Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tàu cần cẩu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tàu cần cẩu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Trung Quốc đưa tàu cần cẩu ra Biển Đông


Tàu cần cẩu chuyên lắp đặt đường ống nước sâu đầu tiên của Trung Quốc đã từ Thanh Đảo hướng đến Biển Đông cho các hoạt động thử nghiệm đầu tiên.
Tàu cần cẩu chuyên lắp đặt đường ống nước sâu đầu tiên của TQ. Ảnh THX
Tàu cần cẩu chuyên lắp đặt đường ống nước sâu đầu tiên của TQ. Ảnh THX

Con tàu là một phần khác trong chiến dịch mở rộng hoạt động thăm dò và sản xuất năng lượng ngoài khơi của Trung Quốc, sau khi nước này đưa giàn khoan khổng lồ nước sâu đầu tiên ra Biển Đông tuần trước.

Con tàu đóng mới có trị giá 2,8 tỉ nhân dân tệ, có thể lắp đặt 3.000m đường ống dưới nước và cẩu được trọng tải 4.000 tấn, sẽ chính thức hoạt động ở mỏ khí Liwan 3-1 tại Biển Đông ở độ sâu 1.500m.

Tuy nhiên, lúc đầu, con tàu sẽ hoạt động thử nghiệm trong vòng một tháng ở vùng nước nông - nơi nó sẽ lắp đặt khoảng 1,5km đường ống để thử nghiệm - Hiểu Long, người phụ trách dự án đóng tàu cần cẩu cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) nói.

Liwan 3-1 là mỏ khí tự nhiên nước sâu đầu tiên của Trung Quốc. Dự kiến nó bắt đầu sản xuất thương mại vào năm tới để cung cấp khí cho Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông.

Dương Hoa - Chủ tịch CNOOC cho hay, tàu cần cẩu lắp đặt đường ống dưới nước cùng với giàn khoan nước sâu sẽ giúp cho công ty khai thác dầu khí Trung Quốc đi từ vùng nước nông ra nơi nước sâu nhiều thách thức hơn, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các lợi ích quốc gia Trung Quốc.

Con tàu gọi là Hai Yang Shi You 201 bắt đầu được xây dựng vào tháng 9/2009, là một phần trong hạm đội nước sâu của CNOOC với tổng giá trị 11,5 tỉ nhân dân tệ (1,8 tỉ USD). Tốc độ xây dựng hạm đội đã tăng mạnh vào năm 2006 khi phát hiện ra mỏ Liwan 3-1.

Trước đó, vào sáng ngày 9/5, CNOOC 981 - giàn khoan bán chìm thế hệ sáu - do CNOOC sở hữu và điều hành đã bắt đầu hoạt động tại Liwan 6-1-1 cách Hồng Kông khoảng 320 km về phía đông nam và có độ sâu khoảng 1.500m. Động thái này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới với Trung Quốc trong lĩnh vực thăm dò và khai thác năng lượng nước sâu.

Nhu cầu tiêu dùng dầu khí tại Trung Quốc đã tăng vọt khi nước này trong quá trình hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trung Quốc trông chờ vào việc nhập khẩu hơn 55% lượng dầu thô và 20% khí tự nhiên. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Để giảm bớt áp lực và sự phụ thuộc vào nhập khẩu, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và thiết bị nhằm thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí nước sâu.

Tháng 2 năm trước, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu.

Trung Quốc từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển tại đây.