Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Nhung. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Nhung. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Gieo chữ nơi đầu sóng Trường Sa

Ở nơi đầu sóng, trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ai đã từng tới đều biết cô giáo Nguyễn Thị Nhung - người mẹ hiền ở lớp học của các trẻ em đang sống cùng gia đình nơi biển khơi, hải đảo...


Cô giáo Nhung tìm thấy niềm vui và hạnh phúc chăm sóc dạy dỗ các em nhỏ trên quần đảo Trường Sa

Hành trình "chở chữ" ra đảo

Trước khi ra Trường Sa dạy học, cô Nhung là giáo viên trường tiểu học Suối Cát, Xã Cam Hải Tây, Huyện Cam Lâm, Tỉnh Khánh Hòa. Chồng cô là anh Đặng Thanh Chương bộ đội phục viên về làm tại công ty cát đá gần nhà.
Năm 2007, Nhà nước có chủ trương đưa dân ra đảo Trường Sa sinh sống. Các hộ dân ra đảo rất mong muốn có giáo viên ra theo để dạy học cho con em của mình. Khi Nhung tâm sự với chồng chuyện muốn tình nguyện ra dạy học ngoài đảo, anh Chương bị choáng: "Tôi không tin nổi vào tai mình nữa, tưởng vợ nói đùa. Gia đình chúng tôi ở Khánh Hòa đã có cuộc sống ổn định, bây giờ ra đảo không biết thế nào, rồi còn con cái nữa, nên lúc đó tôi phản đối kịch liệt" anh Chương nói.
Trước sự phản đối của chồng, một mặt Nhung khéo léo thuyết phục, mặt khác cô cất công từ Khánh Hòa ra quê chồng ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để thuyết phục và động viên bố mẹ chồng, giúp mọi người hiểu, chia sẻ và đồng thuận với quyết định của mình.
Sự kiên trì, bền bỉ và nhiệt huyết với nghề, với các trẻ em nơi đảo xa đã giúp Nhung thuyết phục được chồng mình cùng ra đảo. Khi đã hiểu ra, anh Chương nhiệt tình ủng hộ quyết định của Nhung, anh trở thành chỗ dựa của cô trong hành trình "chở chữ" ra Trường Sa.
Nhận được sự ủng hộ của chồng không có nghĩa là khó khăn đã hết. Ở đảo thiếu thốn trăm bề, lại xa đất liền nên một tay cô phải quán xuyến tất cả. Từ việc chuẩn bị phấn, bút, mực, giấy vở đến làm sổ học bạ... cho các em, Nhung đều tính toán kỹ lưỡng. Cô tranh thủ thời gian để đọc thêm sách, học thêm kỹ năng sư phạm và tìm hiểu phương pháp quản lí lớp học với nhiều chương trình dạy khác nhau.
Ở đảo, Nhung tìm thấy hạnh phúc của mình khi ngày ngày nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ, thế hệ tương lai trên quần đảo.

Gieo những mầm xanh giữa biển khơi


Ra Trường Sa đối với Nhung vừa là sự háo hức với công việc dạy học, vừa là sự khám phá một khoảng trời mới mẻ của mình. Chị dạy lũ trẻ bằng sự hăng say như thể nó là điểm tựa, là sức sống của mình. Vừa lo công việc dạy học, vừa thực hiện chức trách là người vợ, người mẹ vậy mà vai nào cô cũng đều làm tốt cả. Vì thế mà cô có một gia đình êm ấm và sự quý mến của mọi người trên đảo.


Thế hệ tương lai trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hình ảnh cô giáo Nhung ngày ngày cần mẫn lên lớp dạy học trò trở thành một biểu tượng của lòng yêu nghề và tình thương với trẻ nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn. Có một chi tiết xúc động tôi được nghe đồng chí thượng tá Phạm Quang Trung - Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn kể về cô Nhung: "Khi cô Nhung chuẩn bị sinh cháu thứ hai, hai mẹ con được cấp trên quan tâm đưa trực thăng ra đón vào trong đất liền sinh. Quy định của Bộ y tế là sản phụ sau khi sinh con 4 tháng mới phải đi làm. Nhưng mới sinh xong được 3 tháng, vì lo lắng cho các học trò của mình ở Trường Sa mà 2 mẹ con đã lặn lội lên tàu vượt biển ra Trường Sa để kịp khai giảng năm học mới cho các bé cùng với các địa điểm khác trong cả nước". Chỉ một chi tiết nhỏ mà nói lên biết bao điều.
Hàng ngày, cô Nhung quản lí một lớp học gồm 8 em học sinh với 5 chương trình học khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5. Điều đó, đòi hỏi cô phải có một giáo án hợp lí. Nhiều lúc, các em học sinh cùng thắc mắc cô Nhung lại khéo léo giảng cho các em hiểu, vì vậy lớp học lúc nào cũng rộn tiếng cười. Lớp học Trường Sa vừa là lớp nhưng cũng vừa là trường, điều đặc biệt là nó không thuộc sự quản lí của trường nào, không có hiệu trưởng và không có con dấu đỏ. Mọi việc liên quan tới các em học sinh đều được cô giải quyết trực tiếp với Sở giáo dục Khánh Hòa.

Ở đảo, điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn nên các em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 5 đều chuyển vào đất liền để học tiếp. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô sau 4 năm dạy học ở đảo là gì? Cô Nhung tâm sự: "mỗi khi đưa tiễn các con vào đất liền học tập tôi đều khóc, tôi khóc vì vui mừng khi thấy các con đã trưởng thành, nhưng cũng buồn khi phải xa cách tụi nhỏ". Mừng là mừng vậy nhưng cô cũng lo lắng lắm, cô lo: "các con ở trong đất liền, xa gia đình, xa cô, không biết chúng sống như thế nào? Có hòa nhập được với các bạn trong đó không?".

Để đáp lại tình cảm của cô, các bạn vào đất liền đều chăm ngoan, học giỏi. Trung thu vừa qua, 10 bạn nhỏ của huyện đảo Trường Sa được vinh dự ra thủ đô Hà Nội báo công với đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khi ti vi chiếu hình của lũ trẻ, cô phấn khởi lắm. Vậy là những "mầm xanh" cô gieo năm nào đã cho trái ngọt đầu mùa.
Chúng tôi rời Trường Sa Lớn mà những tiếng ê a trong lớp học Trường Sa còn vương vấn mãi. Sự nhọc nhằn ngày nào của cô giáo Nhung đã được đền đáp xứng đáng. Hi vọng những "mầm xanh" cô Nhung gieo sớm phát triển thành những cây lớn để bao bọc, bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa thân yêu này.

Theo Infonet