Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn xung đột. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn xung đột. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Biển Đông tuần qua (từ 27/2-4/3)


Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc tại Đà Nẵng; Việt - Trung hội đàm về vấn đề biên giới lãnh thổ tại Bắc Kinh và thiết lập đường dây nóng về vấn đề trên biển; Philippines mời nhà đầu tư nước ngoài thăm dò dầu khí ở Biển Ðông và cùng Mỹ chuẩn bị tập trận trên Biển Đông; Trung Quốc phủ nhận bắn tàu cá Việt Nam; Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tái diễn dùng vũ lực với ngư dân Việt Nam


I. Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc triển khai thêm 200 nữ binh sĩ vào lực lượng hải giám. Nhằm tham gia các hoạt động tuần tra ở khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Số binh sĩ này được đào tạo tại một căn cứ thuộc Hạm đội Nam Hải và “sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu”. Lực lượng hải giám của Trung Quốc hiện lên đến 8.000 người và được phân bổ theo sơ đồ tổ chức của hải quân Trung Quốc khi chia thành 3 tổng đội: Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải. Trung Quốc tuyên bố sắp tới sẽ tổ chức “tuần tra phối hợp chặt chẽ trên các vùng biển”[1].
Trung Quốc phủ nhận bắn tàu cá Việt Nam. Ngày 26/2/2012, cơ quan thực thi luật biển Trung Quốc đã tuyên bố rằng việc các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa tin tàu tuần tra Trung Quốc bắn vào một tàu cá Việt Nam là không đúng sự thật. Theo tuyên bố của cơ quan giám sát biển Trung Quốc (CMS), trực thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương quốc gia của Trung Quốc, CMS gần đây đã tuần tra theo thông lệ tại các vùng nước quanh đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi. Tuy nhiên, các tàu CMS không có bất kỳ va chạm nào với các tàu Việt Nam.
Họp báo thường kỳ ngày 27/2 của Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Đề nghị cho biết phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố của Việt Nam vào ngày 24/2 đối với các hoạt động nghiên cứu hải dương của Trung Quốc tại những khu vực biển có tranh chấp với Việt Nam trong vùng Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động uy hiếp chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?” Người phát ngôn Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển phụ cận tại Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành các công việc xây dựng thông thường và các hoạt động phát triển tại quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Đối với cách nói của Việt Nam, phía Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam thiết thực tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.” [2]
Trung Quốc bác bỏ việc “ngược đãi ngư dân Việt Nam". Ngày 1/3, tại Bắc Kinh, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời báo chí: Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh. Gần đây, cơ quan hữu quan Trung Quốc tiến hành xử lý theo pháp luật việc tàu đánh cá Việt Nam tiến hành đánh bắt trái phép (Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã dùng từ “fishing piracy” (đánh bắt kiểu cướp biển) tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, trục xuất tàu đánh cá là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Điều cần nhấn mạnh là, Trung Quốc không hề sử dụng vũ lực trong quá trình hành pháp, cũng không lên tàu đánh cá Việt Nam.
“Quan điểm nhất quán của Trung Quốc về Biển Đông” của Cheng Guangjin. Ngày 29/2, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ liên quan tới tuyên bố mới đây nhất của Mỹ về việc Trung Quốc tiếp tục “hiếu chiến” đối với các tàu thuyền thực hiện thăm dò khai thác dầu khí tại vùng nước tranh chấp trên biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: (1) Tự do và an toàn hàng hải tại Biển Đông chưa bao giờ là vấn đề và cũng chưa từng bị ảnh hưởng bởi tranh chấp tại Biển Đông và các nước liên quan,(2) Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biển Đông là “nhất quán, không mạnh hơn và không yếu hơn”. (3) Điểm mấu chốt trong các tranh chấp hiện nay là tuyên bố về chủ quyền đối với một số đảo và phân giới một số vùng nước trên biển. Không nước nào trong đó cả Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông.



“Bộ Nông Nghiệp: Ngư Chính Trung Quốc phải dám gánh vác, dám va chạm”. Theo Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc - Ngưu Thuẫn, Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật và vũ khí hiện đại cho tàu ngư chính, nhằm nâng cao khả năng chấp pháp của lực lượng này. Đồng thời yêu cầu, các cơ quan ngư chính các cấp cần giữ vững bản lĩnh với “5 dám và 5 không nghỉ ngơi”: Dám chịu trách nhiệm, thiết thực bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản ngư dân, nhiệm vụ không hoàn thành thì không nghỉ ngơi; Dám va chạm, kiên quyết bảo vệ an ninh trật tự tác nghiệp trên biển, chưa giải quyết được vấn đề thì chưa nghỉ ngơi; Dám thực thi pháp luật, tập trung đảm bảo an ninh sinh thái khu vực nghề cá, không làm tốt công việc không nghỉ ngơi; Dám duy trì quyền lực, thực hiện toàn diện tinh thần của chỉ thị “3 giữ gìn”, chưa đạt được mục tiêu thì chưa nghỉ ngơi; Dám đột phá, tìm mọi cách đảm bảo an toàn chất lượng hàng thủy sản, công việc chưa làm tốt chưa nghỉ ngơi” [3]

+ Việt Nam:
Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn dùng vũ lực với ngư dân Việt Nam. Ngày 29/02/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước sự việc ngày 22/02/2012, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 90281TS của tỉnh Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).


Hải quân tiếp nhận tàu chiến hiện đại nhất hiện nay. Ngày 1/3, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã làm lễ tiếp nhận tàu pháo HQ272 - tàu tuần tiễu trên biển hiện đại nhất hiện nay do Việt Nam sản xuất. Tàu có chiều dài nhất 44,16 m, chiều rộng nhất 9,16 m; tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ; có khả năng hoạt động liên tục trên biển trên 30 ngày. Tàu HQ 272 được trang bị vũ khí hiện đại, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lãnh hải, chống cướp biển.

+ Phi-líp-pin:
Philippines mời gọi nhà đầu tư nước ngoài thăm dò dầu khí ở Biển Ðông. Hôm 27/02, chính quyền Manila cho biết sẽ bắt đầu cung cấp hợp đồng thăm dò dầu khí cho một số công ty kể từ tháng Ba. Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch cho đấu thầu 15 lô dầu khí ngoài khơi Philippines, đã được khởi động vào giữa năm 2011. Bộ trưởng Năng lượng Philippines ông Jose Almendras không nói rõ là các hợp đồng có liên can đến các lô bị Trung Quốc tranh chấp hay không. Tuy nhiên, ông đã khẳng định rằng hai khu vực cho đấu thầu nằm vùng biển phía tây bắc đảo Palawan hoàn toàn thuộc lãnh thổ Philippines.
Philippines từ chối đề nghị khai thác chung ở Biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định việc cùng Trung Quốc khai thác tại các khu vực ở Biển Đông, mà rõ ràng thuộc chủ quyền của Philippines, thì không phải là giải pháp cho vấn đề giữa hai bên. Trong cuộc họp với hai cựu đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Rosario lặp lại quan điểm của Manila rằng sẵn sàng mời Trung Quốc tham gia với tư cách nhà đầu tư tại bãi đá ngầm Reed Bank dưới sự quản lý của luật pháp Philippines, đồng thời nhấn mạnh Reed Bank là một phần không thể tách rời của Philippines, và vì thế, không thể có chuyện cùng khai thác với Trung Quốc.

+ Mỹ:


Đô đốc Robert Willard: Hoa Kỳ cần hiện diện ở Biển Ðông. Chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho biết quân đội Mỹ cần hiện diện ở khu vực này để bảo đảm an ninh của tuyến đường biển trọng yếu của các hoạt động thương mại quốc tế. Ông Willard cho biết sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng không ngừng và dự báo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục táo bạo trong chiến lược tăng cường sự hiện diện trong khu vực và trên toàn thế giới và tiếp tục thách thức Hoa Kỳ ở khu vực, trong lãnh vực hải dương, an ninh mạng và không gian.
Tàu chiến Mỹ bán cho Philippines “vô dụng trong phòng vệ trên biển.” Vì vũ khí trang bị cho những tàu này đã bị phía Mỹ tháo dỡ hết trước khi tàu được giao cho Philippines – một quan chức ngoại giao hàng đầu Philippines tiết lộ. “Thay vào đó, người Mỹ muốn chúng tôi mua những vũ khí này riêng, và tất nhiên, với giá cao hơn nhiều.” Trước đó, Ngoại trưởng Albert F. del Rosario tuyên bố Philippines sẽ yêu cầu mua thêm 2 tàu chiến lớp Hamilton của Mỹ.

+ Nga:
Nga sắp giao tàu tuần tra cho Việt Nam. Hai tàu tuần tra cao tốc lớp Projekt 10412 Svetlyak có thể được chuyển tới Việt Nam vào cuối tháng 5 năm nay. Như vậy Việt Nam sẽ có trong tay tổng cộng sáu chiếc tàu tuần tra biên phòng cao tốc lớp Svetlyak. Tàu có trọng tải 364 tấn, hoạt động với hệ thống thủy lực gồm ba động cơ diesel tự động, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ. Các tàu không có thiết bị chống tàu ngầm nhưng được trang bị các ụ pháo АК-176M, 8 tên lửa chống hạm và 16 tên lửa phòng không.

II. Quan hệ các nước


Việt - Trung lập đường dây nóng về vấn đề trên biển. Trong hai ngày 27 và 28/2 tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí cho rằng việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đồng thời nhất trí triển khai một số công việc sau:(1) Thành lập Nhóm công tác cấp Cục, Vụ để đàm phán về việc phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và về việc hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; (2) Thành lập Nhóm công tác cấp Cục, Vụ về việc hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; (3) Khởi động đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao để kịp thời trao đổi, xử lý thỏa đáng các vấn đề phát sinh trên biển.

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm chính thức Ấn Độ. Ngày 1/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ S.M. Krishna trong chuyến thăm chính thức nước này từ tối 29/2. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Syed Akbaruddin, ngoại trưởng hai nước sẽ đề cập "tất cả các vấn đề" liên quan đến mối quan hệ song phương.

Philippines, Mỹ chuẩn bị tập trận trên Biển Đông. Philippines sẽ tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông trong tháng 3, cùng thời điểm Bộ Năng lượng Philippines trao cho các công ty tư nhân nước ngoài giấy phép thăm dò dầu khí ở một số khu vực trên biển này, trong đó có cả những vùng đang tranh chấp với Trung Quốc. Bộ trưởng Năng lượng Jose Almendras xác nhận tuyên bố cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng này, nhưng từ chối cho biết chi tiết. Quân đội Philippines từng tuyên bố sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn cho các công ty dầu đến thăm dò khai thác ở Philippines, với sự trợ giúp của máy bay giám sát và các tàu tuần tra.

Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc. Từ ngày 1-2/3 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 18 do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh đồng chủ trì. Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); duy trì đối thoại ở các cấp và tích cực phối hợp để triển khai bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được thông qua tháng 7/2011; hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982 vì mục đích thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực.

III. Phân tích và đánh giá


“Biển Đông nóng trở lại do cuộc đua tìm dầu” của Randy Fabi, Manuel Mogato. Các quan chức cấp cao của Forum Energy cho biết công ty dự định sẽ tới Reed Bank trong vòng vài tháng tới để tiến hành khoan giếng dầu và khí đốt tự nhiên đầu tiên ở khu vực này trong nhiều thập kỷ qua. Sự kiện đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự đối với ông Aquino nếu Trung Quốc phản ứng lại một cách hiếu chiến hơn. Quân đội Mỹ đã tỏ dấu hiệu sẽ quay trở lại khu vực này thông qua các cuộc tập trận (dự kiến vào tháng 3 tới) với Hải quân Philíppin. Trung Quốc chắc chắn sẽ coi động thái này là một sự khiêu khích. Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo, nhận định: "Đây (các cuộc tập trận) sẽ là một phép thử về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các chiến thuật giống như họ đã làm hồi năm 2011 và gây cản trở đối với các tàu khoan, hoặc thậm chí họ sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào các tàu khoan và đưa các tàu chiến của họ tới khu vực này". Xem ra, cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua trên Biển Đông đang bước sang một giai đoạn mới và gây nhiều bất đồng hơn khi các quốc gia yêu sách tìm cách thâm nhập sâu hơn vào các vùng biển có tranh chấp để tìm kiếm các nguồn cung năng lượng, đồng thời tăng cường lực lượng hải quân của mình và liên minh quân sự với các quốc gia khác, đặc biệt là với Mỹ.

“Singapore và sự can dự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương” của See Seng Tan Sự can dự của Mỹ ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương là không thể thiếu, nhất là theo quan điểm của giới lãnh đạo Xinhgapo. Đúng hơn là Mỹ được coi như một yếu tố quyết định của trật tự an ninh ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương, một thế lực vô song cho đến nay và là nhà bảo trợ chiến lược của khu vực này. Đôi lúc khi Mỹ tìm cách cân bằng với Trung Quốc về mặt ngoại giao – chẳng hạn như để đối phó với cái gọi là việc Trung Quốc đề cập đến Biển Đông như một “lợi ích chủ chốt” của nước này - sự xôn xao giận dữ do kết quả của việc đó đã được Xinhgapo xem xét với nỗi quan ngại. Trong những thời điểm như vậy, những căng thẳng không thể tránh được giữa vai trò của Mỹ như một yếu tố quyết định và như người cân bằng - cả hai đều là yếu tố then chốt đối với chính sách đối ngoại của Xinhgapo - đặt ra những vấn đề cho sự ổn định mà khu vực châu Á –Thái Bình Dương được mong đợi. Xinhgapo đã rất nỗ lực trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh để nuôi dưỡng tình cảm với Mỹ và để bảo đảm rằng nước này vẫn hoàn toàn can dự và thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tốt nhất là theo cách giữ quan hệ Mỹ - Trung – quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới đối với nhiều nước - được thăng bằng.

Các vụ va chạm tại Biển Đông đã giảm xuống. Đô đốc Robert Willard, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu trước Ủy ban Quân dịch Thượng viện Mỹ “Chúng tôi nhận thấy từ đầu năm 2012 tới nay đã có ít va chạm hơn (giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông) so với những năm trước”. Theo Ông Willard, "những tuyên bố rất mạnh mẽ" của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như đã có tác động lớn tới Trung Quốc. Những bình luận công khai như vậy "đã khiến Trung Quốc phải lùi một bước và xem xét lại những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông".


“Washington và Hà Nội tiến đến trong sự thận trọng” của Michael Auslin. Với những thách thức đang phải đối mặt, Hoa Kỳ sẽ chấp nhận chào đón thêm một đối tác mới trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Washington và Hà Nội vẫn còn khá lớn, và trừ khi cả hai dần dần tìm hiểu thêm, cơ hội cho mối quan hệ đầy ý nghĩa này có thể sẽ bị hủy hoại. Mối quan tâm chính của Washington vẫn là chiến lược. Hà Nội có mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc nhất so bất cứ quốc gia nào khác trong khối ASEAN. Cả hai nước đã đối mặt trong cuộc chiến tranh biên giới hồi năm 1978 và đang có những tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông. Trung Quốc không những chỉ quấy rối các tàu thuyền của Việt Nam mà còn gây sức ép lên các công ty dầu mỏ nước ngoài làm việc với Việt Nam. Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhanh chóng tuyên bố rằng họ sẽ không nghiêng về Bắc Kinh hoặc Washington tuy nhiên, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam muốn thắt chặt mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, miễn là việc này có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng.

Philippines và Trung Quốc tranh cãi về quyền thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Đợt đấu khẩu mới nhất giữa hai nước nổ ra sau khi Bộ trưởng năng lượng Philippines Jose Almendras cho hay chính phủ nước này đã mời các công ty dầu khí hàng đầu thế giới thăm dò ở hai khu vực ngoài khơi về phía tây bắc tỉnh Palawan. Manila nói khu vực định thăm dò dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu hôm thứ Ba 28/2 rằng khu vực đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. “Bất cứ quốc gia, chính phủ hoặc công ty nào phát triển các dự án dầu khí ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà không được phép của Trung Quốc là bất hợp pháp.” Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã bác bỏ lập trường của Trung Quốc. Trong một thông cáo ngắn hôm thứ Tư 19/2, ông Rosario nói rằng khu vực ngoài khơi mà họ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác "hoàn toàn thuộc chủ quyền của chúng tôi" theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.


“Mối lo từ chi tiêu quân sự của Trung Quốc” của Minnie Chan. Nhà tư vấn quốc phòng toàn cầu IHS Jane dự đoán đến năm 2015 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng lên đến gần 240 tỷ đô la từ mức 120 tỷ đô la vào năm 2011. Tính trung bình mức tăng chi phí quân sự hàng năm của Trung Quốc vào khoảng 19%. Tuy nhiên, theo ông D. S. Rajan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Chennai, Ấn Độ “Bắc Kinh chỉ có thể tăng ngân sách quốc phòng lên một ít để không ảnh hưởng đến hình ảnh một quốc gia đang trỗi dậy hòa bình và nhất là các lợi ích ngoại giao của họ. Nếu Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng chi tiêu ở mức hai con số thì ‘bầu không khí một cuộc chạy đua vũ trang sẽ bắt đầu bao trùm khắp châu Á.” Trong khi, Ben Saul, giáo sư ở Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế ở Sydney, nhận định việc Trung Quốc ngày càng tăng sức mạnh quân sự đang làm cho các chính phủ trong khu vực lo lắng “Không có mối đe dọa đáng tin cậy hiển nhiên nào đối với sự phòng vệ của Trung Quốc, do đó các nước khác đang lý giải việc xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là báo hiệu tham vọng của nước này muốn thể hiện quyền lực ra bên ngoài,” Bắc Kinh dự tính sẽ công bố ngân sách quốc phòng vào cho năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội vào tháng tới.

“Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông” của Elliot Brennan. Chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông tiếp tục được xem là một trong những vấn đề an ninh quan trọng bậc nhất trong thế kỷ 21. Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Bắc Kinh gồm hai phần – kiểm soát một SLOC trọng yếu và năng lực từ chối quyền tiếp hàng hải, cũng như sự tiếp cận đối với nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng trong cơn khát năng lượng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tái can dự của Mỹ ở khu vực là để đối phó với tuyên bố của Bắc Kinh rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi của quốc gia.” Sự chú ý nhiều hơn của Mỹ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ít nhất trong ngắn hạn, đã điều chỉnh lại bàn cờ mà trước đây do Trung Quốc chi phối. Trong khi xung đột công khai dường như không sắp xảy ra bởi Mỹ-Trung phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, những leo thang – xây dựng lực lượng hải quân, đối thoại căng thẳng và một viễn cảnh kinh tế không chắc chắn – cùng với việc thiếu vắng các biện pháp xây dựng lòng tin đáng để vấn đề có được sự quan tâm chặt chẽ hơn từ cộng đồng quốc tế.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Nhật bản và Trung Quốc chuẩn bị cho xung đột ở Biển Đông Hoa



Nhật Bản và Trung Quốc đang đứng trước ngưỡng một cuộc xung đột nghiêm trọng mới trong Biển Đông Hoa. Một tàu Trung Quốc đã bơi sát cạnh tàu khoa học Nhật Bản trong khu vực tranh chấp và đòi họ chấm dứt nghiên cứu đáy biển vùng hải phận Trung Quốc. Tokyo gửi đến Bắc Kinh lời phản đối quyết liệt.

Mọi chuyện đã không chỉ dừng lại ở cuộc đấu công hàm ngoại giao. Vào ngày Bắc Kinh một lần nữa yêu cầu Tokyo ngừng các nghiên cứu hải dương, Nội các Nhật Bản đã mở rộng quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển nước này. Kể từ nay, tàu Cảnh sát biển Nhật Bản có quyền bắt giữ những tàu thuyền nước ngoài đáng ngờ trong vùng biển quốc gia, cũng như điều tra các trường hợp gây thiệt hại tài sản trên đảo ngoài khơi.

Trong năm qua, các tàu Trung Quốc đã bốn lần tiếp cận tàu nghiên cứu Nhật Bản trong vùng biển Đông Hoa, tạo tình huống đe dọa va chạm. Giờ đây, trên cơ sở hợp pháp lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản có thể tới trợ giúp các tàu của mình. Tuy nhiên, giữa hai nước chưa có ranh giới rõ ràng về vùng lợi ích kinh tế. Lưu ý tới điều này, nhà phân tích Pavlyatenko Victor tại Viện Viễn Đông cho biết:

“Nhật Bản đang tiến hành các bước củng cố vị trí tại khu vực này ở tỉnh Okinawa. Tại đây đã được huy động bổ sung lực lượng tự vệ, xây dựng các căn cứ mới, triển khai phương tiện của Cảnh sát biển, nhằm tăng cường bảo vệ cho quần đảo Senkaku”.

Thềm lục địa của quần đảo có tên Trung Quốc là Điếu Ngư này vốn giàu dầu mỏ và khí đốt. Chính cuộc tranh giành tiếp cận nguồn năng lượng mới đã gia tăng mâu thuẫn lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo, thúc đẩy hai bên có những hành động khiêu khích đơn phương. Đặc biệt, có việc công ty dầu khí Trung Quốc tham gia thăm dò lô chứa khí tiềm năng mà Nhật Bản tranh cãi là Chunxiao (Sirakaba theo tiếng Nhật). Theo phía Tokyo, Bắc Kinh đã cho tiến hành hoạt động khoan ở khu vực.

Sự phản đối của Nhật Bản buộc Trung Quốc đình chỉ sản xuất khí đốt trong khu vực năm 2008. Các bên ký kết thỏa thuận sẽ cùng nhau khai thác nhiên liệu. Tài liệu này ấn định các công ty Nhật Bản sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư dự án. Chi tiết kế hoạch khai thác vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu thì Bắc Kinh quyết định đình chỉ các cuộc tham vấn. Điều này đã xảy ra sau khi vào mùa hè năm 2010, Nhật Bản bắt một tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku và giam giữ viên thuyền trưởng của tàu.

Sau sự kiện này, Trung Quốc đã tăng cường chuyển tải thiết bị tới địa điểm. Hai bên tiếp tục thảo luận nhưng không có gì chuyển biến. Người ta chỉ nhớ tới hoạt động đàm phán khi một bên cương quyết nhắc nhở bên kia về quyền thăm dò khai thác độc lập thềm lục địa trong khu vực tranh chấp.

Trong tháng Ba năm nay, Nhật Bản có dự kiến thực hiện thêm một bước để củng cố chủ quyền của mình đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông Hoa. Quốc gia sẽ đặt tên tiếng Nhật cho 39 hòn đảo gần quần đảo Senkanu /Điếu Ngư/ và đưa chúng vào tài liệu giáo dục hành chính. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với quyết định này của Chính phủ Nhật Bản. Rõ ràng rằng, Bắc Kinh sẽ không chịu im lặng trước bất kỳ hành động nào của Tokyo trong khu vực này.