Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Sinh Tồn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Sinh Tồn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Góp đá xây Trường Sa: Lan tỏa sức mạnh


Góp đá xây Trường Sa – một chiến dịch truyền thông – đã trở thành cuộc vận động rộng khắp mọi miền đất nước hướng về biển Đông bằng những tấm lòng, những hành động thiết thực.
“Gục ngã” trên đống tài sản đã nói thay nỗi lòng doanh nghiệp. Hai tuyến bài lớn trên báo Tuổi Trẻ đã gây hiệu ứng xã hội tích cực và được trao tặng giải nhất Giải báo chí TP.HCM năm 2012.
Đã hơn một năm từ ngày báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” (ngày 16-5-2011), danh sách đóng góp vẫn ngày một dài thêm, những con số tăng lên từng ngày. Tính đến thời điểm này, bạn đọc đã đóng góp hơn 44 tỉ đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.
Những đóng góp và sẻ chia vẫn cứ như những đợt sóng ngầm ở khắp mọi nơi trên đất nước.

Đầy cảm xúc

Anh Lương Huỳnh Việt Thắng (phó bí thư Đoàn trường, chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Góp đá xây Trường Sa là điểm nhấn lớn của Tuổi Trẻ trong lòng bạn đọc. Sự lan tỏa của chương trình diễn ra rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Sau khi đọc loạt bài “Một thời vác đá xây Trường Sa”, “Nhật ký Trường Sa”, SV trường tôi đã dành những tình cảm rất đặc biệt cho chương trình Góp đá xây Trường Sa”. Thế nên ngay khi báo Tuổi Trẻ mới phát động chương trình, Đoàn Trường ĐH Tây Nguyên đã phát động đoàn viên, SV thực hiện phong trào “Nuôi heo đất góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự tham gia nhiệt tình của các chi đoàn.
Và khi Tuổi Trẻ tổ chức đêm hội “Góp đá xây Trường Sa” tại Trường ĐH Tây Nguyên, đã có hơn 10.000 SV và giáo viên tham dự. Anh Thắng kể: “Đêm hội đó đã tạo nên hiệu ứng rất lớn. Sinh viên và các thầy cô hỏi chúng tôi rằng Đoàn trường có tiếp tục tham gia “Góp đá xây Trường Sa” hay không? Nếu có thì bằng cách nào để tất cả có thể cùng góp được nhiều “đá” hơn?”.
Theo anh Thắng, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã tạo ra sự chuyển biến rõ ràng trong nhận thức và tình cảm của SV dành cho biển đảo quê hương. Trong tuần sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa, trường đã đưa ra nội dung chủ quyền biển đảo và tình hình khu vực biển Đông, SV lắng nghe rất chăm chú, đặt nhiều câu hỏi.
Không chỉ ở trường, ở nhà người thân trong gia đình của anh Thắng cũng dành tình cảm cho chương trình. Anh bảo: “Cả nhà tôi đã tham gia chương trình nhiều lần và vẫn thấy cần phải đóng góp nhiều hơn nữa. Khi tôi làm chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ở trường, bố mẹ tôi cũng góp lương hưu cho Trường Sa”.
Sự lan tỏa ấy còn dễ dàng bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên văn phòng với nhiều hình thức góp đá đa dạng. Tháng 3-2012, Công ty cổ phần Đồng Tâm có một cách làm khá mới để hưởng ứng và ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” khi cho ra sản phẩm gồm hai loại gạch Hoàng Sa và Trường Sa, được lát cùng nhau như hai vùng biển đảo không thể tách rời trong chủ quyền của Việt Nam để phát động chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa”.
Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động - Ảnh: Thuận Thắng
Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động - Ảnh: Thuận Thắng
Theo đó, cứ mỗi mét vuông gạch bán được sẽ đóng góp 20.000 đồng cho chương trình. Chương trình này được đồng loạt triển khai tại 25 văn phòng, chi nhánh và các cửa hàng cộng tác của Đồng Tâm Group trên 63 tỉnh thành cả nước và tại các nhà máy. “Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng. Đến nay chúng tôi đã có gần 270 triệu đồng góp vào quỹ Góp đá xây Trường Sa” – ông Nguyễn Hứa Thiên Giao, phó giám đốc khối nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Đồng Tâm, cho biết.

Mở đợt góp đá mới

Đó là khẳng định và là tâm nguyện của rất nhiều bạn đọc đã đến với chương trình này. Sau chuyến đi Trường Sa và tham gia lễ khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A (tháng 5-2012), anh Việt Thắng đã đưa lên website của trường nhiều hình ảnh về công trình đặc biệt này, về người lính Trường Sa, về đảo chìm, đảo nổi… và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn SV.
“Chúng tôi đang bàn bạc, tìm ra nhiều hình thức khác để nhân rộng phong trào “Góp đá xây Trường Sa” vì chương trình mang ý nghĩa quá lớn lao, phải làm sao để ai cũng có thể tiếp cận chương trình gần nhất. Chúng tôi sẽ không chỉ làm ở ĐH Tây Nguyên mà còn thực hiện trên các cộng đồng mạng để chương trình lớn hơn, rộng hơn. Vì góp đá cho Trường Sa không bao giờ là đủ, là thừa, càng nhiều viên đá kết nối lại, biển đảo của chúng ta càng vững mạnh” – anh Thắng chia sẻ.
Sau chuyến đi ấy, những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện cảm động trong suốt hành trình và bài hát của thiếu tá Nguyễn Xuân Cung – trung đoàn công binh 131, người trực tiếp thi công công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A – cũng được ông Giao chuyển đến phòng đối ngoại – truyền thông để truyền tải thông tin cho anh chị em cán bộ, công nhân viên trong tập đoàn. Đặc biệt, ông Giao còn chuyển ảnh và các mẫu ốc đảo Cô Lin, đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca, cầu gai đảo Sinh Tồn, san hô đảo Sơn Ca và Trường Sa cho phòng thiết kế của công ty. “Không bao lâu nữa chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra các mẫu gạch granite mới lấy ý tưởng từ các mẫu ốc, cầu gai, san hô của quần đảo Trường Sa để tiếp tục chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa” – ông Giao hồ hởi nói.
Tổng giám đốc Công ty Bia Huế Nguyễn Mậu Chi cũng cho biết đang tiếp tục thực hiện chương trình nho nhỏ để “Góp đá xây Trường Sa”. “Hiện tại chúng tôi đang vận động một chương trình nhỏ là tặng sim thẻ điện thoại cho các chiến sĩ Trường Sa để họ có nhiều thời gian nói chuyện với gia đình hơn, để họ thấy gần với đất liền hơn và sẽ hoàn thành trong 15 ngày nữa” – ông Chi cho hay.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Chuyện về những “chú lính chì” ở Trường Sa

Chó vốn là loài động vật thông minh và trung thành với chủ. Điều ấy không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu như ở đất liền loài chó được nuôi chủ yếu để giữ nhà, hoặc để làm cảnh thì ở Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, khuyển tộc lại có một vị trí đáng nể. Cánh lính đảo đã yêu mến mà đặt tên cho chúng là những “chú lính chì”.

"Đứa em yêu" của lính Hải quân

Không biết từ bao giờ, họ nhà cẩu được đưa ra với lính đảo rồi trở nên thân thiết như những người bạn. Có thể nói không ngoa rằng, nhắc đến Trường Sa mà không nói đến “khuyển tộc” là một thiếu sót lớn.

Trên con tàu HQ 936 chở quà Tết ra cho cán bộ, chiến sĩ của huyện đảo Trường Sa tôi gặp Thiếu úy Phạm Đình Tuấn ra nhận nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan. Hành trang của anh ngoài những vật dụng thiết yếu và những món quà mà người thân đã gửi tặng ra đảo, tôi còn thấy một chiếc… bình sữa! Rất ngạc nhiên, tôi hỏi: “Ở đảo có trẻ con hay sao mà anh mang cả thứ này”. Thiếu úy Tuấn bật cười: “Ừ, dĩ nhiên là phải có thì tôi mới phải đem theo nó chứ”.

Trước khi đi, tôi đã tranh thủ tìm hiểu về huyện đảo Trường Sa. Ngoài 3 đảo Trường Sa Lớn, Sơn Ca và Sinh Tồn là có dân, thì toàn bộ các đảo, điểm đảo đều chỉ có lính. Đảo Tốc Tan dĩ nhiên không nằm trong số đảo có dân ở rồi.

Thấy mặt tôi cứ ngây đi, một đồng đội của Tuấn giải thích: “Là anh không biết đấy thôi, ở đảo chúng tôi coi đám chó như… con ấy. Năm trước có một con chó mẹ đẻ được 6 đứa con, nhưng không có sữa cho bú nên chết hết. Thế nên lần này ra đảo, chúng tôi phải mang theo đồ để nuôi nấng, chăm sóc chúng”. Rồi cả hai anh thi nhau kể những chuyện hay, chuyện lạ về loài chó ở đảo. Tôi thì vẫn nghi hoặc, cho đến khi…

Chiếc xuồng vận chuyển đưa chúng tôi đến gần đảo Tốc Tan, khi khoảng cách thu hẹp cho đến khi có thể nhìn rõ mặt người thì tôi nghe thấy tiếng chó sủa ông ổng. Rồi một đàn hơn hai chục con ùa ra cầu cảng, có con còn bơi ra tận xuồng đón chúng tôi. Thật ngoài sức tưởng tượng. Thiếu úy Tuấn lúc đó mới kể. Loài chó ta ở đất liền thì thấy bình thường, nhưng ra đảo thì chúng khôn hẳn lên. Chỉ nhác thấy bóng tàu, thuyền từ xa là chúng nhổm dậy, báo động cho lính biết. Thậm chí chúng còn phân biệt được cả tàu ta, tàu địch.


Trước kia tại trên đảo còn có con Bellamy (gọi theo tên một danh thủ bóng đá) bơi rất tài. Thấy chiến sĩ ta đi bắt cá là cậu lon ton chạy theo, rồi cũng ngụp lặn giúp sức. Nó biết đuổi cá vào lưới, thậm chí tiện… mồm đớp ngay chú cá nào lởn vởn bên ngoài. Đớp xong nó ngậm và bơi vào bờ đưa cho lính. Rồi nó còn biết “huấn luyện” những chú chó khác biết. Có lần xuồng chuyển lương thực vào đảo bị sóng đánh lật, Bellamy còn bơi ra giữ được một thùng hàng không để sóng đánh trôi.

Ở đảo Đá Tây, chúng tôi được một phen “mắt tròn mắt dẹt” khi chứng kiến lũ chó tinh khôn biết… chăn vịt. Vì là đảo chìm, nên đàn vịt mà các chiến sĩ ở đây mất rất nhiều công sức mới gây dựng được, cứ sểnh ra là lại nhảy xuống biển để thỏa sức vẫy vùng. Tuy nhiên, nhiều lúc sóng gió bất ngờ, vịt ta không kịp quay về bờ nên bị sóng đánh dạt ra ngoài biển và thế là… ngủm củ tỏi. Thật may đám khuyển ở đây không cần người huấn luyện vẫn biết luôn theo sát đám vịt. Con nào hễ có ý định bỏ đàn để bơi ra xa liền bị đuổi lên bờ ngay tắp lự!

Chó nhà đã vậy, chó nghiệp vụ khi được mang ra Trường Sa cũng nhanh chóng thích nghi được với khí hậu nơi đây, tiếp sức cho lính Hải quân làm nhiệm vụ giữ gìn dải đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng úy Vũ Khắc Biên – Đội trưởng Đội Huấn luyện Chó nghiệp vụ cho chúng tôi biết. Năm 2010, Trường Trung cấp Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đưa 5 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 chó nghiệp vụ ra Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cán bộ chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra bảo vệ biển đảo, phát hiện người đột nhập lên đảo và sẵn sàng chiến đấu.

3 chú chó nghiệp vụ Biên phòng ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa bao gồm Mika, Kakốp, Manlơ. Ban đầu, Mika, Kakốp, Manlơ được huấn luyện để chịu được những cơn gió biển mạnh, làm quen với sóng lớn để có thể vừa bơi vừa chiến đấu được. Điều anh em không ngờ là Mika, Kakốp, Manlơ thích nghi rất nhanh. Trong những con sóng lớn, Mika, Kakốp, Manlơ vẫn bơi rất tốt. Còn huấn luyện trên bãi cát, tốc độ của Mika, Kakốp, Manlơ nhanh gấp bốn lần bước chạy rút của chiến sĩ.

Ngoài việc "rèn luyện" nâng cao thể lực, cả 3 còn thực hiện tốt các phương án diễn tập chống người nhái, biệt kích. Phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch đã xâm nhập đều được hoàn thành xuất sắc.

Nguyễn Khắc Định – một trong số các huấn luyện viên chó nghiệp vụ chia sẻ. Điều các anh rất trăn trở là bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho các “chiến sĩ” đặc biệt này. Khẩu phần cho “binh khuyển” khá tốn kém, thậm chí cao hơn cả lính bộ binh. Nhưng thật may mắn Mika, Kakốp, Manlơ nói riêng, đàn chó nghiệp vụ ở Trường Sa nói chung, khá "dễ tính", có thể ăn được thịt hộp, cá biển, cơm, rau...

Đâu phải chỉ con người mới nghĩa nặng tình sâu

Chưa kịp nghe hết chuyện về đàn chó nghiệp vụ chúng tôi đã phải lên đường đi Phan Vinh. Không biết là may hay rủi, mà xuồng vừa cập đảo thì chúng tôi nhận được tin có áp thấp nhiệt đới. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải lưu lại đảo ít nhất là vài ba ngày. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian để tìm hiểu về hòn đảo mang tên người anh hùng lực lượng vũ trang này hơn.

Khác với Tốc Tan và Đá Tây (là đảo chìm), Phan Vinh là đảo nổi nên có diện tích khá rộng rãi cùng một bãi san hô lớn bao quanh. Chính vì thế, phải tới khi có mặt tại khu vực ăn ở của các chiến sĩ, chúng tôi mới nhận được sự đón tiếp nồng hậu của loài khuyển. Trong lúc hỏi chuyện Trung tá Trần Văn Nhật, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, tôi thấy một chú chó cứ quẩn quanh chân anh. Chưa kịp hỏi, Trung tá Nhật đã kể: “Con Trắng này rất khôn và tình cảm. Mai kia phải về đất liền, chắc tôi sẽ nhớ nó lắm”.

Cách đây ba năm Trung tá Nhật nhận nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh cũng là lúc một người bạn hoàn thành nghĩa vụ đã tặng anh con chó này. Lúc ấy, nó còn rất bé và bị ốm. Mấy ngày liền nó bỏ ăn, người cứ rũ như tàu lá héo. Thương quá, anh Nhật lấy khẩu phần sữa của mình pha cho nó uống. Rồi lại ghiền cơm với thịt hộp, cá hộp cho nó ăn. Được một tuần thì nó dứt bệnh.

Trắng ta phổng phao dần, và trở thành chú chó đẹp nhất đảo. Và cũng từ đó, nó rất quyến luyến Nhật. Anh đi đâu nó cũng bám theo. Chủ ngồi đâu thì nó ngồi xuống canh chừng. Hôm biết tin được về đất liền, anh Nhật gọi nó ra một góc, rồi tâm sự “mày ở lại nhé, tao phải về với vợ con thôi”. Thế là suốt từ đó đến giờ, khuôn mặt Trắng lúc nào cũng rầu rầu, vẻ như khóc đến nơi.

Cũng ở Phan Vinh, tôi lọ mọ đi một vòng quanh đảo thì gặp một cảnh tượng thật lạ kỳ. Các cụ ta có câu “ghét nhau như chó với mèo”, nhưng câu nói ấy hoàn toàn sai khi đem áp dụng ở Trường Sa. Bằng chứng là, trước mắt tôi là cảnh một chú chó mẹ đang âu yếm cho một chú mèo bú sữa. Thấy bóng dáng người lạ, chú ta gầm gừ - như thể một bà mẹ đang canh giữ đứa con của mình vậy. Bên gốc cây phong ba đằng kia, hai chú mèo cũng đang đùa giỡn cùng đám cún con – như thể là anh em một nhà vậy.

Trước vẻ ngạc nhiên của tôi chiến sĩ Nguyễn Văn Thông mới lại gần, kể: “Ở đây chuyện chó bú mèo, hay mèo bú chó là bình thường anh ạ. Đám chó ở đây tình cảm lắm. Em nuôi một con tên là Mực. Những đêm bồng súng đứng gác nó luôn quẩn quanh thức cùng. Đêm khuya gió lạnh thổi rét tê tái, chú chó đứng cạnh, liếm cái lưỡi ấm áp vào bàn tay tự dưng thấy ấm áp, cảm thấy được chia sẻ rất nhiều”.

Chó ở đây được quý đến mức các chiến sĩ lấy tên những ca sĩ mình hâm mộ để đặt tên cho chó. Nào là Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh cho đến Đông Nhi, Thủy Tiên… đều có mặt. Và tên chó Trường Sa cũng thay đổi theo thị trường ca nhạc trong nước và ca sĩ nào đang “hot” nhất cũng đồng nghĩa với việc tần suất được dùng đặt tên cho chó nhiều nhất.

Hôm ở đảo Đá Lớn, chúng tôi được cán bộ chiến sĩ mời lại dùng cơm trưa. Do trúng đợt mưa gió, nên cá tươi không có. Chẳng lẽ lại dùng đồ hộp đãi khách? Vậy là anh em quyết định thịt một chú cẩu. Ấy vậy mà khi anh lính đặt tay lên con nào trong số đối tượng mang án tử hình ấy thì con nào cũng ngạc nhiên chưa, nước mắt cứ ròng ròng! Chúng tôi liền đề nghị “có gì ăn nấy thôi”. Và án tử hình đã được bãi bỏ.

Lính Trường Sa còn kể cho chúng tôi rằng, chó mang từ đất liền ra Trường Sa thì có thể sống khỏe mạnh. Ấy thế nhưng nếu ai đó mang chúng về đất liền nuôi thì đều lơ ngơ rồi sinh bệnh tật ốm yếu, gầy mòn mà chết. Thật kỳ lạ!
Theo CAND Online

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

"Tàu mẹ - tàu con" ra quân bám biển Trường Sa, Hoàng Sa

Sáng 16-2, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã phát lệnh ra quân tổ hợp tác gồm sáu ngư đội với 30 chiếc tàu chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và tàu hậu cần Hải Vương 68.
Đây là hình thức tổ hợp tác “tàu mẹ - tàu con”, thực hiện quy trình khép kín khai thác - thu mua - chế biến - xuất khẩu hải sản, nâng cao giá trị đánh bắt cho ngư dân Khánh Hòa.

“Tàu mẹ” Hải Vương 68 xuất bến tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang) - Ảnh: M.Tuệ

Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

“Tàu mẹ” còn tham gia kịp thời việc cứu nạn, cứu hộ trên biển khi “tàu con” gặp nạn. Bên cạnh đó, theo thượng tá Lê Hồng Chiến - phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 4 hải quân, việc hình thành các ngư đội bám biển dài ngày tạo nên sự liên kết vững chắc giữa các tàu đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện mô hình “tàu mẹ - tàu con”, sáu ngư đội Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Đá Nam Đá Lát khai thác ở các vùng biển thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xung quanh các nhà giàn DK1 của VN, sẽ bán ngay số cá đánh bắt được trong vòng một tuần cho “tàu mẹ” Hải Vương 68 có công suất 1.200CV, có thể mua 25-30 tấn cá ngừ/ngày. Sản phẩm sẽ được sơ chế và cấp đông ngay trên “tàu mẹ”.

Theo Tuổi Trẻ