Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn cai đội Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cai đội Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng xâm phạm chủ quyền

Việt Nam phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền tại Hoàng SaTrường Sa, sau khi nhiều quan chức Trung Quốc đến hoặc công bố các dự án đối với hai quần đảo.
Hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hưng 
Báo chí Trung Quốc gần đây đăng tải nhiều thông tin về một số hoạt động của các cơ quan Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa để thị sát tàu Hải Tuần. Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao.

Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương "Nam Hải" đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa. Cục trưởng Cục ngư chính khu "Nam Hải" của Trung Quốc thì cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng như xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.

"Những hoạt động như vậy trái với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, cũng như không phù hợp với Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và các cam kết duy trì hòa bình ổn định trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.

Theo ông Nghị, Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế, mọi hoạt động thuộc khu vực của hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình tại Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động này và hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC", ông Nghị nhấn mạnh.

Giữa năm ngoái, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nóng lên với các vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam hay tàu Trung Quốc va chạm với các tàu của Philippines. Tình hình dần lắng dịu, đặc biệt sau các hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 7/2011 tại Bali, Indonesia.

Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đã ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin. Trong chuyến thăm chính thức mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cùng khẳng định mọi bất đồng trên biển sẽ được hai bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Chủ động đối phó áp thấp nhiệt đới

* Hạn chế hoạt động của tàu thuyền trên biển
* Phòng, chống dịch bệnh trên lúa đông xuân

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) di chuyển chậm chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Trưa nay (20-2), vị trí tâm ATNÐ ở vào khoảng 9,6 độ vĩ bắc; 111,1 độ kinh đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 130 km về phía tây bắc.

Nông dân xã Liên Sơn, Tân Yên (Bắc Giang) gieo cấy bằng phương pháp ném mạ khay.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8. Dự báo, 24 đến 48 giờ tới, ATNÐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, cho nên khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh vẫn còn 992 tàu (9.962 lao động) đang hoạt động trên biển. Ðể chủ động phòng tránh ATNÐ và gió mùa đông bắc, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã nghiêm cấm tàu, thuyền đánh cá cũng như tàu vận tải hành khách tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ không được ra biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp các gia đình quản lý máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến tình hình của ATNÐ, duy trì thông tin liên lạc với các tàu, thuyền trên biển để chủ động phòng tránh. Tỉnh Bình Ðịnh có 7.765 tàu, thuyền (42 nghìn 738 lao động) đang hoạt động trên biển, trong đó đã có 4.819 tàu, thuyền (21 nghìn 875 lao động) hoạt động gần bờ; ở ngư trường phía bắc từ Quảng Ngãi trở ra có 842 tàu (6.782 lao động); tại ngư trường phía nam có từ Phú Yên trở vào có 2.104 tàu (14 nghìn 126 lao động) và tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa có 306 tàu (2.947 lao động). Toàn bộ số tàu, thuyền nói trên đang vào nơi trú ẩn, hoặc đang trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn. Ðến trưa 19-2, có tới tàu 61 tàu, thuyền (407 lao động) của ngư dân Phú Yên đã vào bờ tránh ATNÐ an toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 367 phương tiện (3.397 lao động) chuyên khai thác vùng biển xa đang trên đường vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.

Mưa trái mùa kéo dài gần một giờ đồng hồ, làm thiệt hại hàng trăm ha muối sắp thu hoạch của diêm dân Bạc Liêu. Toàn bộ diện tích bị thiệt hại phải cải tạo sân bãi làm lại từ đầu. Nếu thời tiết nắng tốt, thì ít nhất phải 10 ngày nữa mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, khả năng năm nay mưa đến sớm hơn mọi năm, do vậy vụ muối năm nay nhiều khả năng không sản xuất được.

Ðợt ra quân diệt chuột trên đồng ruộng, toàn tỉnh Hà Nam đã diệt gần 40 nghìn con chuột và đang tổ chức các đợt tiếp theo. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc có độc mãn tính Rat - K2% D, và Ranpart 2% D đặt mồi bả để bảo đảm an toàn cho các loại gia súc, gia cầm và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Bình Thuận có hơn 5.500 ha lúa đang bị sâu bệnh gây hại và có chiều hướng lây lan nhanh. Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân chủ động thăm đồng, thường xuyên bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời những nơi có mật độ rầy cao để sử dụng và phun thuốc trừ rầy có hiệu quả. Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông để có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Chi cục BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, trên các trà lúa đông xuân của tỉnh có gần 13 nghìn ha đang bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất. Chi cục yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nông dân những biện pháp diệt trừ sâu bệnh, phòng, chống lây lan trên diện rộng... sử dụng thuốc BVTV đúng cách vừa hạn chế sâu bệnh, vừa giảm giá thành sản xuất. Tỉnh Ðồng Tháp cũng có hơn 5.000 ha lúa đông xuân bị nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn. Dự báo, lứa rầy cám mới bắt đầu nở và sẽ tiếp tục nở rộ vào cuối tháng 2, lúa giai đoạn đòng trổ sẽ nhiễm với mật độ cao, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa. Ngoài ra, do thời tiết thích hợp, cho nên các bệnh đạo ôn lá, cổ lá, cổ bông tiếp tục phát triển và gây hại trên diện rộng, ngành BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân kiểm tra kỹ ruộng lúa, xử lý bằng các loại thuốc đặc trị.

Theo nhandan.com.vn

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Khoảng lặng Hà Nội

Khoảng lặng không gian và thời gian ở đô thành Hà Nội bây giờ quá hiếm hoi, nó không đại diện cho một ngày của Hà Nội. Nhưng với tôi, cảm xúc bắt gặp một Hà Nội an nhiên, thái hoà, một thủ đô sâu lắng thanh lịch lại ở những khoảng lặng mến thương ấy.
Trong đó, không khí trang nghiêm, thành tâm của người dân thủ đô lẫn du khách khi đứng lại, chào cờ tại Quảng trường Ba Đình - trước lăng Hồ Chủ tịch đã làm tôi thực sự xúc động, nghĩ nhiều về cái khoảng lặng nhuốm màu linh thiêng ấy. Hai chữ tổ quốc như đậm nét, rõ nghĩa hơn trên lá cờ đỏ sao vàng...

Những khoảng lặng Hà Nội. Ảnh: T.H

Bình yên, tất bật và nỗi sợ xe buýt…

Ở thành phố biển Đà Nẵng, thời gian sinh học hoàn toàn khác với Hà Nội. Biết vậy, nên buổi sáng đầu ở thủ đô, tôi nhẫn nại nán lại trong phòng khách sạn chật hẹp hơn một giờ đồng hồ trước khi ra đường. Thế nhưng, đã hơn 6 giờ sáng, lễ tân vẫn còn say ngủ. Hé cánh cửa, ra phố, tôi thật sự ngỡ ngàng, Hà Nội còn chìm trong màn sương trắng. Ngoài đường còn nghe rõ tiếng gió lùa lá khô chạy suốt một đoạn dài. Vắng lặng. Một Hà Nội ồn ào, ken kín dòng người đội mũ bảo hiểm tròn đầu như đàn kiến, chen chúc giành nhau từng mét đường, một Hà Nội inh tai tiếng ồn còi xe, bụi khói ngột ngạt... bỗng dưng biến mất đi đâu vào sáng nay?
Tôi rảo bộ qua đến hai con ngõ mới có một hàng phở đang bán những bát đầu tiên. Khách ngồi ăn cũng chỉ toàn là nhân viên bảo vệ, những chị lao công, một vài người lao động phổ thông. Câu chuyện vội của họ qua từng miếng ăn sáng chủ yếu là những than vãn cá nhân về sắp xếp việc gia đình.
Tuy nhiên cũng không thoát ra vấn đề thời sự nóng bỏng mà cả Hà Nội và người dân cả nước quan tâm dịp này, đó là đổi giờ học, giờ làm, là chuyện kẹt xe tắc đường. Dường như những xáo trộn sinh hoạt đời sống từ chủ trương này đã xộc vào từng nhà, từng trường học. Để có được ly càphê theo thói quen buổi sáng ở quê nhà, tôi phải uống đến 3 chén nước chè xanh đầu ngõ, chờ quán mở cửa. Trời trở bấc, rét như roi quất theo mưa phùn. Buổi sáng ngoài đường phố Hà Nội bình yên, nhưng tất bật. Những gánh hàng rong, phụ nữ bên xe đạp hoa, những xe máy cũ kỹ, lấm láp chất đầy rau quả, thịt thà..., tất cả đều vụt qua trong lầm lũi. Tôi đọc được cái nhọc nhằn cơm áo, những lo toan thường nhật của cả triệu dân nhập cư vào Hà Nội, đang bươn chải trong khoảng lặng tinh sáng hôm nay.
Hơn 8 giờ sáng, thời điểm mà nông dân quê tôi đã ăn giữa buổi trên đồng, người dân cả nước đã hơn 1 giờ làm việc, nhưng với phần lớn người Hà Nội mới là giờ ra đường, đến công sở. Thói quen sinh hoạt này đã có từ lâu, chuyện cũ rích, nhưng với những người ít có dịp ra thủ đô như tôi vẫn thấy lạ lùng, khó hiểu. Vì sao họ không tranh thủ thong dong đường rộng buổi tinh sớm, để rồi phải hấp tấp chen nhau với “hung thần”. Chỉ một đoạn đường ngắn đưa tôi từ đường Thái Hà, sang Tây Sơn, về Xã Đàn, Lê Duẩn để đến phố cổ bên bờ hồ Gươm, bạn tôi đã mất gần 1 giờ vì hôm ấy tắc đường.
Phố xá giờ đó chỉ là biển người hỗn tạp với các loại phương tiện giao thông. Ai nấy đều căng thẳng trên nét mặt, cũng cố chen lấn, luồn lách để có cơ hội tiến nhanh hơn về phía trước. Chiếc xe buýt cồng kềnh, lướt đèn vàng, bẻ quẹo sang ngã tư nhưng chẳng thèm để ý đến các phương tiện khác dưới đường. Ai đó thất thanh cảnh báo: “Ối, cẩn thận. Đừng có dây vào với “quan tài đỏ”!”. Bạn tôi giải thích, họ đã “nâng cấp” xe buýt (với hai màu đỏ vàng) từ “hung thần” lên thành “quan tài đỏ”. Nỗi kinh hoàng phố nay ở Hà Nội. Thế nhưng, hằng ngày, sinh viên, người lao động nghèo ở vùng ven phải chen trong những “quan tài đỏ” ấy, người không say xe cũng phải nôn oẹ bởi kiểu chạy giật cục, lạng lách giành đường, rồi đột ngột dừng đỗ, rước khách. Đó là chưa kể nỗi khổ đứng một chân, chen nhau trong mùa nắng nóng ngột ngạt, ngại bị sàm sỡ, mất cắp, nỗi lo tai nạn... khi lên xe buýt Hà Nội. Nhóm đối tượng khác, những người ở giới trung đến thượng lưu cũng đâu được thoải mái hơn, dẫu ngồi trong ôtô cá nhân.
Dừng ăn một bát phở, chưa kể phải đi bộ một đoạn đường dài mà còn phải tốn thêm 40.000 đồng tiền gửi xe ngay lòng đường. Nếu quá thời gian 1 tô phở hay tranh thủ uống càphê thì sẽ bị “chém” thêm 20.000 đồng. Chao ôi, “chất lượng cuộc sống” ở đâu khi bạn tôi vừa mới cố mua được cái ôtô, giờ phải toan lo bán tháo đi vì sợ phải đóng tiền phí lưu thông và hàng trăm khoản chi phí khác. Đi trong giờ cao điểm, mới thấy những bức xúc thường trực của người dân Hà Nội hôm nay. Bởi vậy, nếu có thêm bất cứ một sự xáo trộn nào, dù chỉ là thay đổi thời gian sinh hoạt như đổi giờ làm việc, giờ học mà chưa có sự nghiên cứu, thử nghiệm và tuyên truyền thấu đáo sẽ nhận ngay sự phản ứng gay gắt như những ngày này.

Tổ quốc trên mỗi lá cờ

Tôi tìm mãi không ra một nửa kia của thủ đô trầm lắng, khuất lấp bên những cổ kính như trong ca từ mỹ miều viết về Hà Nội. Những tháp Rùa, Tây Hồ, những Văn Miếu, Hoàng Thành cổ... đã bị bao vây giữa những ồn ào đến nghẹt thở. Nhưng thất vọng bao nhiêu thì tôi càng bất ngờ, xúc động bấy nhiêu khi chứng kiến phút chào cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình, trước lăng Bác. Đêm rằm Nguyên tiêu, trăng không vằng vặc mà như thêu trên màn sương phủ mờ giữa một khoảng không rộng ở Ba Đình. Trước lăng Bác, tất cả người dân lẫn du khách đều phải đi bộ. Những con đường quanh khu vực này cũng thưa thớt người hơn khu phố cổ nên càng thêm tĩnh lặng. Đúng 9 giờ đêm, mọi hoạt động trong khu vực lăng Bác Hồ được yêu cầu dừng hẳn. Mọi người có mặt đứng dậy, nghiêm trang hướng về cột cờ để tham gia nghi thức hạ cờ tổ quốc.


Trong tiếng quân nhạc hùng hồn, vọng vang từ phía sau khu vực lăng, đoàn vệ binh trang phục trắng tinh, nghiêm trang bồng súng, bê khay đựng cờ bước đều như lướt ra từ bên phải của lăng. Bước hành binh nhịp nhàng, dứt khoát, nhưng sao vẫn thấy cái thân thiện, hiền hoà. Trong phút giây thiêng liêng ấy, mọi người đều đứng nghiêm, hướng về cờ tổ quốc. Nhiều phương tiện ngoài đường Hùng Vương - dù không bị bắt buộc, cũng đã dừng lại, bỏ mũ, hướng về cờ. Lễ thượng, chào cờ vào 6 giờ sáng, hạ cờ đúng lúc 21 giờ hằng ngày đã ấn định tổ chức từ hơn 10 năm nay tại quảng trường này, nhưng tôi mới được tham dự lần đầu tiên. Chợt thấy mình như nhỏ lại thuở thiếu thời, được đứng dưới cờ mỗi sáng thứ hai, nghiêm túc, tự nguyện chứ không phải “đối phó” như học trò bây giờ.
Bao nhiêu cảm xúc lạ chợt ùa về sau những phút lặng thinh chào cờ ấy. Đến bây giờ, tôi mới hiểu được những giọt nước mắt của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam khi thấy cờ tổ quốc. Nhiều lần đón ngư dân miền Trung trở về sau khi bị bắt ở vùng biển Hoàng Sa, các anh đều kể với tôi rằng họ đã khóc khi thấy lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên con tàu ra đón họ. Ngoài thuyền trưởng, có định vị, biết toạ độ, còn với hầu hết ngư dân giữa biển nước mênh mông họ chỉ biết biên giới, tổ quốc khi thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên mỗi con tàu. Thấy cờ là biết đang ở vùng biển nước nhà. Tôi còn nhớ, ngày xưa khi đi ngang qua trường học trong giờ chào cờ, mọi người dân đều dừng lại, bỏ mũ nón, tham gia chào cờ từ xa, nó giống như việc phải dừng lại, cúi đầu khi đám tang ngang qua ở các làng quê. Đứng lại, chào cờ. Một khoảng lặng, thời gian ngắn thôi, nhưng thật là ý nghĩa cho mỗi con người để nghĩ về quê hương, tổ quốc.
Lễ thượng và hạ cờ mỗi ngày ở Ba Đình không chỉ là khoảng lặng cần thiết của thủ đô, của mỗi thành phố, mà là sự tĩnh lặng cần có ở mỗi con người. Nhất là phút lặng yên, chiêm nghiệm ấy lại hướng về tổ quốc. Không phải ai cũng có dịp, cũng được thường xuyên ra Ba Đình chào cờ mỗi sáng, tối. Nhưng họ có thể chào cờ tại cơ quan, công sở, trường học, nơi công cộng mỗi sáng thứ hai hằng tuần - một nghi thức trang trọng, đầy ý nghĩa cần được khôi phục như đã từng bắt buộc, rồi trở thành quán tính, thành ý thức trước đây. Khi mỗi người đều thường xuyên nghĩ về tổ quốc, nghĩ về cái chung, công chức sẽ biết nghĩ cho dân, công dân chia sẻ gánh lo chung của Nhà nước, chắc chắn những vấn nạn tắc đường, quá tải ở bệnh viện hay giải toả đền bù để lấy đất phát triển ở các đô thị lớn sẽ được giải quyết êm thuận hơn. Hà Nội cần có thêm những khoảng lặng mến thương để cân bằng với những ồn ào, náo nhiệt hằng ngày.
Theo Lao Động

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Vì sao lại có cai đội Hoàng Sa người Huế?

Miền biển Quảng Ngãi là cái nôi của những Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dong thuyền vượt biển Đông thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên những cai đội Hoàng Sa lại không chỉ được tuyển mộ từ vùng đất truyền thống ngư phủ này. Nhiều tài liệu mới được phát hiện, công bố cho thấy cai đội Hoàng Sa còn có ở vùng đất kinh thành – cố Đô Huế và Quảng Nam

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói về vị Cai đội Hoàng Sa ở Huế

Từ cai đội Hoàng Sa xứ Huế

Rất khó để xác định thời gian ra đời chính xác của đội Hoàng Sa, nhưng căn cứ vào các nguồn sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc có thể chắc chắn đội Hoàng Sa phải được thành lập ít nhất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Toàn tập Thiên nam Tứ chí lộ Đồ thư của Đỗ Bá viết năm Chính Hòa thất niên (tức năm 1687) đã ghi chép hoạt động đội Hoàng Sa.

Đến Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Triết Giang – Trung Quốc, được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng từ 1695 - 1697), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), hay các nguồn tư liệu khác: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều miêu tả về hoạt động của đội Hoàng Sa. Phần lớn các sử liệu này cho thấy quê hương của đội Hoàng Sa là cư dân vùng An Vĩnh (gồm Bình Sơn, Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) ngày nay.

Mới đây, qua các tài liệu công bố tại làng An Nong (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (TP.Huế) và các cộng sự phát đã từng có một vị cai đội gốc kinh thành. Đây là một phát hiện quan trọng mang nhiều ý nghĩa, giá trị dưới cả góc độ lịch sử và tư liệu chủ quyền. Những văn bản này được gia tộc họ Nguyễn Hữu lưu giữ cẩn thận với tập phổ hệ, tờ sai, tờ sắc về vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên.

Trong tập phổ hệ có đoạn: Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn Đại Đô Úy, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong Khâm sai Cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng tọa canh hướng giáp… Tiên Tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí (Đời thứ 9 Tiên Tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức Đại Đô Úy, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức Khâm sai Cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, tọa canh hướng giáp,… Danh tước ngài Tiên Tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi), cho thấy, Nguyễn Hữu Niên đời thứ chín họ Nguyễn Hữu làng An Nong, vốn trước là quan chức của triều Tây Sơn, sau đầu triều Nguyễn nhận chức cai đội đội Hoàng Sa.

Các tư liệu gốc cũng liên quan đến vị cai đội Nguyễn Hữu Nên này, như: tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần sách và một tờ sắc của vua gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên, ghi: Thập đội Ban trực tả vệ hậu doanh bố trí làm khâm sai cai đội tước Niên Trường hầu... vào ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen. Và tờ sắc của vua gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nong, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, Bát đội Tráng Võ vệ hậu doanh quân thần sách, thuyên chuyển làm hầu lái cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh, ghi ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất và đóng ấn son “Chế cáo chi bảo”.

Tại bài thờ đặt hậu điện chùa Tiên Linh cũng ghi: Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội Cai đội Hiến Đức hầu quý công chi vị (dịch nghĩa: Bài vị của ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến đức hầu). Hay bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh, cũng ghi: Hội thủ Cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên… (dịch nghĩa: Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức Cai đội tước Niên Trường hầu…). Các tư liệu này khẳng định: vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên của tộc họ Nguyễn Hữu từng giữ chức Cai đội Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền lãnh hải tổ quốc.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nhấn mạnh, giá trị của văn bản ở chỗ nó không chỉ khẳng định có vị cai đội Hoàng Sa ở Huế, mà còn chứng tỏ chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ xuất phát từ chính quyền trung ương từ kinh thành Huế mà ngay cả người dân đất kinh thành trực tiếp tham gia vào công tác này; chứng tỏ ý thức, trách nhiệm chủ quyền qua các thời kỳ, vùng đất, địa phương khác nhau vẫn được chú trọng phát huy.

Ông nhận định, việc cai đội Hoàng Sa đất cố đô phải xét dưới khía cạnh bối cảnh lịch sử. Thời điểm này cai đội Nguyễn Hữu Niên từng là một vị quan chức từ triều Tây Sơn, sau sang phục vụ triều nhà Nguyễn. Thời Tây Sơn, dưới thời Thái tổ Võ hoàng đế Nguyễn Văn Huệ vẫn tiếp tục Đội Hoàng Sa, nhưng do phân tranh từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc nên nhiều khả năng cai đội Hoàng Sa phải lấy những người ở Huế như Nguyễn Hữu Niên.

Đến soái đội Hoàng Sa vùng Quảng Nam

Các văn bản mới phát hiện tại Quảng Nam cho thấy quê hương của những soái đội Hoàng Sa còn ở nhiều địa phương khác. Tại nhà thờ tộc Lê (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) mới đây các nhà nghiên cứu phát hiện những văn bản quan trọng khẳng định gia tộc này từng có một vị Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quảng Hoàng Sa.

Căn cứ vào các tư liệu được lưu giữ, vị “soái đội Hoàng Sa” này là ông Lê Văn Ước, người thuộc tộc Lê. Nội dung bản dịch từ bản sắc phong cổ khẳng định: Vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa (cai quản cả 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp soái đội, tùy cai quản”. Căn cứ văn bản này, , ông Lê Văn Ước được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.

Tờ sắc phong soái đội Hoàng Sa (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ văn bản cổ khác về việc chiếu dụ của quan Tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, tức năm 1859) quy định tuyển mộ thủy binh và một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông, căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân, lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.

Tờ chiếu dụ chỉ rõ: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập. Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ. Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.

Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa.