Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Rau xanh cho Trường Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Rau xanh cho Trường Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Trồng rau trong nhà kính ở Trường Sa


Hai nhà kính có tổng diện tích 250 m2 sẽ được xây dựng tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây trong năm 2012 nhằm giúp quân và dân trên các đảo Trường Sa có thể trồng rau quanh năm. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” do Bộ NN&PTNT thực hiện.

Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa
Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa

TS. Ngô Quang Vinh, chủ trì dự án cho biết: “Hiện lượng nước ngọt tại Trường Sa đủ dùng cho sinh hoạt và tưới rau. Nước giếng có độ khoáng 0,32 - 0,7 g/lít, giàu Ca, Na, Cl, SO4, sử dụng tốt cho ăn uống, tưới cây. Rau xanh là mặt hàng có nhu cầu cao trên quần đảo, đặc biệt vào mùa mưa bão, tàu không ra được và khó có thể trồng, bảo quản rau. Sau hai, ba năm triển khai phương án phát huy nội lực của quân và dân trên đảo trồng rau xanh, chăn nuôi tự túc và cải thiện đời sống và thu hái được những kết quả khích lệ. Hơn chục loại rau và vài loại gia súc, gia cầm đã được nuôi trồng phân tán theo hộ dân, đơn vị bộ đội trên đảo.

Nhà kính ở đảo được thiết kế kiểu nhà vòm với khung sắt mạ niken chịu được gió mạnh và hơi nước mặn, mái lợp polycarbonat (nhựa trong chịu lực), tứ bề có rèm lưới nhôm giảm nhiệt. Nhiệt độ trong nhà kính luôn thấp hơn ngoài trời 20C, thuận lợi cho các loại rau phát triển. Trong nhà kính, rau được trồng trong giá thể chứa phân hữu cơ và mụi dừa (đưa ra từ đất liền). Hệ thống tưới phun công nghệ cao của Israel hết sức tiết kiệm nước. Với các đảo chìm, sẽ làm một số vòm lưới/nylon. Bên cạnh mục tiêu trồng rau, dự án còn nuôi thử heo sóc Tây Nguyên, heo cỏ Bình Thuận, bò lai Sind và vịt lấy trứng. Trồng hai giống cỏ, tiến hành ủ cỏ dự trữ thức ăn chăn nuôi. Dự án cũng trồng các loại hoa có khả năng thích nghi điều kiện khó khăn trên đảo như: hoa cúc, hoa giấy, sống đời, hoa xương rồng cảnh. Các công trình của dự án được triển khai ở ba đảo nổi: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; bốn đảo chìm: Đá Nam, Đá Lát, Đá Lớn và Len Đao.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Ân tình gửi lại Trường Sa


Sáng 10-6, tàu HQ-571 cập cảng Cát Lái (TP.HCM), kết thúc chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2012” (từ 30-5 đến 10-6) thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Giờ chia tay khi đoàn hành trình về đến cảng Cát Lái, TP.HCM
Giờ chia tay khi đoàn hành trình về đến cảng Cát Lái, TP.HCM

Đó là chuyến hành trình tràn ngập cảm xúc yêu thương và tinh thần trách nhiệm.

Mang rau xanh đến đảo chìm

Có mặt trong chuyến hành trình lần này, Trịnh Quang Vinh – Ban cán sự Đoàn ĐHQG và Lê Viết Hoa – SV khoa sinh Trường ĐH KHTN TP.HCM, đã mang theo lỉnh kỉnh những giá trồng rau, mỗi giá gồm bốn khay trồng, chiều dài 1m, chiều ngang 0,3m. Hai bạn là đồng tác giả đề tài “Nâng cao sản lượng rau trồng bằng phương pháp khí canh (sử dụng kỹ thuật phun sương để kích thích cây ra rễ mà không cần dùng đất trồng – PV) cho quần đảo Trường Sa”. Công trình đã đoạt giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2009 và sau đó được Thành đoàn TP.HCM chọn làm công trình thanh niên năm 2011, từ đó cho ra đời công trình rau xanh cho đảo chìm vào mùa mưa.

Trịnh Quang Vinh cho biết đến thời điểm này, công trình rau xanh cho đảo chìm đã triển khai được ở bốn đảo Đá Tây, Đá Đông, Tốc Tan và Đá Lớn. Hai loại rau phù hợp với cách trồng này là cải củ để ăn lá, thu hoạch sau khi gieo 6-7 ngày và rau muống, khoảng chín ngày, khi cây rau già hơn rau mầm một chút. Mỗi khay sẽ thu hoạch 1,3kg rau. Nhờ hệ thống đèn chiếu sáng ở mỗi khay, cách trồng này có thể triển khai trong tầng hầm hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.

Lê Viết Hoa cho biết mong muốn công trình này về lâu dài sẽ được triển khai ở tất cả các đảo chìm, cùng với đó là một quy trình khép kín sẽ được điều chỉnh thông qua việc thay khung inox bằng một loại hợp kim khác có thể chống gỉ, sét. Các đảo sẽ tự nhân hạt giống để gieo trồng.

“Hành trình hạnh phúc!”

Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đào Hữu Vinh (khoa hóa Trường ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội) đã thốt lên như vậy sau khi chuyến hành trình kết thúc. Ở tuổi 74, ông đã được đi nhiều nước trên thế giới, khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng ước nguyện cuối cùng của đời ông là được một lần đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng. Ông vác balô tham gia chuyến hành trình với niềm háo hức. “Sóng gió trên đường đi chỉ là thử thách quyết tâm về lòng yêu Trường Sa của mình. Sự háo hức đã át đi nỗi sợ, lo lắng trong tôi”, ông nói.
Đêm trước ngày tàu HQ-571 khởi hành đi Trường Sa, ông thao thức cả đêm nghĩ đến giây phút được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời. Đi đến đâu ông cũng cầm tay chiến sĩ hỏi thăm ân cần. Câu chuyện về cậu lính trẻ có mẹ đang ốm nặng ở quê, khi được hỏi có nhớ nhà không chỉ đáp lại bằng nụ cười, là hình ảnh ông mang về đất liền để sẻ chia với con cháu của mình biết thế nào là tinh thần thép của chiến sĩ hải quân VN.
Trong hành trình đi thăm 11 đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn, ông chỉ bỏ lỡ một đảo vì “chậm chân hơn một chút”. Hôm đến thăm các chiến sĩ ở nhà giàn DK1, ông leo đến cùng từng bậc thang, để đến thăm các chiến sĩ trước cái nhìn ái ngại của nhiều người.
Ông bảo cuộc đời mình coi như đã mãn nguyện. “Hai lần hạnh phúc trong đời tôi là chuyến đi Trường Sa lần này và lần được cùng các anh em làm công việc mạ vàng lên câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trong lăng của Người vào năm 1975”, ông cho biết. Trong balô của mình, ông luôn cất giữ tấm hình chụp ông và những cộng sự đã cùng làm việc trong lăng Bác như báu vật của đời mình. Và giờ đây, báu vật ấy chắc chắn sẽ có thêm những tấm ảnh về Trường Sa thân yêu.