Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bãi Cỏ Rong. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bãi Cỏ Rong. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Philippines kiện Trung Quốc: Một vụ kiện - hai tranh chấp


Hôm 2/5, tức nửa tháng sau khi kêu gọi Trung Quốc cùng đưa vấn đề biển Đông lên Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Ngoại trưởng Philippines Albert de Rosario tuyên bố, Philippines sẽ đơn phương kiện Trung Quốc bất chấp sự phản đối của chính quyền Bắc Kinh. Vậy, với lý lẽ dựa trên Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS), Philippines sẽ kiện Trung Quốc những gì tại ITLOS?

Tin từ tờ Philippines Star cho hay, ngay sau khi ý tưởng đưa vấn đề tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough (mà phía Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ra ITLOS được Ngoại trưởng Albert de Rosario nêu ra, giới chức Philippines đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc khởi kiện.

Đầu tiên là họ thăm dò “ý tứ” của Trung Quốc, sau đó tìm kiếm và nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia luật nổi tiếng của nước ngoài. Quan điểm của chính quyền Manila là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) cho phép các quốc gia thành viên có thể tận dụng việc dàn xếp tranh chấp bắt buộc trong trường hợp cơ cấu dàn xếp đồng thuận không thể giải quyết vụ việc.

Tổng Thư ký của Ủy ban Hàng hải và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines Henry Bensurto Jr. còn tiết lộ rằng, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên một danh sách các hãng luật nổi tiếng nước ngoài có kinh nghiệm trong những vụ kiện như trên.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Philippines, nhiều khả năng, lần này, Manila sẽ đề cập tới hai cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông tại bãi đá ngầm Scarborough và bãi Cỏ Rong (Reed Bank) mà Trung Quốc gọi là bãi Lễ Nhạc vì hiện tại Manila đang chuẩn bị triển khai việc khai thác một mỏ khí thiên nhiên tại bãi này.

Hồi năm ngoái, Philippines cũng đã cáo buộc các tàu của Trung Quốc quấy rối một tàu thăm dò của nước này tại bãi Cỏ Rong, đồng thời liên tục cáo buộc Trung Quốc có các hành động vi phạm tại các vùng biển tranh chấp. Còn Bắc Kinh, nhân sự kiện bãi đá ngầm Scarborough cũng tố cáo ngược lại Manila là “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc tại bãi Cỏ Rong.

Khu vực bãi đá ngầm Scarborough.
Khu vực bãi đá ngầm Scarborough.

Tuy nhiên, việc đưa vấn đề tranh chấp biển Đông lên ITLOS không hề đơn giản. Giáo sư Merlin Magallona thuộc Trường Đại học Philippines cho biết, Chính phủ Philippines không thể buộc Trung Quốc phải dàn xếp tranh chấp tại một tòa án quốc tế bởi nguyên tắc tuyệt đối của luật quốc tế cần phải có sự đồng thuận của bên đối lập khi muốn đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

Dẫu vậy, trong vụ tranh chấp ở bãi đá ngầm Scarborough, Philippines có thể “lách” bằng cách không theo đuổi việc dàn xếp tranh chấp lãnh thổ mà chỉ theo đuổi việc giải quyết vấn đề hàng hải liên quan đến vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines. Phần Phụ lục VII của UNCLOS có quy định khá chặt chẽ và đầy đủ về các vấn đề thủ tục, bảo đảm một tòa trọng tài chắc chắn sẽ được thành lập nếu một bên tranh chấp có yêu cầu. Cụ thể, phụ lục quy định rằng trong trường hợp một bên không chỉ định trọng tài hay các bên không đạt được thỏa thuận về trọng tài tham gia Tòa thì Chánh án Tòa án quốc tế về luật biển sẽ là người chỉ định trọng tài viên thay cho các quốc gia (Điều 3 Phụ lục VII). Đặc biệt, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp thiếu hợp tác, thì theo Điều 9 của Phụ lục VII, tòa trọng tài vẫn sẽ ra phán quyết ngay cả khi một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.

Trước những quy định chặt chẽ như vậy, có lẽ việc bất hợp tác trong quá trình chỉ định trọng tài hay tố tụng sẽ không đem lại lợi ích gì cho bên bị kiện. Vì thế, các nhà phân tích luật của Philippines nhận định, nếu Manila vẫn cương quyết đưa vấn đề lên ITLOS, nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ buộc phải “tỏ thiện chí” bằng cách tham gia vào quá trình thành lập tòa trọng tài cũng như trong suốt quá trình tố tụng để bảo vệ quan điểm của mình.

Riêng đối với tranh chấp ở bãi Cỏ Rong, nghiên cứu sinh luật tại Anh Nguyễn Đăng Thắng từng viết: “Bãi Cỏ Rong là một bãi chìm vĩnh viễn nằm cách Palawan khoảng 80 hải lý, cách đảo Hải Nam gần 500 hải lý và cách gần điểm nhất của quần đảo Trường Sa khoảng 35-40 hải lý. Do là một bãi chìm vĩnh viễn và với khoảng cách như vậy, bãi Cỏ Rong không thể là đối tượng chiếm hữu riêng biệt để trở thành lãnh thổ quốc gia mà chỉ có thể có quy chế thềm lục địa của một quốc gia theo UNCLOS.

Phạm vi thềm lục địa theo UNCLOS tối thiểu là 200 hải lý và có thể có kéo dài hơn đến rìa ngoài của thềm lục địa nếu rìa ngoài này vượt quá 200 hải lý. Tuy nhiên, với khoảng cách địa lý như trên và với thực tế địa mạo ở biển Đông, bãi Cỏ Rong không thể nằm trên thềm lục địa kéo dài từ đảo Hải Nam của Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia luật và các học giả nổi tiếng thế giới, nếu không có những án lệ cũng như các chuyên khảo nghiên cứu về danh nghĩa lịch sử và quyền lịch sử trong luật quốc tế, một tòa trọng tài theo Phụ lục VII sẽ khó có thể có thẩm quyền để thụ lý yêu cầu của Philippines.

Bãi Cỏ Rong nhìn từ trên cao.
Bãi Cỏ Rong nhìn từ trên cao.

Bãi đá ngầm Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham là một nhóm đảo và bãi đá ngầm có hình vòng cung, nằm ở giữa một quần đảo nhỏ và đảo Luzon, Philippines ở biển Đông. Theo bản đồ mà Hải quân Philippines cung cấp, bãi đá ngầm Scarborough nằm cách đảo Luzon khoảng 230km. Về phía Trung Quốc, vùng đất liền gần với khu vực này nhất cũng là tỉnh Hải Nam, cách khoảng 1.200km về phía Tây Bắc.

Theo trang web Wikimapia, bãi Cỏ Rong có chiều sâu tự nhiên ở chỗ cạn nhất là 9m, diện tích khoảng 6.500km². Philippines chiếm đóng vùng này năm 1971 và cùng với Thụy Điển hợp tác thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối việc làm này của Philippines và cho rằng trung tâm vùng Tablemouth, nằm cách Philippines 160km là một phần của lãnh hải Trung Quốc. Sau đó, Philippines đã cố gắng mời Trung Quốc hợp tác thăm dò mỏ dầu nhưng Trung Quốc đã từ chối. Hiện tại, tuy không có quốc gia nào đóng chiếm bãi Cỏ Rong nhưng chủ yếu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Philippines

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Biển Đông lại sắp căng thẳng?

Tuyên bố mời đầu tư nước ngoài thăm dò khai thác dầu khí của Philippines cộng với kế hoạch của tập đoàn dầu khí Forum Energy chi 80 triệu USD khoan thăm dò tại khu vực Tây Bắc đảo Palawan trong năm 2013 cho thấy nguy cơ một cuộc xung đột mới trên biển Đông.

Nhận định trên không phải không có cơ sở khi tháng 3 năm ngoái, biển Đông “dậy sóng” với hàng loạt máy bay trinh sát, tàu tuần tiễu, máy bay tiêm kích của quân đội Philippines được huy động đến khu vực Tây Bắc đảo Palawan.

Trước đó, quân đội Philippines nhận được điện thoại từ Công ty dầu khí có trụ sở tại Anh Forum Energy thông báo việc hai tàu Trung Quốc đang đe dọa tấn công tàu nghiên cứu của công ty này. Căng thẳng gia tăng tới mức Forum Energy muốn quyết định dừng thăm dò trong hai tháng.

Một năm sau, theo báo The Philippinese Star hôm qua, Forum Energy đang lên kế hoạch quay trở lại. Theo các quan chức hàng đầu của Forum Energy, công ty này sẽ đầu tư khoảng 80 triệu USD và vài tháng tới sẽ khoan thăm dò mũi đầu tiên tìm kiếm gas và dầu mỏ phía Tây Bắc đảo Palawan, khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank).

Giới quan sát cho rằng, hành động này có thể gây ra một cuộc “khủng hoảng quân sự” cho Tổng thống Philippines Aquino nếu Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ hơn. “Đây sẽ là phép thử cho quan điểm của Trung Quốc trên biển Đông”, hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Ian Storey, Viện nghiên cứu ĐNA tại Singapore nói, “ họ có thể sử dụng chiến thuật tương tự như năm ngoái, quấy nhiễu tàu thăm dò, thậm chí có thể có phản ứng mạnh mẽ hơn kể cả gửi tàu chiến đến khu vực này”.

Tuy nhiên, thời điểm năm nay sẽ khác trước khi Mỹ củng cố và gia tăng lực lượng quân sự ở khu vực và ngay tại Philippines. Sắp tới, vào cuối tháng 3, Mỹ - Philippines sẽ tổ chức tâp trận quân sự chung dự kiến ngay tại khu vực trên, điều mà Trung Quốc chắc chắn phản đối. Thậm chí, tướng Sabban, chỉ huy BTL phía Tây quân đội Philippines nói, các tàu tuần tiễu và máy bay trinh thám cần thiết sẽ được cung cấp bảo vệ các tàu thăm dò của Forum Energy tại khu vực trên.

“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ các công ty dầu mỏ trên lãnh thổ của chúng tôi”, tướng Sabban nói, “chúng tôi không thực sự là hộ tống họ nhưng chúng tôi có mặt ở đó để răn đe các lực lượng bên ngoài không quấy nhiễu”.

Mỹ - Philippines tập trận tại biển Đông năm 2011. Ảnh: Getty. 
Công ty Forum Energy cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan năng lượng và quân sự của Phillippines với hy vọng cử các tàu thăm dò dự kiến quý 4 năm nay.

“Chúng tôi biết được nguy cơ khi thực hiện việc khoan thăm dò ở đó”, Giám đốc điều hành Forum Energy Carlo Pablo nói nhưng “có kế hoạch xử lý”. Và như vậy, hoạt động cũ nhưng trong bối cảnh mới, biển Đông lại đứng trước nguy cơ chứng kiến một đợt căng thẳng khác sắp diễn ra.