Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Thuyền Chài. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Thuyền Chài. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

"Thực túc binh cường" ở Trường Sa

Đứng trước vườn đu đủ, mướp đắng trĩu quả, những luống rau bầu, rau bí xanh non, Trung tá Phạm Văn Hiến-Phó chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn tâm sự: “Để cải tạo hòn đảo vốn cằn cỗi, xơ xác trở thành trù phú như hôm nay là cả một quá trình kiên trì, cần mẫn, thể hiện ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện quan điểm “thực túc, binh cường” của cán bộ, chiến sĩ trên đảo!”.

Ít ai ngờ rằng, tứ bề là biển mặn nhưng trên đảo lại có nguồn nước ngọt quanh năm. Nhờ gần chục giếng nước ngọt nên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mới có điều kiện đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi gây dựng đàn heo thịt, heo rừng, gà vịt… đủ để bảo đảm cuộc sống, nuôi quân. Điều này đồng nghĩa với việc sức sống ở thị trấn Trường Sa không chỉ dừng lại ở màu xanh cỏ cây, hoa lá mà còn có cả sự hiện diện của những đàn gia súc, gia cầm đông đúc... Thiếu tá Trần Thanh Phương, Trợ lý Hậu cần đảo Trường Sa Lớn cho biết, kết quả tăng gia năm 2011: Rau xanh bình quân 124,9 kg/người/năm; thịt 15,5kg/người/năm; cá 10,8kg/người/năm. Hiện trên đảo vẫn còn đàn lợn gần 100 con; gà, vịt hơn 200 con; 4 vườn rau được quy hoạch một cách rất bài bản.

Chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc đàn lợn.

Để công tác chăn nuôi phát triển, Ban chỉ huy đơn vị và bộ phận Hậu cần coi trọng việc thuần chủng các giống lợn thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trên đảo; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; tăng cường che chắn, củng cố hệ thống chuồng trại. Thời kỳ gia súc, gia cầm sinh sản, đơn vị có giải pháp chăm sóc riêng. Mùa đông, che chắn đủ ấm, mùa hạ thoáng mát. Tổ chăn nuôi thường xuyên lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo mùa vụ...

Tại các đảo chìm, không có điều kiện xây dựng chuồng trại nên bộ đội chỉ nuôi chó, gà, vịt, chứ không nuôi được lợn. Nuôi chó vừa để “canh” đảo, vừa làm nguồn thực phẩm trong điều kiện mưa, bão dài ngày. Do được bộ đội tận dụng các loại thức ăn dư thừa như: Tôm, cá, cua, ốc... phục vụ chăn nuôi, nên gà, vịt nhanh lớn và mắn đẻ, đủ cung cấp trứng cho bộ đội khẩu phần ăn theo định lượng...

Ở nơi “thừa nắng gió, thiếu đất đai”, việc quy hoạch những khu vườn trồng rau ở đảo nổi không hề đơn giản, bình quân mỗi năm đảo bổ sung từ 10 đến 12m3 đất màu chở từ đất liền ra. Với số tiền Bộ tư lệnh Vùng 4 đầu tư mỗi vườn rau từ 7 đến 8 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo huy động hàng nghìn ngày công ngoài giờ cải tạo đất màu. Cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian nhặt phân heo, lá cây nhàu, cỏ dại ủ phân xanh. Mỗi lần thay quân là bộ đội lại bổ sung thêm cây giống, con giống. Cách chọn gieo trồng mùa nào thứ ấy không những giúp vườn rau phát triển nhanh, mà còn tránh tình trạng sâu bọ phá hoại. Tại đảo chìm, công tác tăng gia, càng thêm khó khăn. Bộ đội trồng rau vào những khay nhựa tổng hợp đựng đất màu. Trồng rau vào khay nhựa thuận tiện cho việc chăm bón và di chuyển địa điểm mỗi khi có bão gió.

Trong chuyến công tác Trường Sa, khi đến các đảo Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Tây... chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh những người lính trẻ tiết kiệm từng giọt nước, nâng niu từng cọng rau mới thấy họ trân trọng thành quả, sức lao động và quyết tâm vượt khó biết nhường nào... Dù ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, song nhờ quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “thực túc, binh cường” đã giúp những người lính đảo Trường Sa có thể phần nào đáp ứng nhu cầu về rau xanh và thực phẩm tươi sống.