Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Ngãi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Ngãi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Chỗ dựa tin cậy của ngư dân


Sáng 17.4, các ý kiến tại hội nghị sơ kết hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn, do LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, một lần nữa khẳng định rằng, nghiệp đoàn nghề cá thực sự đã trở thành “mái ấm”, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân, giúp họ an tâm bám biển dài ngày để mưu sinh và khẳng định chủ quyền đất nước.
Các tàu cá của nghiệp đoàn thường xuyên đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tàu cá của nghiệp đoàn thường xuyên đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.

Sát cánh trên biển    


Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn là nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên trong cả nước (15.9.2011). Từ 428 đoàn viên ban đầu, đến nay, nghiệp đoàn đã kết nạp được 687 đoàn viên là ngư dân của 58 tàu cá địa phương. 

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn, là một thuyền trưởng có thâm niên 14 năm ngang dọc  biển Đông - nhấn mạnh, qua 6 tháng đồng hành cùng ngư dân, nghiệp đoàn đã thật sự trở thành “mái ấm”, là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân, giúp họ đoàn kết lại thành một khối thống nhất trong mỗi chuyến ra khơi, cùng chia sẻ ngư trường, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. 

Mới đây nhất, vào ngày 14.4, tàu QNg 96218 TS của ông Võ Nam đánh bắt từ Hoàng Sa trở về, bị chết máy tại vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) được nghiệp đoàn cùng gia đình thuê tàu kéo về đến cảng Sa Kỳ an toàn. Trước đó, ngày 23.3, tàu QNg 96318 TS, do ông Lê Văn Thành làm thuyền trưởng, bị gãy cây lắp, trôi dạt tại vùng biển Hoàng Sa, được tàu QNg 96697 TS, do ông Lê Khởi, đoàn viên nghiệp đoàn kịp thời cứu hộ, lai dắt về đảo Lý Sơn. Hay như trường hợp tàu cá QNg 96597 TS, do ông Dương Văn Thọ - Uỷ viên Ban chấp hành nghiệp đoàn - làm thuyền trưởng đã kịp thời cứu hộ 14 ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa bị chìm tàu trong cơn bão số 1 năm nay, đưa về đảo Song Tử Tây (Trường Sa) an toàn. 

Trên đất liền, mỗi khi hay tin người thân của các ngư dân ốm đau, hoạn nạn, ban chấp hành nghiệp đoàn luôn kịp thời “đi tận ngõ, gõ tận nhà” động viên, chia sẻ khó khăn với từng gia đình, để họ luôn cảm thấy ấm lòng. “Hiện tại, hệ thống Icom của Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải-Lý Sơn chưa thể liên lạc thông suốt trong điều kiện thời tiết mưa bão. Do vậy, chúng tôi mong muốn cộng đồng quan tâm, trang bị cho nghiệp đoàn một hệ thống Icom tốt hơn, để chúng tôi kêu gọi “họp ngư dân trên biển” mỗi khi cần thiết - ông Nguyễn Quốc Chinh bày tỏ.

Nhân ra diện rộng


Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi - vui mừng cho biết: Thông qua 58 thuyền trưởng cùng 14 tổ trưởng, tổ phó, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn thường xuyên phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân hiểu rõ và tự giác chấp hành các quy định khi đánh bắt dài ngày trên biển nên từ ngày thành lập, không có tàu nào trong nghiệp đoàn bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc.
Hiện LĐLĐ tỉnh đã  tham mưu, đề xuất với tỉnh tiến tới thành lập thêm 6 nghiệp đoàn nghề cá tại 5 huyện có biển là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ và xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. 

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) - cho rằng, ngoài Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và chính quyền địa phương thì lực lượng bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân trong nghiệp đoàn chấp hành đầy đủ các quy định khi đánh bắt dài ngày trên biển, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. “Chúng tôi mong muốn lực lượng bộ đội biên phòng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp ngư dân khai thác, đánh bắt ngày càng hiệu quả, góp phần khẳng định chủ quyền của tổ quốc trên biển Đông” - bà Hương nói.

Đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gần 2 tỉ đồng để mua sắm thiết bị, phương tiện hành nghề, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Ban chấp hành nghiệp đoàn cũng đã cử đoàn viên Mai Phụng Lưu đi dự chương trình giao lưu “Tấm lưới nghĩa tình” do Tổng LĐLĐVN tổ chức.

Tại buổi giao lưu này, BCH Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải đề nghị BTC hỗ trợ đoàn viên Mai Phụng Lưu 200 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, do thế chấp nhà, vay tiền đóng lại tàu thuyền, mua ngư cụ ra Hoàng Sa đánh bắt. Ngoài ra, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cũng thường xuyên hỗ trợ các gia đình ngư dân Lý Sơn gặp nạn.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Sẽ đưa Hoàng Sa vào dạy chính khóa


GĐ Sở GDĐT Quảng Ngãi Thái Văn Đồng cho biết, bắt đầu từ năm học 2012 – 2013, ngành giáo dục tỉnh này sẽ đưa chương trình giảng dạy lịch sử địa phương vào chính khóa trong các trường THPT và THCS.
Như Báo Lao Động (ngày 3.3.2012) đã phản ánh, phần lớn 150 trường học phổ thông tại Quảng Ngãi đã tự phát, đưa vào giảng dạy ngoại khóa các tiết học tìm hiểu về biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, chưa có bất cứ tài liệu chính thống nào; vì vậy, nhiều trường còn giảng dạy sai lệch nội dung...


Theo ông Thái Văn Đồng, Bộ GDĐT khi biên soạn chương trình giảng dạy đã có những bài học có nội dung liên quan đến giáo dục về biển đảo. Riêng nội dung về lịch sử địa phương do ngành GDĐT, Ban Tuyên giáo phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn của Quảng Ngãi biên soạn giáo trình.

 Tiết dạy lịch sử địa phương giảng dạy trong chương trình lịch sử bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, gồm 11 tiết được thực hiện dưới hình thức là tiết dạy chính khóa trong chương trình quy định của Bộ GDĐT (7 tiết ở bậc THCS, 4 tiết ở bậc THPT). Nội dung giảng dạy lịch sử địa phương gắn với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo - đặc biệt là Hoàng Sa. 

Theo Sở GDĐT Quảng Ngãi, qua tiết dạy, giáo dục học sinh ý thức tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa; giáo dục học sinh lòng tự hào về truyền thống bảo vệ chủ quyền tổ quốc, ý thức trách nhiệm tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trách nhiệm của học sinh phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tổ quốc, trong đó có bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.  

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Khoảng lặng Hà Nội

Khoảng lặng không gian và thời gian ở đô thành Hà Nội bây giờ quá hiếm hoi, nó không đại diện cho một ngày của Hà Nội. Nhưng với tôi, cảm xúc bắt gặp một Hà Nội an nhiên, thái hoà, một thủ đô sâu lắng thanh lịch lại ở những khoảng lặng mến thương ấy.
Trong đó, không khí trang nghiêm, thành tâm của người dân thủ đô lẫn du khách khi đứng lại, chào cờ tại Quảng trường Ba Đình - trước lăng Hồ Chủ tịch đã làm tôi thực sự xúc động, nghĩ nhiều về cái khoảng lặng nhuốm màu linh thiêng ấy. Hai chữ tổ quốc như đậm nét, rõ nghĩa hơn trên lá cờ đỏ sao vàng...

Những khoảng lặng Hà Nội. Ảnh: T.H

Bình yên, tất bật và nỗi sợ xe buýt…

Ở thành phố biển Đà Nẵng, thời gian sinh học hoàn toàn khác với Hà Nội. Biết vậy, nên buổi sáng đầu ở thủ đô, tôi nhẫn nại nán lại trong phòng khách sạn chật hẹp hơn một giờ đồng hồ trước khi ra đường. Thế nhưng, đã hơn 6 giờ sáng, lễ tân vẫn còn say ngủ. Hé cánh cửa, ra phố, tôi thật sự ngỡ ngàng, Hà Nội còn chìm trong màn sương trắng. Ngoài đường còn nghe rõ tiếng gió lùa lá khô chạy suốt một đoạn dài. Vắng lặng. Một Hà Nội ồn ào, ken kín dòng người đội mũ bảo hiểm tròn đầu như đàn kiến, chen chúc giành nhau từng mét đường, một Hà Nội inh tai tiếng ồn còi xe, bụi khói ngột ngạt... bỗng dưng biến mất đi đâu vào sáng nay?
Tôi rảo bộ qua đến hai con ngõ mới có một hàng phở đang bán những bát đầu tiên. Khách ngồi ăn cũng chỉ toàn là nhân viên bảo vệ, những chị lao công, một vài người lao động phổ thông. Câu chuyện vội của họ qua từng miếng ăn sáng chủ yếu là những than vãn cá nhân về sắp xếp việc gia đình.
Tuy nhiên cũng không thoát ra vấn đề thời sự nóng bỏng mà cả Hà Nội và người dân cả nước quan tâm dịp này, đó là đổi giờ học, giờ làm, là chuyện kẹt xe tắc đường. Dường như những xáo trộn sinh hoạt đời sống từ chủ trương này đã xộc vào từng nhà, từng trường học. Để có được ly càphê theo thói quen buổi sáng ở quê nhà, tôi phải uống đến 3 chén nước chè xanh đầu ngõ, chờ quán mở cửa. Trời trở bấc, rét như roi quất theo mưa phùn. Buổi sáng ngoài đường phố Hà Nội bình yên, nhưng tất bật. Những gánh hàng rong, phụ nữ bên xe đạp hoa, những xe máy cũ kỹ, lấm láp chất đầy rau quả, thịt thà..., tất cả đều vụt qua trong lầm lũi. Tôi đọc được cái nhọc nhằn cơm áo, những lo toan thường nhật của cả triệu dân nhập cư vào Hà Nội, đang bươn chải trong khoảng lặng tinh sáng hôm nay.
Hơn 8 giờ sáng, thời điểm mà nông dân quê tôi đã ăn giữa buổi trên đồng, người dân cả nước đã hơn 1 giờ làm việc, nhưng với phần lớn người Hà Nội mới là giờ ra đường, đến công sở. Thói quen sinh hoạt này đã có từ lâu, chuyện cũ rích, nhưng với những người ít có dịp ra thủ đô như tôi vẫn thấy lạ lùng, khó hiểu. Vì sao họ không tranh thủ thong dong đường rộng buổi tinh sớm, để rồi phải hấp tấp chen nhau với “hung thần”. Chỉ một đoạn đường ngắn đưa tôi từ đường Thái Hà, sang Tây Sơn, về Xã Đàn, Lê Duẩn để đến phố cổ bên bờ hồ Gươm, bạn tôi đã mất gần 1 giờ vì hôm ấy tắc đường.
Phố xá giờ đó chỉ là biển người hỗn tạp với các loại phương tiện giao thông. Ai nấy đều căng thẳng trên nét mặt, cũng cố chen lấn, luồn lách để có cơ hội tiến nhanh hơn về phía trước. Chiếc xe buýt cồng kềnh, lướt đèn vàng, bẻ quẹo sang ngã tư nhưng chẳng thèm để ý đến các phương tiện khác dưới đường. Ai đó thất thanh cảnh báo: “Ối, cẩn thận. Đừng có dây vào với “quan tài đỏ”!”. Bạn tôi giải thích, họ đã “nâng cấp” xe buýt (với hai màu đỏ vàng) từ “hung thần” lên thành “quan tài đỏ”. Nỗi kinh hoàng phố nay ở Hà Nội. Thế nhưng, hằng ngày, sinh viên, người lao động nghèo ở vùng ven phải chen trong những “quan tài đỏ” ấy, người không say xe cũng phải nôn oẹ bởi kiểu chạy giật cục, lạng lách giành đường, rồi đột ngột dừng đỗ, rước khách. Đó là chưa kể nỗi khổ đứng một chân, chen nhau trong mùa nắng nóng ngột ngạt, ngại bị sàm sỡ, mất cắp, nỗi lo tai nạn... khi lên xe buýt Hà Nội. Nhóm đối tượng khác, những người ở giới trung đến thượng lưu cũng đâu được thoải mái hơn, dẫu ngồi trong ôtô cá nhân.
Dừng ăn một bát phở, chưa kể phải đi bộ một đoạn đường dài mà còn phải tốn thêm 40.000 đồng tiền gửi xe ngay lòng đường. Nếu quá thời gian 1 tô phở hay tranh thủ uống càphê thì sẽ bị “chém” thêm 20.000 đồng. Chao ôi, “chất lượng cuộc sống” ở đâu khi bạn tôi vừa mới cố mua được cái ôtô, giờ phải toan lo bán tháo đi vì sợ phải đóng tiền phí lưu thông và hàng trăm khoản chi phí khác. Đi trong giờ cao điểm, mới thấy những bức xúc thường trực của người dân Hà Nội hôm nay. Bởi vậy, nếu có thêm bất cứ một sự xáo trộn nào, dù chỉ là thay đổi thời gian sinh hoạt như đổi giờ làm việc, giờ học mà chưa có sự nghiên cứu, thử nghiệm và tuyên truyền thấu đáo sẽ nhận ngay sự phản ứng gay gắt như những ngày này.

Tổ quốc trên mỗi lá cờ

Tôi tìm mãi không ra một nửa kia của thủ đô trầm lắng, khuất lấp bên những cổ kính như trong ca từ mỹ miều viết về Hà Nội. Những tháp Rùa, Tây Hồ, những Văn Miếu, Hoàng Thành cổ... đã bị bao vây giữa những ồn ào đến nghẹt thở. Nhưng thất vọng bao nhiêu thì tôi càng bất ngờ, xúc động bấy nhiêu khi chứng kiến phút chào cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình, trước lăng Bác. Đêm rằm Nguyên tiêu, trăng không vằng vặc mà như thêu trên màn sương phủ mờ giữa một khoảng không rộng ở Ba Đình. Trước lăng Bác, tất cả người dân lẫn du khách đều phải đi bộ. Những con đường quanh khu vực này cũng thưa thớt người hơn khu phố cổ nên càng thêm tĩnh lặng. Đúng 9 giờ đêm, mọi hoạt động trong khu vực lăng Bác Hồ được yêu cầu dừng hẳn. Mọi người có mặt đứng dậy, nghiêm trang hướng về cột cờ để tham gia nghi thức hạ cờ tổ quốc.


Trong tiếng quân nhạc hùng hồn, vọng vang từ phía sau khu vực lăng, đoàn vệ binh trang phục trắng tinh, nghiêm trang bồng súng, bê khay đựng cờ bước đều như lướt ra từ bên phải của lăng. Bước hành binh nhịp nhàng, dứt khoát, nhưng sao vẫn thấy cái thân thiện, hiền hoà. Trong phút giây thiêng liêng ấy, mọi người đều đứng nghiêm, hướng về cờ tổ quốc. Nhiều phương tiện ngoài đường Hùng Vương - dù không bị bắt buộc, cũng đã dừng lại, bỏ mũ, hướng về cờ. Lễ thượng, chào cờ vào 6 giờ sáng, hạ cờ đúng lúc 21 giờ hằng ngày đã ấn định tổ chức từ hơn 10 năm nay tại quảng trường này, nhưng tôi mới được tham dự lần đầu tiên. Chợt thấy mình như nhỏ lại thuở thiếu thời, được đứng dưới cờ mỗi sáng thứ hai, nghiêm túc, tự nguyện chứ không phải “đối phó” như học trò bây giờ.
Bao nhiêu cảm xúc lạ chợt ùa về sau những phút lặng thinh chào cờ ấy. Đến bây giờ, tôi mới hiểu được những giọt nước mắt của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam khi thấy cờ tổ quốc. Nhiều lần đón ngư dân miền Trung trở về sau khi bị bắt ở vùng biển Hoàng Sa, các anh đều kể với tôi rằng họ đã khóc khi thấy lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên con tàu ra đón họ. Ngoài thuyền trưởng, có định vị, biết toạ độ, còn với hầu hết ngư dân giữa biển nước mênh mông họ chỉ biết biên giới, tổ quốc khi thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên mỗi con tàu. Thấy cờ là biết đang ở vùng biển nước nhà. Tôi còn nhớ, ngày xưa khi đi ngang qua trường học trong giờ chào cờ, mọi người dân đều dừng lại, bỏ mũ nón, tham gia chào cờ từ xa, nó giống như việc phải dừng lại, cúi đầu khi đám tang ngang qua ở các làng quê. Đứng lại, chào cờ. Một khoảng lặng, thời gian ngắn thôi, nhưng thật là ý nghĩa cho mỗi con người để nghĩ về quê hương, tổ quốc.
Lễ thượng và hạ cờ mỗi ngày ở Ba Đình không chỉ là khoảng lặng cần thiết của thủ đô, của mỗi thành phố, mà là sự tĩnh lặng cần có ở mỗi con người. Nhất là phút lặng yên, chiêm nghiệm ấy lại hướng về tổ quốc. Không phải ai cũng có dịp, cũng được thường xuyên ra Ba Đình chào cờ mỗi sáng, tối. Nhưng họ có thể chào cờ tại cơ quan, công sở, trường học, nơi công cộng mỗi sáng thứ hai hằng tuần - một nghi thức trang trọng, đầy ý nghĩa cần được khôi phục như đã từng bắt buộc, rồi trở thành quán tính, thành ý thức trước đây. Khi mỗi người đều thường xuyên nghĩ về tổ quốc, nghĩ về cái chung, công chức sẽ biết nghĩ cho dân, công dân chia sẻ gánh lo chung của Nhà nước, chắc chắn những vấn nạn tắc đường, quá tải ở bệnh viện hay giải toả đền bù để lấy đất phát triển ở các đô thị lớn sẽ được giải quyết êm thuận hơn. Hà Nội cần có thêm những khoảng lặng mến thương để cân bằng với những ồn ào, náo nhiệt hằng ngày.
Theo Lao Động

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Vì sao lại có cai đội Hoàng Sa người Huế?

Miền biển Quảng Ngãi là cái nôi của những Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dong thuyền vượt biển Đông thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên những cai đội Hoàng Sa lại không chỉ được tuyển mộ từ vùng đất truyền thống ngư phủ này. Nhiều tài liệu mới được phát hiện, công bố cho thấy cai đội Hoàng Sa còn có ở vùng đất kinh thành – cố Đô Huế và Quảng Nam

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói về vị Cai đội Hoàng Sa ở Huế

Từ cai đội Hoàng Sa xứ Huế

Rất khó để xác định thời gian ra đời chính xác của đội Hoàng Sa, nhưng căn cứ vào các nguồn sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc có thể chắc chắn đội Hoàng Sa phải được thành lập ít nhất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Toàn tập Thiên nam Tứ chí lộ Đồ thư của Đỗ Bá viết năm Chính Hòa thất niên (tức năm 1687) đã ghi chép hoạt động đội Hoàng Sa.

Đến Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Triết Giang – Trung Quốc, được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng từ 1695 - 1697), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), hay các nguồn tư liệu khác: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều miêu tả về hoạt động của đội Hoàng Sa. Phần lớn các sử liệu này cho thấy quê hương của đội Hoàng Sa là cư dân vùng An Vĩnh (gồm Bình Sơn, Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) ngày nay.

Mới đây, qua các tài liệu công bố tại làng An Nong (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (TP.Huế) và các cộng sự phát đã từng có một vị cai đội gốc kinh thành. Đây là một phát hiện quan trọng mang nhiều ý nghĩa, giá trị dưới cả góc độ lịch sử và tư liệu chủ quyền. Những văn bản này được gia tộc họ Nguyễn Hữu lưu giữ cẩn thận với tập phổ hệ, tờ sai, tờ sắc về vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên.

Trong tập phổ hệ có đoạn: Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn Đại Đô Úy, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong Khâm sai Cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng tọa canh hướng giáp… Tiên Tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí (Đời thứ 9 Tiên Tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức Đại Đô Úy, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức Khâm sai Cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, tọa canh hướng giáp,… Danh tước ngài Tiên Tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi), cho thấy, Nguyễn Hữu Niên đời thứ chín họ Nguyễn Hữu làng An Nong, vốn trước là quan chức của triều Tây Sơn, sau đầu triều Nguyễn nhận chức cai đội đội Hoàng Sa.

Các tư liệu gốc cũng liên quan đến vị cai đội Nguyễn Hữu Nên này, như: tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần sách và một tờ sắc của vua gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên, ghi: Thập đội Ban trực tả vệ hậu doanh bố trí làm khâm sai cai đội tước Niên Trường hầu... vào ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen. Và tờ sắc của vua gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nong, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, Bát đội Tráng Võ vệ hậu doanh quân thần sách, thuyên chuyển làm hầu lái cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh, ghi ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất và đóng ấn son “Chế cáo chi bảo”.

Tại bài thờ đặt hậu điện chùa Tiên Linh cũng ghi: Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội Cai đội Hiến Đức hầu quý công chi vị (dịch nghĩa: Bài vị của ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến đức hầu). Hay bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh, cũng ghi: Hội thủ Cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên… (dịch nghĩa: Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức Cai đội tước Niên Trường hầu…). Các tư liệu này khẳng định: vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên của tộc họ Nguyễn Hữu từng giữ chức Cai đội Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền lãnh hải tổ quốc.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nhấn mạnh, giá trị của văn bản ở chỗ nó không chỉ khẳng định có vị cai đội Hoàng Sa ở Huế, mà còn chứng tỏ chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ xuất phát từ chính quyền trung ương từ kinh thành Huế mà ngay cả người dân đất kinh thành trực tiếp tham gia vào công tác này; chứng tỏ ý thức, trách nhiệm chủ quyền qua các thời kỳ, vùng đất, địa phương khác nhau vẫn được chú trọng phát huy.

Ông nhận định, việc cai đội Hoàng Sa đất cố đô phải xét dưới khía cạnh bối cảnh lịch sử. Thời điểm này cai đội Nguyễn Hữu Niên từng là một vị quan chức từ triều Tây Sơn, sau sang phục vụ triều nhà Nguyễn. Thời Tây Sơn, dưới thời Thái tổ Võ hoàng đế Nguyễn Văn Huệ vẫn tiếp tục Đội Hoàng Sa, nhưng do phân tranh từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc nên nhiều khả năng cai đội Hoàng Sa phải lấy những người ở Huế như Nguyễn Hữu Niên.

Đến soái đội Hoàng Sa vùng Quảng Nam

Các văn bản mới phát hiện tại Quảng Nam cho thấy quê hương của những soái đội Hoàng Sa còn ở nhiều địa phương khác. Tại nhà thờ tộc Lê (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) mới đây các nhà nghiên cứu phát hiện những văn bản quan trọng khẳng định gia tộc này từng có một vị Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quảng Hoàng Sa.

Căn cứ vào các tư liệu được lưu giữ, vị “soái đội Hoàng Sa” này là ông Lê Văn Ước, người thuộc tộc Lê. Nội dung bản dịch từ bản sắc phong cổ khẳng định: Vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa (cai quản cả 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp soái đội, tùy cai quản”. Căn cứ văn bản này, , ông Lê Văn Ước được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.

Tờ sắc phong soái đội Hoàng Sa (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ văn bản cổ khác về việc chiếu dụ của quan Tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, tức năm 1859) quy định tuyển mộ thủy binh và một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông, căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân, lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.

Tờ chiếu dụ chỉ rõ: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập. Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ. Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.

Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa.

Một góc Hoàng Sa trong lòng Quảng Ngãi

Mấy lọ cát, dăm ốc biển, vài tảng san hô, những hòn đá đã được góp nhặt từ nhiều hòn đảo khác nhau và mang về từ quần đảo Hoàng Sa xa xôi để lập nên một “bảo tàng” mini trong diện tích 3m2 ở số nhà 41 Nguyễn Khuyến, TP Quảng Ngãi với tên gọi: “Một góc Hoàng Sa trong lòng Quảng Ngãi”. Và điều đặc biệt, người sưu tầm và đưa những hiện vật từ Hoàng Sa về làm bảo tàng này không ai khác chính là “sói biển” Mai Phụng Lưu.
Ngày khánh thành bảo tàng “Một góc Hoàng Sa trong lòng Quảng Ngãi” cũng là ngày Mai Phụng Lưu nhận được những món quà từ những người bạn của anh từ mọi miền đất nước gửi về. Trong căn nhà số 41 Nguyễn Khuyến, trụ sở của Quỹ mổ tim bẩm sinh “Vì những trái tim bé bỏng” do nhà thơ Thanh Thảo sáng lập, Mai Phụng Lưu đã nhận được 58 triệu đồng bao gồm 1 máy ICOM vệ tinh trị giá 28 triệu đồng cùng 30 triệu đồng để mua một bộ lưới đánh bắt thuỷ sản.

Không chỉ vậy, 6 ngư dân ở Lý Sơn đi bắt hải sâm ở đảo Hoàng Sa bị mất tích vào năm 2010 cũng nhận được số tiền mỗi người 2 triệu đồng, anh Tiêu Viết Là một ngư dân bạn của Mai Phụng Lưu bị đau tim cũng nhận được số tiền ủng hộ 10 triệu đồng hay Trần Huệ, một ngư dân tàn phế ở đảo Bé-Lý Sơn phải ngồi xe lăn cho 2 con chó kéo hằng ngày cũng nhận được số tiền ủng hộ tương tự. Tất cả họ, dù có thể chưa mang về được hiện vật gì cho bảo tàng này, nhưng cũng chính họ đã từng đến những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc như một sự hiện thân cho sự kế tiếp các bậc tiền nhân năm xưa.

Bảo tàng “Một góc Hoàng Sa trong lòng Quảng Ngãi” dẫu còn đơn sơ vậy nhưng chắc chắn đây sẽ là tiền đề để các thế hệ con cháu mai sau của Lý Sơn, của Quảng Ngãi tiếp bước sưu tầm và phát triển như một minh chứng hùng hồn cho chủ quyền lãnh hải của dân tộc.

Theo CAND Online

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Chuyển động mới của công nghiệp Quảng Ngãi

Nắng ấm trong những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn đã tạo thuận lợi cho các đơn vị, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Từ ngày mồng 3 Tết, hàng chục đơn vị, công ty, nhà máy đã bắt đầu ra quân lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Bốc xếp hàng xuất khẩu lên tàu tại cảng nước sâu Dung Quất.

Những chuyển động đầu năm

Ðầu tháng 2, chúng tôi đến các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong (Quảng Ngãi), được chứng kiến nhiều dự án vừa được khởi công. Khu kinh tế Dung Quất "trái tim" công nghiệp của Quảng Ngãi đang phát triển nhiều nhà máy công nghiệp nặng, dầu khí. Các Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy đóng tàu Dung Quất hoạt động suốt ngày đêm, tạo không khí sôi động ngay từ những ngày đầu Xuân.

Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất được khởi công tháng 4-2009 với tổng vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng, có công suất 100 triệu lít xăng sinh học/năm. Những ngày trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn vừa qua, Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đã hoạt động liên tục 24/24 giờ với hàng trăm công nhân, kỹ sư trực tiếp điều hành sản xuất tại bốn phân xưởng chính của nhà máy, bảo đảm cho ra những dòng sản phẩm đầu tiên đạt hiệu quả kinh tế cao như phân vi sinh, thức ăn gia súc, khí CO2, đặc biệt sản phẩm ethanol đạt độ cồn hơn 99,7%, bảo đảm chế biến xăng sinh học (E5) đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ khi triển khai dự án, nhà máy đã chú trọng công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ và đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, nhà máy có 237 cán bộ, công nhân (trong đó người Quảng Ngãi chiếm khoảng 80%). Nhiều kỹ sư, công nhân có tay nghề cao với tác phong lao động công nghiệp đã được nhà máy bố trí trực tiếp vận hành các phân xưởng sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho rằng, hiện nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành ổn định 100% công suất, cho nên chúng tôi phải duy trì chế độ làm việc"ba ca, bốn kíp". Năm 2012, Công ty được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giao:"Sản xuất và bán ra thị trường khoảng sáu triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu đạt 108 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 15 nghìn tỷ đồng". Việc dừng nhà máy dù chỉ một ngày sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thế nên, ở nhà máy,"vui Xuân, đón Tết" nhưng không một ai trễ ca hay vào trật kíp. Sau ba ngày đón năm mới Nhâm Thìn, sáng mồng 4 Tết, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã ra quân làm việc sớm với quyết tâm bàn giao các tàu 104 nghìn tấn, tàu Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa đúng tiến độ cam kết với chủ tàu. Chủ tịch Hội đồng thành viên DQS Nguyễn Văn Hội cho hay, năm Nhâm Thìn được xem là năm có ý nghĩa quan trọng đối với DQS, bởi trong quý I này, công ty sẽ hoàn thành bàn giao ba tàu: Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa cho Vietsovpetro. Nhưng tâm điểm là sự kiện bàn giao tàu chở dầu 104 nghìn tấn cho PV Trans trong tháng 4 tới. Ðặc biệt, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina đã khởi xuất chuyến hàng đầu tiên của năm 2012 đến Phi-li-pin. Ðơn vị"mở hàng" cho Doosan Vina là Nhà máy sản xuất thiết bị xử lý hóa chất (CPE) khi vừa hoàn thành chuyến xuất bảy tháp chưng cất đến Nhà máy lọc dầu JG Summit Olefins, Phi-li-pin, có tổng trọng lượng 210 tấn.

Nói về sự phát triển ngành công nghiệp Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho biết: Tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp đến năm 2015 và Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất lên hơn 45 nghìn ha. Hiện nay, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng có ý nghĩa chiến lược và giá trị kinh tế tăng cao; đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ với các ngành sử dụng nhiều lao động như: công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt may-da giày, chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm đồ uống.

Nhờ đó, ngay từ đầu năm đã có bước chuyển mạnh với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1-2012 đạt hơn 2.038 tỷ đồng, tăng 3,81% so cùng kỳ năm 2011 và bằng 9,08% kế hoạch năm. Năm 2005, tỷ trọng công nghiệp chỉ là 30%, nay tăng lên gần 60%, tỷ trọng lao động công nghiệp từ 12,7% đến nay tăng lên 17%.

Tạo động lực mới

Thấy rõ những mặt hạn chế trong công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư và nhất là hạ tầng trong các khu công nghiệp còn yếu kém, tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành rà soát, điều chỉnh chính sách ưu tiên, bảo đảm tạo điểm nhấn thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH. Theo đó, các chỉ tiêu cơ bản đề ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 từ 17 đến 18%/năm; tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 52%, lao động trong ngành công nghiệp chiếm khoảng 17% trong tổng số lao động (với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hơn 45%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 47%), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.200 USD và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 3 đến 4%/năm... Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Ðể đạt các chỉ tiêu trên, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư để trao đổi nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực và tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tỉnh giao các ngành chức năng triển khai sớm các dự án xây dựng khu tái định cư bền vững, nhằm phục vụ phát triển những dự án công nghiệp trọng điểm; tạo quỹ đất sạch giao cho các tập đoàn kinh tế lớn; triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và tiến hành thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước mắt, tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn và từng bước hình thành, phát triển nhanh ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành thủy sản và vùng cây nguyên liệu chuyên canh, bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển dịch vụ, du lịch. Ðầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào Khu công nghiệp Dung Quất, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện. Ngay đầu năm 2012, Quảng Ngãi triển khai đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công ty Liên doanh TNHH Việt Nam-Xin-ga-po thực hiện đầu tư dự án khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh; đồng thời hỗ trợ Công ty Semcorp-Xin-ga-po lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp Dung Quất I. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với PVN tiến hành giải quyết những công việc cần thiết thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm đầu tư mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hỗ trợ tích cực chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, nhất là Thủy điện Ðác Ðrinh sớm đưa vào thử tải, đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia...

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đang nỗ lực phấn đấu, phát huy dân chủ, trí tuệ, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và tạo động lực mới, bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi bước đột phá công nghiệp do Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, tạo nền tảng để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Theo Nhandan.com.vn