Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngư dân Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngư dân Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Chỗ dựa tin cậy của ngư dân


Sáng 17.4, các ý kiến tại hội nghị sơ kết hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn, do LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, một lần nữa khẳng định rằng, nghiệp đoàn nghề cá thực sự đã trở thành “mái ấm”, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân, giúp họ an tâm bám biển dài ngày để mưu sinh và khẳng định chủ quyền đất nước.
Các tàu cá của nghiệp đoàn thường xuyên đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tàu cá của nghiệp đoàn thường xuyên đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.

Sát cánh trên biển    


Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn là nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên trong cả nước (15.9.2011). Từ 428 đoàn viên ban đầu, đến nay, nghiệp đoàn đã kết nạp được 687 đoàn viên là ngư dân của 58 tàu cá địa phương. 

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn, là một thuyền trưởng có thâm niên 14 năm ngang dọc  biển Đông - nhấn mạnh, qua 6 tháng đồng hành cùng ngư dân, nghiệp đoàn đã thật sự trở thành “mái ấm”, là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân, giúp họ đoàn kết lại thành một khối thống nhất trong mỗi chuyến ra khơi, cùng chia sẻ ngư trường, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. 

Mới đây nhất, vào ngày 14.4, tàu QNg 96218 TS của ông Võ Nam đánh bắt từ Hoàng Sa trở về, bị chết máy tại vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) được nghiệp đoàn cùng gia đình thuê tàu kéo về đến cảng Sa Kỳ an toàn. Trước đó, ngày 23.3, tàu QNg 96318 TS, do ông Lê Văn Thành làm thuyền trưởng, bị gãy cây lắp, trôi dạt tại vùng biển Hoàng Sa, được tàu QNg 96697 TS, do ông Lê Khởi, đoàn viên nghiệp đoàn kịp thời cứu hộ, lai dắt về đảo Lý Sơn. Hay như trường hợp tàu cá QNg 96597 TS, do ông Dương Văn Thọ - Uỷ viên Ban chấp hành nghiệp đoàn - làm thuyền trưởng đã kịp thời cứu hộ 14 ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa bị chìm tàu trong cơn bão số 1 năm nay, đưa về đảo Song Tử Tây (Trường Sa) an toàn. 

Trên đất liền, mỗi khi hay tin người thân của các ngư dân ốm đau, hoạn nạn, ban chấp hành nghiệp đoàn luôn kịp thời “đi tận ngõ, gõ tận nhà” động viên, chia sẻ khó khăn với từng gia đình, để họ luôn cảm thấy ấm lòng. “Hiện tại, hệ thống Icom của Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải-Lý Sơn chưa thể liên lạc thông suốt trong điều kiện thời tiết mưa bão. Do vậy, chúng tôi mong muốn cộng đồng quan tâm, trang bị cho nghiệp đoàn một hệ thống Icom tốt hơn, để chúng tôi kêu gọi “họp ngư dân trên biển” mỗi khi cần thiết - ông Nguyễn Quốc Chinh bày tỏ.

Nhân ra diện rộng


Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi - vui mừng cho biết: Thông qua 58 thuyền trưởng cùng 14 tổ trưởng, tổ phó, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn thường xuyên phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân hiểu rõ và tự giác chấp hành các quy định khi đánh bắt dài ngày trên biển nên từ ngày thành lập, không có tàu nào trong nghiệp đoàn bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc.
Hiện LĐLĐ tỉnh đã  tham mưu, đề xuất với tỉnh tiến tới thành lập thêm 6 nghiệp đoàn nghề cá tại 5 huyện có biển là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ và xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. 

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) - cho rằng, ngoài Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và chính quyền địa phương thì lực lượng bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân trong nghiệp đoàn chấp hành đầy đủ các quy định khi đánh bắt dài ngày trên biển, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. “Chúng tôi mong muốn lực lượng bộ đội biên phòng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp ngư dân khai thác, đánh bắt ngày càng hiệu quả, góp phần khẳng định chủ quyền của tổ quốc trên biển Đông” - bà Hương nói.

Đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gần 2 tỉ đồng để mua sắm thiết bị, phương tiện hành nghề, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Ban chấp hành nghiệp đoàn cũng đã cử đoàn viên Mai Phụng Lưu đi dự chương trình giao lưu “Tấm lưới nghĩa tình” do Tổng LĐLĐVN tổ chức.

Tại buổi giao lưu này, BCH Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải đề nghị BTC hỗ trợ đoàn viên Mai Phụng Lưu 200 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, do thế chấp nhà, vay tiền đóng lại tàu thuyền, mua ngư cụ ra Hoàng Sa đánh bắt. Ngoài ra, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cũng thường xuyên hỗ trợ các gia đình ngư dân Lý Sơn gặp nạn.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Sẽ là chỗ dựa tin cậy của ngư dân

Ban Chỉ đạo - Vận động phát triển đoàn viên, thành lập thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá tại Phú Yên vừa được thành lập. Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Trọng Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo, chung quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Trọng Danh - Ảnh: N.HÂN

* Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập tổ chức nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh?

- Hiện nay, tàu thuyền đánh cá trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong tỉnh, đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các vấn đề về an toàn lao động và nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trên biển chưa được quan tâm bảo vệ. Đặc biệt là gần đây, sự mất an toàn về tính mạng, tài sản, nguồn lợi trên biển của người lao động đang có chiều hướng gia tăng do tranh chấp trên biển Đông, khiến cho việc hành nghề của ngư dân đánh bắt xa bờ ngày càng khó khăn và nguy hiểm. Do vậy việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá cho người lao động trên biển ở thời điểm này là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn không chỉ về chính trị, về tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc mà còn giúp nhau nâng cao năng lực khai thác, hỗ trợ cứu nạn cứu hộ khi gặp rủi ro trong quá trình đánh bắt.

Mục tiêu mà LĐLĐ tỉnh hướng đến khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá là tập hợp ngư dân làm việc trên tàu thuyền trong tỉnh vào nghiệp đoàn để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để họ biết và tự giác chấp hành. Điều đó sẽ khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, biết tự bảo vệ mình trong hành nghề và trong cuộc sống; bảo vệ người lao động biển khi có những tranh chấp ngư trường và những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản; tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự gắn kết của nhiều tàu thuyền và nhiều lao động biển khi tổ chức đánh bắt xa bờ. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá còn góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đoàn tàu, các tập đoàn đánh bắt xa bờ trong chiến lược phát triển biển đảo, trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

* Bà con ngư dân có quyền lợi và nghĩa vụ gì khi tham gia nghiệp đoàn này, thưa ông?

- Khi gia nhập nghiệp đoàn, đoàn viên được hưởng một số quyền lợi cơ bản như: được tổ chức công đoàn hướng dẫn việc làm hợp đồng lao động với chủ tàu theo quy định của pháp luật; được cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp luật Việt Nam khi hành nghề trên biển; được tổ chức công đoàn ưu tiên trợ giúp khó khăn khi gặp thiên tai, rủi ro theo các quy định của Chính phủ và của Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam; được tham gia các hoạt động do nghiệp đoàn tổ chức như: văn hóa, văn nghệ, thể thao; được tổ chức công đoàn thăm hỏi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, hiếu, hỉ, lễ, tết…

Đồng thời, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chấp hành hợp đồng lao động đã ký kết; tuân thủ những quy định của chủ tàu, của Bộ đội Biên phòng và các quy định quốc tế về Luật Biển năm 1982; nâng cao ý thức, tích cực tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, đoàn viên nghiệp đoàn; đóng đoàn phí theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) có nghiệp đoàn nghề cá, giúp bà con ngư dân an tâm vượt sóng xa khơi, yên tâm bám biển - Ảnh: N.HÂN

* Những khó khăn trong quá trình triển khai thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở tỉnh là gì, thưa ông?

- Nghiệp đoàn nghề cá là mô hình mới, Phú Yên là một trong bốn tỉnh được chọn làm thí điểm nên có nhiều việc còn gặp lúng túng trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của một số cơ quan ban ngành về chủ trương thành lập nghiệp đoàn chưa nhiều nên ban vận động tỉnh gặp khó khăn trong công tác phối hợp. Đối tượng vận động là ngư dân, đời sống của họ còn nhiều khó khăn, hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thường xuyên bám biển, hành nghề còn lệ thuộc vào thời tiết, không chủ động lịch tàu ra khơi, cập bờ nên việc thông tin liên lạc, tổ chức tiếp xúc tuyên truyền vận động ngư dân vào nghiệp đoàn còn trở ngại.

* Sau khi thành lập, nghiệp đoàn nghề cá sẽ hoạt động như thế nào?

- Phú Yên có 7.228 tàu thuyền khai thác thủy sản và 25.750 lao động ngư nghiệp nên việc thành lập nghiệp đoàn sẽ tiến hành từng bước, chú trọng thực chất, làm cho ngư dân thấy được rằng, nghiệp đoàn ra đời sẽ mang lại lợi ích thiết thân cho họ. Trước mắt, chúng tôi thí điểm vận động kết nạp từ 50 đoàn viên trở lên và thành lập một nghiệp đoàn nghề cá tại TP Tuy Hòa vào giữa tháng ba tới, sau đó sơ kết rút kinh nghiệm, nhân diện rộng để phát triển từ 60% trở lên số ngư dân làm việc trên các tàu khai thác hải sản vào tổ chức công đoàn, thành lập ở mỗi xã, phường ven biển hoặc mỗi lĩnh vực khai thác hải sản một nghiệp đoàn.

LĐLĐ tỉnh không kỳ vọng nghiệp đoàn nghề cá trong một sớm một chiều sẽ đổi đời cho đoàn viên. Nhưng nếu những việc làm thiết thực nói trên được duy trì và nhân rộng thì chúng tôi tin rằng, trong một thời gian không xa, nghiệp đoàn nghề cá sẽ trở thành mái ấm, là chỗ dựa tin cậy của ngư dân Phú Yên.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Phú Yên Online

Tết giữa Hoàng Sa

Những đàn cá chuồn dày đặc bay là là trên vùng biển Hoàng Sa là sức hút đối với các ngư dân khiến họ mở biển, xuyên Tết mưu sinh. Từ đó, ở Hoàng Sa đã xuất hiện nhiều kình ngư, thuyền trưởng trẻ tuổi.

Đón tàu đánh cá trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương.

Kình ngư Hoàng Sa

Chiều 24 tháng chạp vừa rồi, trong số 4 tàu cá ở thôn Định Tân cùng xuất hành ra Hoàng Sa đánh cá chuồn và đón Tết có tàu cá QNg 95985 TS của ngư dân Nguyễn Văn Leo.
Hỏi tên của thuyền trưởng này, những ngư dân kỳ cựu nhất của làng biển Định Tân (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đều gật đầu: “Không ai qua nổi đội tàu này”.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo, sinh năm 1975, làm ăn thành công nhất trong đoàn lưới chuồn 40 chiếc ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, anh vẫn chật vật với cuộc sống, trong căn nhà nhỏ cạnh bờ biển ngùn
ngụt cát.
Thành quả thu về từ những ngày "đón Tết" ở Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương.

Nhớ hôm giáp Tết chuẩn bị lên thuyền ra “ăn Tết” Hoàng Sa, trời thâm u, gió thổi phần phật. Có người ngần ngại nhìn ra biển nói: “Thôi ông Leo ơi, sóng gió quá, không chừng neo lại vài bữa rồi đi cũng được”. Kéo được 7 người bạn lên tàu, bỏ Tết sau lưng để ra Hoàng Sa là điều không dễ.
Chuẩn bị xuất hành mà có người bàn lui, không khéo anh em đi bạn nhảy bờ ở lại. Vậy là cúng ông bà trên tàu xong, anh quyết định nhổ neo đi ngay. Con tàu gầm lên lao ra khơi, người vợ của anh trong bờ nhìn theo bóng dáng con tàu khuất dần trong làn mưa xuân dày đặc.
Bình thường, con tàu mở biển thường chở theo 8 ngư dân. Tuy nhiên, mở biển đi xuyên Tết ở Hoàng Sa, anh Tuấn, một ngư dân xã bên đã nài nỉ xin nghỉ một phiên để ở nhà ăn Tết với vợ con.
Nhưng, nghỉ Tết cũng là lúc ngư dân này nói lời tạm biệt đội ngư dân trên tàu 85. Bởi phiên trước, anh em đang đánh lưới ở Hoàng Sa thì gặp sóng lớn và suýt gặp nạn.
Lần đó, sóng to như ngôi nhà đội con tàu lên cao. Nhiều người hoảng loạn khi tàu sắp úp sấp. Ngư dân Trần Tuấn ôm thành ca bin la to: “Chả lẽ chết hả trời!”. Anh Tuấn là ngư dân trẻ, vừa cưới vợ xong vài ngày là xuống đi biển. Nhưng thuyền trưởng Leo đã kéo ga cho con tàu gầm lên hết cỡ và bẻ lái xoay ngang.
Các ngư dân nhào vô ca bin ôm máy Icom thảng thốt la tới cứu. Nhưng nước tràn vào tàu, con sóng lớn như chiếc búa đập vỡ toang kính, phủ ướt ca bin làm máy móc ướt nhẹp nên tắt câm. Các ngư dân hú hồn, bởi kính đâm lút vô cửa tủ nhưng chừa ông thuyền trưởng, nếu không thì lật thuyền là cái chắc.
Thức trắng giữa Hoàng Sa
Kể chuyện những ngày xuân giữa đảo Hoàng Sa, thuyền trưởng Leo lặng lẽ, nhìn xa xăm. Hoàng Sa cho anh và gia đình có cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, nhiều cái Tết ở Hoàng Sa, anh và các ngư dân đã gặp không ít rủi ro.
Trước đó, năm 2011, không thể quên một cái Tết Tân Mão nhọc nhằn. Đài báo áp thấp nhiệt đới trôi qua, 5 ngày sau lại tiếp tục thông báo có đợt gió mùa mới.
Vậy là từ đêm 30 đến mùng 3 Tết, tất cả 8 anh em trên tàu đều thức trắng giữa Hoàng Sa. Những ngày đó, các ngư dân chỉ ăn mì tôm cầm chừng. Khi vào bờ, chỉ có nụ cười của họ là tươi mới.
Trong đợt mở biển ra Hoàng Sa ăn Tết 2012, sáng 26 tháng chạp, ngư dân thả giác lưới đầu tiên. Hì hục kéo lưới trong rét mướt, họ lắc đầu vì đánh cá ở vùng ít sóng, một mẻ lưới chỉ được ít chục rổ cá chuồn.
Vậy là thuyền trưởng Leo kéo ga cho con tàu lao ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa. Tại vùng này có một số đảo ngầm, biển nổi sóng dữ hơn. Những bầy cá chuồn bay là là giữa những đụn sóng cao báo hiệu tàu lọt vào luồng cá.
Bí quyết để đánh bắt cá chuồn đạt năng suất là gì? Anh Leo cho biết: “Chịu sóng to gió lớn mới đánh được cá chuồn”. Những năm trước, tàu ra khơi nghe biển động cấp 7 thì quay vào bờ. Còn với đội tàu 74, nghe biển động cấp 8 họ vẫn đạp sóng Hoàng Sa bươn ra khơi.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo - ngoài cùng bên trái - cùng những ngư dân Đội tàu 74.

Các ngư dân khác neo trong đảo run rẩy nhìn ra ngoài biển, còn đội tàu 74 thì vẫn băng băng ra biển đánh lưới để chở cá vào bờ.
Những ngày cầm lái con tàu đi giữa Hoàng Sa, trong lòng người thuyền trưởng luôn hiện lên hình ảnh đứa con trai bụ bẫm. Cháu Nguyễn Hoa Vinh, năm nay 7 tuổi bị mắc bệnh thận nhiễm mỡ. Tiền chữa bệnh mỗi tháng 5 triệu đồng. Vậy nên người cha phải chật vật để lo cho con.
Cuối năm 2010, chỉ trong 1 tháng, thuyền trưởng này đã cứu liên tiếp 3 tàu bị nạn trên biển. Cuối mùa cá chuồn năm 2011 đến lượt tàu anh bị gãy cốt máy trôi giữa biển.
Thuê tàu kéo vào bờ, mượn thêm tiền thay chiếc máy mới hết 200 triệu đồng. Vậy là một năm chật vật trên biển chỉ đủ bù cho con tàu. Vậy là người thuyền trưởng này tiếp tục những chuyến đi dài, đạp sóng gió Hoàng Sa để mưu sinh.

Tết ngóng ra biển

Năm 2011, tỉnh Quảng Ngãi có 10 tàu cá với hơn 100 ngư dân đang hành nghề trên quần đảo Hoàng Sa. Ở quần đảo Trường Sa có 17 tàu cá, 330 ngư dân trụ lại ăn Tết. Còn năm nay chỉ có 4 tàu cá ở Định Tân ra khơi. Chiều 12 tháng giêng, làng chài ùn ùn mở biển.
Trong ngôi nhà nhỏ, chị Nguyễn Thị Nhanh - vợ thuyền trưởng Leo dọn bữa cơm mừng chồng đi Hoàng Sa trở về đón Tết muộn. Cách đó không xa, tại nhà ngư dân Nguyễn Tiến Trung, chị Hồ Thị Minh chạy tới chạy lui thắp hương bàn thờ đặt ngoài trời.
Chồng chị đi trên tàu của ngư dân Nguyễn Văn Leo. Hằng ngày, chị lẳng lặng ra biển ngóng về phía Hoàng Sa chờ chồng. Hôm nay cũng là ngày đoàn tụ đón Tết muộn của vợ chồng anh Trung chị Minh.
Đoàn tụ với gia đình và đón xuân muộn, thuyền trưởng Leo trầm tĩnh kể: “Tụi em vừa kéo cả tạ cá chuồn lên tàu, chưa kịp muối đá và cào xuống hầm thì sóng biển phủ con tàu kéo tuột cá xuống biển trở lại. Có đêm anh em đang ngủ, một ông sóng bổ phủ ca bin, tràn vô tàu.
Vậy là anh em thức dậy vắt chăn cho khô rồi lại ngủ tiếp để lấy sức đi làm. Bình thường ra biển còn gặp tàu này tàu kia chạy tới chạy lui. Còn dịp Tết đi cả ngày cả đêm không gặp ai hết. Biển Hoàng Sa vắng ngắt…”.
Gió xuân từ biển ào ạt thổi vào làng chài Định Tân, xấp lịch treo trên tường nhà của người thuyền trưởng phát ra âm thanh lật phật, phá tan tĩnh lặng. Tờ lịch vừa được xé đến ngày 12 tháng giêng đánh dấu cái ngày anh và các ngư dân quây quần bên gia đình đón xuân muộn.
Ngày xuân, 4 con tàu lạc lõng giữa biển trời Hoàng Sa trong sóng gió. Sang xuân, tàu anh Leo chở 8 tấn cá chuồn về bến bán được 240 triệu đồng.
Theo Tiền Phong