Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Yết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Yết. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trường Sa – nơi máu thịt Tổ Quốc


Không ít người đang tận hưởng những giây phút yên bình với gia đình và công việc mà không hề biết rằng vẫn có nhiều người lính vẫn chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. 
Những ngày vượt sóng gió ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết, với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh, chúng tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người…  

Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao
Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tháng tư ở Trường Sa

Trường Sa những ngày tháng Tư lịch sử nắng chói chang, gió thổi nhẹ và biển lặng. Một cán bộ Quân chủng Hải quân bảo với chúng tôi: “Mùa này tranh thủ biển lặng nên Quân chủng và Bộ Quốc phòng có thể triển khai được nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Càng về cuối năm, sóng càng dữ, rất to nên khó đi hơn rất nhiều”.

Địa điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi đặt chân tới quần đảo Trường Sa là đảo chìm Đá Lát. Tiếp chúng tôi, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo rơm rớm nước mắt vì vui mừng khiến các thành viên đi trong đoàn cũng… rơm rớm theo. Các anh cười bảo: “Lâu rồi mới lại có đoàn đất liền ra thăm anh em, không vui sao được, vui đến phát khóc ấy chứ”. Những bài hát, những tiếng cười vang lên trong trẻo và giòn tan trong không gian bốn bề mênh mông nước biển và tiếng sóng rì rào.

Ở đảo chìm Đá Lát, ai cũng có thể cảm nhận được một tình cảm gắn bó như ruột thịt, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt của những con người, nếu ở trong đất liền có lẽ chỉ là những người xa lạ. Ở nơi đảo xa, nơi đầu sóng, ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, những tình cảm vốn đời thường nay trở thành phi thường, tiếp thêm động lực và là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm đóng quân tại đây.

Trong suốt chuyến hành trình hơn 10 ngày đi thăm các điểm đảo và nhà giàn DK1 của đoàn công tác, chúng tôi đặt chân tới các đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Thuyền Chài và đặc biệt là nhà giàn DK1 mới thấy cuộc sống vất vả và gian khó của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ tại đây.

Họ, những con người còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ mới mười chín, đôi mươi. Đình Chí (19 tuổi, quê Cam Lâm, Khánh Hòa) đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Tây tâm sự với chúng tôi: “Em mới ra đây hồi tháng 1 trong đợt giao quân. Ban đầu còn nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng ra đây rồi, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính nơi tuyến đầu và trên hết, nhiều tấm gương anh em trên đảo thực sự khiến chúng em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giờ đây, em yên tâm công tác và cũng hứa với đất liền rằng, mọi người có thể yên tâm ở chúng em. Còn người, còn đảo, chúng em không bao giờ có thể để ngoại xâm có thể xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Hỏi chuyện các cán bộ chỉ huy trên đảo Đá Tây mới hay, Chí là một chiến sĩ trẻ thuộc khẩu đội 12,7, Chí bắn rất chuẩn và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Câu chuyện với chúng tôi với các chiến sĩ trên đảo Đá Tây kéo dài đến sát giờ lên tàu để di chuyển đến thăm một điểm đảo khác. Chúng tôi, những phóng viên làm báo, ghi chép những câu chuyện mắt thấy tai nghe không khỏi trầm trồ, thán phục Thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh (Cán bộ xuồng máy chiến đấu CQ, đảo Đá Tây) bắt đầu là chiến sĩ Hải quân từ năm 1991. Và cũng từ đấy anh bắt đầu những chuyến công tác dài ngày trên biển và đóng quân tại các biển đảo.

Anh tâm sự: “Ngần ấy năm gắn bó với biển đảo quê hương, gần như các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta tôi đã từng có thời gian công tác, phục vụ. Từ Tiên Lữ những năm 1997 đến Thuyền Chài rồi lại Tiên Lữ, An Bang…nhiều kỉ niệm khó quên. Đã có lúc chứng kiến anh em đồng đội ngã xuống, có những lúc nguy nan nhưng chưa bao giờ thôi nghĩ mình còn sức còn phải chiến đấu, phải xứng đáng với niềm tin của “đất liền”. Và cứ như thế, tôi cũng như một con hải âu biển, đến bây giờ đã hơn hai mươi năm”.

Đến với đảo An Bang, sóng thường ngày cũng lớn hơn so với các đảo nổi khác trong quần đảo. Liên tiếp những con sóng to ào lên trùm kín cả tiểu đội chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ chắc dây buộc để chiếc xuồng của đoàn công tác thôi khỏi lắc lư. Vẫn những nụ cười ấy, ánh mắt ấy của những chiến sĩ trẻ tuổi khoác trên mình bộ quân phục Hải quân nổi bật giữa đại dương bao la và trở thành tâm điểm chú ý của những con người lần đầu tiên đến với họ. Nhưng cái bắt tay thân tình của đồng chí, đồng bào như thắp lên những tin yêu nơi họ. Và họ hát, họ tặng chúng tôi niềm tin, tặng chúng tôi quyết tâm của người lính. Những tiếng hát của các chị em văn công trong đoàn đi cùng đem đến tiếng cười, những nụ cười giòn tan y như mới ngày hôm qua trên đảo Đá Lát.

Tại cụm đảo Thuyền Chài, hình ảnh vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân xâm lăng lẫy lừng trong lịch sử và nổi tiếng hơn cả là bài thơ: “Nam quốc sơn hà” được khắc ghi quan trọng như lời khẳng định đanh thép, không chối cãi về mặt lịch sử và cả pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ trước đến nay, bất di bất dịch. Và chắc chắn, tinh thần yêu nước và những giá trị của lịch sử sẽ tiếp tục được các chiến sĩ Hải quân nước ta kế tục và tiếp bước.

Có những người hóa thành bất tử


Những năm hòa bình của thế kỷ 21 này, vẫn có nhiều người lính lặng lẽ nằm xuống trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đó là sự thật. Mười ngày ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh – những người lính đã hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc, tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người.

Hầu hết những người lính đã ngã xuống đều có tuổi đời, tuổi quân rất trẻ, thậm chí có người còn chưa có người yêu. Trên mỗi hòn đảo ở huyện đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca… đều có các nghĩa trang liệt sĩ nhỏ để các anh ngày ngày ở bên cùng đồng đội, là nơi mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra tới thăm. Gọi là nhỏ vì khoảng đất đó chỉ quây quần 2-3 mộ liệt sĩ . Có rất nhiều lý do khiến các anh nằm xuống, nhưng tựu trung lại đều do nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ở nơi xa tít tắp đất liền.  

Tôi may mắn được ra với Trường Sa, bước chân ra khoảng đất kề sát biển, đầu đường băng Trường Sa Lớn, thắp hương cho những người mới nằm xuống, khi tuổi đời còn quá trẻ. Đó là  Lê Văn Tuấn, sinh ngày 2/2/1988, hy sinh 26/10/2010, quê quán: Quảng Đức, Quảng Xương, Thanh Hóa; Hoàng Văn Nghĩa, sinh ngày 3/7/1986, hy sinh 29/3/2010, quê quán: Xóm 5, Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định…Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa. Chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Thi hy sinh trong khi bơi ra dòng xoáy, cứu chiếc xuồng của đảo bị đứt dây. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Thi đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời sắp tròn 26. 

Quãng đường đi lại dài ngày, vất vả, những món quà viếng mộ cho các anh chẳng có gì nhiều mà cũng bị ảnh hưởng. Tôi nhớ hình ảnh chị Hương ở công ty cao su xuýt xoa khi những bông hoa cúc gói ghém cẩn thận thế mà cũng dần héo úa.. Trong ánh hoàng hôn chới với ở Trường Sa Lớn, tôi được thắp hương tưởng nhớ các anh, vào thời phút này, tôi đã may mắn hơn rất nhiều những người con đất Việt khác, luôn khao khát mà chưa được đặt chân đến Trường Sa lần nào, chưa bao giờ được cúi đầu trước ngôi mộ những người lính vì mỗi tấc đất, mỗi sải biển của Tổ quốc mình đã vĩnh viễn nằm lại với biển Ngồi bên các anh trong ráng chiều, tôi thêm hiểu sự hy sinh cho Tổ quốc thiêng liêng đến chừng nào. 

Trên con tàu HQ 996, qua vùng biển nhà giàn Phúc Tần DK1, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cơn bão kinh hoàng số 10 đêm ngày 4 tháng 12 năm 1990. Khi đó, nhà giàn Phúc Tần DK1 bị sóng dâng cao 14m-15m đánh nghiêng, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới và đến hơn 2 giờ sáng ngày 5 tháng 12, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển. Các tàu cứu nạn của Quân chủng Hải quân đã kịp thời đến tìm kiếm, sau 5 giờ đã cứu được 5 cán bộ, chiến sỹ. Nhưng 3 đồng chí cán bộ nhà giàn: Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, trạm phó người Hà Nội, trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Là quân y sỹ và hạ sỹ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện đã mãi mãi ở lại với biển cả. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Đông của Tổ quốc.

Tháng 12 năm 1998 lại một cơn bão số 8 rất mạnh tràn qua vùng biển DK1. Nằm trong khu vực trọng điểm của bão, trong tình thế hiểm nghèo, dưới sự chỉ huy của Trạm trưởng, đại úy Vũ Quang Chương và 8 cán bộ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, với sóng gió, vừa mệt, vừa đói rét, 9 cán bộ, nhân viên nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên vẫn kiên trì bám trụ, kiên quyết bảo vệ nhà giàn đến cùng. Trong một thời gian dài, liên tiếp gồng mình chống chọi với những trận cuồng phong.

Những cơn sóng lớn, đỉnh sóng lên tới 14-15m đánh mạnh trùm kín qua cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho cả nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng lắc mạnh. Vào 3h sáng ngày 14 tháng 12 năm 1998 nhà giàn Phúc Nguyên DK1/6 bị ảnh hưởng mạnh và bị đổ, hất cả 9 chiến sỹ hải quân trong đó có Đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng xuống biển. Ngay sau đó lực lượng cấp cứu của bộ đội Hải quân đã khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn. Đến 3 ngày sau tàu HQ 606 đã phát hiện cấp cứu được 6 chiến sỹ. Đồng chí đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng, chuẩn úy chuyên nghiệp ra đa Lê Đức Hồng và chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An mãi mãi ở lại với biển khơi, thi thể các anh đã hóa thân vào với sóng, gió đại dương. 

Nhiều thành viên trong đoàn cúi đầu rơi lệ khi lời tưởng niệm như những câu chuyện khắc cốt ghi tâm, như những lời tâm sự cùng đồng đội vang lên giữa biển cả. Tất cả im lặng, trang nghiêm, thành kính. Sóng vỗ to hơn. Trời xanh thẳm hơn. Biển mênh mông hơn. Khói hương cũng như nghi ngút hơn… 

Vĩ thanh


Trên khắp các đảo nổi thuộc chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa, bất kỳ nơi nào có thể phát triển, những cây bàng vuông và phong ba vẫn vươn mình ra đón nắng mai để vươn lên mạnh mẽ khẳng định sự lớn mạnh của loài cây đặc trưng nơi đảo xa. Ở một điều kiện khắc nghiệt đến như vậy, chúng vẫn xanh tốt, ra hoa, và kết thành những quả bàng vuông vức khiến ai ra đến đảo cũng phải trầm trồ.

 Trường Sa bây giờ đã đổi khác rất nhiều, đầy đủ và tiện nghi hơn. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là  sự bất trắc, hiểm nguy ập lên vai người lính bất cứ lúc nào có khi phải trả bằng mạng sống của người lính khi chống chọi với kẻ thù lăm le cướp đảo, gồng mình chịu đựng thiếu thốn, đau ốm - bệnh tật hiểm nghèo ở những đảo nổi, đảo chìm, bãi đá, rặng san hô...

Thế nhưng, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ cười vượt qua thiếu thốn, khó khăn, gian nan và thử thách. Họ không ngại gian khổ, mất mát, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ - những người lính, người con đất Việt của hôm nay và của cả mai sau vẫn luôn chắc tay súng để đất liền yên giấc ngủ. 

Đất nước này mãi ghi nhớ công ơn các anh. Và, trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam, Trường Sa – Hoàng Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc, trong lịch sử, hôm nay và mãi mãi.