 936 của Vùng bốn Hải quân đã có hơn ba mươi ngày lênh đênh trên sóng nước và đã có hơn hai phần ba thời gian của hành trình vượt bão tố để mang Tết đến với những người lính đảo. Có mặt cùng các cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), phóng viên đã ghi lại nhật ký từ chuyến hải hành vượt sóng này.
Hát trên boong tàu đang vượt sóng...

Về với biển

Vì chưa một lần được lênh đênh trên biển, hôm nhận được công văn đi Trường Sa, tôi háo hức lắm! Háo hức cứ như là đứa trẻ con được bố mẹ cho đi du lịch vậy. Nhưng, biết tôi đi Trường Sa, một vài bạn bè lo: “Trường Sa sóng cả, mệt mỏi lắm đấy!”. Ngày 15/12/2011, theo kế hoạch, chúng tôi - những nhà báo - đã được bố trí trên ba con tàu để “lênh đênh” theo ba hướng nhằm Trường Sa rẽ sóng.

Đêm đầu tiên ở Nhà khách Vùng bốn Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa), tôi không sao ngủ được. Biển ngoài kia, gần lắm với Nhà khách, vẫn ầm ào sóng. Không ngủ được, tôi chỉ nằm trằn trọc và nghĩ nhiều thứ. Trong đầu cứ lơ mơ một điều gì đó không rõ về biển. Biển lúc dữ dội, lúc yên bình, nhưng vô cùng rộng lớn. Ừ, thì biển rộng nhường kia…

Tôi trở dậy và mở cửa phụ bước ra lan can căn phòng. Trời chưa sáng hẳn. Phía bên kia, ngay trong tầm mắt tôi là hàng dương khẽ rung trong gió sớm. Tôi bỗng nhớ chuyện hồi nhỏ: Lũ trẻ con chúng tôi thường hay ra chơi đủ thứ trò ở một bờ dương trên đồi cát ven làng. Làng tôi cách biển đến năm bảy cây số gì đó. Lũ con trai thường hay leo lên những cây dương liễu cao nhất để nhìn về biển. Hàng dương cao lắm, nhưng không đủ cao để chúng tôi nhìn thấy biển. Thằng Còn là đứa con trai lém lỉnh nhất trong nhóm. Nó leo lên một cây thấp tịt nhưng lại reo lên: “Kìa! Biển kìa! Tao nhìn thấy biển rồi!”. Cả nhóm nhao lên và chạy đến gốc cây liễu có thằng Còn đang đong đưa ngược đầu xuống đất. Cả nhóm tranh nhau trèo lên. Có đứa còn leo cao hơn thằng Còn và hỏi: “Đâu? Biển đâu? Sao tao không thấy?”. Thằng Còn vẫn cố cãi: “Thì đấy! Biển đấy! Biển kia kìa! Biển rộng quá trời kia kìa!”. Tôi không tin thằng Còn nhưng cứ mong là nó nhìn được biển, vì nghe nói biển rộng lớn lắm.

Lúc này đây, mặt trời đã bắt đầu ló rạng trên biển. Mặt trời đẹp quá, và biển cũng đẹp quá! Tôi khẽ thốt lên: “Thì biển rộng nhường kia mà…”. Ngồi trước chiếc máy tính, tôi không nhìn thấy biển nhưng chắc chắn một điều là tôi không giống như thằng Còn bạn bè lúc nhỏ ranh mãnh lừa lũ chúng tôi bằng câu: “Tao nhìn thấy biển rồi!”.

Ngày 15/12/2011, đúng 17 giờ, cả ba con tàu của Vùng bốn Hải quân là HQ 936, HQ 996 và Trường Sa 22 cùng xuất phát từ cảng quân cảng Cam Ranh trực chỉ Trường Sa theo ba hướng giữa, Bắc và Nam.

Sáng 16/12/2011, tôi đã trải qua đêm đầu tiên lênh đênh trên biển sóng với con tàu HQ 936. Tước khi hành quân, thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nói với tôi: “Tàu nào cũng thế, bắt đầu xuất phát vào lúc 5 giờ chiều, đi suốt đêm, rồi tiếp tục chạy cả ngày mai, và rồi lại chạy nguyên một đêm nữa, đến sáng ngày tiếp theo thì sẽ cập vào hòn đảo đầu tiên trong những đảo mà chúng ta sẽ đến”. Có lẽ, với mọi người, vấn đề thời gian không quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là làm sao chống chọi lại cơn say của sóng biển.

Chiều tối đầu tiên trên biển, sau khi rời quân cảng Cam Ranh được khoảng nửa tiếng đồng hồ thì tàu bắt đầu “đánh võng”. Đó là lúc chúng tôi dùng cơm tối trên tàu. Bữa cơm chưa kịp kết thúc, thì mọi người đều đã lăn ra sàn. Cũng cần nói thêm, phòng chúng tôi ở là phòng của Máy trưởng M2.

Ngày đầu tiên, quả thực là tôi không hình dung nổi mức độ sóng biển giữa trùng khơi khủng khiếp đến nhường này. Thỉnh thoảng, bởi tò mò, tôi nhỏm dậy nhìn biển qua ô cửa sổ tròn trong phòng. Biển chỉ một màu xanh thẫm dẫn đến một nơi tít tắp nào đó. Và sóng, dẫu giữa trùng khơi, nhưng vẫn bạc đầu, lớp từng lớp dâng cao ập vào mạn tàu một cách hung tợn. Bước ra lan can, tôi bắt gặp nhiều anh lính trẻ chọn ngay chính lối đi để ngồi và cố gắng chống lại cơn say của sóng biển.

Bình minh từ biển

Buổi sáng hôm sau thức dậy, tôi vội chạy đến ô cửa tròn của con tàu HQ 936 để nhìn về hướng Trường Sa. Chỉ mịt mùng sóng nước. Vậy là đã có liên tục hai đêm và một ngày chúng tôi lênh đênh trên mênh mông biển cả. Cả hai buổi sáng vừa rồi với lần thức dậy cuối cùng (khoảng 5 giờ sáng), tôi đều hướng mắt ra bên ngoài ô cửa sổ hình tròn của con tàu để mong được một lần giữa trùng trùng biển khơi, giữa mông mênh xanh ngắt một màu của sóng cả, tôi lần đầu tiên được nhìn thấy mặt trời mọc lên từ lòng đại dương. Tuy nhiên, mấy buổi sáng liền của chặng đầu hành trình, qua ô cửa tròn của con tàu đang lênh đênh dập dềnh sóng nước, tôi chỉ thấy ngút ngát một màu xanh, xanh đến hút tầm mắt, kéo đến tẩn tận đẩu đâu bên kia bờ sóng.

Mùa này biển động! Có lẽ bởi thế, nên giữa nơi trùng trùng biển khơi này rồi mà sóng vẫn cứ bạc đầu. Con tàu HQ 936 từ chiều hôm 15 đến 17/12/2011 đã có gần bốn mươi tiếng đồng hồ chạy liên tục trên biển với gần như một hướng nên chắc chắn giờ này nó đang ở đâu đó giữa biển khơi cách khá xa đất liền rồi.

Con tàu đã xa đất liền gần bốn mươi tiếng đồng hồ nhưng hiện vẫn cứ chao đảo một cách dữ dội trên sóng nước. Trước khi đi, nhiều người hỏi tôi: “Mùa này biển động, liệu sức có chịu nổi không?”. Suốt gần bốn mươi tiếng đồng hồ đầu tiên đó, tôi phần nào ý thức hơn cái sự “động” của biển thông qua sự chao đảo, ngả nghiêng của con tàu.

Rồi, buổi sáng tiếp theo đó, qua ô cửa sổ hình tròn, tôi lại thấy sóng vẫn bạc đầu trùng trùng điệp điệp chồng lên nhau, nối đuôi nhau, giẫm đạp nhau, hòa vào, rồi tách ra… tung bọt trắng xóa. Sóng biển giữa trùng khơi cứ thế ầm ào đập vào mạn tàu. Nhưng, con tàu vẫn cứ gan lì rẽ sóng lướt tới.

Tôi đoan chắc rằng, những ai sống trên dải đất hình chữ S này đều cảm nhận được ý nghĩa khi lần đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc lên từ mũi Cà Mau hoặc ở ải Nam Quan địa đầu. Con tàu HQ 936 vẫn nhằm hướng Đông trực chỉ. Và có lẽ bởi vậy, chỉ có bên mạn tàu, qua ô cửa sổ hình tròn, tôi đã nhìn thấy những hạt nước li ti lấp lóa vỡ ra từ những con sóng bạc đầu giữa trùng khơi để ngẫm ngợi về chuyện được nhìn thấy mặt trời mọc lên từ lòng đại dương.

Và, tôi nghĩ, chắc chắn trong hành trình gần một tháng theo dự kiến này, tôi không chỉ nhìn thấy “ảnh xạ” mặt trời qua ô cửa kính hình tròn của con tàu đang đưa tôi lênh đênh giữa lòng đại dương mênh mông để đến với biên đảo Trường Sa thân yêu như tôi vừa nhìn thấy và đã kịp nhận ra “ảnh xạ” đó!

"Hành khúc chiến sĩ Trường Sa

Ta là chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa

Giữa bão tố phong ba, đảo vẫn là nhà

Theo tiếng gọi của quê hương, đất nước

Cùng về đây chung lòng bảo vệ đảo Trường Sa"

Theo Thanh tra

Làng xây đảo Trường Sa

Hàng trăm người dân ở làng Bình Gi, xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Ðịnh đã và đang tham gia xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Họ không chỉ góp một phần vào việc kiến thiết hải đảo mà nhiều người đã chọn biển đảo như một quê hương thứ hai.

Cơ duyên đặc biệt

Cách Trường Sa hàng ngàn kilômét, hành trình ra xây dựng ở các hải đảo xa xôi của những nông dân làng Bình Gi là một hành trình không đơn giản. “Mất ba ngày ba đêm trên ôtô từ Nam Định vào Cam Ranh, rồi lại mất thêm ba ngày ba đêm nữa trên chiếc tàu lênh đênh giữa muôn trùng sóng mới ra đến đảo Nam Yết”, ông Lê Văn Biền, một trong những người đầu tiên ở làng Bình Gi đi xây đảo nhớ lại. Quen sống trên đất liền nên hầu hết những anh “dân sự” đi xây đảo đều phải đối mặt với thử thách đầu tiên của biển cả là say sóng. “Tất cả đều say. Anh nào nhẹ thì nhào lên nhào xuống chóng mặt quay cuồng, anh nào nặng thì nôn ra mật vàng mật xanh, nằm bệt một chỗ”, ông Biền khẽ rùng mình.

Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết.

Ngoài trồng lúa, khá nhiều người trong làng Bình Gi có nghề thợ xây. Trai tráng trong làng cứ ăn Tết xong là kéo nhau lên thành phố, ra các vùng khác làm thợ. Hồi năm 1988, cả nước phát động phong trào vì Trường Sa. Những con tàu mang tên Quy Nhơn, Sông Côn, Ba Tơ... đã chở hàng trăm công nhân cưỡi sóng ra sát cánh cùng bộ đội “tôn nền Tổ quốc”. Trong số hàng trăm người đi xây đảo ngày ấy có những người con của làng Bình Gi.

Câu chuyện cả làng đi xây đảo ở Trường Sa đến với những người thợ làng Bình Gi thật tình cờ. Hồi đó, làng Bình Gi còn nghèo. Nhà ông Biền dăm bảy miệng ăn mà mỗi khẩu chưa được nổi một sào ruộng. Một ngày cuối năm 1990, ông Hoàng Kiền (khi ấy là trung tá, chỉ huy trưởng một đơn vị công binh, sau này là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, Tư lệnh Binh chủng công binh) về quê tuyển người ra Trường Sa. ông Biền nhớ lại: “Lúc đó, ông Kiền nói cần tuyển công nhân có tay nghề cao để tiếp tục việc tôn tạo và xây dựng các đảo ở Trường Sa. Nếu đi sẽ được trả lương cao gấp đôi ở đất liền, ăn uống không mất tiền. Cả hai bố con tôi đăng ký ra Trường Sa xây đảo”.

Cả làng Bình Gi có rất nhiều người đăng ký nhưng đợt đầu Trung tá Hoàng Kiền chỉ tuyển 7 người thợ giỏi nhất, ngoài ông Biền còn có ông Diện, ông Tự, ông Túc, ông Hoàn... “Chuyến đầu tiên ấy là vào tháng 2/1991, chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng ngôi nhà hai tầng cho bộ đội hải quân thường trú trên đảo và xây dựng cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa”, ông Biền nhớ lại.

Sau chuyến đi xây đảo đầu tiên của những thợ nông dân làng Bình Gi, cho đến nay, đã có hàng trăm người tham gia xây dựng trên các hải đảo của quần đảo Trường Sa. Người ít thì đi dăm ba tháng, người nhiều đi mấy năm trời, về quê một thời gian rồi đi tiếp. Không chỉ làm thợ xây, Bình Gi còn góp cả thợ sắt, thợ mạ, thợ mộc, công nhân phá đá, vận chuyển đá từ đất liền xuống tàu... Hỏi chuyện ngày xưa, những người nông dân lam lũ vẫn cứ kể rành rọt những địa danh: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lớn, Đá Tây...

Những ngày đi xây dựng trên các hải đảo đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên và những vỏ sò, vỏ ốc, những nhành san hô nho nhỏ của biển đảo quê hương đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng trong ngăn tủ của mỗi gia đình Bình Gi. Ông Lê Văn Biền mở tủ lấy cho chúng tôi xem “quà Trường Sa” của mình. Cả sáu vỏ ốc lớn nhỏ lấy về từ đảo Nam Yết trong lần đi xây đảo vẫn được ông giữ gìn trân trọng trong tủ kính ở giữa nhà từ suốt hai mươi năm qua.

Người thợ đã từng xây đảo Trường Sa lưu giữ đôi bình hoa bằng vỏ đạn được mang về khi đào móng xây nhà trên đảo như một kỷ vật.

Kỷ niệm không quên


Xây dựng trên đất liền vất vả một thì lao động, làm nhà trên hải đảo vất vả gấp năm, gấp mười. Ngày đó, cái ám ảnh nhất là thiếu nước ngọt và phải chiến đấu thường xuyên với nắng gió. Cả đảo chỉ có vài cây xanh, anh em căng bạt ra, cứ thấy nao nao chuẩn bị say nắng thì chạy vào nghỉ một chút, rồi lại ra làm. Ông Lê Văn Biền hồi tưởng: “Sống giữa biển khơi nhưng lại toàn là nước mặn, nước ngọt vô cùng khan hiếm. Vữa để xây ở đảo phải trộn bằng nước ngọt, nhiều lúc phải dành nước ăn, tiết kiệm từng ca nước để trộn xi măng”.

Ký ức về những ngày sống trên đảo vẫn sống động trong tâm trí ông Biền: “Bình thường ở nhà, nước ngọt dùng thoải mái nhưng trên đảo mỗi người tắm chỉ được tối đa một ca nước. Anh em gặp cơn mưa ai cũng đứng giữa trời để được tắm thỏa thuê. Nhưng có đợt mưa to quá, những bờ tường mới xây che chỉ được một phần, phần còn lại mưa tróc hết vữa, sợ không đủ vật liệu làm, anh em bộ đội, cán bộ chỉ huy và thợ cùng đứng ngây ra khóc”.

Ông Đoàn Văn Tự ở Bình Gi có thâm niên hai lần gắn bó với đảo. Hồi thanh niên, ông làm chiến sĩ ở Đoàn M71 Hải quân. Sau xuất ngũ lại trở thành thợ xây đảo. Đi xây đảo ở Nam Yết, ông Tự nhớ lại có lần đang đứng thì trời tối tăm mù mịt, ông cùng anh em chỉ kịp chạy vội vào công sự gần đó trú ẩn. Sóng nổi lên được một lát thì bỗng thấy cả một bồn đựng đầy 25.000 lít xăng bị cuốn bay mất. “Bão tố ở trên đảo vô cùng khủng khiếp, tôi nhiều lần chứng kiến tàu ra đảo gặp bão cứ phải chạy vòng quanh vì chỉ cần dừng lại một chút là sóng đánh chìm”, ông Biền bảo.

Không chỉ đối mặt với nắng gió, bão tố, những người thợ xây đảo ngày ấy còn phải “sống chung” với sự thiếu thốn đủ bề, nhất là rau xanh. Tất cả đều là khô: lương khô, thịt khô, cá khô, rau xanh rất ít, nhiều người bị bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh kiết. Thế nhưng trong những ngày tháng gian khó đó vẫn luôn ấm áp tình quân dân giữa những người thợ “dân sự” xây đảo với người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. “Chúng tôi sống với nhau gắn bó, tình cảm lắm. Tất cả đều hài hòa như một gia đình. Những người lính đảo san sẻ với 7 người chúng tôi từng con cá, con vích bắt được, từng ca nước tắm, mớ rau xanh”, ông Biền xúc động kể lại như chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.

Đảo Trường Sa Đông.

Có những người thợ xây, thợ mạ Bình Gi đã trưởng thành hơn từ những ngày lao động trên hải đảo, có những người sau khi hoàn thành công việc lại trở về với đồng ruộng quê hương nhưng cũng có những người đã gia nhập những công ty xây dựng lớn để gắn bó với hải đảo như một phần cuộc sống. Những tổ trưởng như anh Cần, anh Bốn, anh Hương vẫn thường xuyên về làng lấy thêm người đi xây dựng trên các đảo. Và những người con Bình Gi hết lớp này đến lớp khác lại ba lô, khăn gói lên đường đi kiến thiết cơ sở hạ tầng cho Trường Sa.

Những người vợ, người mẹ ở nhà chỉ cứ đến ngày rằm, mùng một lại lên chùa thắp hương cầu nguyện cho những người đang xây dựng ngoài khơi xa. Không biết có phải vì thế mà hàng trăm người đi thì cũng ngần ấy người trở về đất liền an toàn. Chị Đỗ Thị Ngát, vợ anh Phan Đình Bốn tâm sự: “Thời tiết trên đảo khắc nghiệt, bão tố triền miền, ăn uống thiếu thốn, một năm anh làm việc ngoài khơi đến ba, bốn tháng liền. Suốt từ năm 2002, anh cứ đi biền biệt như thế, chỉ được nghỉ phép vào mỗi dịp Tết âm lịch. Tôi cũng lo lắm, nhiều đêm khóc ròng nhưng biết anh đã chọn biển đảo như quê hương thứ hai của mình nên lại động viên anh lên đường, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình một phần nhưng cũng vì được đóng góp sức mình cho hải đảo của Tổ quốc”.

Mỗi đảo xây xong, tấm bia đá chủ quyền được làm mới lại, khắc tên nước, kinh độ, vĩ độ là lòng những người thợ xây đảo lại thấy tự hào giữa biển trời Tổ quốc. “Cái tình Tổ quốc ở Trường Sa lớn lắm” - ông Biền nói.