Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn chào cờ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chào cờ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Khoảng lặng Hà Nội

Khoảng lặng không gian và thời gian ở đô thành Hà Nội bây giờ quá hiếm hoi, nó không đại diện cho một ngày của Hà Nội. Nhưng với tôi, cảm xúc bắt gặp một Hà Nội an nhiên, thái hoà, một thủ đô sâu lắng thanh lịch lại ở những khoảng lặng mến thương ấy.
Trong đó, không khí trang nghiêm, thành tâm của người dân thủ đô lẫn du khách khi đứng lại, chào cờ tại Quảng trường Ba Đình - trước lăng Hồ Chủ tịch đã làm tôi thực sự xúc động, nghĩ nhiều về cái khoảng lặng nhuốm màu linh thiêng ấy. Hai chữ tổ quốc như đậm nét, rõ nghĩa hơn trên lá cờ đỏ sao vàng...

Những khoảng lặng Hà Nội. Ảnh: T.H

Bình yên, tất bật và nỗi sợ xe buýt…

Ở thành phố biển Đà Nẵng, thời gian sinh học hoàn toàn khác với Hà Nội. Biết vậy, nên buổi sáng đầu ở thủ đô, tôi nhẫn nại nán lại trong phòng khách sạn chật hẹp hơn một giờ đồng hồ trước khi ra đường. Thế nhưng, đã hơn 6 giờ sáng, lễ tân vẫn còn say ngủ. Hé cánh cửa, ra phố, tôi thật sự ngỡ ngàng, Hà Nội còn chìm trong màn sương trắng. Ngoài đường còn nghe rõ tiếng gió lùa lá khô chạy suốt một đoạn dài. Vắng lặng. Một Hà Nội ồn ào, ken kín dòng người đội mũ bảo hiểm tròn đầu như đàn kiến, chen chúc giành nhau từng mét đường, một Hà Nội inh tai tiếng ồn còi xe, bụi khói ngột ngạt... bỗng dưng biến mất đi đâu vào sáng nay?
Tôi rảo bộ qua đến hai con ngõ mới có một hàng phở đang bán những bát đầu tiên. Khách ngồi ăn cũng chỉ toàn là nhân viên bảo vệ, những chị lao công, một vài người lao động phổ thông. Câu chuyện vội của họ qua từng miếng ăn sáng chủ yếu là những than vãn cá nhân về sắp xếp việc gia đình.
Tuy nhiên cũng không thoát ra vấn đề thời sự nóng bỏng mà cả Hà Nội và người dân cả nước quan tâm dịp này, đó là đổi giờ học, giờ làm, là chuyện kẹt xe tắc đường. Dường như những xáo trộn sinh hoạt đời sống từ chủ trương này đã xộc vào từng nhà, từng trường học. Để có được ly càphê theo thói quen buổi sáng ở quê nhà, tôi phải uống đến 3 chén nước chè xanh đầu ngõ, chờ quán mở cửa. Trời trở bấc, rét như roi quất theo mưa phùn. Buổi sáng ngoài đường phố Hà Nội bình yên, nhưng tất bật. Những gánh hàng rong, phụ nữ bên xe đạp hoa, những xe máy cũ kỹ, lấm láp chất đầy rau quả, thịt thà..., tất cả đều vụt qua trong lầm lũi. Tôi đọc được cái nhọc nhằn cơm áo, những lo toan thường nhật của cả triệu dân nhập cư vào Hà Nội, đang bươn chải trong khoảng lặng tinh sáng hôm nay.
Hơn 8 giờ sáng, thời điểm mà nông dân quê tôi đã ăn giữa buổi trên đồng, người dân cả nước đã hơn 1 giờ làm việc, nhưng với phần lớn người Hà Nội mới là giờ ra đường, đến công sở. Thói quen sinh hoạt này đã có từ lâu, chuyện cũ rích, nhưng với những người ít có dịp ra thủ đô như tôi vẫn thấy lạ lùng, khó hiểu. Vì sao họ không tranh thủ thong dong đường rộng buổi tinh sớm, để rồi phải hấp tấp chen nhau với “hung thần”. Chỉ một đoạn đường ngắn đưa tôi từ đường Thái Hà, sang Tây Sơn, về Xã Đàn, Lê Duẩn để đến phố cổ bên bờ hồ Gươm, bạn tôi đã mất gần 1 giờ vì hôm ấy tắc đường.
Phố xá giờ đó chỉ là biển người hỗn tạp với các loại phương tiện giao thông. Ai nấy đều căng thẳng trên nét mặt, cũng cố chen lấn, luồn lách để có cơ hội tiến nhanh hơn về phía trước. Chiếc xe buýt cồng kềnh, lướt đèn vàng, bẻ quẹo sang ngã tư nhưng chẳng thèm để ý đến các phương tiện khác dưới đường. Ai đó thất thanh cảnh báo: “Ối, cẩn thận. Đừng có dây vào với “quan tài đỏ”!”. Bạn tôi giải thích, họ đã “nâng cấp” xe buýt (với hai màu đỏ vàng) từ “hung thần” lên thành “quan tài đỏ”. Nỗi kinh hoàng phố nay ở Hà Nội. Thế nhưng, hằng ngày, sinh viên, người lao động nghèo ở vùng ven phải chen trong những “quan tài đỏ” ấy, người không say xe cũng phải nôn oẹ bởi kiểu chạy giật cục, lạng lách giành đường, rồi đột ngột dừng đỗ, rước khách. Đó là chưa kể nỗi khổ đứng một chân, chen nhau trong mùa nắng nóng ngột ngạt, ngại bị sàm sỡ, mất cắp, nỗi lo tai nạn... khi lên xe buýt Hà Nội. Nhóm đối tượng khác, những người ở giới trung đến thượng lưu cũng đâu được thoải mái hơn, dẫu ngồi trong ôtô cá nhân.
Dừng ăn một bát phở, chưa kể phải đi bộ một đoạn đường dài mà còn phải tốn thêm 40.000 đồng tiền gửi xe ngay lòng đường. Nếu quá thời gian 1 tô phở hay tranh thủ uống càphê thì sẽ bị “chém” thêm 20.000 đồng. Chao ôi, “chất lượng cuộc sống” ở đâu khi bạn tôi vừa mới cố mua được cái ôtô, giờ phải toan lo bán tháo đi vì sợ phải đóng tiền phí lưu thông và hàng trăm khoản chi phí khác. Đi trong giờ cao điểm, mới thấy những bức xúc thường trực của người dân Hà Nội hôm nay. Bởi vậy, nếu có thêm bất cứ một sự xáo trộn nào, dù chỉ là thay đổi thời gian sinh hoạt như đổi giờ làm việc, giờ học mà chưa có sự nghiên cứu, thử nghiệm và tuyên truyền thấu đáo sẽ nhận ngay sự phản ứng gay gắt như những ngày này.

Tổ quốc trên mỗi lá cờ

Tôi tìm mãi không ra một nửa kia của thủ đô trầm lắng, khuất lấp bên những cổ kính như trong ca từ mỹ miều viết về Hà Nội. Những tháp Rùa, Tây Hồ, những Văn Miếu, Hoàng Thành cổ... đã bị bao vây giữa những ồn ào đến nghẹt thở. Nhưng thất vọng bao nhiêu thì tôi càng bất ngờ, xúc động bấy nhiêu khi chứng kiến phút chào cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình, trước lăng Bác. Đêm rằm Nguyên tiêu, trăng không vằng vặc mà như thêu trên màn sương phủ mờ giữa một khoảng không rộng ở Ba Đình. Trước lăng Bác, tất cả người dân lẫn du khách đều phải đi bộ. Những con đường quanh khu vực này cũng thưa thớt người hơn khu phố cổ nên càng thêm tĩnh lặng. Đúng 9 giờ đêm, mọi hoạt động trong khu vực lăng Bác Hồ được yêu cầu dừng hẳn. Mọi người có mặt đứng dậy, nghiêm trang hướng về cột cờ để tham gia nghi thức hạ cờ tổ quốc.


Trong tiếng quân nhạc hùng hồn, vọng vang từ phía sau khu vực lăng, đoàn vệ binh trang phục trắng tinh, nghiêm trang bồng súng, bê khay đựng cờ bước đều như lướt ra từ bên phải của lăng. Bước hành binh nhịp nhàng, dứt khoát, nhưng sao vẫn thấy cái thân thiện, hiền hoà. Trong phút giây thiêng liêng ấy, mọi người đều đứng nghiêm, hướng về cờ tổ quốc. Nhiều phương tiện ngoài đường Hùng Vương - dù không bị bắt buộc, cũng đã dừng lại, bỏ mũ, hướng về cờ. Lễ thượng, chào cờ vào 6 giờ sáng, hạ cờ đúng lúc 21 giờ hằng ngày đã ấn định tổ chức từ hơn 10 năm nay tại quảng trường này, nhưng tôi mới được tham dự lần đầu tiên. Chợt thấy mình như nhỏ lại thuở thiếu thời, được đứng dưới cờ mỗi sáng thứ hai, nghiêm túc, tự nguyện chứ không phải “đối phó” như học trò bây giờ.
Bao nhiêu cảm xúc lạ chợt ùa về sau những phút lặng thinh chào cờ ấy. Đến bây giờ, tôi mới hiểu được những giọt nước mắt của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam khi thấy cờ tổ quốc. Nhiều lần đón ngư dân miền Trung trở về sau khi bị bắt ở vùng biển Hoàng Sa, các anh đều kể với tôi rằng họ đã khóc khi thấy lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên con tàu ra đón họ. Ngoài thuyền trưởng, có định vị, biết toạ độ, còn với hầu hết ngư dân giữa biển nước mênh mông họ chỉ biết biên giới, tổ quốc khi thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên mỗi con tàu. Thấy cờ là biết đang ở vùng biển nước nhà. Tôi còn nhớ, ngày xưa khi đi ngang qua trường học trong giờ chào cờ, mọi người dân đều dừng lại, bỏ mũ nón, tham gia chào cờ từ xa, nó giống như việc phải dừng lại, cúi đầu khi đám tang ngang qua ở các làng quê. Đứng lại, chào cờ. Một khoảng lặng, thời gian ngắn thôi, nhưng thật là ý nghĩa cho mỗi con người để nghĩ về quê hương, tổ quốc.
Lễ thượng và hạ cờ mỗi ngày ở Ba Đình không chỉ là khoảng lặng cần thiết của thủ đô, của mỗi thành phố, mà là sự tĩnh lặng cần có ở mỗi con người. Nhất là phút lặng yên, chiêm nghiệm ấy lại hướng về tổ quốc. Không phải ai cũng có dịp, cũng được thường xuyên ra Ba Đình chào cờ mỗi sáng, tối. Nhưng họ có thể chào cờ tại cơ quan, công sở, trường học, nơi công cộng mỗi sáng thứ hai hằng tuần - một nghi thức trang trọng, đầy ý nghĩa cần được khôi phục như đã từng bắt buộc, rồi trở thành quán tính, thành ý thức trước đây. Khi mỗi người đều thường xuyên nghĩ về tổ quốc, nghĩ về cái chung, công chức sẽ biết nghĩ cho dân, công dân chia sẻ gánh lo chung của Nhà nước, chắc chắn những vấn nạn tắc đường, quá tải ở bệnh viện hay giải toả đền bù để lấy đất phát triển ở các đô thị lớn sẽ được giải quyết êm thuận hơn. Hà Nội cần có thêm những khoảng lặng mến thương để cân bằng với những ồn ào, náo nhiệt hằng ngày.
Theo Lao Động