Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ấn Độ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ấn Độ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

‘Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại’


Việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty VN thăm dò dầu khí ở Biển Đông hoàn toàn là hành động thương mại - Ngoại trưởng Ấn Độ nói với người đồng nhiệm TQ.

Trao đổi trong khoảng một giờ bên lề hội nghị ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC), Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và người đồng nhiệm Dương Khiết Trì nhấn mạnh cần sớm có cuộc gặp về Đối thoại Hàng hải để “xoa dịu” những điểm nóng.

Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại
Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại

Giải thích quan điểm của Ấn Độ trước khi có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Krishna cho rằng, các con đường thương mại trên những vùng biển quốc tế được mở cửa cho tất cả các nước. 

Với việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ông khẳng định, đó hoàn toàn là hành động thương mại mà không mang bất kỳ ý nghĩa chính trị nào. 

Trước đó, ngày 25/3, báo Press Trust of India dẫn lời Vụ phó Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vĩ Đông cảnh báo Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở Biển Đông vì đây là khu vực tranh chấp. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch - Khoa học - Công nghệ Ấn Độ Ashwani Kumar ngày 12/4 nhấn mạnh, Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này. Ông Kumar tuyên bố Ấn Độ có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích tài chính và chiến lược của quốc gia. 

Hôm 6/4, Ngoại trưởng Krishna cũng đưa ra phát biểu tương tự, nói rằng Biển Đông thuộc sở hữu toàn thế giới, không nước nào được can thiệp cản trở hoạt động thương mại tại đây.

Những nguồn tin chính thức cho biết, hai bộ trưởng cũng cảm thấy rằng, diễn biến các cuộc hội đàm về Trung Á, Tây Á và châu Phi cần được hoàn thành sớm. Đó là những khu vực có sự giao nhau giữa các lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên nhất trí nối lại hội đàm Ấn - Trung về Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông Dương đảm bảo với người đồng nhiệm Krishna rằng, Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Hai bên còn trao đổi về nhiều vấn đề, có trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an gồm Syria và Triều Tiên.

Ông Dương đã mời Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Trung Quốc.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông


Gọi Biển Đông là một khu vực tranh chấp, Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ kiềm chế trong việc thăm dò và khai thác dầu ở các lô giàu tiềm năng tài nguyên của Việt Nam nhằm đảm bảo “hòa bình và ổn định” trong khu vực.

"Đây là một khu vực tranh chấp. Vì vậy, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ là phù hợp để Ấn Độ tiến hành thăm dò ở đây”, tờ IBN Live dẫn lời phó phụ trách vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Duy Đồng nói.

Yêu cầu New Delhi không liên quan vào các “khu vực tranh chấp”, quan chức bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, chủ quyền các đảo ở Biển Đông là một vấn đề lớn và Ấn Độ không nên tiến hành các hoạt động thăm dò cho tới khi có giải pháp cụ thể với vấn đề.

Giàn khoan trên Biển Đông
Giàn khoan trên Biển Đông

"Chúng tôi muốn cùng phát triển trong khu vực. Chúng tôi hy vọng rằng, phía Ấn Độ không liên quan vào các tranh chấp. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ làm nhiều hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Tôn nói với một nhóm phóng viên Ấn Độ đang ở thăm Trung Quốc.

Khi được nhắc về bản chất thương mại của việc Ấn Độ tiến hành thăm dò dầu khí trong khu vực rất giàu trữ lượng dầu khí, ông Tôn trả lời, vấn đề là “rất phức tạp và Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình.

Theo IBN live, khi được hỏi tại sao Trung Quốc phản đối các dự án thăm dò của Ấn Độ ở những lô dầu khí Việt Nam trong khi các công ty Trung Quốc lại tham gia tiến hành những dự án cơ sở hạ tầng vùng tranh chấp Kashmir mà Pakistan chiếm đóng (PoK), quan chức ngoại giao Trung Quốc nói: "Đây là các vấn đề hoàn toàn khác nhau. Liên quan tới Kashmir, chúng tôi luôn nói đó là vấn đề song phương và cả Ấn Độ cũng như Pakistan phải giải quyết trên cơ sở song phương”, ông Tôn nói.

Năm ngoái, lần đầu tiên Ấn Độ đã có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông khi Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có kế hoạch thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Xung quanh vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải, Bộ Ngoại giao nước này đã tuyên bố: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp thuận của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng".

Gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Năm ngoái, cả Việt Nam và Philippines đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển này. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập, quấy nhiễu hoặc làm hư hại các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí của hai nước tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền.
Khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc đã cảnh báo các láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc Biển Đông) đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tháng 4 năm ngoái đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh. Tờ báo này không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khóa" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.

Tháng 6 năm ngoái, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, một giàn khoan nước sâu khổng lồ mang tên Marine Oil 981 đang trong quá trình thử nghiệm để chuẩn bị cho việc triển khai ở Biển Đông. Tân Hoa xã từng trích lời Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC ) rằng, Marine Oil 981 “là cơ hội tốt để củng cố nỗ lực thăm dò dầu khí nước sâu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc”.

Marine Oil 981 thậm chí được mệnh danh là “tàu sân bay” bởi kích cỡ và thiết kế chuyên dụng nhằm đối phó với những cơn sóng mạnh của Biển Đông. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, giàn khoan nước sâu sẽ được đưa tới điểm đến bằng các tàu kéo mạnh, sẽ “giúp Trung Quốc thiết lập một sự hiện diện quan trọng hơn ở khu vực phía nam rộng lớn chưa được khai thác của Biển Đông”. Chính khu vực này (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) là nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp với một số nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông, Hoàng Hải.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Ấn Độ tăng cường tập trận


Ấn Độ sẽ cùng tập trận với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong thời gian từ nay đến giữa năm 2012 nhằm cân bằng động thái tăng cường hoạt động trên biển gần đây của Trung Quốc.

Binh lính Ấn Độ chống phiến quân ở bắc Srinagar - Ảnh: Reuters
Báo Nikkei ngày 29-2 dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nhật cho biết New Delhi và Tokyo đang thảo luận kế hoạch tập trận hải quân chung vào mùa hè năm nay. Nội dung là diễn tập các chiến lược chống cướp biển trên các tuyến hàng hải quan trọng chở dầu và khí đốt từ Trung Đông. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định mục tiêu lớn nhất là để đối phó với việc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động trên biển ĐôngẤn Độ Dương.

Theo báo India Times, trong tháng 4-2012 Ấn Độ cũng sẽ tập trận chung với Mỹ trên vịnh Bengal. Nội dung là diễn tập đối phó với máy bay chiến đấu từ tàu sân bay, với việc ngăn chặn lưu thông trên biển. Cuộc tập trận thường niên này, lần thứ hai trong 10 năm qua, sẽ diễn ra ở bờ đông Ấn Độ. Lần trước là vào năm 2007 với sự tham gia của ba tàu sân bay, gần 30 tàu chiến và 150 chiến đấu cơ của Mỹ, Nhật, Úc và Singapore. Khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.

Ấn Độ gần đây cũng chi nhiều tỉ USD tăng cường sức mạnh quân sự của mình như mua thêm 126 chiến đấu cơ của Pháp, tàu ngầm hạt nhân của Nga, tàu sân bay...