Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn cảnh sát biển. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cảnh sát biển. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Thành lập 2 trung đội dân quân biển


Mỗi trung đội gồm 25 người chia thành 3 tiểu đội nhằm bảo vệ trật tự an toàn trên biển, bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân ra khơi xa đánh bắt hải sản.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa vừa thành lập 2 trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang và phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Đây là 2 phường có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên vùng biển Trường Sa. Mỗi trung đội gồm 25 người, chia thành 3 tiểu đội, tập trung trên 4 tàu đánh cá công suất 120-300 VC.

Tàu cảnh sát biển lai dắt cứu hộ tàu cá ngư dân cập bến an toàn. Ảnh: Trí Tín.
Tàu cảnh sát biển lai dắt cứu hộ tàu cá ngư dân cập bến an toàn. Ảnh: Trí Tín.

Khánh Hòa là địa phương được Quân khu V chọn thí điểm thành lập trung đội dân quân biển, nhiệm vụ vừa sản xuất vừa huấn luyện, sẵn sàng phối hợp với Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, nắm chắc tình hình kịp thời báo cáo các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền.

Đại tá Lê Minh Soạn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa nói: “Việc thành lập 2 trung đội dân quân biển nhằm bảo vệ trật tự an toàn trên biển và thực hiện chủ trương vươn ra biển để khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam".

Theo đại tá Soạn, Khánh Hòa có trên 2.000 tàu thuyền, 10.000 ngư dân. 2 trung đội dân quân biển này là đơn vị nòng cốt, sau đó Bộ chỉ huy quân sự sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng nhiều hơn.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc ‘chặn đuổi’ tàu Việt Nam


"Khi phát hiện các tàu Hải giám Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa", TTXVN lên tiếng, ngày 4/7.

Tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trước thông tin từ một vài phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc nói rằng, 4 tàu Hải giám của Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và chặn đuổi tàu công vụ của Việt Nam, ngày 4/7, Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu Hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa."

Theo TTXVN, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", TTXVN khẳng định.

Theo Tân Hoa Xã, hôm 26/6, đội tàu Hải giám của Trung Quốc đã khởi hành từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam đi vào Biển Đông. Vài ngày sau đó, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã diễn tập gần một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Hoạt động diễn tập của nhóm tàu này diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc chào thầu dầu khí phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Cuộc diễn tập của 4 tàu tuần tra Trung Quốc còn diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Philippines cũng khởi động cuộc tập trận chung tại Mindanao, miền nam của quốc đảo Đông Nam Á.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Cảnh sát biển: Chủ động bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài mới


Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị triển khai công tác kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm.
Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị triển khai công tác kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm. Toàn ngành bảo đảm kỹ thuật tốt được số lượng lớn tàu, xe máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển, đạt hệ số bảo đảm 100% và hệ số kỹ thuật từ 75% đến 90%.
Cảnh sát biển VN: Chủ động bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài mới
Cảnh sát biển VN: Chủ động bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài mới
Các cơ sở hạ tầng hậu cần, kỹ thuật được đầu tư xây mới và nâng cấp, chủ động bảo đảm kỹ thuật cho tàu thuyền, vũ khí, khí tài mới tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đưa vào huấn luyện, khai thác.
Từ đầu năm 2012 đến nay, ngành Kỹ thuật Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã bảo quản thường xuyên 100% số tàu thuyền; sơn gần 15.000m2 vỏ tàu, máy các loại; sửa chữa 580 hạng mục ngành tàu và 65 lần chiếc xe máy.
Toàn ngành triển khai ứng dụng phần mềm quản lý vật tư thiết bị trên tàu; biên soạn và nghiệm thu 11 bộ tài liệu huấn luyện kỹ thuật; 2 bộ quy trình sửa chữa động cơ tàu và 4 bộ tài liệu sửa chữa khí tài thông tin, ra-đa; chủ trì và phối hợp nghiên cứu 7 đề tài cải tiến, nâng cấp vũ khí, khí tài trên tàu Cảnh sát biển.
Theo QĐND

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Tàu hiện đại của cảnh sát biển Việt Nam


Cảnh sát biển được trang bị các loại tàu hiện đại như DN 2000, TT 200, tàu kéo cứu nạn 3500 CV, tàu tuần tiễu cao tốc 120, máy bay CaSa 212-400 cùng các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy...


Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000
Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000

Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000 có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Tàu có chức năng và nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và quốc tế khi có yêu cầu, cứu kéo các tàu bị nạn có lượng dãn nước đến 2.200 tấn... Tàu hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với tầm hoạt động không hạn chế, trong điều kiện gió cấp 12, thời gian liên tục trên biển là 40 ngày đêm, tầm hoạt động là 5.000 hải lý.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT-200
Tàu tuần tiễu cao tốc TT-200

Tàu tuần tiễu cao tốc TT-200 là dạng tàu cao tốc vỏ thép do Viện kỹ thuật Hải quân thiết kế. Tàu hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 7 và 8, có thể chịu được cấp 9, tầm hoạt động là 1.800 hải lý.

Tàu kéo cứu nạn 3500 CV
Tàu kéo cứu nạn 3500 CV

Tàu kéo cứu nạn 3500 CV được trang bị tổ hợp máy bơm cứu hộ lắp đặt trong khoang máy chính. Qua một cửa thông biển riêng, tổ hợp cung cấp nước cứu hoả, bọt Foam chống cháy ra 2 súng phun đặt trên nóc cabin. Đường kính họng phun D= 90 mm, tầm phun xa nhất ở góc nghiêng 45 độ với lưu lượng 350 m3 /giờ, súng phun có thể đạt tầm xa đến 75 m.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 120
Tàu tuần tiễu cao tốc TT 120

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 120 có chức năng tuần tra bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự vùng biển Việt Nam, kiểm soát và ngăn chặn các loại tàu thuyền vi phạm quy định của Nhà nước về hải quan, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hải phận Việt Nam.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400
Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400 là tàu cao tốc vỏ thép có tính năng kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, khả năng tự động hoá, tích hợp các thiết bị trên tàu đồng bộ và chịu được sóng đến cấp 10.