Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Cô Lin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đảo Cô Lin. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Góp đá xây Trường Sa: Lan tỏa sức mạnh


Góp đá xây Trường Sa – một chiến dịch truyền thông – đã trở thành cuộc vận động rộng khắp mọi miền đất nước hướng về biển Đông bằng những tấm lòng, những hành động thiết thực.
“Gục ngã” trên đống tài sản đã nói thay nỗi lòng doanh nghiệp. Hai tuyến bài lớn trên báo Tuổi Trẻ đã gây hiệu ứng xã hội tích cực và được trao tặng giải nhất Giải báo chí TP.HCM năm 2012.
Đã hơn một năm từ ngày báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” (ngày 16-5-2011), danh sách đóng góp vẫn ngày một dài thêm, những con số tăng lên từng ngày. Tính đến thời điểm này, bạn đọc đã đóng góp hơn 44 tỉ đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.
Những đóng góp và sẻ chia vẫn cứ như những đợt sóng ngầm ở khắp mọi nơi trên đất nước.

Đầy cảm xúc

Anh Lương Huỳnh Việt Thắng (phó bí thư Đoàn trường, chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Góp đá xây Trường Sa là điểm nhấn lớn của Tuổi Trẻ trong lòng bạn đọc. Sự lan tỏa của chương trình diễn ra rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Sau khi đọc loạt bài “Một thời vác đá xây Trường Sa”, “Nhật ký Trường Sa”, SV trường tôi đã dành những tình cảm rất đặc biệt cho chương trình Góp đá xây Trường Sa”. Thế nên ngay khi báo Tuổi Trẻ mới phát động chương trình, Đoàn Trường ĐH Tây Nguyên đã phát động đoàn viên, SV thực hiện phong trào “Nuôi heo đất góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự tham gia nhiệt tình của các chi đoàn.
Và khi Tuổi Trẻ tổ chức đêm hội “Góp đá xây Trường Sa” tại Trường ĐH Tây Nguyên, đã có hơn 10.000 SV và giáo viên tham dự. Anh Thắng kể: “Đêm hội đó đã tạo nên hiệu ứng rất lớn. Sinh viên và các thầy cô hỏi chúng tôi rằng Đoàn trường có tiếp tục tham gia “Góp đá xây Trường Sa” hay không? Nếu có thì bằng cách nào để tất cả có thể cùng góp được nhiều “đá” hơn?”.
Theo anh Thắng, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã tạo ra sự chuyển biến rõ ràng trong nhận thức và tình cảm của SV dành cho biển đảo quê hương. Trong tuần sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa, trường đã đưa ra nội dung chủ quyền biển đảo và tình hình khu vực biển Đông, SV lắng nghe rất chăm chú, đặt nhiều câu hỏi.
Không chỉ ở trường, ở nhà người thân trong gia đình của anh Thắng cũng dành tình cảm cho chương trình. Anh bảo: “Cả nhà tôi đã tham gia chương trình nhiều lần và vẫn thấy cần phải đóng góp nhiều hơn nữa. Khi tôi làm chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ở trường, bố mẹ tôi cũng góp lương hưu cho Trường Sa”.
Sự lan tỏa ấy còn dễ dàng bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên văn phòng với nhiều hình thức góp đá đa dạng. Tháng 3-2012, Công ty cổ phần Đồng Tâm có một cách làm khá mới để hưởng ứng và ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” khi cho ra sản phẩm gồm hai loại gạch Hoàng Sa và Trường Sa, được lát cùng nhau như hai vùng biển đảo không thể tách rời trong chủ quyền của Việt Nam để phát động chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa”.
Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động - Ảnh: Thuận Thắng
Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động - Ảnh: Thuận Thắng
Theo đó, cứ mỗi mét vuông gạch bán được sẽ đóng góp 20.000 đồng cho chương trình. Chương trình này được đồng loạt triển khai tại 25 văn phòng, chi nhánh và các cửa hàng cộng tác của Đồng Tâm Group trên 63 tỉnh thành cả nước và tại các nhà máy. “Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng. Đến nay chúng tôi đã có gần 270 triệu đồng góp vào quỹ Góp đá xây Trường Sa” – ông Nguyễn Hứa Thiên Giao, phó giám đốc khối nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Đồng Tâm, cho biết.

Mở đợt góp đá mới

Đó là khẳng định và là tâm nguyện của rất nhiều bạn đọc đã đến với chương trình này. Sau chuyến đi Trường Sa và tham gia lễ khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A (tháng 5-2012), anh Việt Thắng đã đưa lên website của trường nhiều hình ảnh về công trình đặc biệt này, về người lính Trường Sa, về đảo chìm, đảo nổi… và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn SV.
“Chúng tôi đang bàn bạc, tìm ra nhiều hình thức khác để nhân rộng phong trào “Góp đá xây Trường Sa” vì chương trình mang ý nghĩa quá lớn lao, phải làm sao để ai cũng có thể tiếp cận chương trình gần nhất. Chúng tôi sẽ không chỉ làm ở ĐH Tây Nguyên mà còn thực hiện trên các cộng đồng mạng để chương trình lớn hơn, rộng hơn. Vì góp đá cho Trường Sa không bao giờ là đủ, là thừa, càng nhiều viên đá kết nối lại, biển đảo của chúng ta càng vững mạnh” – anh Thắng chia sẻ.
Sau chuyến đi ấy, những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện cảm động trong suốt hành trình và bài hát của thiếu tá Nguyễn Xuân Cung – trung đoàn công binh 131, người trực tiếp thi công công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A – cũng được ông Giao chuyển đến phòng đối ngoại – truyền thông để truyền tải thông tin cho anh chị em cán bộ, công nhân viên trong tập đoàn. Đặc biệt, ông Giao còn chuyển ảnh và các mẫu ốc đảo Cô Lin, đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca, cầu gai đảo Sinh Tồn, san hô đảo Sơn Ca và Trường Sa cho phòng thiết kế của công ty. “Không bao lâu nữa chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra các mẫu gạch granite mới lấy ý tưởng từ các mẫu ốc, cầu gai, san hô của quần đảo Trường Sa để tiếp tục chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa” – ông Giao hồ hởi nói.
Tổng giám đốc Công ty Bia Huế Nguyễn Mậu Chi cũng cho biết đang tiếp tục thực hiện chương trình nho nhỏ để “Góp đá xây Trường Sa”. “Hiện tại chúng tôi đang vận động một chương trình nhỏ là tặng sim thẻ điện thoại cho các chiến sĩ Trường Sa để họ có nhiều thời gian nói chuyện với gia đình hơn, để họ thấy gần với đất liền hơn và sẽ hoàn thành trong 15 ngày nữa” – ông Chi cho hay.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Tiếng hát trên đầu ngọn sóng

Khoác balô đến Nhà khách Hải quân bên sông Sài Gòn, thêm một lần trải nghiệm cảm giác dễ chịu mỗi chuyến “về với lính”, khi cô nhân viên chu đáo rót nước mời khách xong mới xem giấy tờ rồi cười nhỏ nhẹ: “Anh thông cảm, điều kiện Quân đội thiếu tiện nghi lắm, nhà báo chịu khó ở chung với Văn công nhé”! Tưởng gì, thế thì thú vị quá, tôi gật ngay, bụng bảo dạ rằng đã chủ động xin xuống tàu chia sẻ sóng gió với lính Trường Sa thì ngại gì một đêm nằm doanh trại.

Đoàn Văn công Quân khu 4 trước giờ ra Trường Sa

Bước dọc hành lang đã nao nao mùi lính, cái mùi đặc trưng rất khó tả, chỉ biết là mộc mạc gần gũi vô cùng, khiến người ta ấm lòng mà chẳng rõ vì sao. Cửa mở, một cô gái ngước lên vén mái tóc xoăn, nhoẻn cười đặt ngón tay lên môi ra dấu giữ trật tự, rồi chỉ cho tôi một cái giường trống để đặt balô mà ngả lưng. Người đàn ông mặc quân phục gắn lon Thiếu tá ngồi cạnh cũng bắt tay tôi thân thiện rồi lại chăm chú vào một tờ giấy, hình như họ đang lẩm nhẩm tập một ca khúc mới. “Màn chào hỏi” diễn ra trong im lặng vì giữa trưa nên lính tráng nằm ngổn ngang tranh thủ “kéo gỗ” trên hơn chục bộ giường sắt trong căn phòng rộng đơn sơ. Sau này tôi mới biết cô gái đó là Trung úy Nguyễn Tú Ngà, và anh Thiếu tá tên là Dương Xuân Huyền, cùng là ca sĩ đoàn Văn công Quân khu 4.

Văn công với báo chí, giống nhau ở cái nghiệp lang thang và cái đức “hòa mình vào quần chúng”, nên chóng thân quen lắm. Lại được “cùng ăn, cùng ngủ, cùng xe” nên chỉ từ trưa đến tối đã chuyện nở như ngô rang. Càng vui hơn vì không chỉ “có duyên một đêm” trong doanh trại, mà trên tàu HQ 936 tôi và các đồng nghiệp báo chí tiếp tục được ở chung một buồng thủy thủ với Thiếu tá Huyền và Trung tá đoàn phó Lê Hồng Kỳ - nhạc sĩ, Thượng úy Nguyễn Công Long - nghệ sĩ múa, Thiếu úy Lê Phước Cường - phụ trách âm thanh. Những căn buồng dành cho thủy thủ trên tàu, chỉ có 4 giường cá nhân mà cả chục người chen chúc, nhưng chẳng ai lấy thế làm phiền. Nói như một bạn đồng nghiệp, mấy khi được diễm phúc “ra đụng vào chạm” với Văn công từ sáng tới đêm.
Ở chung với họ thật vui, bất cứ sáng trưa chiều tối, thỉnh thoảng một giọng oanh vàng hoặc nam trung lại vút lên khúc quân hành hay đoạn tình khúc ngẫu hứng. Chuyến này, Văn công Quân khu 4 có 10 người ra phục vụ bộ đội Trường Sa, trong đó dễ đến một nửa anh chị em đã hơn một lần đặt chân tới quần đảo xa xôi mà vô cùng thân thương ấy... Lời ca tiếng hát của các anh chị lập tức tiếp thêm lửa cho đoàn quân nô nức đầy khí thế trước giờ xuống tàu. Và ngay đêm đầu tiên giữa đại dương, boong tàu HQ 936 đã rực sáng sân khấu với tiếng nhạc rộn ràng, bất chấp biển đêm lồng lộng gió, sóng cồn trùm lên boong, tạt ướt cả nghệ sĩ và khán giả. Những tràng pháo tay và những lời cổ vũ vang lên đầy nhiệt tình không chỉ sau mỗi tiết mục, mà cả những lúc ca sĩ phải bám chặt cầu thang do tàu bị sóng nhồi chao đảo, nhưng “thà... ngã không rời micrô”. Các nữ nghệ sĩ, Thượng tá Lê Quỳnh Như - Trưởng đoàn, Thiếu tá Nguyễn Bích Ngọc, Thượng úy Nguyễn Lan Hương, Trung úy Nguyễn Tú Ngà đã thay quân phục bằng bộ áo dài duyên dáng. Sau bài hát đầu tiên, những tà áo màu hoen nước mặn, những mái tóc dài gió tạt rối tung, càng khiến các chị đẹp lộng lẫy trên con tàu lung linh ánh điện hiên ngang rẽ sóng giữa biển trời đêm sâu thẳm. Sóng gió gầm gào lắm quãng không rõ lời ca, nhưng ai cũng nghe máu chảy nhanh hơn trong huyết quản...

Tiếp đó, pháo tay lại nổ ran cùng tiếng cười sảng khoái và khâm phục dành cho những tiết mục ảo thuật độc đáo của Trung tá Trần Thanh Tịnh. Tôi tin rằng các ảo thuật gia lừng danh cũng phải “nể” anh Tịnh vì trên sân khấu “đầy bất trắc” này chỉ đứng vững thôi đã khó, một tiết mục đơn giản như xuyên dùi vào bóng bay sao cho bóng không nổ, cũng đòi hỏi sự khéo léo phi thường... Đêm văn nghệ giữa đại dương thực sự thăng hoa khi Thiếu úy Trần Phương Anh uyển chuyển cùng bạn diễn - Thượng úy Nguyễn Công Long trong màn vũ đạo. Bình thường tôi không thích xem múa, có lẽ phần nào vì chẳng am hiểu gì về nghệ thuật này, nhưng các nghệ sĩ trẻ Văn công Quân khu 4 đã “chinh phục” tôi với tiết mục thể hiện tình yêu mãnh liệt của cô gái dành cho anh lính biển, vượt lên mọi cách trở, bão giông. Chẳng thế mà Phương Anh, cô Thiếu úy sinh năm 1992, em út của đoàn, đã được tôn vinh “Hoa hậu HQ 936” trong cuộc thi hoành tráng độc nhất vô nhị tổ chức cũng trên boong tàu này vào đêm cuối hành trình.

Không chỉ biểu diễn hết mình, đoàn Văn công còn luôn để ý chăm sóc mọi người, nhất là các chị dù mệt mỏi vì say sóng nhưng hễ rời đàn hát là lại phụ giúp bếp núc dọn dẹp giặt giũ, chẳng mấy khi ngơi tay. Trên tàu hay lên đảo, những khuôn mặt vừa trang điểm, những đôi tay vừa sửa móng để bước lên sân khấu xong lại cặm cụi bên bếp lửa, dao thớt đảm đang.

Chuyến này, đoàn chúng tôi đến được 4 đảo và nhà giàn DK1. Mỗi khi tàu thả neo, anh em báo chí được ưu tiên xuống xuồng trung chuyển vào trước để tác nghiệp. Gặp lính đảo tay bắt mặt mừng là chuyện đương nhiên, anh em tiếp đón thật nồng hậu và chu đáo, nhưng mấy cậu lính trẻ cứ nhấp nhổm liếc chuyến xuồng đi sau. Cái vẻ “ngong ngóng” ấy không đơn thuần vì nhiệm vụ, mà đầy vẻ háo hức khấp khởi. Có cậu bạo dạn thì nhìn tôi cười ngập ngừng: “Đoàn mình có Văn công anh nhỉ?”. Nghe nói, hồi trước có một lãnh đạo Hải quân ra đảo, thấy lính tráng thiếu thốn đủ thứ, ông hỏi lính thích gì nhất để gửi tàu mang ra, và câu trả lời của lính là: "Thủ trưởng điều cho chúng em một cô văn công. Ra đây chẳng cần hát hò gì cả, chỉ cần đi lòng vòng quanh đảo cho chúng em ngắm thôi". Có ra đảo mới thấm, thiếu rau thiếu nước còn chịu được, chứ thiếu thốn tình cảm mới thật là thử thách lớn nhất. Mừng rằng Trường Sa ngày càng được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, thông tin liên lạc thuận tiện nên không còn xa đất liền như trước. Dù vậy, mỗi khi có đoàn ra mà có cả Văn công thì lính đảo vẫn mừng hết sức.


Lần nào cũng vậy, lên đảo là Văn công lập tức ôm đàn sà vào ngồi giữa anh em lính đảo, chỉ đợi Đảo trưởng báo cáo, lãnh đạo đoàn công tác “năm câu ba điều” xong là tiếng hát vút lên. Nhưng thường các chị hát chưa hết một câu đã nghẹn ngào rơi lệ thương đồng đội. Những gian khổ hy sinh của người lính Trường Sa thật khó nói hết bằng lời, song lại dễ dàng cảm nhận được bằng trái tim, nhất là trái tim của những người tay cầm đàn cầm sáo nhưng cũng khoác màu xanh áo lính. Nhà giàn DK1, đảo Đá Lát, đảo Đá Tây, đảo Cô Lin... ở đâu Văn công gặp lính đảo là những giọt nước mắt xúc động tuôn trào cùng nốt nhạc lời ca. Thượng tá Lê Quỳnh Như - Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4 tâm sự: “Lần nào ra với anh em Trường Sa, mình cũng không cầm được nước mắt. Lên đảo thương anh em đã đành, có lần sóng lớn quá không vào đảo được, phải dùng loa hát vọng vào thì càng thương thắt ruột, vừa hát vừa khóc”.

Thiếu tá Dương Xuân Huyền cũng chia sẻ: “Là nghệ sĩ, ai cũng thường xuyên xa nhà đi biểu diễn phục vụ khắp nơi, nhưng được hát ở Trường Sa thực sự là hạnh phúc, là niềm tự hào đối với bất kỳ ca sĩ nào. Mình đã biểu diễn ở nhiều vùng sâu vùng xa, chưa có nơi nào khiến mình xúc động nhiều như ngoài đảo”...

Buổi giao lưu văn nghệ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng nhất là đêm ở Trường Sa Lớn. Biết tin có đoàn ra thăm, lính đảo đã chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Bên cạnh “hậu cần” tươm tất, họ còn gom hoa dại thành từng bó tuyệt đẹp và tết cả những chiếc “vương miện” độc đáo. Sau mỗi tiết mục, giữa tiếng hò reo vỗ tay rầm trời, các chàng lính trẻ tinh nghịch giấu hoa sau lưng ào lên sân khấu tặng ca sĩ những chiếc lá cây phong ba, cây bàng vuông. Khi Văn công cúi chào “cảm tạ”, lính mới quỳ một chân xuống dâng hoa lên tặng, hoặc choàng vòng hoa lên mái tóc các chị. Tiết mục nào cũng có vài chàng lính phong trần mạnh dạn hòa ca với các nghệ sĩ, trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đồng đội. Không gì xúc động bằng nghe lính hát ngoài đảo, những lời ca mang sức mạnh dồn nén tự đáy lòng cứ cuộn lên như gió ngàn sóng cả, lúc ngân vang hùng tráng tựa lời thề giữ nước, khi lắng đọng thẳm sâu như ước nguyện đôi lứa sắt son...

Những bài ca nối tiếp bài ca dù trời đã về khuya, chẳng ai muốn kết thúc đêm giao lưu cho đến khi cơn mưa giông bất chợt đổ xuống như trút nước. Chúng tôi đội mưa chạy về tàu mà ngỡ đang trong một đợt “xung phong”, bởi hàng trăm người lính đảo rầm rập chạy theo tiễn với tiếng hò reo lưu luyến. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đêm ấy, khi chúng tôi đứng dọc boong tàu, còn những người lính Trường Sa cũng xếp hàng dọc cầu tàu của đảo. Tất cả mọi người ướt sũng dưới mưa xối, nhưng cứ say sưa vừa vỗ tay vừa hát vang cùng nhau thay lời chào tạm biệt. Tiếng hát át cả tiếng mưa giông ào ạt, ngân nga cuốn vào đại dương theo từng nhịp sóng cuộn trào.