Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn UNCLOS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn UNCLOS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

‘Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc’


Đưa tàu trở lại bãi cạn Scarborough, mời thầu dầu khí ở ngay trong thềm lục địa Việt Nam… cung cách ứng xử của Trung Quốc đang ngày càng nguy hiểm và ngạo mạn.

Bài viết “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc” (China’s Dangerous Arrogance) đăng trên The Diplomat cho rằng việc Trung Quốc tìm cách độc chiếm vùng biển châu Á và đe dọa quyền tự do hàng hải quốc tế đang trở thành vấn đề không chỉ đối với các nước láng giềng.

Theo bài viết, thái độ quyết đoán của Trung Quốc về ngoại giao và quân sự rõ ràng được thúc đẩy bởi sự tự tin thái quá và khiến cho người khác cảm thấy vô cùng lo ngại, đặc biệt về tự do hàng hải.

Thái độ tự tin thái quá của Trung Quốc thường được thể hiện qua những tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh THX
Thái độ tự tin thái quá của Trung Quốc thường được thể hiện qua những tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh THX

Khi Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng, nước này càng trở nên quyết đoán hơn trong lĩnh vực ngoại giao. Thái độ quyết đoán này ngày càng gia tăng cùng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc và khiến cho người ta tự hỏi liệu nó có biến thành ngạo mạn, đặc biệt ở Biển Đông.
Sự kết hợp giữa hoạt động hải quân ráo riết và các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc cho thấy chỉ dấu đáng báo động: sự quyết đoán của Trung Quốc về đòi hỏi chủ quyền đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự giàu có và nhận thức về quyền lực. Trung Quốc đang đi ngược với ý nguyện của cộng đồng thế giới, khi không chỉ muốn biến tây Thái Bình Dương thành “vùng cấm” đối với các thế lực bên ngoài mà còn coi vùng biển này là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Điều này thể hiện rất rõ ràng trong thái độ của Trung Quốc đối với Biển Đông. Bắc Kinh đã từng ám chỉ Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, giống như các khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trên thực tế, Trung Quốc đã dẫm đạp khái niệm chung của cộng đồng quốc tế về tự do hàng hải, hàng không… trong một thế giới toàn cầu hóa. Trung Quốc đã thách thức các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế về luật pháp, tự do đi lại và đặt mình ở vào vị thế đối đầu với Mỹ.

Đối với các khu vực nhất định, Trung Quốc hoặc độc quyền thống trị hoặc nói với các nước khác “đừng có can thiệp vào”. Trên thực thế, theo quan điểm của Trung Quốc, những khu vực này “không phải là của chung”. Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” nhằm hạn chế cộng đồng thế giới thực thi những quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh tùy tiện tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông và dành cho mình cái quyền kiểm soát các hoạt động hàng hải và nghiên cứu ở vùng biển này, chứ không chỉ kiểm soát đánh cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển trong phạm vi cái gọi là các Khu vực độc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones) của Trung Quốc. Nếu không bị phản đối, thái độ quyết đoán biến thành ngạo mạn của Trung Quốc sẽ dẫn tới nhiều rủi ro về luật pháp vì luật pháp quốc tế dựa trên những chuẩn mực đã được các nước công nhận.

Trung Quốc coi việc Mỹ hoạt động cái gọi là bên trong chuỗi đảo thứ nhất của nước này là xâm phạm chủ quyền. Bắc Kinh có cách diễn giải “ngược đời” về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như thẩm quyền của nước này trong phạm vi các Khu vực độc quyền kinh tế EZZ, kể cả ở các khu vực đang có tranh chấp.

Sự kết hợp giữa chiến lược pháp lý với lực lượng hải quân của Trung Quốc cho thấy không giống như các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác, Trung Quốc hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của họ bằng sức mạnh quân sự.

Cuộc chiến pháp lý về biển Đông


Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6 với 99,2% đại biểu tán thành.

Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại Điều 1 của luật Biển cho thấy Nhà nước ta khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập từ hàng trăm năm trước.

Ngày 24/6, trao đổi với ThS Hoàng Việt, giảng viên đại học Luật TP HCM đang có mặt ở Hà Nội, ông khẳng định: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu trên thực tế hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này còn là đất vô chủ. Việc các nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm hữu hai quần đảo đó là thật sự, rõ ràng, liên tục và hoà bình”.

Vũ khí mới bảo vệ biển đảo

Theo ThS Hoàng Việt, luật Biển Việt Nam được thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối như vậy cho thấy quyết tâm luật hoá các vấn đề phức tạp liên quan đến biển, đảo của Nhà nước ta là rất cao. Trước đây, đã có lần chúng ta muốn thực thi ý chí mạnh mẽ này của quốc gia nhưng điều kiện chưa thật hội đủ. Nay, chúng ta đã là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nên chúng ta có cơ hội để tiệm cận với nhiều quy định chung của nó, đặc biệt là nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác. Đây còn là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển.

Tương tự, TS Dương Danh Huy từ quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Anh Quốc, trả lời phỏng vấn BBC ngày 20/6 cũng cho rằng, luật Biển lần này của Việt Nam càng tuân thủ các điều khoản của UNCLOS bao nhiêu thì sự ủng hộ của quốc tế dành cho Việt Nam sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Đấy cũng là cách để Việt Nam có thể vận dụng Luật quốc tế để đấu tranh chống lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đang đòi hỏi chiếm hữu 80% diện tích Biển Đông hiện nay.

Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại điều 1 của luật Biển
Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại điều 1 của luật Biển

Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại điều 1 của luật Biển cho thấy Nhà nước ta khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập tự hàng trăm năm trước. 

Ngày 22/6, trả lời phỏng vấn báo Yomiuri, Nhật, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói rõ, việc thông qua luật Biển Việt Nam thể hiện đúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đây là thời điểm chín muồi để tỏ rõ quyết tâm khẳng định chủ quyền của đất nước trước những đòi hỏi vô lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Phúc nhìn thấy trong bộ Luật vừa thông qua có các biện pháp cần thiết, bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo của Việt Nam. Đây là những quyền cơ bản của một nước đã được thừa nhận bởi chính Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ngày 21/6, trang web bộ Ngoại giao Việt Nam đăng tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao khẳng định: Luật Biển Việt Nam vừa thông qua là một hành động lập pháp bình thường, chính đáng, vì Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và chứng cớ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa trên Biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Trường Sa - Hoàng Sa được đề cập đến trong Luật Biển Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, vì đây không phải là vấn đề mới mà chỉ tiếp nối các luật Việt Nam đã có trước đây.

Theo RFI, Pháp, ngày 22/6, trong vấn đề Biển Đông, khi nói đến pháp lý, Bắc Kinh hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Có lẽ đây là lý do khiến cho Bắc Kinh “nổi cơn thịnh nộ” và đe dọa chống lại luật Biển của Việt Nam một cách kịch liệt. Đối với người dân Việt Nam, lời dọa nạt của Bắc Kinh không làm họ lo sợ. Luật Biển là ngọn gió mới làm giới thanh niên sinh viên lên tinh thần. Ít ra những người có trách nhiệm cầm súng bảo vệ Tổ quốc hay đàm phán trên bàn hội nghị kể từ nay có thêm trong tay những cơ sở pháp lý như là một vũ khí mới để bảo vệ biển đảo.

Trung Quốc phản đối gay gắt
Ngày 22/6, theo phân tích của nhật báo Mỹ New York Times, trong một “pha biểu diễn quyết tâm” đối đầu với mọi tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc đã đả kích một cách mạnh mẽ việc Việt Nam thông qua luật Biển khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).

Thái độ giận dữ của Trung Quốc được biểu lộ hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị cấp Ngoại trưởng của ASEAN tại Phnom Penh, trong đó sẽ có sự tham dự của các Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc. Theo giới phân tích, Biển Đông sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự. Bắc Kinh đã gấp rút ban hành một số biện pháp hành chánh trong mưu toan đặt quốc tế và các nước láng giềng trước sự đã rồi. Mới đây, Trung Quốc tuyên bố nâng cấp địa bàn Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng với đảo Macclesfield Bank (Trung Quốc gọi là Trung Sa) thành Thành phố Tam Sa. Người phát ngôn bộ Ngoại giaoViệt Nam đã lên án hành động này của Trung Quốc.

Cũng trong kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc tiếp tục duy trì tàu ngư chính và tàu đánh cá bên ngoài vùng bãi đá ngầm Scarborough, sau hơn hai tháng diễu võ giương oai. Theo nhận định của tờ New York Times, Hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) tại Phnom Penh trong hai tuần tới diễn ra khi tình hình Biển Đông căng thẳng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng. Trong bối cảnh này, việc Việt Nam đã chủ động khẳng định chủ quyền biển đảo bằng một đạo luật quốc gia là một hành động lập pháp đầy ý nghĩa.

Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, thông qua một đạo luật là hoạt động của nhà nước pháp quyền, nhưng đạo luật đó có đi vào cuộc sống như mong muốn hay không, còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Luật Biển Việt Nam vừa được thông qua có thể chưa phải là công cụ vạn năng để giải quyết tất cả các tranh chấp về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và trên Biển Đông với các bên liên quan, nhưng đó sẽ là một công cụ không thể thiếu đối với cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông trong khuôn khổ Hiến chương LHQ và UNCLOS.

Luật Biển Việt Nam vừa thông qua là một hành động lập pháp bình thường, chính đáng, vì Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và chứng cớ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa trên Biển Đông. (Bộ Ngoại giao Việt Nam).

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Tướng Trung Quốc đề nghị xét lại quan điểm gác tranh chấp?


Ngày 17/5 tại Bắc Kinh, Báo Văn hối Hồng Kông đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề Biển Đông, gồm 6 ông tướng “văn phòng” Trung Quốc tham gia. Họ cho rằng: Đối với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” lâu nay của Trung Quốc cần phải xem xét lại.
Đây là một sách lược lớn của ông Đặng Tiểu Bình, vậy tại sao lại có sự đề xuất từ những vị tướng “diều hâu” này?
Bất kỳ ai trên thế giới, kể cả những người dân Trung Quốc có lòng tự trọng, nhìn cái đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ trên Biển Đông đều có cảm giác hết sức “ngứa mắt” và cũng nhận rõ nhân cách, đạo đức của tác giả đường “lưỡi bò” này: Bành trướng, tham lam vô độ; cậy lớn hiếp bé, ngang ngược, bất chấp luật lệ.
Dân tộc Trung Hoa từ xưa cho đến thời kháng Nhật, hoặc chấp nhận bị người khác khuất phục hoặc đi khuất phục người khác. Bởi thế, nói là Trung Quốc vĩ đại, đông dân nhất trên thế giới, nhưng vẫn bị kẻ khác thống trị. Lịch sử chiến công quật cường chống xâm lược của họ là khiêm tốn.
Với cái đường lưỡi bò tự vạch ra trên Biển Đông, Trung Quốc đang bị hầu hết các nước trong khu vực phản đối.
Với cái đường lưỡi bò tự vạch ra trên Biển Đông, Trung Quốc đang bị hầu hết các nước trong khu vực phản đối.
Tôn Vũ tác giả “Binh pháp TônTử” mà người Trung Quốc rất tôn thờ, cho rằng “Một quân đội nhỏ yếu mà liều lĩnh cố đánh sẽ bị kẻ địch lớn mạnh bắt làm tù binh” và phương pháp dùng binh, “có binh lực gấp 10 lần địch thì bao vây, gấp 5 lần địch thì tiến công, gấp hai lần địch thì chia cắt, binh lực ngang nhau thì phải biết đánh, binh lực ít hơn thì phải biết lánh, binh lực yếu hơn thì phải biết tránh cho xa”.
Tư tưởng này có nhiều điều, nhưng có một điều cốt lõi cần ghi nhớ là: Đã yếu, ít, thì chịu phận làm thân cừu ngựa, chống lại chỉ có chết.
Hình như người Trung Quốc áp dụng rất triệt để điều này…cho nên, “Trung Quốc trong thời kỳ chống Nhật, vùng căn cứ địa Giao Đông chỉ có bảy, tám tên lính Nhật vác cờ mặt trời đi càn, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết.”
Hoặc “chỉ có gần 100 lính Nhật là đủ để áp giải 50.000 tù binh của quân Quốc Dân đảng tới Yến Tử Cơ (địa danh thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) xử bắn. Chưa nói đến phản kháng, ngay đến dũng khí bỏ chạy, các tù binh này cũng chẳng có”. Hay “chỉ cần một tên Nhật thì cũng cai quản một huyện ở Trung Quốc…”
Tất cả những dẫn chứng đó, ông Trung tướng Không quân Trung Quốc Lưu Á Châu nêu ra để mô tả nét văn hóa tính cách: tê liệt ý chí phản kháng trước kẻ mạnh, sợ kẻ mạnh như cừu sợ sói.
Trong khi đó, với các nước nhỏ láng giềng, khi Trung Quốc cảm thấy mình mạnh là ý đồ bành trướng lại nổi lên, muốn đi khuất phục người khác. Với kẻ yếu, thậm chí với cả dân tộc mình thì hành xử rất ngang ngược.
Người Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Không đi khuất phục kẻ khác và kiên quyết không chịu để kẻ khác khuất phục. Bởi vậy, lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam oanh liệt, có những chiến công “chấn động địa cầu” là vậy.
Ông Tôn Vũ cũng đã dạy cho con cháu quân sự Trung Quốc rằng: Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng điều này thì con cháu, hậu duệ ít ai nghe ông.
Họ chủ yếu “biết ta” và “suy bụng ta ra bụng người” mà hành động. Họ không bao giờ chịu hiểu người Việt Nam, cứ tưởng giống văn hóa tính cách của họ, cho nên, từ xưa tới nay họ hành xử chủ quan và kết quả ra sao thì lịch sử đã chứng minh quá rõ.
Người Việt Nam khác người Trung Quốc. Không cần biết ai là cọp, ai là sư tử, hể xâm lược Việt Nam là “còn cái lai quần cũng đánh”. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đánh cho khi nào thắng thì thôi. Cho nên muôn đời, quân xâm lược nuốt Việt Nam không trôi là vậy và đương nhiên, Việt Nam mới như ngày nay.
Đường lưỡi bò”, còn gọi là “đường chữ U” hay “đường chín đoạn” được Trung Quốc chính thức đưa ra trong hai công hàm của phái đoàn thường trực nước CHDCND Trung Hoa gửi Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009 khi phản đối Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và Báo cáo riêng của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa. Bản đồ “đường lưỡi bò” đính kèm công hàm của phía Trung Quốc cho thấy nó chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Phía Trung Quốc cho rằng “theo bản đồ đính kèm, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và các vùng nước liền kề, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển của các vùng.
Trước đó, dựa trên luật 1998 về vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc ban hành, năm 2002 Trung Quốc tiếp tục ban hành đạo luật cấm các nước khác khảo sát đo đạc trong EEZ.
Thực chất đây là điều mà Trung Quốc muốn biến vùng EEZ thành vùng đặc quyền quân sự mà theo đó bất kỳ tàu thuyền quân sự nào cũng không được qua lại trong vùng EEZ đó.
Như vậy, nếu khi đường “lưỡi bò” được thực thi, thì 4 quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei chỉ cần “bước chân xuống biển” là phải xin phép Trung Quốc…
Vậy, có gì là sai khi nói rằng Trung Quốc ngang ngược, cậy lớn hiếp bé?
Trung Quốc nói, đó là “chủ quyền không thể chối cãi”, vậy tại sao lại sợ như cú sợ ban ngày, khi đưa vấn đề đó ra cho mọi người bình xử, dựa trên UNCLOS mà họ là thành viên, giải quyết theo nguyên tắc đa phương?
Phải chăng Trung Quốc chỉ muốn “cãi” nhau với từng nước riêng lẻ để dễ bề trấn áp, bắt nạt theo kiểu “ cả vú lấp miệng em”, chỉ giải quyết theo nguyên tắc song phương?
Ngày 17/5 tại Bắc Kinh, Báo Văn hối Hồng Công đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề Biển Đông, gồm 6 ông tướng “văn phòng” Trung Quốc tham gia. Họ cho rằng: Đối với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” lâu nay của Trung Quốc cần phải xem xét lại.
Đúng là phải xem lại.
Các quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, không một quốc gia nào “cùng khai thác” với Trung Quốc cả. Tại sao vậy?
Thứ nhất, mấy ông tướng kia đưa ra vấn đề này nghe có vẻ mỵ dân Trung Quốc, đổ tội cho các nước có tuyên bố tranh chấp với Trung Quốc là thiếu tính xây dựng, hiếu chiến, “bắt nạt” Trung Quốc, trong khi Trung Quốc thì hòa bình thân thiện chìa tay ra đề nghị “gác lại để cùng khai thác”.
Thực ra, sách lược của ông Đặng còn 3 chữ đằng trước nữa là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, mà mấy ông tướng cố tình lờ đi. Nếu chấp nhận “cùng khai thác” thì có nghĩa khó có thể công nhận chủ quyền của Trung Quốc nơi khu vực đang trang chấp. Chẳng lẽ có quốc gia nào tự đưa đầu vào rọ thế sao?
Thứ hai, Trung Quốc dùng sách lược biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, mà yêu sách đường “lưỡi bò” chính là hành động để thực hiện thủ đoạn trên, hù dọa, ép “cùng khai thác” thì ai nghe, ai chấp nhận cách hành xử trắng trợn ngang ngược như vậy được.
Đúng là phải xem lại, bởi đây không phải là một đề nghị mang tính hòa bình, hữu nghị, vì lợi ích chung mà một sự ép buộc, trấn áp, sau khi đã hành động ngang ngược, hù dọa dùng vũ lực, bị các nước trong khu vực lật tẩy và phản đối quyết liệt.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, “gây ra tranh chấp để cùng khai thác” có lẽ là một sách lược đúng. Trên bãi cạn Scarborough, dù Trung Quốc có coi Philipines như “con muỗi” đi nữa thì cũng không thể chiếm trọn bãi cạn ấy được, phải đi đến giải pháp “cùng khai thác” mà thôi.
Sáu ông tướng nói trên cho rằng: “Tình hình hiện nay đã thay đổi, “thế hệ chúng ta cần phải có sự đóng góp, cần phải thể hiện sự dám làm và trí tuệ”, “vấn đề Biển Đông không thể cứ kéo dài mãi. Nếu cứ để kéo dài, rất có khả năng Trung Quốc sẽ mất đi chủ quyền đối với một diện tích lớn tại Biển Đông, mất đi cơ nghiệp của tổ tông, trở thành “thiên cổ tội nhân” của dân tộc Trung Hoa”…
Quả thật, tướng “văn phòng” nói hay và chỉ huy tác chiến trên…”văn phòng” và trên CCTV giỏi thật. Các tướng chỉ huy, tham mưu Trung Quốc thực thụ, nghe được không nổi cáu lên mới chuyện lạ.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Trung Quốc ngang ngược cấm đánh cá ở biển Đông


Trung Quốc hôm qua ngang nhiên tuyên bố sẽ cấm đánh bắt ở nhiều khu vực trên biển Đông. Philippines khẳng định không công nhận lệnh này.

Theo báo China Daily, chính quyền Trung Quốc sẽ áp đặt lệnh cấm đánh bắt mới ở phía bắc biển Đông trong 2 tháng rưỡi, bắt đầu từ ngày 16.5. Trong đó, gồm cả bãi cạn Scarborough, nơi đang xảy ra tranh chấp với Philippines hơn 1 tháng qua. Từ năm 1999 đến nay, Bắc Kinh liên tục cấm đoán ở khu vực biển Đông mà nước này tự cho là thuộc chủ quyền của mình với cái cớ “bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển”. China Daily dẫn lời giới chức cho biết sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và hải sản của “người vi phạm”.

Ngay lập tức, Đài ABS-CBN dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định nước này sẽ không công nhận lệnh cấm nói trên. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh động thái của Bắc Kinh “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” và Manila “sẽ thực thi các đặc quyền hợp pháp theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Philippines “có thể áp đặt lệnh cấm tương tự để khôi phục nguồn hải sản”.

Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters
Ngư dân Philippines tại khu vực gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, lệnh cấm được đưa ra giữa lúc căng thẳng ở Scarborough chưa được xoa dịu nên sẽ tạo cớ cho tàu công vụ của Trung Quốc bắt bớ tàu cá Philippines tại đây. Bắc Kinh cũng muốn hạn chế các bên khác đánh bắt trong vùng tranh chấp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gia tăng tần suất hiện diện của tàu mình ở đây. Việc Trung Quốc dự định đưa vào biên chế 36 tàu hải giám trong năm tới có thể cũng nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đến nay, Trung Quốc luôn phản đối các nước bên ngoài lên tiếng về tranh chấp trên biển Đông. Cũng giống như với Mỹ, nước này đang gây áp lực để buộc Nga phải tránh xa khu vực chiến lược và giàu tài nguyên. Trang tin World Net Daily dẫn lời ông Dmitriy Mosyakov thuộc Viện Nghiên cứu các nước phương Đông của Nga nói rằng Moscow hiện phải đối mặt với “một lựa chọn và giá của lựa chọn đó có thể sẽ rất cao”.

Nếu Nga từ bỏ lợi ích ở biển Đông để đổi lấy quan hệ với Trung Quốc thì nước này “không chỉ mất mặt ở châu Á, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn đánh mất luôn những hợp đồng dầu khí trị giá hàng tỉ USD”. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản... Theo Đài GMA hôm qua, Úc đã lên tiếng thúc giục các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. “Chúng tôi không ủng hộ bên nào nhưng vì Úc cũng có quyền lợi ở biển Đông nên chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng những nguyên tắc hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”, Ngoại trưởng Úc Bob Carr tuyên bố.