Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn tranh chấp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tranh chấp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Biển Đông: Trung Quốc chuyển sang ‘mặt trận’ thời tiết


Sau những đối đầu về ngoại giao, để khẳng định yêu sách chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi tuyên bố tiến hành dự báo thời tiết ở Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Trung Quốc hôm nay cho hay, cục khí tượng ở Hải Nam đã phát đi các thông tin dự báo thời tiết tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như với đảo Hoàng Nham.

Cổng thông tin này dẫn lời Thái Tần Ba - giám đốc trạm khí tượng tỉnh Hải Nam rằng: “Cải thiện dự báo thời tiết ở Biển Đông là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi lại cũng như hoạt động sản xuất ven biển”.

Đảo Hoàng Nham là cách Trung Quốc gọi bãi cạn đang có tranh chấp với Philippines. Người Philippines gọi đây là bãi cạn Panatag hoặc Bajo de Masinloc (tên quốc tế là Scarborough).

Biển Đông: TQ chuyển sang ‘mặt trận’ thời tiết
Biển Đông: TQ chuyển sang ‘mặt trận’ thời tiết

Theo tin tức đăng trên cổng thông tin của Trung Quốc, Biển Đông có nguồn cá phong phú, tài nguyên dầu khí giàu có và cũng là khu vực xảy ra bão gió liên miên.

Tuyên bố đưa ra dự báo thời tiết ở các khu vực trên là dấu hiệu mới nhất thể hiện sự quả quyết của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhất là các khu vực tranh chấp. Bãi cạn Scarborough là nơi mà cuộc đối đầu giữa tàu thuyền Trung Quốc và Philippines chưa có dấu hiệu chấm dứt dù đã sang tuần thứ bảy.

Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Scarborough cũng như hầu hết Biển Đông bằng những viện dẫn lịch sử, kể cả những vùng ấy sát cạnh bờ biển của một số nước láng giềng châu Á. Trong khi đó, Philippines tuyên bố bãi cạn nằm trong phạm vị 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, được luật pháp quốc tế công nhận.

Chuyện chồng lấn chủ quyền Biển Đông khiến tranh chấp các bên kéo dài nhiều thập niên qua, làm cho khu vực này trở thành một trong những nơi "nóng nhất", dễ châm ngòi cho xung đột quân sự của châu Á.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Diễn biến mới nhất vụ đụng độ trên Biển Đông


Trung Quốc hôm qua (18/4) đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của phía Philippine về việc đưa cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai nước này ra giải quyết tại toà án quốc tế. Cùng với đó, Bắc Kinh đã cử một tàu lớn đến tuần tra ở khu vực Biển Đông – nơi đang dậy sóng trong những ngày gần đây vì sự đối đầu căng thẳng và quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines.

Tàu hải giám Trung Quốc
Tàu hải giám Trung Quốc

Động thái trên được xem là hành động đáp trả của Bắc Kinh đối với việc Manila kiên quyết từ chối rút tàu thuyền của nước này ra khỏi vùng lãnh hải tranh chấp giữa hai nước.

Trước đó cùng ngày, Manila cho biết, họ đang thuyết phục Bắc Kinh đồng ý đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước tại một khu vực bãi cạn chưa có ngưới sinh sống ở Biển Đông ra giải quyết tại toà án quốc tế trong bối cảnh hai nước này vừa có một cuộc khẩu chiến căng thẳng liên quan đến vấn đề này.

"Để theo đuổi con đường giải quyết hoà bình vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough, chúng tôi dự định mời các đối tác Trung Quốc của chúng tôi tham gia tại Toà án Quốc tế về Luật Biển”, Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario cho biết trong một tuyên bố.

"Mục đích của việc này là để xác định rõ ràng xem ai trong hai nước chúng ta có quyền chủ quyền đối với vùng lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough – nơi tàu thuyền Trung Quốc hiện nay thường tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine".

Cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ bùng lên sau khi một máy bay do thám của Hải quân Philippine hôm 8/4 phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough.

Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai tàu hải giám của Trung Quốc cũng nhanh chóng xuất hiện, đi vào giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.

Liên quan đến vụ đụng độ mới nhất và là đầu tiên trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippine ở vùng tranh chấp nói trên, ông Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippine cho tờ The Philippine Star biết, cuộc tranh chấp này sẽ được đưa ra bàn thảo tại một cuộc họp ở Washington giữa các quan chức quân sự, ngoại giao hàng đầu của Manila với các đối tác Mỹ trong ngày 30/4 tới.

"Tôi chắc rằng, đây sẽ là một trong những chủ đề chính”, ông Gazmin khẳng định.

Trung Quốc triệu tập nhà ngoại giao Philippine

Căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang khi ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying triệu tập Đại biện lâm thời Philippine ở nước này đến để phản đối về sự việc mới nhất xảy ra ở khu vực biển gần đảo Huangyan hôm 10/4. Trước đó, hôm 15/4, Bắc Kinh cũng từng triệu tập một nhà ngoại giao của Manila đến để phản đối về vụ va chạm tàu thuyền giữa hai nước hôm 8/4 

Thứ trưởng Fu cho rằng, hành động quấy nhiễu các ngư dân Trung Quốc của một tàu hải quân Philippine ở khu vực gần đảo Huangyan đã gây nên nỗi “quan ngại lớn’ cho phía Bắc Kinh.

Theo lời các quan chức Trung Quốc, hôm 10/4, 12 tàu đánh cá của nước này đã tìm tới vùng biển ở đảo Huangyan để tránh thời tiết khắc nghiệt nhưng bị một tàu hải quân Philippine quấy nhiễu. Sau đó, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực trên để giải cứu các ngư dân của họ.

"Căng thẳng đã được giải quyết qua các cuộc đàm phán song phương”, bà Fu cho hay đồng thời nói thêm rằng bà hy vọng phía Philippine sẽ tôn trọng cam kết và ngay lập tức rút tàu thuyền ra khỏi vùng tranh chấp.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Philippine tuyên bố, nước này có chủ quyền đối với đảo Huangyan.

Trung Quốc hiện đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong khi một số nước muốn đưa các cuộc tranh chấp này ra tòa án quốc tế thì Trung Quốc muốn giải quyết bằng con đường song phương. 

Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippine liên tục căng thẳng từ năm ngoái đến giờ. Trong những cuộc tranh chấp này, Philippine có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Mỹ. Hồi cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton từng có phát biểu ám chỉ sẽ đứng về phía Manila trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông


Gọi Biển Đông là một khu vực tranh chấp, Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ kiềm chế trong việc thăm dò và khai thác dầu ở các lô giàu tiềm năng tài nguyên của Việt Nam nhằm đảm bảo “hòa bình và ổn định” trong khu vực.

"Đây là một khu vực tranh chấp. Vì vậy, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ là phù hợp để Ấn Độ tiến hành thăm dò ở đây”, tờ IBN Live dẫn lời phó phụ trách vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Duy Đồng nói.

Yêu cầu New Delhi không liên quan vào các “khu vực tranh chấp”, quan chức bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, chủ quyền các đảo ở Biển Đông là một vấn đề lớn và Ấn Độ không nên tiến hành các hoạt động thăm dò cho tới khi có giải pháp cụ thể với vấn đề.

Giàn khoan trên Biển Đông
Giàn khoan trên Biển Đông

"Chúng tôi muốn cùng phát triển trong khu vực. Chúng tôi hy vọng rằng, phía Ấn Độ không liên quan vào các tranh chấp. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ làm nhiều hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Tôn nói với một nhóm phóng viên Ấn Độ đang ở thăm Trung Quốc.

Khi được nhắc về bản chất thương mại của việc Ấn Độ tiến hành thăm dò dầu khí trong khu vực rất giàu trữ lượng dầu khí, ông Tôn trả lời, vấn đề là “rất phức tạp và Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình.

Theo IBN live, khi được hỏi tại sao Trung Quốc phản đối các dự án thăm dò của Ấn Độ ở những lô dầu khí Việt Nam trong khi các công ty Trung Quốc lại tham gia tiến hành những dự án cơ sở hạ tầng vùng tranh chấp Kashmir mà Pakistan chiếm đóng (PoK), quan chức ngoại giao Trung Quốc nói: "Đây là các vấn đề hoàn toàn khác nhau. Liên quan tới Kashmir, chúng tôi luôn nói đó là vấn đề song phương và cả Ấn Độ cũng như Pakistan phải giải quyết trên cơ sở song phương”, ông Tôn nói.

Năm ngoái, lần đầu tiên Ấn Độ đã có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông khi Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có kế hoạch thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Xung quanh vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải, Bộ Ngoại giao nước này đã tuyên bố: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp thuận của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng".

Gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Năm ngoái, cả Việt Nam và Philippines đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển này. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập, quấy nhiễu hoặc làm hư hại các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí của hai nước tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền.
Khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc đã cảnh báo các láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc Biển Đông) đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tháng 4 năm ngoái đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh. Tờ báo này không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khóa" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.

Tháng 6 năm ngoái, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, một giàn khoan nước sâu khổng lồ mang tên Marine Oil 981 đang trong quá trình thử nghiệm để chuẩn bị cho việc triển khai ở Biển Đông. Tân Hoa xã từng trích lời Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC ) rằng, Marine Oil 981 “là cơ hội tốt để củng cố nỗ lực thăm dò dầu khí nước sâu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc”.

Marine Oil 981 thậm chí được mệnh danh là “tàu sân bay” bởi kích cỡ và thiết kế chuyên dụng nhằm đối phó với những cơn sóng mạnh của Biển Đông. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, giàn khoan nước sâu sẽ được đưa tới điểm đến bằng các tàu kéo mạnh, sẽ “giúp Trung Quốc thiết lập một sự hiện diện quan trọng hơn ở khu vực phía nam rộng lớn chưa được khai thác của Biển Đông”. Chính khu vực này (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) là nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp với một số nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông, Hoàng Hải.