Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn nhà giàn DK1. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nhà giàn DK1. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Trao tặng 90 huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”


Trưa 10.6, đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2012 trên tàu HQ 571 đã cập cảng Cát Lái sau khi hoàn thành chuyến thăm, tặng quà và giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại 11 điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Trước đó, tại lễ tổng kết diễn ra vào tối 9.6 trên tàu HQ 571, lãnh đạo đoàn hành trình đã trao 35 kỷ niệm chương, 90 huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” của Bộ Tư lệnh Hải quân cho các thành viên vì đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. T.Ư Đoàn cũng đã trao bằng khen cho 2 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyến hành trình, tuyên dương và tặng thưởng những cá nhân đoạt giải trong 2 cuộc thi ảnh - phim và viết về ấn tượng Trường Sa.

* Cùng ngày, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm hoạt động và giao lưu thanh thiếu niên VN (T.Ư Đoàn) và Lữ đoàn 204, Bộ Tư lệnh Pháo binh phối hợp tổ chức lễ khai giảng Học kỳ quân đội năm 2012 với chủ đề: Khát vọng tuổi trẻ. Chị Nguyễn Thị Hà - Bí thư T.Ư Đoàn; thiếu tướng Vũ Khắc Điệp - Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh dự lễ khai mạc.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trường Sa – nơi máu thịt Tổ Quốc


Không ít người đang tận hưởng những giây phút yên bình với gia đình và công việc mà không hề biết rằng vẫn có nhiều người lính vẫn chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. 
Những ngày vượt sóng gió ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết, với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh, chúng tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người…  

Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao
Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tháng tư ở Trường Sa

Trường Sa những ngày tháng Tư lịch sử nắng chói chang, gió thổi nhẹ và biển lặng. Một cán bộ Quân chủng Hải quân bảo với chúng tôi: “Mùa này tranh thủ biển lặng nên Quân chủng và Bộ Quốc phòng có thể triển khai được nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Càng về cuối năm, sóng càng dữ, rất to nên khó đi hơn rất nhiều”.

Địa điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi đặt chân tới quần đảo Trường Sa là đảo chìm Đá Lát. Tiếp chúng tôi, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo rơm rớm nước mắt vì vui mừng khiến các thành viên đi trong đoàn cũng… rơm rớm theo. Các anh cười bảo: “Lâu rồi mới lại có đoàn đất liền ra thăm anh em, không vui sao được, vui đến phát khóc ấy chứ”. Những bài hát, những tiếng cười vang lên trong trẻo và giòn tan trong không gian bốn bề mênh mông nước biển và tiếng sóng rì rào.

Ở đảo chìm Đá Lát, ai cũng có thể cảm nhận được một tình cảm gắn bó như ruột thịt, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt của những con người, nếu ở trong đất liền có lẽ chỉ là những người xa lạ. Ở nơi đảo xa, nơi đầu sóng, ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, những tình cảm vốn đời thường nay trở thành phi thường, tiếp thêm động lực và là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm đóng quân tại đây.

Trong suốt chuyến hành trình hơn 10 ngày đi thăm các điểm đảo và nhà giàn DK1 của đoàn công tác, chúng tôi đặt chân tới các đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Thuyền Chài và đặc biệt là nhà giàn DK1 mới thấy cuộc sống vất vả và gian khó của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ tại đây.

Họ, những con người còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ mới mười chín, đôi mươi. Đình Chí (19 tuổi, quê Cam Lâm, Khánh Hòa) đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Tây tâm sự với chúng tôi: “Em mới ra đây hồi tháng 1 trong đợt giao quân. Ban đầu còn nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng ra đây rồi, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính nơi tuyến đầu và trên hết, nhiều tấm gương anh em trên đảo thực sự khiến chúng em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giờ đây, em yên tâm công tác và cũng hứa với đất liền rằng, mọi người có thể yên tâm ở chúng em. Còn người, còn đảo, chúng em không bao giờ có thể để ngoại xâm có thể xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Hỏi chuyện các cán bộ chỉ huy trên đảo Đá Tây mới hay, Chí là một chiến sĩ trẻ thuộc khẩu đội 12,7, Chí bắn rất chuẩn và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Câu chuyện với chúng tôi với các chiến sĩ trên đảo Đá Tây kéo dài đến sát giờ lên tàu để di chuyển đến thăm một điểm đảo khác. Chúng tôi, những phóng viên làm báo, ghi chép những câu chuyện mắt thấy tai nghe không khỏi trầm trồ, thán phục Thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh (Cán bộ xuồng máy chiến đấu CQ, đảo Đá Tây) bắt đầu là chiến sĩ Hải quân từ năm 1991. Và cũng từ đấy anh bắt đầu những chuyến công tác dài ngày trên biển và đóng quân tại các biển đảo.

Anh tâm sự: “Ngần ấy năm gắn bó với biển đảo quê hương, gần như các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta tôi đã từng có thời gian công tác, phục vụ. Từ Tiên Lữ những năm 1997 đến Thuyền Chài rồi lại Tiên Lữ, An Bang…nhiều kỉ niệm khó quên. Đã có lúc chứng kiến anh em đồng đội ngã xuống, có những lúc nguy nan nhưng chưa bao giờ thôi nghĩ mình còn sức còn phải chiến đấu, phải xứng đáng với niềm tin của “đất liền”. Và cứ như thế, tôi cũng như một con hải âu biển, đến bây giờ đã hơn hai mươi năm”.

Đến với đảo An Bang, sóng thường ngày cũng lớn hơn so với các đảo nổi khác trong quần đảo. Liên tiếp những con sóng to ào lên trùm kín cả tiểu đội chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ chắc dây buộc để chiếc xuồng của đoàn công tác thôi khỏi lắc lư. Vẫn những nụ cười ấy, ánh mắt ấy của những chiến sĩ trẻ tuổi khoác trên mình bộ quân phục Hải quân nổi bật giữa đại dương bao la và trở thành tâm điểm chú ý của những con người lần đầu tiên đến với họ. Nhưng cái bắt tay thân tình của đồng chí, đồng bào như thắp lên những tin yêu nơi họ. Và họ hát, họ tặng chúng tôi niềm tin, tặng chúng tôi quyết tâm của người lính. Những tiếng hát của các chị em văn công trong đoàn đi cùng đem đến tiếng cười, những nụ cười giòn tan y như mới ngày hôm qua trên đảo Đá Lát.

Tại cụm đảo Thuyền Chài, hình ảnh vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân xâm lăng lẫy lừng trong lịch sử và nổi tiếng hơn cả là bài thơ: “Nam quốc sơn hà” được khắc ghi quan trọng như lời khẳng định đanh thép, không chối cãi về mặt lịch sử và cả pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ trước đến nay, bất di bất dịch. Và chắc chắn, tinh thần yêu nước và những giá trị của lịch sử sẽ tiếp tục được các chiến sĩ Hải quân nước ta kế tục và tiếp bước.

Có những người hóa thành bất tử


Những năm hòa bình của thế kỷ 21 này, vẫn có nhiều người lính lặng lẽ nằm xuống trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đó là sự thật. Mười ngày ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh – những người lính đã hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc, tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người.

Hầu hết những người lính đã ngã xuống đều có tuổi đời, tuổi quân rất trẻ, thậm chí có người còn chưa có người yêu. Trên mỗi hòn đảo ở huyện đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca… đều có các nghĩa trang liệt sĩ nhỏ để các anh ngày ngày ở bên cùng đồng đội, là nơi mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra tới thăm. Gọi là nhỏ vì khoảng đất đó chỉ quây quần 2-3 mộ liệt sĩ . Có rất nhiều lý do khiến các anh nằm xuống, nhưng tựu trung lại đều do nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ở nơi xa tít tắp đất liền.  

Tôi may mắn được ra với Trường Sa, bước chân ra khoảng đất kề sát biển, đầu đường băng Trường Sa Lớn, thắp hương cho những người mới nằm xuống, khi tuổi đời còn quá trẻ. Đó là  Lê Văn Tuấn, sinh ngày 2/2/1988, hy sinh 26/10/2010, quê quán: Quảng Đức, Quảng Xương, Thanh Hóa; Hoàng Văn Nghĩa, sinh ngày 3/7/1986, hy sinh 29/3/2010, quê quán: Xóm 5, Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định…Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa. Chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Thi hy sinh trong khi bơi ra dòng xoáy, cứu chiếc xuồng của đảo bị đứt dây. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Thi đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời sắp tròn 26. 

Quãng đường đi lại dài ngày, vất vả, những món quà viếng mộ cho các anh chẳng có gì nhiều mà cũng bị ảnh hưởng. Tôi nhớ hình ảnh chị Hương ở công ty cao su xuýt xoa khi những bông hoa cúc gói ghém cẩn thận thế mà cũng dần héo úa.. Trong ánh hoàng hôn chới với ở Trường Sa Lớn, tôi được thắp hương tưởng nhớ các anh, vào thời phút này, tôi đã may mắn hơn rất nhiều những người con đất Việt khác, luôn khao khát mà chưa được đặt chân đến Trường Sa lần nào, chưa bao giờ được cúi đầu trước ngôi mộ những người lính vì mỗi tấc đất, mỗi sải biển của Tổ quốc mình đã vĩnh viễn nằm lại với biển Ngồi bên các anh trong ráng chiều, tôi thêm hiểu sự hy sinh cho Tổ quốc thiêng liêng đến chừng nào. 

Trên con tàu HQ 996, qua vùng biển nhà giàn Phúc Tần DK1, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cơn bão kinh hoàng số 10 đêm ngày 4 tháng 12 năm 1990. Khi đó, nhà giàn Phúc Tần DK1 bị sóng dâng cao 14m-15m đánh nghiêng, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới và đến hơn 2 giờ sáng ngày 5 tháng 12, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển. Các tàu cứu nạn của Quân chủng Hải quân đã kịp thời đến tìm kiếm, sau 5 giờ đã cứu được 5 cán bộ, chiến sỹ. Nhưng 3 đồng chí cán bộ nhà giàn: Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, trạm phó người Hà Nội, trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Là quân y sỹ và hạ sỹ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện đã mãi mãi ở lại với biển cả. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Đông của Tổ quốc.

Tháng 12 năm 1998 lại một cơn bão số 8 rất mạnh tràn qua vùng biển DK1. Nằm trong khu vực trọng điểm của bão, trong tình thế hiểm nghèo, dưới sự chỉ huy của Trạm trưởng, đại úy Vũ Quang Chương và 8 cán bộ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, với sóng gió, vừa mệt, vừa đói rét, 9 cán bộ, nhân viên nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên vẫn kiên trì bám trụ, kiên quyết bảo vệ nhà giàn đến cùng. Trong một thời gian dài, liên tiếp gồng mình chống chọi với những trận cuồng phong.

Những cơn sóng lớn, đỉnh sóng lên tới 14-15m đánh mạnh trùm kín qua cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho cả nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng lắc mạnh. Vào 3h sáng ngày 14 tháng 12 năm 1998 nhà giàn Phúc Nguyên DK1/6 bị ảnh hưởng mạnh và bị đổ, hất cả 9 chiến sỹ hải quân trong đó có Đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng xuống biển. Ngay sau đó lực lượng cấp cứu của bộ đội Hải quân đã khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn. Đến 3 ngày sau tàu HQ 606 đã phát hiện cấp cứu được 6 chiến sỹ. Đồng chí đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng, chuẩn úy chuyên nghiệp ra đa Lê Đức Hồng và chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An mãi mãi ở lại với biển khơi, thi thể các anh đã hóa thân vào với sóng, gió đại dương. 

Nhiều thành viên trong đoàn cúi đầu rơi lệ khi lời tưởng niệm như những câu chuyện khắc cốt ghi tâm, như những lời tâm sự cùng đồng đội vang lên giữa biển cả. Tất cả im lặng, trang nghiêm, thành kính. Sóng vỗ to hơn. Trời xanh thẳm hơn. Biển mênh mông hơn. Khói hương cũng như nghi ngút hơn… 

Vĩ thanh


Trên khắp các đảo nổi thuộc chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa, bất kỳ nơi nào có thể phát triển, những cây bàng vuông và phong ba vẫn vươn mình ra đón nắng mai để vươn lên mạnh mẽ khẳng định sự lớn mạnh của loài cây đặc trưng nơi đảo xa. Ở một điều kiện khắc nghiệt đến như vậy, chúng vẫn xanh tốt, ra hoa, và kết thành những quả bàng vuông vức khiến ai ra đến đảo cũng phải trầm trồ.

 Trường Sa bây giờ đã đổi khác rất nhiều, đầy đủ và tiện nghi hơn. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là  sự bất trắc, hiểm nguy ập lên vai người lính bất cứ lúc nào có khi phải trả bằng mạng sống của người lính khi chống chọi với kẻ thù lăm le cướp đảo, gồng mình chịu đựng thiếu thốn, đau ốm - bệnh tật hiểm nghèo ở những đảo nổi, đảo chìm, bãi đá, rặng san hô...

Thế nhưng, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ cười vượt qua thiếu thốn, khó khăn, gian nan và thử thách. Họ không ngại gian khổ, mất mát, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ - những người lính, người con đất Việt của hôm nay và của cả mai sau vẫn luôn chắc tay súng để đất liền yên giấc ngủ. 

Đất nước này mãi ghi nhớ công ơn các anh. Và, trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam, Trường Sa – Hoàng Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc, trong lịch sử, hôm nay và mãi mãi.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

"Tàu mẹ - tàu con" ra quân bám biển Trường Sa, Hoàng Sa

Sáng 16-2, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã phát lệnh ra quân tổ hợp tác gồm sáu ngư đội với 30 chiếc tàu chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và tàu hậu cần Hải Vương 68.
Đây là hình thức tổ hợp tác “tàu mẹ - tàu con”, thực hiện quy trình khép kín khai thác - thu mua - chế biến - xuất khẩu hải sản, nâng cao giá trị đánh bắt cho ngư dân Khánh Hòa.

“Tàu mẹ” Hải Vương 68 xuất bến tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang) - Ảnh: M.Tuệ

Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

“Tàu mẹ” còn tham gia kịp thời việc cứu nạn, cứu hộ trên biển khi “tàu con” gặp nạn. Bên cạnh đó, theo thượng tá Lê Hồng Chiến - phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 4 hải quân, việc hình thành các ngư đội bám biển dài ngày tạo nên sự liên kết vững chắc giữa các tàu đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện mô hình “tàu mẹ - tàu con”, sáu ngư đội Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Đá Nam Đá Lát khai thác ở các vùng biển thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xung quanh các nhà giàn DK1 của VN, sẽ bán ngay số cá đánh bắt được trong vòng một tuần cho “tàu mẹ” Hải Vương 68 có công suất 1.200CV, có thể mua 25-30 tấn cá ngừ/ngày. Sản phẩm sẽ được sơ chế và cấp đông ngay trên “tàu mẹ”.

Theo Tuổi Trẻ

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Tiếng hát trên đầu ngọn sóng

Khoác balô đến Nhà khách Hải quân bên sông Sài Gòn, thêm một lần trải nghiệm cảm giác dễ chịu mỗi chuyến “về với lính”, khi cô nhân viên chu đáo rót nước mời khách xong mới xem giấy tờ rồi cười nhỏ nhẹ: “Anh thông cảm, điều kiện Quân đội thiếu tiện nghi lắm, nhà báo chịu khó ở chung với Văn công nhé”! Tưởng gì, thế thì thú vị quá, tôi gật ngay, bụng bảo dạ rằng đã chủ động xin xuống tàu chia sẻ sóng gió với lính Trường Sa thì ngại gì một đêm nằm doanh trại.

Đoàn Văn công Quân khu 4 trước giờ ra Trường Sa

Bước dọc hành lang đã nao nao mùi lính, cái mùi đặc trưng rất khó tả, chỉ biết là mộc mạc gần gũi vô cùng, khiến người ta ấm lòng mà chẳng rõ vì sao. Cửa mở, một cô gái ngước lên vén mái tóc xoăn, nhoẻn cười đặt ngón tay lên môi ra dấu giữ trật tự, rồi chỉ cho tôi một cái giường trống để đặt balô mà ngả lưng. Người đàn ông mặc quân phục gắn lon Thiếu tá ngồi cạnh cũng bắt tay tôi thân thiện rồi lại chăm chú vào một tờ giấy, hình như họ đang lẩm nhẩm tập một ca khúc mới. “Màn chào hỏi” diễn ra trong im lặng vì giữa trưa nên lính tráng nằm ngổn ngang tranh thủ “kéo gỗ” trên hơn chục bộ giường sắt trong căn phòng rộng đơn sơ. Sau này tôi mới biết cô gái đó là Trung úy Nguyễn Tú Ngà, và anh Thiếu tá tên là Dương Xuân Huyền, cùng là ca sĩ đoàn Văn công Quân khu 4.

Văn công với báo chí, giống nhau ở cái nghiệp lang thang và cái đức “hòa mình vào quần chúng”, nên chóng thân quen lắm. Lại được “cùng ăn, cùng ngủ, cùng xe” nên chỉ từ trưa đến tối đã chuyện nở như ngô rang. Càng vui hơn vì không chỉ “có duyên một đêm” trong doanh trại, mà trên tàu HQ 936 tôi và các đồng nghiệp báo chí tiếp tục được ở chung một buồng thủy thủ với Thiếu tá Huyền và Trung tá đoàn phó Lê Hồng Kỳ - nhạc sĩ, Thượng úy Nguyễn Công Long - nghệ sĩ múa, Thiếu úy Lê Phước Cường - phụ trách âm thanh. Những căn buồng dành cho thủy thủ trên tàu, chỉ có 4 giường cá nhân mà cả chục người chen chúc, nhưng chẳng ai lấy thế làm phiền. Nói như một bạn đồng nghiệp, mấy khi được diễm phúc “ra đụng vào chạm” với Văn công từ sáng tới đêm.
Ở chung với họ thật vui, bất cứ sáng trưa chiều tối, thỉnh thoảng một giọng oanh vàng hoặc nam trung lại vút lên khúc quân hành hay đoạn tình khúc ngẫu hứng. Chuyến này, Văn công Quân khu 4 có 10 người ra phục vụ bộ đội Trường Sa, trong đó dễ đến một nửa anh chị em đã hơn một lần đặt chân tới quần đảo xa xôi mà vô cùng thân thương ấy... Lời ca tiếng hát của các anh chị lập tức tiếp thêm lửa cho đoàn quân nô nức đầy khí thế trước giờ xuống tàu. Và ngay đêm đầu tiên giữa đại dương, boong tàu HQ 936 đã rực sáng sân khấu với tiếng nhạc rộn ràng, bất chấp biển đêm lồng lộng gió, sóng cồn trùm lên boong, tạt ướt cả nghệ sĩ và khán giả. Những tràng pháo tay và những lời cổ vũ vang lên đầy nhiệt tình không chỉ sau mỗi tiết mục, mà cả những lúc ca sĩ phải bám chặt cầu thang do tàu bị sóng nhồi chao đảo, nhưng “thà... ngã không rời micrô”. Các nữ nghệ sĩ, Thượng tá Lê Quỳnh Như - Trưởng đoàn, Thiếu tá Nguyễn Bích Ngọc, Thượng úy Nguyễn Lan Hương, Trung úy Nguyễn Tú Ngà đã thay quân phục bằng bộ áo dài duyên dáng. Sau bài hát đầu tiên, những tà áo màu hoen nước mặn, những mái tóc dài gió tạt rối tung, càng khiến các chị đẹp lộng lẫy trên con tàu lung linh ánh điện hiên ngang rẽ sóng giữa biển trời đêm sâu thẳm. Sóng gió gầm gào lắm quãng không rõ lời ca, nhưng ai cũng nghe máu chảy nhanh hơn trong huyết quản...

Tiếp đó, pháo tay lại nổ ran cùng tiếng cười sảng khoái và khâm phục dành cho những tiết mục ảo thuật độc đáo của Trung tá Trần Thanh Tịnh. Tôi tin rằng các ảo thuật gia lừng danh cũng phải “nể” anh Tịnh vì trên sân khấu “đầy bất trắc” này chỉ đứng vững thôi đã khó, một tiết mục đơn giản như xuyên dùi vào bóng bay sao cho bóng không nổ, cũng đòi hỏi sự khéo léo phi thường... Đêm văn nghệ giữa đại dương thực sự thăng hoa khi Thiếu úy Trần Phương Anh uyển chuyển cùng bạn diễn - Thượng úy Nguyễn Công Long trong màn vũ đạo. Bình thường tôi không thích xem múa, có lẽ phần nào vì chẳng am hiểu gì về nghệ thuật này, nhưng các nghệ sĩ trẻ Văn công Quân khu 4 đã “chinh phục” tôi với tiết mục thể hiện tình yêu mãnh liệt của cô gái dành cho anh lính biển, vượt lên mọi cách trở, bão giông. Chẳng thế mà Phương Anh, cô Thiếu úy sinh năm 1992, em út của đoàn, đã được tôn vinh “Hoa hậu HQ 936” trong cuộc thi hoành tráng độc nhất vô nhị tổ chức cũng trên boong tàu này vào đêm cuối hành trình.

Không chỉ biểu diễn hết mình, đoàn Văn công còn luôn để ý chăm sóc mọi người, nhất là các chị dù mệt mỏi vì say sóng nhưng hễ rời đàn hát là lại phụ giúp bếp núc dọn dẹp giặt giũ, chẳng mấy khi ngơi tay. Trên tàu hay lên đảo, những khuôn mặt vừa trang điểm, những đôi tay vừa sửa móng để bước lên sân khấu xong lại cặm cụi bên bếp lửa, dao thớt đảm đang.

Chuyến này, đoàn chúng tôi đến được 4 đảo và nhà giàn DK1. Mỗi khi tàu thả neo, anh em báo chí được ưu tiên xuống xuồng trung chuyển vào trước để tác nghiệp. Gặp lính đảo tay bắt mặt mừng là chuyện đương nhiên, anh em tiếp đón thật nồng hậu và chu đáo, nhưng mấy cậu lính trẻ cứ nhấp nhổm liếc chuyến xuồng đi sau. Cái vẻ “ngong ngóng” ấy không đơn thuần vì nhiệm vụ, mà đầy vẻ háo hức khấp khởi. Có cậu bạo dạn thì nhìn tôi cười ngập ngừng: “Đoàn mình có Văn công anh nhỉ?”. Nghe nói, hồi trước có một lãnh đạo Hải quân ra đảo, thấy lính tráng thiếu thốn đủ thứ, ông hỏi lính thích gì nhất để gửi tàu mang ra, và câu trả lời của lính là: "Thủ trưởng điều cho chúng em một cô văn công. Ra đây chẳng cần hát hò gì cả, chỉ cần đi lòng vòng quanh đảo cho chúng em ngắm thôi". Có ra đảo mới thấm, thiếu rau thiếu nước còn chịu được, chứ thiếu thốn tình cảm mới thật là thử thách lớn nhất. Mừng rằng Trường Sa ngày càng được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, thông tin liên lạc thuận tiện nên không còn xa đất liền như trước. Dù vậy, mỗi khi có đoàn ra mà có cả Văn công thì lính đảo vẫn mừng hết sức.


Lần nào cũng vậy, lên đảo là Văn công lập tức ôm đàn sà vào ngồi giữa anh em lính đảo, chỉ đợi Đảo trưởng báo cáo, lãnh đạo đoàn công tác “năm câu ba điều” xong là tiếng hát vút lên. Nhưng thường các chị hát chưa hết một câu đã nghẹn ngào rơi lệ thương đồng đội. Những gian khổ hy sinh của người lính Trường Sa thật khó nói hết bằng lời, song lại dễ dàng cảm nhận được bằng trái tim, nhất là trái tim của những người tay cầm đàn cầm sáo nhưng cũng khoác màu xanh áo lính. Nhà giàn DK1, đảo Đá Lát, đảo Đá Tây, đảo Cô Lin... ở đâu Văn công gặp lính đảo là những giọt nước mắt xúc động tuôn trào cùng nốt nhạc lời ca. Thượng tá Lê Quỳnh Như - Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4 tâm sự: “Lần nào ra với anh em Trường Sa, mình cũng không cầm được nước mắt. Lên đảo thương anh em đã đành, có lần sóng lớn quá không vào đảo được, phải dùng loa hát vọng vào thì càng thương thắt ruột, vừa hát vừa khóc”.

Thiếu tá Dương Xuân Huyền cũng chia sẻ: “Là nghệ sĩ, ai cũng thường xuyên xa nhà đi biểu diễn phục vụ khắp nơi, nhưng được hát ở Trường Sa thực sự là hạnh phúc, là niềm tự hào đối với bất kỳ ca sĩ nào. Mình đã biểu diễn ở nhiều vùng sâu vùng xa, chưa có nơi nào khiến mình xúc động nhiều như ngoài đảo”...

Buổi giao lưu văn nghệ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng nhất là đêm ở Trường Sa Lớn. Biết tin có đoàn ra thăm, lính đảo đã chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Bên cạnh “hậu cần” tươm tất, họ còn gom hoa dại thành từng bó tuyệt đẹp và tết cả những chiếc “vương miện” độc đáo. Sau mỗi tiết mục, giữa tiếng hò reo vỗ tay rầm trời, các chàng lính trẻ tinh nghịch giấu hoa sau lưng ào lên sân khấu tặng ca sĩ những chiếc lá cây phong ba, cây bàng vuông. Khi Văn công cúi chào “cảm tạ”, lính mới quỳ một chân xuống dâng hoa lên tặng, hoặc choàng vòng hoa lên mái tóc các chị. Tiết mục nào cũng có vài chàng lính phong trần mạnh dạn hòa ca với các nghệ sĩ, trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đồng đội. Không gì xúc động bằng nghe lính hát ngoài đảo, những lời ca mang sức mạnh dồn nén tự đáy lòng cứ cuộn lên như gió ngàn sóng cả, lúc ngân vang hùng tráng tựa lời thề giữ nước, khi lắng đọng thẳm sâu như ước nguyện đôi lứa sắt son...

Những bài ca nối tiếp bài ca dù trời đã về khuya, chẳng ai muốn kết thúc đêm giao lưu cho đến khi cơn mưa giông bất chợt đổ xuống như trút nước. Chúng tôi đội mưa chạy về tàu mà ngỡ đang trong một đợt “xung phong”, bởi hàng trăm người lính đảo rầm rập chạy theo tiễn với tiếng hò reo lưu luyến. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đêm ấy, khi chúng tôi đứng dọc boong tàu, còn những người lính Trường Sa cũng xếp hàng dọc cầu tàu của đảo. Tất cả mọi người ướt sũng dưới mưa xối, nhưng cứ say sưa vừa vỗ tay vừa hát vang cùng nhau thay lời chào tạm biệt. Tiếng hát át cả tiếng mưa giông ào ạt, ngân nga cuốn vào đại dương theo từng nhịp sóng cuộn trào.

Có chúng tôi ở hậu phương!

Cùng với việc động viên thanh niên hăng hái lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đầu Xuân 2012, các cơ sở đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm và tìm giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình kết nghĩa, tặng quà các gia đình CBCS đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường SaNhà giàn DK1, nhằm chung tay thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Chương trình kết nghĩa, tặng quà với các gia đình CBCS đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường SaNhà giàn DK1 của Thành đoàn Hà Nội được triển khai trên 18 tỉnh, TP khu vực phía Bắc (tính từ Hà Tĩnh trở ra) với 1.125 gia đình. Chính thức thực hiện từ cuối năm 2011 đến nay, chương trình đã thực sự có ý nghĩa với xã hội, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho mỗi CBCS đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo và làm ấm lòng người hậu phương, nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về.

Thanh niên Thủ đô phấn khởi lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Bá Hoạt

Bí thư Trường ĐH Công đoàn Nguyễn Huy Khoa đã kể những câu chuyện xúc động khi đoàn đến thăm các gia đình CBCS tại tỉnh Thanh Hóa vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua. 15 gia đình có con em công tác tại đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là 15 hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một điểm là rất mến khách, bày tỏ sự trân trọng khi Đoàn thanh niên Thủ đô đến nhà thăm hỏi, tặng quà.

Áp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, có mặt tại Hội trường UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cùng thân nhân 10 CBCS đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, trong không khí ấm cúng, thân mật, các ĐVTN Huyện đoàn Sóc Sơn (Hà Nội) thực sự cảm thấy ấm lòng. "Qua trò chuyện, thăm hỏi, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều về hoàn cảnh gia đình của các CBCS. Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, song họ vẫn luôn tin tưởng và động viên con em hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi rất cảm phục và sẽ thường xuyên động viên gia đình trong mọi hoàn cảnh sau này", Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn Nguyễn Hồng Hải cho biết. Cùng thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2012, Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội 2 cũng đã đến thăm, tặng quà 9 gia đình các CBCS đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Mê Linh (Hà Nội). Qua hoạt động ý nghĩa này, nhiều sinh viên của trường thêm tự hào, cảm phục sự hy sinh thầm lặng của các CBCS đang ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa, phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Dù hoạt động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" đã được các cơ sở Đoàn chủ động liên hệ, song khó khăn về đường xa, cũng như thời điểm cuối năm, nên trong dịp Tết Nhâm Thìn các cơ sở Đoàn mới thăm, tặng quà cho các gia đình CBCS ở 12 tỉnh, TP. Quyết tâm từ nay đến hết tháng 3-2012 (Tháng Thanh niên) sẽ hoàn thành việc thăm hỏi, ký kết và tặng quà cho các gia đình CBCS, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Ban Thanh niên đô thị và An ninh quốc phòng rà soát, liên hệ trực tiếp với các tỉnh, huyện đoàn - địa phương có gia đình CBCS sinh sống nhằm thông tin kịp thời, chính xác, thuận lợi cho việc thăm hỏi, giúp đỡ sau này.

Anh Nguyễn Hồng Dân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, sau khi đã đi thực tế tìm hiểu cuộc sống của các gia đình CBCS tại 18 tỉnh, TP, Thành đoàn Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ sở Đoàn thường xuyên liên lạc động viên, giúp đỡ; đặc biệt là định hướng nghề nghiệp, việc làm sau khi các chiến sĩ ra quân về địa phương. Đây chính là việc làm thiết thực nhất đối với cả gia đình và bản thân mỗi chiến sĩ. Tại đợt giao quân 16 quận, huyện của TP Hà Nội đầu tháng 2 vừa qua, rất nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ bày tỏ niềm vui, vinh dự được đóng quân, làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để tuổi trẻ Thủ đô tích cực hơn nữa trong mọi hoạt động hướng ra biển đảo Tổ quốc, nhằm thực hiện tốt cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" do TƯ Đoàn phát động.
Theo Hà Nội Mới

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Ước nguyện biên giới, hải đảo

Sáng qua (7-2), hàng vạn thanh niên thế hệ 9X từ nhiều miền quê trong cả nước lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều bạn tình nguyện làm chiến sĩ lên biên giới, ra hải đảo để được trải nghiệm, trưởng thành.

Nữ sinh huyện Thạch Thất (Hà Nội) tặng hoa cho tân binh trước giờ tòng quân.

Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 1 cho biết, để tạo nguồn cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số cho vùng sâu, vùng xa, các địa phương chú trọng tuyển chọn thanh niên dân tộc có sức khỏe, phẩm chất tốt và có tri thức.
Là người dân tộc Mông, tân binh Thào Văn Dũng ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, tâm sự: "Mình muốn làm bộ đội để học nhiều cái hay, đầu mình sáng ra. Mình vừa được học lớp cảm tình Đảng đấy".
Tạm gác ước mơ thi ĐH, Hoàng Anh Tuấn, dân tộc Tày, quê ở xóm Bản Cọ (xã Quy Kỳ, Định Hoá, Thái Nguyên) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tuấn cũng rất vui vì được chọn học lớp đối tượng Đảng trước khi vào quân ngũ. Hứa với bố mẹ và bạn gái sau khi hết nghĩa vụ quân sự sẽ vào ĐH, Tuấn tự tin và chững chạc hơn trong bộ quân phục còn nguyên nếp gấp.
Những năm gần đây, có thêm nhiều thanh niên có trình độ cao tình nguyện vào bộ đội để rèn luyện sức khoẻ, cách sống có kỷ luật và mong muốn được ra tuyến đầu biên cương, hải đảo.
Tất cả 220 tân binh của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nhập ngũ trong dịp này đều bày tỏ tinh thần phấn chấn, sẵn sàng lên đường đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Các chiến sĩ được lựa chọn vào Quân chủng Hải quân bày tỏ được ra Trường SaNhà giàn DK1, mong muốn góp sức trẻ của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trải nghiệm, trưởng thành

Trước khi vào quân ngũ, Nguyễn Ngọc Long là nhân viên của Tổng Cty Điện lực Hà Nội. Ngày lên đường, chàng trai Hà thành có nụ cười duyên như con gái này cho biết, được đến thăm đơn vị trước khi nhập ngũ (Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3) thấy doanh trại khang trang, sạch đẹp, cán bộ, chỉ huy thân tình nên Long và những tân binh đến từ quận Hoàn Kiếm rất yên tâm. "Gia đình chúng tôi tin rằng cháu sẽ trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ, trở thành một người đàn ông thực thụ", chị Trần Hồng Hạnh, mẹ của Long tâm sự.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Sinh, Chính trị viên Ban CHQS quận Hoàn Kiếm, việc tổ chức cho 76 thanh niên có lệnh gọi nhập ngũ đợt này cùng người thân lên đơn vị nhận quân tham quan, giao lưu nhằm tạo yên tâm về mặt tư tưởng cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân.
Đợt I-2012, 16 quận, huyện, thị xã thuộc Thủ đô Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu giao 2.500 tân binh cho 16 đầu mối đơn vị nhận quân trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó, 61% tân binh có sức khoẻ loại 1 và 2; trình độ ĐH, CĐ chiếm 4%, THPT là 70%; tỷ lệ viết đơn tình nguyện là 22%...
Trong tổng số hơn 1.000 thanh niên ở tỉnh Vĩnh Phúc nhập ngũ sáng qua, có 63% viết đơn tình nguyện. Dù còn thiếu 4 tháng nữa mới tròn 18 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Đỗ Minh Thành (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) vẫn viết đơn bày tỏ mong muốn trở thành một quân nhân chuyên nghiệp, sẵn sàng đi tới bất kỳ nơi đâu. Còn tân binh Nguyễn Văn Long (huyện Tam Dương), mẹ bị bệnh hiểm nghèo, bố không có công việc ổn định, bản thân là lao động chính, nhưng vẫn vui vẻ nhận lệnh chờ ngày lên đường.

Sẵn sàng luyện quân

Trong khi đó, các đơn vị tiếp nhận đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, đảm bảo khi tân binh về là nhanh chóng ổn định, bố trí nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, huấn luyện được ngay. Trung tá Huỳnh Văn Ngon, Chính uỷ Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9, cho biết, năm nay trung đoàn sẽ đảm nhiệm huấn luyện hơn 500 tân binh đến từ tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long. Được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác quan trọng này, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20 đã tổ chức tập huấn cán bộ; Hệ thống giáo án, mô hình học cụ đã chuẩn bị đầy đủ.
Lần đầu tiên tham gia huấn luyện chiến sĩ mới, trung sỹ Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Tâm thể hiện rõ quyết tâm. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình giúp tân binh nhanh chóng thích nghi với đời lính".

Theo Tiền Phong

Tướng Trường Sa Nguyễn Văn Ninh

Dáng người rắn rỏi, khuôn mặt đôn hậu với mái tóc bạc phơ là hình ảnh của người cựu chiến binh 82 tuổi làng Thượng Ích, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Ninh, người đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước: Chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và là quân tình nguyện giải phóng Campuchia. Cuộc đời ông là niềm tự hào với những thành tích và Huân huy chương đáng nhớ. Ông được bà con yêu mến gọi là Tướng Trường Sa-bởi ông là người tham gia đặt những viên đá đầu tiên lấp biển làm nhà giàn DK1 sau này.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó cục trưởng cục tác chiến - Bộ tổng tham mưu là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tiếp nhận quần đảo Trường Sa từ chính quyền ngụy Sài Gòn năm 1975. Tiếp chúng tôi trong dịp đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, Thiêu tướng Nguyễn Văn Ninh kể về những ngày đầu khó khăn, gian khổ ở vùng biển máu thịt của Tổ quốc- đảo Trường Sa, trong đó có nhà giàn DK1. Ông hồi tưởng về những ngày đầu tiên xây dựng nhà giàn: “ Từ 1975 đến 1990, tôi phụ trách đảo Trường Sa. Lúc đó đời sống anh em chiến sỹ khó khăn lắm. Có thời gian 5 ngày liền chúng tôi không có nước uống, phải đi tìm rau, tảo ăn cho đỡ xót ruột .. nhưng chúng tôi xác định phải trải qua gian khổ khó khăn mới có thể xây dựng nền tảng cho nhà giàn sau này nên anh em đều cố gắng vượt qua không ca thán nửa lời...”
Tướng Trường Sa Nguyễn Văn Ninh

Nhà giàn DK1 đầu tiên được thành lập từ ngày 5/7/1989, mang tên Tư Chính nằm giữa biển Đông với tư cách là cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển. Từ đó đến nay, 15 nhà giàn DK1 thuộc các cụm: Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên và Huyền Trân tạo thành một vành đai bảo vệ trên biển. Làm nhiệm vụ trên các nhà giàn là cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết những người lính Hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển suốt 12 tháng, thậm chí có thời gian phải ở hơn 20 tháng mới được vào đất liền. Sống giữa biển , cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng với tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính Hải quân đã vượt qua mọi trở ngại, sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng ngọn gió. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại: “Thời gian mới xây dựng nhà giàn có một vài nhà cứ vài năm lại bị đổ vì sóng gió. Chúng tôi phải chắt chiu từng viên đá, xi măng, nước ngọt, vừa dùng để uống, vừa dùng trộn xi măng. Khó khăn là thế, gian nan là thế, nhưng giờ đây được chúng kiến, được thấy tận mắt đời sống của các chiến sỹ trên nhà giàn ngày một đầy đủ, có sự quan tâm của cả nước cho Trường Sa để quân dân ta đủ sức đương đầu nơi đầu sóng ngọn gió, vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào..”

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh xúc động kể về những cái Tết đầu tiên trên các đảo Trường Sa. Lúc đó, anh em phải tận dụng thêm lá cây bàng để gói bánh chưng, bên trong là lá dong cho xanh bánh, bên ngoài là lá bàng để tiết kiệm. Ông nói thế mới biết quân ta đánh giặc rất giỏi mà làm việc nhà cũng rất năng động, tuy thiếu thốn nhưng vui lắm.

Cuộc đời người lính được ông ghi lại qua những trang viết tay nắn nót, cẩn thận từng ngày tháng, kèm theo những tấm ảnh đen trắng về 15 năm ở Trường Sa. Trong đó chứa đựng biết bao kỷ niệm về Trường Sa mà ông muốn kể lại cho thế hệ mai sau. Ông tâm sự: “Tôi già rồi chắc không đủ sức ra Trường Sa nhưng ngày nào tôi cũng phải xem TV, nghe đài, các chương trình thời sự, đặc biệt là những chương trình nói về Trường Sa về các chiến sĩ Trường Sa. Đó là kỉ niệm, là một quãng đời sống đầy ý nghĩa và không thể quên đối với tôi và những người đã sống với Trường Sa”.
Tâm sự của vị tướng già đôn hậu như một lời nhắn nhủ của những con người Việt Nam – tất cả hướng về Trường Sa, hướng về các chiến sĩ nhà giàn DK1 khi mỗi dịp xuân về.

Theo VOV5