Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn PVN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PVN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Tàu TQ gây hấn, cắt cáp Tàu Bình Minh 02


Ngày 30/11/2012, trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang làm nhiệm vụ lại bị các tàu Trung Quốc xâm hại, phá hoại cáp thu nổ địa chấn. Đây là một thủ đoạn mới của Trung Quốc khi cho tàu cá vừa đánh bắt hải sản trái phép vừa cản trở, xâm hại hoạt động hợp pháp của PVN trên vùng biển Việt Nam.


Phóng viên Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò – phụ trách Văn phòng Biển Đông của PVN về vụ việc nghiêm trọng này.
PVTheo một số nguồn tin, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của PVN lại bị cản trở khi đang làm việc ở vùng biển Việt Nam. Xin ông cho biết thông tin cụ thể?
Cáp tàu BM02 bị cắt
Cáp tàu BM02 bị cắt
Ông Phạm Việt Dũng: Vào lúc 4 giờ 5 phút ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 đang di chuyển từ tuyến PVN12-R009 về tuyến PVN12-R005 ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị khảo sát. Có rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo dã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau tàu Bình Minh 02 và gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25m.
Nhìn lại video tàu Bình Minh 2 bị cắt cáp vào ngày 26/5/2011:
Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam – Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.
PVXin ông cho biết đôi nét về nhiệm vụ của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này?
Vị trí xảy ra sự cố và hướng di chuyển của tàu BM02
Vị trí xảy ra sự cố và hướng di chuyển của tàu BM02
Ông Phạm Việt Dũng: Từ tháng 5/2012 đến nay, tàu Bình Minh 02 tiến hành đề án khảo sát địa chấn 2D liên kết các bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 bắt đầu khảo sát các tuyến liên kết ở bể Cửu Long, sau đó là bể Nam Côn Sơn, bể Phú Khánh và hiện nay đang đang khảo sát các tuyến liên kết ở bể Sông Hồng tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Thời gian gần đây, có rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lần chiếc. Các tàu chấp pháp của Việt Nam đã yêu cầu các tàu cá Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tàu cá Trung Quốc vẫn cố tình quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.
PVVậy phía PVN đã có những phản ứng như thế nào trước vụ việc này, thưa ông?
Ông Phạm Việt Dũng: Ngay sau khi xảy ra sự việc, PVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tàu Bình Minh 02 nhanh chóng khắc phục sự cố, sửa chữa cáp địa chấn để sớm tiếp tục công việc. Đến 14 giờ ngày 1/12/2012, anh em đã khắc phục xong sự cố cáp địa chấn và tàu Bình Minh 02 đã tiếp tục công tác khảo sát bình thường.
Việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, không những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hoạt động trên biển của PVN.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kịch liệt phản đối hành động xâm hại tàu Bình Minh 02 của tàu cá Trung Quốc và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc giáo dục công dân Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
PVXin cảm ơn ông.

Nguồn: Nguyen Tan Dung

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

'Yêu cầu Trung Quốc hủy ngay việc mời thầu sai trái'


Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc phía Trung Quốc mời thầu thăm dò, khai thác 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông là vi phạm công ước Luật biển năm 1982.
Ngày 28/6, sau khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô trên biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam lên tiếng ủng hộ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; đồng thời cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp.
Theo Hội Luật gia Việt Nam, việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các Điều 58, Điều 76, Điều 77...) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN ký năm 2002, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10/2011", tuyên bố có đoạn.
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội này kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đại diện giới luật gia Việt Nam bày tỏ hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6 và cực lực phản đối việc Quốc vụ viện Trung Quốc cho thành lập cái gọi là thành phố "Tam Sa", xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đồng thời, Hội Luật gia Việt Nam cho hay, luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Trước đó, ngày 23/6, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí trên biển Đông nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp.