Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải đội Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải đội Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Khẳng định chủ quyền biển, đảo từ hơn 300 hiện vật

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội vừa mở cửa phòng trưng bày "Di sản văn hóa biển Việt Nam" với hơn 300 hiện vật có niên đại trải dài từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Ðây là những hiện vật quý, mang giá trị khoa học và lịch sử rất cao, là minh chứng rõ rệt nhất, khẳng định một cách rõ ràng cơ sở lịch sử về chủ quyền biển, đảo vùng lãnh hải của Việt Nam, cũng như quá trình thực hiện liên tục và mang tính thực tế về chủ quyền đó trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Tượng đài Ðội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.
Tượng đài Ðội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.

Các hiện vật "Di sản văn hóa biển Việt Nam" được trưng bày theo ba không gian với các nội dung: Di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử tới thế kỷ 10; di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 và di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 19 đến hiện đại. Bên cạnh những hiện vật khảo cổ học và các hình ảnh thể hiện các không gian di sản văn hóa biển Việt Nam qua các di chỉ Hạ Long ở Quảng Ninh, Quỳnh Văn, Xóm Ốc ở đảo Lý Sơn, các hiện vật văn hóa Ðông Sơn, Sa Huỳnh... phòng trưng bày còn có nhiều tài liệu khoa học như bản đồ di tích khảo cổ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồ đồng vùng duyên hải và một số đảo, quần đảo Việt Nam; bản dập hoa văn hình thuyền trên trống đồng Ðông Sơn, bản đồ con đường gia vị thời cổ đại, v.v.  Các hiện vật không những cho thấy sự phong phú về văn hóa biển Việt Nam qua các thời kỳ mà còn thể hiện sự phát triển về thương mại, giao lưu quốc tế với các nước trong khu vực đường biển ở nước ta qua các di tích, tài liệu về những cảng thị lớn  trải dài từ bắc vào nam...

Nhiều tài liệu lịch sử quý hiếm cũng đã được trưng bày một cách đầy đủ theo tiến trình lịch sử về quá trình tiến ra Biển Ðông, khai thác và khai phá các vùng biển, đảo từ rất sớm của người Việt, nhất là trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây là phần trưng bày thu hút sự quan tâm của người xem, trong đó có tấm bản đồ khảo cổ học Vân Ðồn, bản trích Ðại Việt Sử ký Toàn thư về việc lập thương cảng Vân Ðồn; bản phục chế Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn có ghi chép rõ chi tiết về việc thành lập và quá trình hoạt động của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ðặc biệt là tấm bản đồ trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630 - 1653) do Ðỗ Bá, tự Công Ðạo soạn. Tài liệu này bao gồm các bản đồ nước ta từ thế kỷ 15, trong đó có tấm bản đồ vẽ và ghi chú về quần đảo Hoàng Sa; bản đồ Ðông - Nam Á, bao gồm Biển Ðông và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam của Blaeu năm 1635. Trong phần trưng bày từ thế kỷ 19 đến nay, người xem cũng được chứng kiến nhiều tài liệu khoa học như bản in sao Ðại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh; bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1838), trong đó nói rõ về quá trình thực hiện khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với việc cử các đội hải binh cùng các chức quan lên đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Bên cạnh đó, còn có bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Ðại thứ 13 (1939) về Hoàng Sa và bản in nội dung trang sách Ðại Nam thực lục ghi rõ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn cùng những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam...

Những hiện vật của phòng trưng bày "Di sản văn hóa biển Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bằng chứng cho thấy quá trình tham gia khai thác, giao lưu và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào lịch sử hình thành và hoạt động sôi động của hệ thống giao thương hàng hải trong khu vực và quốc tế, đồng thời là sự khẳng định mạnh  mẽ sự thật không thể tranh cãi về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Vì sao lại có cai đội Hoàng Sa người Huế?

Miền biển Quảng Ngãi là cái nôi của những Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dong thuyền vượt biển Đông thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên những cai đội Hoàng Sa lại không chỉ được tuyển mộ từ vùng đất truyền thống ngư phủ này. Nhiều tài liệu mới được phát hiện, công bố cho thấy cai đội Hoàng Sa còn có ở vùng đất kinh thành – cố Đô Huế và Quảng Nam

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói về vị Cai đội Hoàng Sa ở Huế

Từ cai đội Hoàng Sa xứ Huế

Rất khó để xác định thời gian ra đời chính xác của đội Hoàng Sa, nhưng căn cứ vào các nguồn sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc có thể chắc chắn đội Hoàng Sa phải được thành lập ít nhất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Toàn tập Thiên nam Tứ chí lộ Đồ thư của Đỗ Bá viết năm Chính Hòa thất niên (tức năm 1687) đã ghi chép hoạt động đội Hoàng Sa.

Đến Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Triết Giang – Trung Quốc, được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng từ 1695 - 1697), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), hay các nguồn tư liệu khác: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều miêu tả về hoạt động của đội Hoàng Sa. Phần lớn các sử liệu này cho thấy quê hương của đội Hoàng Sa là cư dân vùng An Vĩnh (gồm Bình Sơn, Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) ngày nay.

Mới đây, qua các tài liệu công bố tại làng An Nong (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (TP.Huế) và các cộng sự phát đã từng có một vị cai đội gốc kinh thành. Đây là một phát hiện quan trọng mang nhiều ý nghĩa, giá trị dưới cả góc độ lịch sử và tư liệu chủ quyền. Những văn bản này được gia tộc họ Nguyễn Hữu lưu giữ cẩn thận với tập phổ hệ, tờ sai, tờ sắc về vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên.

Trong tập phổ hệ có đoạn: Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn Đại Đô Úy, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong Khâm sai Cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng tọa canh hướng giáp… Tiên Tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí (Đời thứ 9 Tiên Tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức Đại Đô Úy, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức Khâm sai Cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, tọa canh hướng giáp,… Danh tước ngài Tiên Tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi), cho thấy, Nguyễn Hữu Niên đời thứ chín họ Nguyễn Hữu làng An Nong, vốn trước là quan chức của triều Tây Sơn, sau đầu triều Nguyễn nhận chức cai đội đội Hoàng Sa.

Các tư liệu gốc cũng liên quan đến vị cai đội Nguyễn Hữu Nên này, như: tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần sách và một tờ sắc của vua gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên, ghi: Thập đội Ban trực tả vệ hậu doanh bố trí làm khâm sai cai đội tước Niên Trường hầu... vào ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen. Và tờ sắc của vua gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nong, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, Bát đội Tráng Võ vệ hậu doanh quân thần sách, thuyên chuyển làm hầu lái cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh, ghi ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất và đóng ấn son “Chế cáo chi bảo”.

Tại bài thờ đặt hậu điện chùa Tiên Linh cũng ghi: Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội Cai đội Hiến Đức hầu quý công chi vị (dịch nghĩa: Bài vị của ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến đức hầu). Hay bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh, cũng ghi: Hội thủ Cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên… (dịch nghĩa: Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức Cai đội tước Niên Trường hầu…). Các tư liệu này khẳng định: vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên của tộc họ Nguyễn Hữu từng giữ chức Cai đội Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền lãnh hải tổ quốc.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nhấn mạnh, giá trị của văn bản ở chỗ nó không chỉ khẳng định có vị cai đội Hoàng Sa ở Huế, mà còn chứng tỏ chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ xuất phát từ chính quyền trung ương từ kinh thành Huế mà ngay cả người dân đất kinh thành trực tiếp tham gia vào công tác này; chứng tỏ ý thức, trách nhiệm chủ quyền qua các thời kỳ, vùng đất, địa phương khác nhau vẫn được chú trọng phát huy.

Ông nhận định, việc cai đội Hoàng Sa đất cố đô phải xét dưới khía cạnh bối cảnh lịch sử. Thời điểm này cai đội Nguyễn Hữu Niên từng là một vị quan chức từ triều Tây Sơn, sau sang phục vụ triều nhà Nguyễn. Thời Tây Sơn, dưới thời Thái tổ Võ hoàng đế Nguyễn Văn Huệ vẫn tiếp tục Đội Hoàng Sa, nhưng do phân tranh từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc nên nhiều khả năng cai đội Hoàng Sa phải lấy những người ở Huế như Nguyễn Hữu Niên.

Đến soái đội Hoàng Sa vùng Quảng Nam

Các văn bản mới phát hiện tại Quảng Nam cho thấy quê hương của những soái đội Hoàng Sa còn ở nhiều địa phương khác. Tại nhà thờ tộc Lê (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) mới đây các nhà nghiên cứu phát hiện những văn bản quan trọng khẳng định gia tộc này từng có một vị Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quảng Hoàng Sa.

Căn cứ vào các tư liệu được lưu giữ, vị “soái đội Hoàng Sa” này là ông Lê Văn Ước, người thuộc tộc Lê. Nội dung bản dịch từ bản sắc phong cổ khẳng định: Vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa (cai quản cả 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp soái đội, tùy cai quản”. Căn cứ văn bản này, , ông Lê Văn Ước được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.

Tờ sắc phong soái đội Hoàng Sa (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ văn bản cổ khác về việc chiếu dụ của quan Tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, tức năm 1859) quy định tuyển mộ thủy binh và một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông, căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân, lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.

Tờ chiếu dụ chỉ rõ: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập. Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ. Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.

Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa.