Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Định. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Định. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Làng xây đảo Trường Sa

Hàng trăm người dân ở làng Bình Gi, xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Ðịnh đã và đang tham gia xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Họ không chỉ góp một phần vào việc kiến thiết hải đảo mà nhiều người đã chọn biển đảo như một quê hương thứ hai.

Cơ duyên đặc biệt

Cách Trường Sa hàng ngàn kilômét, hành trình ra xây dựng ở các hải đảo xa xôi của những nông dân làng Bình Gi là một hành trình không đơn giản. “Mất ba ngày ba đêm trên ôtô từ Nam Định vào Cam Ranh, rồi lại mất thêm ba ngày ba đêm nữa trên chiếc tàu lênh đênh giữa muôn trùng sóng mới ra đến đảo Nam Yết”, ông Lê Văn Biền, một trong những người đầu tiên ở làng Bình Gi đi xây đảo nhớ lại. Quen sống trên đất liền nên hầu hết những anh “dân sự” đi xây đảo đều phải đối mặt với thử thách đầu tiên của biển cả là say sóng. “Tất cả đều say. Anh nào nhẹ thì nhào lên nhào xuống chóng mặt quay cuồng, anh nào nặng thì nôn ra mật vàng mật xanh, nằm bệt một chỗ”, ông Biền khẽ rùng mình.

Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết.

Ngoài trồng lúa, khá nhiều người trong làng Bình Gi có nghề thợ xây. Trai tráng trong làng cứ ăn Tết xong là kéo nhau lên thành phố, ra các vùng khác làm thợ. Hồi năm 1988, cả nước phát động phong trào vì Trường Sa. Những con tàu mang tên Quy Nhơn, Sông Côn, Ba Tơ... đã chở hàng trăm công nhân cưỡi sóng ra sát cánh cùng bộ đội “tôn nền Tổ quốc”. Trong số hàng trăm người đi xây đảo ngày ấy có những người con của làng Bình Gi.

Câu chuyện cả làng đi xây đảo ở Trường Sa đến với những người thợ làng Bình Gi thật tình cờ. Hồi đó, làng Bình Gi còn nghèo. Nhà ông Biền dăm bảy miệng ăn mà mỗi khẩu chưa được nổi một sào ruộng. Một ngày cuối năm 1990, ông Hoàng Kiền (khi ấy là trung tá, chỉ huy trưởng một đơn vị công binh, sau này là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, Tư lệnh Binh chủng công binh) về quê tuyển người ra Trường Sa. ông Biền nhớ lại: “Lúc đó, ông Kiền nói cần tuyển công nhân có tay nghề cao để tiếp tục việc tôn tạo và xây dựng các đảo ở Trường Sa. Nếu đi sẽ được trả lương cao gấp đôi ở đất liền, ăn uống không mất tiền. Cả hai bố con tôi đăng ký ra Trường Sa xây đảo”.

Cả làng Bình Gi có rất nhiều người đăng ký nhưng đợt đầu Trung tá Hoàng Kiền chỉ tuyển 7 người thợ giỏi nhất, ngoài ông Biền còn có ông Diện, ông Tự, ông Túc, ông Hoàn... “Chuyến đầu tiên ấy là vào tháng 2/1991, chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng ngôi nhà hai tầng cho bộ đội hải quân thường trú trên đảo và xây dựng cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa”, ông Biền nhớ lại.

Sau chuyến đi xây đảo đầu tiên của những thợ nông dân làng Bình Gi, cho đến nay, đã có hàng trăm người tham gia xây dựng trên các hải đảo của quần đảo Trường Sa. Người ít thì đi dăm ba tháng, người nhiều đi mấy năm trời, về quê một thời gian rồi đi tiếp. Không chỉ làm thợ xây, Bình Gi còn góp cả thợ sắt, thợ mạ, thợ mộc, công nhân phá đá, vận chuyển đá từ đất liền xuống tàu... Hỏi chuyện ngày xưa, những người nông dân lam lũ vẫn cứ kể rành rọt những địa danh: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lớn, Đá Tây...

Những ngày đi xây dựng trên các hải đảo đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên và những vỏ sò, vỏ ốc, những nhành san hô nho nhỏ của biển đảo quê hương đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng trong ngăn tủ của mỗi gia đình Bình Gi. Ông Lê Văn Biền mở tủ lấy cho chúng tôi xem “quà Trường Sa” của mình. Cả sáu vỏ ốc lớn nhỏ lấy về từ đảo Nam Yết trong lần đi xây đảo vẫn được ông giữ gìn trân trọng trong tủ kính ở giữa nhà từ suốt hai mươi năm qua.

Người thợ đã từng xây đảo Trường Sa lưu giữ đôi bình hoa bằng vỏ đạn được mang về khi đào móng xây nhà trên đảo như một kỷ vật.

Kỷ niệm không quên


Xây dựng trên đất liền vất vả một thì lao động, làm nhà trên hải đảo vất vả gấp năm, gấp mười. Ngày đó, cái ám ảnh nhất là thiếu nước ngọt và phải chiến đấu thường xuyên với nắng gió. Cả đảo chỉ có vài cây xanh, anh em căng bạt ra, cứ thấy nao nao chuẩn bị say nắng thì chạy vào nghỉ một chút, rồi lại ra làm. Ông Lê Văn Biền hồi tưởng: “Sống giữa biển khơi nhưng lại toàn là nước mặn, nước ngọt vô cùng khan hiếm. Vữa để xây ở đảo phải trộn bằng nước ngọt, nhiều lúc phải dành nước ăn, tiết kiệm từng ca nước để trộn xi măng”.

Ký ức về những ngày sống trên đảo vẫn sống động trong tâm trí ông Biền: “Bình thường ở nhà, nước ngọt dùng thoải mái nhưng trên đảo mỗi người tắm chỉ được tối đa một ca nước. Anh em gặp cơn mưa ai cũng đứng giữa trời để được tắm thỏa thuê. Nhưng có đợt mưa to quá, những bờ tường mới xây che chỉ được một phần, phần còn lại mưa tróc hết vữa, sợ không đủ vật liệu làm, anh em bộ đội, cán bộ chỉ huy và thợ cùng đứng ngây ra khóc”.

Ông Đoàn Văn Tự ở Bình Gi có thâm niên hai lần gắn bó với đảo. Hồi thanh niên, ông làm chiến sĩ ở Đoàn M71 Hải quân. Sau xuất ngũ lại trở thành thợ xây đảo. Đi xây đảo ở Nam Yết, ông Tự nhớ lại có lần đang đứng thì trời tối tăm mù mịt, ông cùng anh em chỉ kịp chạy vội vào công sự gần đó trú ẩn. Sóng nổi lên được một lát thì bỗng thấy cả một bồn đựng đầy 25.000 lít xăng bị cuốn bay mất. “Bão tố ở trên đảo vô cùng khủng khiếp, tôi nhiều lần chứng kiến tàu ra đảo gặp bão cứ phải chạy vòng quanh vì chỉ cần dừng lại một chút là sóng đánh chìm”, ông Biền bảo.

Không chỉ đối mặt với nắng gió, bão tố, những người thợ xây đảo ngày ấy còn phải “sống chung” với sự thiếu thốn đủ bề, nhất là rau xanh. Tất cả đều là khô: lương khô, thịt khô, cá khô, rau xanh rất ít, nhiều người bị bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh kiết. Thế nhưng trong những ngày tháng gian khó đó vẫn luôn ấm áp tình quân dân giữa những người thợ “dân sự” xây đảo với người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. “Chúng tôi sống với nhau gắn bó, tình cảm lắm. Tất cả đều hài hòa như một gia đình. Những người lính đảo san sẻ với 7 người chúng tôi từng con cá, con vích bắt được, từng ca nước tắm, mớ rau xanh”, ông Biền xúc động kể lại như chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.

Đảo Trường Sa Đông.

Có những người thợ xây, thợ mạ Bình Gi đã trưởng thành hơn từ những ngày lao động trên hải đảo, có những người sau khi hoàn thành công việc lại trở về với đồng ruộng quê hương nhưng cũng có những người đã gia nhập những công ty xây dựng lớn để gắn bó với hải đảo như một phần cuộc sống. Những tổ trưởng như anh Cần, anh Bốn, anh Hương vẫn thường xuyên về làng lấy thêm người đi xây dựng trên các đảo. Và những người con Bình Gi hết lớp này đến lớp khác lại ba lô, khăn gói lên đường đi kiến thiết cơ sở hạ tầng cho Trường Sa.

Những người vợ, người mẹ ở nhà chỉ cứ đến ngày rằm, mùng một lại lên chùa thắp hương cầu nguyện cho những người đang xây dựng ngoài khơi xa. Không biết có phải vì thế mà hàng trăm người đi thì cũng ngần ấy người trở về đất liền an toàn. Chị Đỗ Thị Ngát, vợ anh Phan Đình Bốn tâm sự: “Thời tiết trên đảo khắc nghiệt, bão tố triền miền, ăn uống thiếu thốn, một năm anh làm việc ngoài khơi đến ba, bốn tháng liền. Suốt từ năm 2002, anh cứ đi biền biệt như thế, chỉ được nghỉ phép vào mỗi dịp Tết âm lịch. Tôi cũng lo lắm, nhiều đêm khóc ròng nhưng biết anh đã chọn biển đảo như quê hương thứ hai của mình nên lại động viên anh lên đường, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình một phần nhưng cũng vì được đóng góp sức mình cho hải đảo của Tổ quốc”.

Mỗi đảo xây xong, tấm bia đá chủ quyền được làm mới lại, khắc tên nước, kinh độ, vĩ độ là lòng những người thợ xây đảo lại thấy tự hào giữa biển trời Tổ quốc. “Cái tình Tổ quốc ở Trường Sa lớn lắm” - ông Biền nói.