Trang

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Minh Hà và dấu ấn Trường Sa...

Được đến với Trường Sa là ước mơ của hầu hết những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo nữ. Trong những ngày đầu năm mới, PV Minh Hà của Ban Thời sự đã có được vinh dự này. Để đến khi đã trở lại với công việc thường ngày, Hà vẫn rất nhớ Trường Sa...

PV Minh Hà
Là nữ phóng viên trẻ duy nhất có mặt trong chuyến tác nghiệp tổ chức cầu truyền hình tại Trường Sa của Ban Thời sự dịp tết vừa qua, cảm xúc của Minh Hà thế nào?

Khi được giao nhiệm vụ đi công tác Trường Sa, mình vui lắm và tự hào nữa vì mình là phóng viên nữ thứ hai của Ban Thời sự có vinh dự này. Mặc dù bị "dọa" là sẽ khổ lắm đấy, nhưng lúc ấy mình chỉ nghĩ là dù vất vả thế nào cũng sẽ chịu được. "Trộm vía" mình cũng là người có sức khỏe tốt, có lẽ vì vậy mà lãnh đạo cũng yên tâm phần nào khi giao cho mình chương trình quan trọng này.

Minh Hà có thể cho khán giả hình dung về hậu trường rất công phu, khó khăn khi nối cầu truyền hình Hà Nội với Trường Sa?

Để thực hiện một chương trình truyền hình trực tiếp thì hệ thống máy móc rất phức tạp, riêng cầu truyền hình với Trường Sa trong chương trình Dấu ấn 2011 thì khó khăn hơn vì phải đưa số thiết bị lên đến mấy tấn ra đảo. Đội kỹ thuật chỉ 6 người vì thế mỗi người phải làm thêm nhiệm vụ của nhiều người khác.

Quân chủng Hải quân đã dành riêng tàu Trường Sa 01 để đưa đoàn công tác VTV đến với Trường Sa, nếu không có sự hỗ trợ của các chiến sĩ hải quân thì chuyến đi lần này khó mà thành công được như vậy.

Một kỷ niệm thót tim trong chương trình đó là còn khoảng 10 phút nữa lên sóng trực tiếp thì bất ngờ 1 chiếc máy nổ ngừng hoạt động, làm mấy chiếc đèn chiếu sáng phụt tắt. Rất nhanh trí, các anh kĩ thuật đã tìm cách để khắc phục. Ơn trời, tất cả đã trở lại bình thường khi cách giờ lên sóng có 3 phút.

Khi dẫn Trường Sa, giọng của bạn khi đó rưng rưng và bạn đã phải kìm nén cảm xúc?

Khó có thể diễn tả hết cảm xúc khi đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Khi đứng trước cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ Tổ quốc tung bay và phía dưới là những gương mặt chiến sĩ đen sạm vì nắng, sóng và gió Trường Sa, là những ánh mắt ngây thơ của trẻ nhỏ, mình phải cố kìm nén cảm xúc để không khóc khi dẫn. Mình đã thấy những giọt nước mắt của Trung úy Khuất Duy Hợp khi được trò chuyện với mẹ và vợ tại đầu cầu S9.

Những người thực hiện cầu truyền hình hy vọng có thể phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ của những người cha, người mẹ, người vợ và những đứa trẻ khi thấy gương mặt thân yêu của các chiến sĩ xuất hiện, dù chỉ là một vài giây trên màn hình.

Chắc hẳn chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng với Minh Hà?

Cuối năm là mùa mưa bão, biển động nên sóng rất to, mình đã nằm bẹp 3 ngày 3 đêm, chỉ húp cháo và ăn củ đậu. Cảm giác say sóng thật là kinh khủng, nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Chuyến đi lần này có 3 nữ, ngoài mình còn có chị Hồng Nhung (vợ của một chiến sĩ ra thăm chồng tại Trường Sa) và họa sĩ Thu Thủy (Tác giả "Con đường gốm sứ"). Căn phòng nhỏ của máy trưởng được nhường cho 3 chị em, mỗi khi có đợt sóng mạnh thì chúng mình như cái... vỏ chai, lăn qua lăn lại vậy.

Những lúc say sóng như thế, anh nuôi của tàu Trường Sa 01 chính là vị cứu tinh của 3 chị em, mang cháo đến tận giường, rồi gọt củ đậu, rót từng cốc nước... Anh chỉ cười rất hiền khi chúng mình thều thào cảm ơn. Đó chính là ấn tượng đầu tiên về tình cảm nồng hậu của các chiến sĩ Hải quân.

Những tiếng cười giòn tan của trẻ con nơi thị trấn đảo nhỏ cũng là ấn tượng khó có thể quên. Các em hồn nhiên, trong trẻo và đáng yêu lắm. Khi mình hỏi: "Con có theo cô về Hà Nội không?", Chinh Si - cậu bé lên 6 tuổi đã trả lời: "Con không theo cô đâu, con sẽ ở lại Trường Sa để lớn lên làm chú hải quân...". Nhìn con cười, lộ hàm răng sún trong bộ quân phục hải quân nhí mình rất xúc động. Ước mơ trẻ nhỏ ngây thơ mà sâu sắc vô cùng! Cuộc sống của con người trên đảo thiếu thốn và khó khăn nhưng vẫn ấm áp, yên bình như bao bản làng xa xôi của Tổ quốc.

Không chỉ làm BTV - MC của chương trình Chào buổi sáng, gần đây Minh Hà đã được tin tưởng ở những vị trí dẫn chương trình truyền hình trực tiếp ở các sự kiện lớn. Đây là một tín hiệu vui hay là thử thách?

Với mình, mỗi một chặng đường đều có sự nỗ lực và cố gắng. Mình vẫn luôn là một học trò trong nghề báo, bởi mình là dân tay ngang, không được đào tạo căn bản về nghề. Mình học từ những lần lẽo đẽo theo các anh chị đồng nghiệp đi tác nghiệp, học từ cả những sự thất bại của chính bản thân mình...

Sau mỗi phóng sự phát sóng, mình lại rút ra được thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn. Các chương trình truyền hình trực tiếp thì cho mình thêm bản lĩnh và sự hiểu biết, tuy nhiên áp lực mỗi khi được giao làm một chương trình là rất lớn, bởi mình chỉ là một phần nhỏ trong cả một ê kip, nếu không làm "tròn vai" thì cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác nữa. Chưa thể cảm thấy bằng lòng là suy nghĩ thường trực của mình, để luôn tìm ra những cách tốt hơn trong công việc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét