Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn DOC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn DOC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Tạo dựng sức mạnh từ tình đoàn kết ASEAN


Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, ngày 7-8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu về cột mốc có ý nghĩa đặc biệt này, đánh dấu một chặng đường xây dựng và trưởng thành của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Bốn thập kỷ rưỡi không ngừng mở rộng hợp tác và đẩy mạnh liên kết, ASEAN đã tạo dựng được vị thế quan trọng ở khu vực và trên thế giới với những đóng góp tích cực được ghi nhận cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ngày nay, trước ngưỡng cửa hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất thông qua các nỗ lực tăng cường hợp tác và liên kết nội khối trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, song song với thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời mở rộng và nâng tầm quan hệ nhiều mặt, cùng có lợi với các đối tác bên ngoài, trong đó có các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới. ASEAN đã trở thành hạt nhân dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)..., là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng yếu tố quyết định hàng đầu giúp tạo nên hình ảnh và vị thế mà ASEAN có được chính là khả năng duy trì “thống nhất trong đa dạng”, tạo dựng sức mạnh chung từ tính thống nhất, tinh thần đoàn kết và “Phương cách ASEAN”. Theo đó, ASEAN luôn đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Sức mạnh của tình đoàn kết ASEAN đã được chứng minh khi hiệp hội vững vàng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, phối hợp và chia sẻ trong khắc phục hậu quả những trận thiên tai, dịch bệnh lớn tác động đến khu vực...

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, trước hết là đưa cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực vào năm 2015, ASEAN cần vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn sự thống nhất trong quyết tâm chung và hành động mạnh mẽ nhằm hoàn thành đúng hạn và hiệu quả các kế hoạch hợp tác trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Giữ vững các nguyên tắc cơ bản, đoàn kết, thống nhất song song với chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra trên chặng đường phát triển mới, nhất là các thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Các tiến trình đối thoại về xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và ngăn ngừa xung đột cần được tiếp tục thúc đẩy; các cam kết đã được quy định trong các văn kiện như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)... cần được thực hiện nghiêm túc; các khác biệt, tranh chấp cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần đoàn kết ASEAN.

Thủ tướng khẳng định ASEAN đã và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của VN.

Theo TTXVN

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc ‘chặn đuổi’ tàu Việt Nam


"Khi phát hiện các tàu Hải giám Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa", TTXVN lên tiếng, ngày 4/7.

Tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trước thông tin từ một vài phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc nói rằng, 4 tàu Hải giám của Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và chặn đuổi tàu công vụ của Việt Nam, ngày 4/7, Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu Hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa."

Theo TTXVN, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", TTXVN khẳng định.

Theo Tân Hoa Xã, hôm 26/6, đội tàu Hải giám của Trung Quốc đã khởi hành từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam đi vào Biển Đông. Vài ngày sau đó, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã diễn tập gần một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Hoạt động diễn tập của nhóm tàu này diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc chào thầu dầu khí phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Cuộc diễn tập của 4 tàu tuần tra Trung Quốc còn diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Philippines cũng khởi động cuộc tập trận chung tại Mindanao, miền nam của quốc đảo Đông Nam Á.

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Yêu cầu Trung Quốc hủy mời thầu dầu khí ở Biển Đông


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/6 cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 23/06/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay. Trước việc làm của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

"Trước hết, cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.

Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC)".

Tuần trước, sau có khi tin Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc.

Lãnh đạo của tỉnh Khánh Hoà và thành phố Đà Nẵng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của nước Việt Nam.

Quyết định lập cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý", chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định.

Trong tuần qua, sau khi phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Việt Nam thông qua Luật Biển, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định thông qua luật này là hoạt động lập pháp bình thường.

"Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam", phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, và chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Sau một số sự việc hồi năm ngoái, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đạt được tháng 10/2011.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam là một bên tham gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (DOC) đạt được năm 2002. Hiện nay hai bên đang hướng đến việc xây dựng và ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thường được đề cập đến là COC. Hai ngày cuối tuần vừa qua, các quan chức cấp cao của Hiệp hội và Trung Quốc vừa họp tại Hà Nội để bàn về các vấn đề xung quanh DOC và COC.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Luật Biển Việt Nam: Cái tát vào tham vọng bá quyền của Bắc Kinh


“Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.
Đó là nội dung được khẳng định ngay trong Điều 1 của dự thảo Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua sáng 21-6 với tỉ lệ 99,2%. Có thể nói, đây là dự luật nhận được sự đồng thuận đặc biệt cao của các vị đại biểu (ĐB) nhân dân.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho hay: “Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định rõ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Điều 1 của dự thảo luật”.
Về đề nghị quy định đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và là lãnh thổ Việt Nam tại Điều 19, theo Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), khái niệm lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất liền các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời. Điều này đã được tuyên bố trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Biên giới quốc gia. “Việc tiếp tục quy định “đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” trong luật này là nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó, không thể chia cắt của bộ phận lãnh thổ này, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của nước ta đối với các đảo, quần đảo” - ông Lý nhấn mạnh.

Không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng

Liên quan đến nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển cũng có khá nhiều ý kiến quan tâm góp ý. Cụ thể có ĐB đề nghị thay cụm từ “biện pháp hòa bình” bằng “đối thoại hòa bình”.
Về đề nghị này, ông Phan Trung Lý giải thích: “Biện pháp hòa bình đề cập trong các văn bản này bao gồm nhiều loại với các mức độ khác nhau từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án quốc tế cho đến việc sử dụng những tổ chức hoặc những định chế khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của các bên. Do đó, đối thoại hòa bình chỉ là một hình thức của đàm phán, thương lượng mà chưa bao quát hết các biện pháp hòa bình mà ta có thể áp dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về biển, đảo với quốc gia khác”.
Thấy trong dự thảo không đề cập đến quyền phòng vệ chính đáng của quốc gia, có ĐB đã lên tiếng đề nghị bổ sung quyền này trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo. Tuy nhiên theo ông Lý, việc ghi nhận nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển bằng biện pháp hòa bình hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta.
“Khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khoản 1 Điều 5 cũng quy định chính sách của ta trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo. Các quy định này đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết” - ông Lý nói.

Có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài

Theo Điều 41 của dự luật về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.
Ngoài ra, quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.
Luật Biển Việt Nam bao gồm bảy chương, 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Thành lập thành phố Tam Sa - thực hiện mưu đồ khống chế Biển Đông

Trung Quốc có hành động bành trướng mới khống chế Biển Đông, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Tân Hoa Xã ngày 21/6 dẫn lời người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết Quốc vụ Viện nước này vừa phê chuẩn kế hoạch hủy bỏ Văn phòng Tây Sa-Trung Sa-Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa (đơn vị hành chính trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh).
Theo giới thiệu, thành phố Tam Sa kể trên sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Trường Sa với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu Tam Sa, phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu Tam Sa, phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh

Theo người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc việc thành lập thành phố Tam Sa lần này chính là sự điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý hành chính của Trung Quốc đối với các quần đảo nêu trên và các vùng biển phụ cận.
Theo người phát ngôn báo chí Bộ Dân chính Trung Quốc, thành phố Tam Sa được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tăng cường quản lý hành chính, khai thác, xây dựng và bảo vệ môi trường đối với các quần đảo Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa cùng các vùng biển phụ cận.
Hành động này nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Đây là một bước nhằm hợp thức hóa sự việc khống chế Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyệt đối không thể chấp nhận được./.
Theo PHÁP LUẬT TPHCM / BỘ NGOẠI GIAO / TỔ QUỐC

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Giải pháp COC cho biển Đông


Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra vào hai ngày 10 và 11-1 tại Campuchia đã chính thức khởi động việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
COC được trông đợi sẽ thay thế Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) cũng như bản hướng dẫn thực thi DOC.

Tàu chiến USS Freedom của hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters
Tàu chiến USS Freedom của hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Một trong những lý do quan trọng mà các nước phải nghĩ đến một văn kiện tiến xa hơn DOC là vì DOC không phải là một điều ước quốc tế và không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nó chỉ là thể hiện sự cam kết chính trị, ràng buộc các quốc gia về mặt đạo đức. Đồng thời nó cũng không có một cơ chế đảm bảo thực thi một cách chặt chẽ. Trong khi đó, COC lại là một công cụ pháp lý vững chắc đảm bảo ổn định, hòa bình trên biển Đông.

COC tiến bộ hơn DOC vì COC có giá trị pháp lý bắt buộc, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc là một điều ước cơ bản, phổ quát trong luật quốc tế, có giá trị cao hơn các điều ước quốc tế khác. Hiến chương này nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và yêu cầu giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình (điều 2.3, 2.4 và chương VI của hiến chương). Thế nhưng, bằng việc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng những quy định này. Hành động bạo lực này của Trung Quốc lại không bị trừng phạt bởi một chế tài pháp lý nào.

Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế (UNCLOS) là một công ước vô cùng quan trọng, hoàn toàn mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, hiện đã được 162 quốc gia phê chuẩn. Vậy mà những yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông hoàn toàn trái với những quy tắc cơ bản của công ước này. Vi phạm trắng trợn nhất của Trung Quốc đối với UNCLOS là nước này đã vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa và ra yêu sách về đường chín đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% diện tích trên biển Đông.

Thậm chí yêu sách trái cơ sở pháp lý một cách trắng trợn này lại còn được Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, khi họ gửi thư lên tổ chức này vào ngày 7-5-2009 để phản đối đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia. Sự vô lý này của Trung Quốc lại không thể được đưa ra xét xử.

Những quy định cơ bản của luật quốc tế có giá trị bắt buộc cao như vậy mà Trung Quốc vẫn bỏ qua, thì không có gì để tin rằng Trung Quốc là một chủ thể đáng tin cậy trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, và càng không đáng tin cậy khi nước này hành xử trên biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã liên tục vi phạm luật pháp quốc tế và cũng là nơi Trung Quốc tuyên bố là “lợi ích cốt lõi” của họ. Do đó, dù là COC được ký trong tương lai có giá trị bắt buộc về mặt pháp lý, thì cũng chưa chắc gì COC đó sẽ được Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc.

Do vậy, để bảo đảm giá trị thi hành và được tuân thủ nghiêm chỉnh trong tương lai, COC cần có thêm hai điều kiện.

+ Cần có cơ chế để các bên có thể khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay thực thi COC. Trong quá trình đàm phán và ký kết COC, các quốc gia trong tranh chấp cần đưa vào văn kiện này một compromissory clause. Điều khoản này sẽ giúp bất kỳ quốc gia ký kết nào của COC cũng có quyền khởi kiện bên ký kết khác một khi bên ký kết khác đó không tuân thủ các quy định của COC.

+ Cần đưa COC ra đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc đàm phán COC trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc như hiện nay hẳn sẽ khó khả thi, bởi lẽ các nước ASEAN sẽ không đủ mạnh để gây áp lực với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều khoản ràng buộc. Do vậy, để có thể đạt được một COC như thế, cần đàm phán văn kiện đó trong một khuôn khổ có sự tham gia hay xúc tác của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. Thượng đỉnh Đông Á là một khuôn khổ lý tưởng để thực hiện điều này. Những nước này và các nước khác trong khu vực rất quan ngại đến tình hình tranh chấp trên biển Đông, và có khi chính họ cũng là đối tượng bị chính Trung Quốc quấy nhiễu trên biển Đông.

Thượng đỉnh Đông Á hiện có 18 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và có thêm Mỹ, Nga kể từ tháng 11- 2011.

Thượng đỉnh Đông Á ra đời sau thất bại của Nhật trong vai trò đối trọng với Trung Quốc ở ASEAN+3 (ASEAN, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc) nhằm xây dựng một khu vực mậu dịch tự do Đông Á không nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc.

Đối với tranh chấp trên biển Đông, trong số những thành viên của thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc là một bên tranh chấp mạnh bạo nhất trên biển Đông. Còn một bên là các nước khác có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên biển Đông. Riêng Mỹ là nước từng tuyên bố an ninh trên biển Đông là lợi ích quốc gia của mình.

Chỉ thông qua thượng đỉnh Đông Á, các bên liên quan mới có thể buộc Trung Quốc chấp nhận đưa vào COC những điều khoản, trong đó vừa đảm bảo giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của COC, vừa có cơ chế để có thể khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế một khi có tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực thi COC trên biển Đông.

Hai đề xuất của Philippines

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết COC không có khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, COC sẽ trở thành hướng dẫn để các nước khu vực ứng xử cho đến khi các tranh chấp chủ quyền được giải quyết.
Theo ông Thayer, ASEAN đang bị chia rẽ về hai đề xuất của Philippines đối với COC. Thứ nhất là tách các khu vực có tranh chấp ra khỏi khu vực không bị tranh chấp và xúc tiến phát triển, khai thác chung tại các khu vực đang có tranh chấp. Thứ hai là đưa cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS vào COC. Những nước phản đối hai đề xuất này cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận chúng.
Giáo sư Thayer cho rằng nếu COC không có hai đề xuất này thì sẽ chỉ là một tuyên bố chính trị tự nguyện yếu ớt giống như DOC mà thôi.