Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Đá Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đá Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Trồng rau trong nhà kính ở Trường Sa


Hai nhà kính có tổng diện tích 250 m2 sẽ được xây dựng tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây trong năm 2012 nhằm giúp quân và dân trên các đảo Trường Sa có thể trồng rau quanh năm. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” do Bộ NN&PTNT thực hiện.

Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa
Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa

TS. Ngô Quang Vinh, chủ trì dự án cho biết: “Hiện lượng nước ngọt tại Trường Sa đủ dùng cho sinh hoạt và tưới rau. Nước giếng có độ khoáng 0,32 - 0,7 g/lít, giàu Ca, Na, Cl, SO4, sử dụng tốt cho ăn uống, tưới cây. Rau xanh là mặt hàng có nhu cầu cao trên quần đảo, đặc biệt vào mùa mưa bão, tàu không ra được và khó có thể trồng, bảo quản rau. Sau hai, ba năm triển khai phương án phát huy nội lực của quân và dân trên đảo trồng rau xanh, chăn nuôi tự túc và cải thiện đời sống và thu hái được những kết quả khích lệ. Hơn chục loại rau và vài loại gia súc, gia cầm đã được nuôi trồng phân tán theo hộ dân, đơn vị bộ đội trên đảo.

Nhà kính ở đảo được thiết kế kiểu nhà vòm với khung sắt mạ niken chịu được gió mạnh và hơi nước mặn, mái lợp polycarbonat (nhựa trong chịu lực), tứ bề có rèm lưới nhôm giảm nhiệt. Nhiệt độ trong nhà kính luôn thấp hơn ngoài trời 20C, thuận lợi cho các loại rau phát triển. Trong nhà kính, rau được trồng trong giá thể chứa phân hữu cơ và mụi dừa (đưa ra từ đất liền). Hệ thống tưới phun công nghệ cao của Israel hết sức tiết kiệm nước. Với các đảo chìm, sẽ làm một số vòm lưới/nylon. Bên cạnh mục tiêu trồng rau, dự án còn nuôi thử heo sóc Tây Nguyên, heo cỏ Bình Thuận, bò lai Sind và vịt lấy trứng. Trồng hai giống cỏ, tiến hành ủ cỏ dự trữ thức ăn chăn nuôi. Dự án cũng trồng các loại hoa có khả năng thích nghi điều kiện khó khăn trên đảo như: hoa cúc, hoa giấy, sống đời, hoa xương rồng cảnh. Các công trình của dự án được triển khai ở ba đảo nổi: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; bốn đảo chìm: Đá Nam, Đá Lát, Đá Lớn và Len Đao.

Tiêm kích tuần tiễu Trường Sa


Sáng 15.6, lần đầu tiên Trung đoàn không quân tiêm kích 940 đưa máy bay chiến đấu Su-27 từ căn cứ ở miền Trung ra tuần tiễu, trinh sát, bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Trường Sa.

Một chiếc Su-27 hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị hạ cánh - Ảnh: T.T.Duyên
Một chiếc Su-27 hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị hạ cánh - Ảnh: T.T.Duyên

9 giờ 40 phút, chuyến bay làm nhiệm vụ đặc biệt của Trung đoàn không quân 940 (thuộc Sư đoàn không quân 372) từ Trường Sa bay về đã hạ cánh an toàn tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của Trung đoàn 940 trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Khó có thể nói hết cảm xúc của các phi công trên hai máy bay Su-27 lúc vừa rời khỏi buồng lái sau chuyến bay đến hai đảo Song Tử Tây và Đá Nam (thuộc quần đảo Trường Sa) trở về. Với hai phi công trẻ Lê Hồng Sơn và Nguyễn Hồng Tuấn (cùng 31 tuổi), lần đầu bay ra Trường Sa do chính tay mình cầm lái, còn là niềm tự hào và vinh dự lớn lao khi được cấp trên giao nhiệm vụ đến mảnh đất thiêng của Tổ quốc.

“Trước khi đi, tôi có tìm hiểu kỹ về Trường Sa, về hai hòn đảo mà mình và đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu nhưng khi đến nơi, vẫn thấy rất bất ngờ. Biển xanh, cát trắng, cây cối bên dưới hiện ra sống động, tươi đẹp hơn cả những gì tôi biết”, phi công Nguyễn Hồng Tuấn chia sẻ.

 Không khí tại sân bay Phù Cát mỗi lúc lại thêm rộn ràng. Trong tiếng gầm rú của động cơ phản lực khi vừa hạ cánh, niềm vui, sự xúc động lẫn hân hoan hiện rõ trên từng nét mặt, cử chỉ của các thành viên đoàn bay, của những nhân viên kỹ thuật mặt đất.

Ôm bó hoa tươi của lãnh đạo sư đoàn chúc mừng khi vừa bước xuống chiếc Su-27, phi công Lê Hồng Sơn kể lại: “Xúc động nhất là lúc chúng tôi bay hai vòng quanh đảo Song Tử Tây ở độ cao 500 m. Chúng tôi nhìn thấy rõ ngọn hải đăng, thấy các đồng đội ở dưới đảo vẫy tay, vẫy cờ chào chúng tôi!”.  

Chuyến bay lịch sử


Trước đó, từ 4 giờ sáng, sân bay quân sự Phù Cát đã sáng rực đèn. Đoàn bay gồm 4 chiếc: một máy bay vận tải AH 26, một máy bay chỉ huy và hai máy bay Su-27 làm nhiệm tuần tiễu, trinh sát. 7 giờ 30, các máy bay lần lượt cất cánh. Bên dưới, một lực lượng gồm kỹ thuật viên, hướng dẫn bay, chỉ huy làm nhiệm vụ theo dõi, kết nối và yểm trợ khi cần thiết. Với các phi công trẻ, vẫn có một chút lo ngại bởi ở một khoảng cách xa (bay đi bay về trên 1.300 km), lại bay qua biển, diễn biến thời tiết rất khó đoán. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ thực hiện nhiệm vụ và xử lý tốt các tình huống trên không, đoàn bay đã hạ cánh thành công, an toàn.

Ra tận sân bay đón đoàn bay từ Trường Sa trở về, đại tá Phạm Xuân Thủy, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 372, một người dày dạn kinh nghiệm bay, cũng không nén nổi cảm xúc: “Chuyến bay có ý nghĩa rất đặc biệt. Các phi công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Theo thiếu tá Hoàng Xuân Kiên, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn không quân 940, để có chuyến bay lịch sử trên, đơn vị đã phải chuẩn bị từ rất lâu với một quyết tâm cao độ. Từ đầu năm 2011, trung đoàn nhận nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo ở khu vực miền Trung với loại máy bay tiêm kích Su-27. Ngay sau đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trung đoàn cử một bộ phận vào sân bay Biên Hòa thực hiện chuyển loại Su-27. “Lần đầu đến Trường Sa, các phi công của trung đoàn đã cầm lái với rất nhiều vinh dự, tự hào và tự tin” - thiếu tá Kiên nói. 

Không quân tiếp sức


Hầu hết các phi công của Trung đoàn không quân 940 đều còn rất trẻ nhưng kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu lên đến hàng trăm, hàng ngàn giờ bay. Hằng ngày, ngoài chế độ sinh hoạt chung của bộ đội, các phi công này còn có hẳn một lịch học tập và rèn luyện thể lực gắt gao. Lớp học cũng được chia thành từng nhóm để “vặn vẹo, hỏi lắt léo nhau mới nhớ bài được lâu” - một phi công nói vui. Buổi chiều, họ cùng tập các bài thể lực bắt buộc với huấn luyện viên.

Đặc thù công việc, nhiệm vụ khá căng thẳng nên lãnh đạo trung đoàn và các phi công luôn cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái. Ở họ có đầy sức trẻ, lạc quan và những lý tưởng cao đẹp. Khi được hỏi về những khó khăn khi cầm lái, Biên đội trưởng Hoàng Mạnh Hùng dí dỏm: “Lái máy bay hệt như một chàng trai lần đầu nắm tay con gái. Nhẹ nhàng, mềm mại nhưng không được để thoát khỏi lòng bàn tay mình. Dễ mà khó là vậy”.

Với kinh nghiệm lái máy bay nhiều năm, thiếu tá Hoàng Xuân Kiên chia sẻ: “Trong tất cả các nghề, có lẽ nghề bay là thật nhất. Thật ở chỗ là trải nghiệm của chính mỗi phi công ngay trong chuyến cầm lái đầu tiên với tất cả những tình huống, điều kiện đòi hỏi phải xử lý và vượt qua chỉ trong tích tắc. Mỗi lần bay lại có một hoặc nhiều tình huống mới diễn ra”.

 “Ở chuyến bay hôm nay, chúng tôi muốn lần nữa khẳng định sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị xác định, sau chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa này, đây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, chúng tôi luôn sẵn sàng ngay khi có lệnh”, thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 940, khẳng định.

Cùng chung vui với các phi công Trung đoàn không quân 940, thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Khánh Hòa hồ hởi: “Các đồng đội trên không của chúng tôi thật tuyệt vời. Tất cả chúng tôi đã được cấp trên báo trước nên khi nghe tiếng động cơ Su-27 gầm rú trên không, chúng tôi đã ào cả ra hết dùng cờ để chào đồng đội. Các phi công chao lượn và bay gần đến mức, chúng tôi thấy rất rõ những gương mặt của họ... Có không quân ra tiếp sức, chúng tôi rất vững tin bám biển, bám đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc...”.  

Sở chỉ huy trên không

Thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, trung đoàn trưởng 940 cho biết đây là những chuyến bay Su-27 ra Trường Sa đầu tiên của đơn vị xuất phát từ miền Trung. Trước đây, đã từng có nhiều chuyến bay Su-27 và Su-30 ra Trường Sa nhưng đều xuất phát từ các sân bay phía nam và do Sư đoàn Không quân tiêm kích 370 thực hiện.
Sự thành công của những chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn không quân 940 có sự góp sức vô cùng quan trọng của các phi công Trung đoàn không quân 918. Thượng tá phi công Vũ Đức Long, Phó tham mưu trưởng 918, chỉ huy tổ bay AH26 như một sở chỉ huy chuyển tiếp trên không để chuyển các mệnh lệnh điều hành bay từ mặt đất đến các phi công tiêm kích đang được thực hiện nhiệm vụ trên biển. Được biết, các phi công Trung đoàn 918 đã có hàng trăm lần làm nhiệm vụ chỉ huy di động trên không và lần nào cũng hoàn thành xuất sắc...
Tấn Tú - T.Giáp - T.T.Duyên

Máy bay tiêm kích Sukhoi

Su-27 đạt tốc độ lên đến 2.500 km/giờ (hơn 2 lần vận tốc âm thanh) và có tầm bay trên biển vào khoảng 1.340 km. Loại máy bay chiến đấu này được trang bị một pháo 30 mm và có khả năng mang 8 tấn vũ khí trên 10 móc bên ngoài. Thông thường, mỗi chiếc Su-27 sẽ mang theo 6 tên lửa đối không R27 và 4 tên lửa đối không R73. Ngoài ra, một số phiên bản khác của Su-27 còn được trang bị bom dẫn đường.
Hoàng Đình

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Đến Trường Sa lớn


Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa.

Thả hoa sau Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Anh: Đỗ Anh Thư
Thả hoa sau Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Anh: Đỗ Anh Thư

Thị trấn giữa trùng khơi

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tầu HQ 936 đưa chúng tôi qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây, sau đó đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, quân chủng Hải Quân đã cập bến đảo Trường Sa Lớn.
Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa. Hiện đảo Trường Sa Lớn là nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận như đảo An Bang, bãi Thuyền Chài, ...
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa – Trưởng đoàn công tác cho biết, chuyến công tác lần này là tiếp tục khảo sát cụ thể tình hình cuộc sống của quân và dân trên đảo. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp mang tầm vĩ mô để cho huyện đảo Trường Sa phát triển bền vững.

Sau giờ học của các em học sinh trên đảo.
Sau giờ học của các em học sinh trên đảo.

Một điều rất đáng ghi nhận là đến thăm lần này, đoàn đã được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thị xã Trường Sa Lớn, đời sống của quân và dân được cải thiện rõ rệt. Trên đảo  có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trạm khí tượng, trạm y tế, lớp học mẫu giáo lớn và các lớp cấp tiểu học...
Thị trấn nhìn từ xa đã tỏ rõ dáng hình của một đô thị nhỏ với Nhà khách Thủ đô – quà tặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân trên đảo - duyên dáng khoe mình ngay lối dẫn từ cầu tàu đi lên. Chưa kể một chòi đá cao 5,5m ở mũi phía nam, một  đường băng và một cảng cá. Vành đá ngầm bao quanh đảo nổi trên mặt nước khi triều xuống. Trên đảo còn có  giếng nước lợ sử dụng được, là nguồn  nước quan trọng thứ 2 sau nước mưa.
Theo thượng tá Đinh Văn Hải - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cùng với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, đây là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Năm 2011 và quý I/2012 đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, đồng thời hỗ trợ nước ngọt, khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp (ngư dân 177, nhân dân 66) và nhiều thuốc chữa bệnh cũng như vật dụng sinh hoạt khác.

Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Thượng tá Đinh Văn Hải cũng cho biết, đảo ở xa đất liền, môi trường khí hậu khắc nghiệt. Cuối năm 2011 mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 1 đến sớm trái với quy luật nên có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Mặc dù vậy, quân và dân trên đảo đã chủ động khắc phục khó khăn, nhiều hộ gia đình đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Cụ thể, đã trồng được 21.920kg rau xanh (bình quân 92kg/ng/năm). Tổng sản phẩm thu hoạch là 414.364.500 đồng, đưa vào cải thiện 331.491.600 đồng, bình quân đạt 1.649.212 đồng/người/năm. Ngoài ra trên đảo còn trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, đã chiết được 486 cây, trồng mới 714 cây xanh các loại, làm cho đảo “trắng” trước đây giờ xanh mát.

Tặng hộp đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở Vĩnh Phúc cho Trường Sa.
Tặng hộp đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở Vĩnh Phúc cho Trường Sa.

Đến thăm lớp học chừng 20m2, 1 cô giáo với 7 học sinh đủ các cấp học từ mẫu giáo lớn đến lớp 5 (chỉ thiếu lớp 4). Giảng toán cho lớp 3 xong quay sang kiểm tra bài làm văn của lớp 5, lại vội chỉnh nét chữ cho bé lớp mẫu giáo lớn - hình ảnh không mấy xa lạ ở các lớp ghép từng phổ biến một thời ở các vùng sâu, vùng xa, nay đã không còn thấy nhiều, nhưng đó lại là những hình ảnh vô cùng quen thuộc, nếu không muốn nói là đặc trưng của các lớp học nơi đảo xa này.
Thị trấn đảo Trường Sa Lớn chúng tôi đến hôm nay cũng tương tự thế, hơn ở chỗ đây là đảo duy nhất có giáo viên chuyên trách cho các lớp học chứ không chỉ toàn cán bộ xã kiêm nhiệm nhiệm vụ dạy học như bên Sinh Tồn hay Song Tử Tây... Việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo cũng được chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, sắp sinh nhưng bị thai ngang rất nguy hiểm, đảo phải điện ra bờ điều máy bay trực thăng vào, đưa thêm bác sĩ, rồi tiếp máu cùng những thiết bị y tế; 2 mẹ con được cứu kịp thời, nay cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa mừng sinh nhật tròn 1 tuổi trước hôm chúng tôi đến ít ngày. Điều đáng nói hơn, không chỉ là công dân bé nhất của đảo thời điểm này, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân còn là công dân đầu tiên, cũng là duy nhất, được sinh ra trên đảo Trường Sa Lớn.
Thể theo nguyện vọng của quân và dân trên quần đảo, cũng như của các vị chư tăng, đợt công tác này có 5 nhà sư ra trụ trì gồm 2 vị ở chùa Song Tử Tây, 2 vị ở đảo Sinh Tồn. Chúng tôi đã được nghe Đại Đức Thích Ngộ Thành gõ tiếng chuông đầu tiên tại chùa Trường Sa Lớn.
Cũng tại chùa, đặc biệt có tượng Phật ngọc Thích ca Mâu ni do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ tại chùa Vàng Shwedagon (Myanmar), nay Thủ tướng tặng cho chùa Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Trí Thành đã cầu nguyện cho quốc thái dân an, vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, cầu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc được siêu thoát, nhân dân an lạc, cán bộ chiến sĩ trên đảo vạn sự cát tường như ý.
Thấu hiểu và chia sẻ  những vất vả của quân và dân trên huyện Trường Sa, phong trào “Hướng về Trường Sa thân yêu” được cả nước nói chung, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã quan tâm, đến nay hầu hết các đảo đã được xem truyền hình, các điểm đảo đều có máy vi tính, máy lọc nước, thư từ báo chí...
Với tình cảm với Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, chính quyền, đoàn thể cũng như các doanh nghiệp trong đoàn đã mang nhiều phần quà rất thiết thực tặng cho quân và dân trên đảo Song Tử Tây. Cụ thể, Bộ tư lệnh Hải quân, văn phòng UBND, các ban ngành, doanh nghiệp... của tỉnh Khánh Hòa tặng 19 thùng hàng gồm các trang thiết bị trường học, các nhu yếu phẩm thiết yếu... Điện lực Vĩnh Phúc tặng 205 triệu đồng của cán bộ công nhân viên toàn công ty phát động ủng hộ 1 ngày lương. Ngoài ra tỉnh còn tặng tượng Bác Hồ bằng đồng, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 5 bộ máy vi tính, 2 tủ lạnh, bóng đèn tiết kiệm điện...
Đặc biệt hộp phần đất Vĩnh Phúc mang cùng cây trồng tặng huyện đảo Trường Sa rất có ý nghĩa. Đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở  miếu Ghè, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi thờ 2 vị Thánh Cô có công đánh giặc giữ nước. Tỉnh Vĩnh Phúc còn mang 2 cây đại, 1 cây bồ đề, 1 cây trúc tặng chùa Trường Sa Lớn.
Ông Ngô Hà Thái - Phó Tổng Giám đốc TTXVN, đã thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN tặng 1 tủ sách để xây dựng thư viện trên đảo với gần 3.000 đầu sách, 1.000 cuốn tạp chí, máy tính truy cập Internet... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo, phần nào bớt đi  những khó khăn cho các chiến sĩ, nhân dân Trường Sa để vượt lên bám biển, giữ cho bằng được chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Khai thác các nguồn lợi từ biển

Đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa Lớn, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thay mặt lãnh đạo tỉnh đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với tinh thần Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa, hãy nghiên cứu đóng góp kinh phí hoặc trực tiếp triển khai để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên đảo, trước mắt là đầu tư 3 tàu đánh bắt thủy sản 33 CV và 3 khu chăn nuôi, tập trung tại 3 xã đảo là Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa Lớn để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhân dân trên đảo, cũng như cải tạo cảnh quan môi trường trên các đảo.

Lễ tưởng niệm.
Lễ tưởng niệm.

Chuẩn đô đốc -  Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, cùng với Quân chủng Hải quân còn có các cấp, các ngành, các tỉnh thành, các doanh nghiệp, với hành động thiết thực và hiệu quả góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu cũng như đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần để quân dân huyện đảo Trường Sa ấm lòng, yên tâm hơn và vững tin vào đất liền, yêu mến  gắn bó với biển đảo.
Quân và dân huyện đảo Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Chuẩn đô đốc cũng cảm ơn những người dân đã sẵn sàng rời đất liền, chọn đảo là nhà của mình, bên cạnh đó cũng ghi nhận sự cố gắng rèn luyện của các chiến sĩ trên đảo xa.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đoàn công tác  đã có nhiều cảm xúc và tình cảm khác nhau, nhưng tựu trung là ngạc nhiên, khâm phục, chia sẻ và tin tưởng vào QĐNDVN, vào Hải quân trong việc nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, thực hiện thành công chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.
Ông Trần Sơn Hải cũng cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các xã, thị trấn huyện đảo thì chăm lo đến đời sống cán bộ, nhân dân  trên đảo được đặt lên hàng đầu. Đồng thời việc hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân của các địa phương đến đánh bắt hải sản tại vùng biển, vùng đảo cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Trường Sa là tiền đồn Tổ quốc, nhưng để tiền đồn được vững mạnh như ngày nay, đã có sự góp sức quan trọng của các anh các chị, những người con của Trường Sa. Tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển đang là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với cả dân tộc ta.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Chung tay giu gin bien dao


Hơn 30 kiều bào trở về từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có chuyến đi lịch sử đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc – Trường Sa – từ ngày 18 đến 26-4

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”. Lời bài hát vẫn cứ ngân vang trong lòng hơn 30 kiều bào sau hành trình 9 ngày đến với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sơn Đông, Đảo Lớn, nhà giàn DK1… Họ đến với đảo để được tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Họ đã cùng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các linh hồn chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.

Những người con trở về


Ông Võ Đăng Quốc, Việt kiều Đức, từng làm việc cho Công ty Siemens và nay là thành viên CLB Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều thuộc Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết chuyến đi của ông thật tuyệt vời.
Ông thật sự bất ngờ khi gặp ở Trường Sa toàn màu xanh bát ngát trên các đảo, người dân và chiến sĩ không lo thiếu nước, rau xanh trong hoàn cảnh khắc nghiệt của hải đảo. Là một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, ông bày tỏ mong muốn được góp công sức, cung cấp các máy lọc nước biển thành nước ngọt để giúp cho quân, dân sống trên các đảo có thể yên tâm sinh sống, vững tin gìn giữ biển đảo của quê hương.
Tuy không phải là lần đầu tiên ra Trường Sa nhưng anh Điện Văn Hùng đến từ Romania vẫn không giấu được xúc động khi đi thăm các ngôi mộ liệt sĩ ở đảo Nam Yết. Anh tâm sự: “Dù chúng ta cố gắng bù đắp bao nhiêu vẫn không thể đền đáp hết được công lao những chiến sĩ quên mình vì chủ quyền Tổ quốc. Tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh để sau chuyến đi này sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với bà con nhằm chia sẻ và giới thiệu cho mọi người cùng biết”.

Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát
Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát. Ảnh: QUEHUONG ONLINE

Cũng như Hùng, ca sĩ hải ngoại Lệ Hằng tâm sự sẽ mang những băng video, tranh ảnh về khoe với gia đình, bạn bè của bà ở California, nơi bà sinh sống. Trên tất cả, điều mà bà muốn khoe nhất vẫn là tình cảm của chiến sĩ và đồng bào Trường Sa dành riêng cho mình. Ở đâu, ca sĩ Lệ Hằng cũng cố gắng hát “hết công suất”, cứ chiến sĩ nào yêu cầu là bà lại cất cao giọng, hát cho đến khi không thể hát được nữa.
“Được trở về với biển đảo quê hương là một vinh dự và tôi thật sự xúc động khi mang tiếng hát lời ca đến với các chiến sĩ” – ca sĩ Lệ Hằng tâm sự. Lệ Hằng kể ở đâu bà cũng được đón chào nhiệt tình như một người thân trong gia đình. Khi bà hát, có người đuổi muỗi cho bà, rồi có chiến sĩ còn muốn trang điểm cho bà khi bà đã quá mệt vì hát nhiều. “Chuyến đi này thật đặc biệt. Tôi rất hạnh phúc khi được trở về quê nhà, về với Trường Sa thân yêu ” – Lệ Hằng thốt lên.

Cùng xây dựng quê hương


Chồng ca sĩ Lệ Hằng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng, mang tâm trạng của người con tha hương đã lâu, nay được trở về mái nhà xưa. Ông cảm thấy ân hận vì đã gần 36 năm mới đặt chân lên nơi mình đã sinh ra. “Tôi là một người Việt Nam bỏ đất nước ra đi dù là trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng sao đất nước thống nhất lâu rồi tôi lại không về? ” – ông Hùng tự hỏi.
Từng tham gia quân đội Sài Gòn, ông Hùng đã rời bỏ quê hương và không muốn quay lại bởi những thông tin mù quáng và bị bưng bít. Thế nhưng, sau 9 ngày về với đất mẹ, ông đã hiểu mình bị lừa dối. Ông tâm sự: “Ai cũng sung sướng được đặt chân lên hải đảo thiêng liêng nhưng với tôi còn thêm cảm giác ăn năn của một người con từng bỏ đất nước đang quay về tạ tội”.
Làm việc cho một trang mạng, ông Hùng đã liên tiếp gửi hàng chục bài viết, hàng ngàn tấm ảnh và video lên đó. Ông cho biết bước chân về Việt Nam, ông cảm thấy quê hương thật sự thanh bình suốt 37 năm. Theo ông, giờ là lúc “cần đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” để cùng bắt tay xây dựng quê hương, giữ gìn biển đảo.

Tại lễ cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ trên đảo Gạc Ma, đại diện cho cộng đồng Hồi giáo Việt Nam ở Ninh Thuận, ông Issa Tâm xúc động nói ông cảm thấy rất gần gũi với các chiến sĩ trên đảo và muốn được ở lại cùng với họ nơi đầu sóng ngọn gió để chia sẻ đắng cay, ngọt bùi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, thay mặt đoàn đã trồng những cây bồ đề trên các đảo nổi. Đoàn công tác cũng mang theo những nắm cát mang về từ dãy Himalaya để trao cho trụ trì chùa Song Tử Tây, đại diện đảo Nam Yết và Trường Sa Lớn.

500 triệu đồng ủng hộ quân, dân Trường Sa

Đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa cùng với một số kiều bào ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha ngày 1-5 đã chuyển số tiền hơn 500 triệu đồng ủng hộ quân, dân quần đảo này.
Nhiều kiều bào cho biết sẽ tiếp tục vận động bà con ở hải ngoại hưởng ứng đợt phát động “Vì biển đảo thân yêu” của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.