Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu thuyền đánh cá. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tàu thuyền đánh cá. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Trung Quốc lộ chiến thuật độc chiếm Biển Đông


Trong cuộc đối đầu hơn một tháng qua ở Biển Đông với Philippine, nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Trung Quốc không triển khai những chiếc tàu chiến hùng mạnh và hiện đại của Hải quân nước này đến khu vực tranh chấp. Liệu có điều gì bí ẩn đằng sau sự “khiêm tốn” đó của Bắc Kinh hay không?

Tàu hải giám - "vũ khí" mới của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông
Tàu hải giám - "vũ khí" mới của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Chiến thuật đặc biệt của Trung Quốc ở Biển Đông


Sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough hôm 8/4, Bắc Kinh liên tục thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt bằng cả lời nói lẫn hành động. Cùng với những lời cảnh báo, doạ nạt, Trung Quốc không ngừng đưa tàu thuyền đến khu vực tranh chấp. 

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là những chiếc tàu chiến lớn và hiện đại trong Lực lượng Hải quân hùng mạnh của Trung Quốc tuyệt nhiên không hề thấy xuất hiện trong cuộc đối đầu mới nhất với Philippine ở Biển Đông. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ điều những tàu thuyền đánh cá, tàu hải giám và tàu bán quân sự nhỏ. Cách để Trung Quốc “thị uy” đối phương là đưa một số lượng lớn tàu thuyền đến khu vực tranh chấp. Có những thời điểm, số tàu thuyền Trung Quốc có mặt tại bãi cạn Scarborough (còn được Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham) lên tới trên dưới 30 chiếc. Đây là con số hoàn toàn áp đảo so với vài ba tàu thuyền của Philippine ở khu vực.

Lý giải về động thái khó hiểu trên của Trung Quốc, các chuyên gia hải quân cho rằng, Bắc Kinh không muốn đưa tàu chiến ra trong cuộc tranh chấp với Philippine là nhằm để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột. Tuy nhiên, nước này vẫn tìm cách đủ hiệu quả để trấn áp được đối phương. 

Theo các nhà phân tích, sau khi đánh động các nước láng giềng bằng những động thái hiếu chiến ở Biển Đông trong những năm gần đây, Trung Quốc giờ đây quay sang chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ”. Theo chính sách này, Bắc Kinh sẽ sử dụng những chiếc tàu thuyền tuần tra được vũ trang nhẹ hoặc là không vũ trang từ các cơ quan ngư nghiệp, hàng hải và dân sự thay vì sử dụng tàu chiến trong các hạm đội hùng mạnh của nước này.

Mục đích của việc triển khai tàu thuyền tuần tra không vũ trang hoặc được vũ trang nhẹ là để Trung Quốc thể hiện “quyền lực mềm” và tránh gây ấn tượng rằng cường quốc này đang dùng ngoại giao “súng ống” trong khu vực. Bắc Kinh tin rằng, cách tiếp cận mới này sẽ giúp xây dựng hình ảnh một Trung Quốc “hoà bình hơn và có vẻ đạo đức hơn”, một nhà phân tích cho biết.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp dụng chiến thuật “cây gậy nhỏ” nói trên không có nghĩa là nước này sẽ nhượng bộ trong bất kỳ cuộc tranh chấp nào ở Biển Đông. Bắc Kinh vẫn thể hiện thái độ cứng rắn bằng việc để cho tàu thuyền của họ “tự tung tự tác” trong khu vực tranh chấp. Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tàu thuyền Trung Quốc “quấy nhiễu”, “doạ dẫm” tàu thuyền Philippine.

Trung Quốc tin rằng, chiến thuật trên vừa có thể giúp họ tránh được các cuộc xung đột mà vẫn có thể uy hiếp được đối thủ, tiến tới giành được chủ quyền đối với vùng tranh chấp. Nếu áp dụng thành công chiến thuật “cây gậy nhỏ” với Philippine, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng nó với các nước còn lại đang có tranh chấp với nước này. Mục tiêu mà Bắc Kinh hướng tới là dần dần, từ từ độc chiếm khu vực Biển Đông quan trọng và giàu tài nguyên.

Vì sao Trung Quốc phải dùng chiến thuật “cây gậy nhỏ”?

Ai cũng biết, nếu dùng sức mạnh quân sự, Trung Quốc có thể dễ dàng áp đảo Philippine cũng như các nước láng giềng khác của nước này. Bắc Kinh có trong tay những chiếc tàu chiến, tàu ngầm và máy bay tấn công tầm xa tối tân hàng đầu trong khu vực trong khi quân đội Philippine được trang bị vũ khí nghèo nàn, lạc hậu. 

Vậy tại sao Trung Quốc lại không dùng lợi thế quân sự vượt bậc của mình mà lại phải nhờ đến chiến thuật “cây gậy nhỏ”?. 

Trên thực tế, Bắc Kinh đã tính toán rất kỹ và rất khôn ngoan khi không dùng sức mạnh vượt trội của mình trong khu vực. Nếu dùng vũ lực, Trung Quốc không những không đạt được mục tiêu mà còn phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.

Một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến sẽ đẩy các nước trong khu vực đoàn kết lại với nhau. Nếu một Philippine hay một Malaysia hoặc một Indonesia không thể địch nổi được với Trung Quốc thì một tập thể đoàn kết chặt chẽ của những nước này lại có thể làm được những điều to lớn. Chưa hết, nếu Bắc Kinh không cư xử đúng mực thì họ đã vô tình đẩy những nước láng giềng đến gần với Mỹ hơn. Đến lúc này, bên ở thế bất lợi chính là Trung Quốc chứ không phải những nước láng giềng bé nhỏ của họ.

Chính vì nhận thức được thực tế trên, Bắc Kinh đã phải dùng đến chiến thuật khôn khéo là tránh có những hành động quá cứng rắn và quyết liệt. Trung Quốc muốn đối đầu với từng nước nhỏ để dễ bề đạt được mục đích. 

Tuy nhiên, dù có dùng chiến thuật khôn khéo hơn thì ý đồ và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị lộ rõ. Và tất nhiên, các nước trong khu vực cũng như nhiều cường quốc trên thế giới sẽ không để Bắc Kinh đạt được tham vọng này.