Tôi là một trong rất nhiều người đã và đang làm việc trên công trường xây dựng đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Dù chưa một lần đặt chân đến Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng trong mỗi chúng tôi đều cảm nhận rất nhiều về mảnh đất mà cha ông đã xác lập chủ quyền, sinh sống qua nhiều thế hệ và đã đổ không biết bao công sức, máu xương để gìn giữ.
Cầu số 4 và số 5 (P.1, Q.Tân Bình) nối giữa đường Trường Sa (phải) và Hoàng Sa - Ảnh: T.T.D. |
Bây giờ Hoàng Sa và Trường Sa đã được TP.HCM đặt thành tên hai con đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hai tuyến đường này có chiều dài hơn 10km, được đầu tư nâng cấp mở rộng. Đến nay, giai đoạn 1 đã được thi công hoàn tất. Tuyến đường đã được đưa vào sử dụng với mặt đường bằng phẳng, vỉa hè được lót đá, lắp đặt đèn chiếu sáng với hệ thống cây xanh tạo nên một cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng, mát mẻ.
Chứng kiến cảnh người dân nơi đây tập thể dục, đi bộ trên vỉa hè mỗi buổi sáng, dẫn con đi dạo mỗi buổi chiều với vẻ mặt phấn khởi, những người làm việc trực tiếp trên công trường thi công đường Hoàng Sa và Trường Sa như chúng tôi mới thấy ý nghĩa làm sao!
Với tiến độ thi công khẩn trương, sự tất bật hối hả của mọi người trên công trường, đường Hoàng Sa và Trường Sa chắc sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 2 vào đầu tháng 9-2012.
Khi đó dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã hoàn thành, kết hợp với chín cây cầu (từ cầu số 1 đến cầu số 9) bắc ngang kênh sẽ tạo cho khu vực một diện mạo hoàn toàn mới mẻ: xanh - sạch - đẹp, là hình ảnh có thật trong tương lai gần, không còn là giấc mơ nữa. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có chủ trương đầu tư xây dựng mới cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Lê Văn Sĩ và nâng cao tĩnh không cầu Thị Nghè để đường Hoàng Sa - Trường Sa lưu thông thông suốt từ cầu Lê Văn Sĩ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh
Trong một ngày không xa nữa, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cùng với hai tuyến đường chạy dọc kênh mang tên Hoàng Sa vàTrường Sa không những thuận lợi trong việc đi lại trên bộ mà còn tạo nên khoảng không gian giao thông thủy, vẻ đẹp “trên bến dưới thuyền” tái hiện được đời sống sông nước vốn đã in đậm trong lòng người dân Việt Nam.
Tôi đã đến Thái Lan và thấy họ khai thác một dòng sông chảy ngang qua thủ đô Bangkok để kinh doanh du thuyền, ẩm thực...tạo được một ấn tượng tốt trong lòng du khách. Tôi mong sao chúng ta cũng có thể tận dụng dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để khai thác kinh doanh du thuyền và kết hợp kinh doanh ẩm thực truyền thống các món ăn Nam bộ vào buổi tối.
Ngoài hiệu quả kinh tế và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn sông nước cho người dân địa phương, đây còn là nơi giải trí cho khách du lịch quốc tế, đồng thời giới thiệu thêm với họ về Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta.
Và nhiều người đã hình dung về một Trường Sa - Hoàng Sa nằm ngay nội thành đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Tôi nghĩ nếu lấy tên các đảo nhỏ gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam đặt tên cho các cây cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ví dụ như cầu Đá Lớn, Đá Nhỏ, Đá Đông, Đá Nam, Đá Họp, Sinh Tồn, Song Tử...), chắc chắn sẽ tái hiện một hình ảnh Hoàng Sa - Trường Sa sống động hơn nơi trung tâm TP.HCM, tạo điều kiện cho mỗi người dân hiểu thêm sâu sắc về chủ quyền biển đảo quê hương, tự hào hơn với Hoàng Sa và Trường Sa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét