Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn chủ quyền biển đảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chủ quyền biển đảo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thông điệp biển Đông từ TT Nguyễn Tấn Dũng


Hiện quan hệ Việt -Trung vẫn còn tồn tại nhận thức khác biệt về vấn đề trên biển. Hai bên cần bàn bạc, thảo luận, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hợp tác chung hai nước.

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Đó là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ hôm qua (23/10).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Mạnh Kiến Trụ bày tỏ: “hai bên cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tin tưởng vấn đề về Biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ đại cục Việt Nam – Trung Quốc”.

Cũng tại buổi tiếp, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, để giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng với thiện chí, nỗ lực của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, Việt Nam và Trung Quốc nhất định sẽ tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Cùng với đặc điểm “núi liền núi”, “sông liền sông”, trong những năm qua, các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc luôn được duy trì, giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quan hệ Việt -Trung từ lâu được các thế hệ lãnh đạo hai nước dầy công vun đắp, trách nhiệm của hai nước là phải cùng nhau phát huy, gìn giữ và đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, sâu rộng, hiệu quả. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và sẽ nỗ lực hết mình hết mình để cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai bên”.

Xử lý tranh chấp ở biển Đông một cách khéo léo, không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt – Trung, quả là không hề đơn giản chút nào. Xong từ xưa ông cha ta đã có cách ứng xử với láng giềng là phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong mọi tình huống chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết hợp lý. Yêu cầu đặt ra là làm sao thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách linh hoạt, sáng tạo, làm sao duy trì được quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

‘Việt Nam đã chuyển thông điệp quan trọng qua Luật Biển’


"Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển. Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.
- Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/6. Bộ trưởng nói rõ về mục đích và ý nghĩa của văn bản luật này?
- Là quốc gia ven biển, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển mà chỉ mới có các quy định trong một số văn bản pháp quy liên quan.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn, kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ta. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê
- Bộ trưởng cho biết khái quát về quá trình xây dựng và những nội dung chính trong Luật Biển Việt Nam?
- Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam được bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Luật Biển Việt Nam là một luật có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các Hiệp định về biển đã ký. Trong quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam, ta cũng đã tham khảo thực tiễn của các nước và cũng cân nhắc lợi ích của ta, lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông và lợi ích chung của khu vực.
Luật có 7 chương đề cập đến các nội dung chủ yếu sau: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
- Luật Biển Việt Nam quy định như thế nào về chức năng nhiệm vụ quản lý biển của các bộ, ngành?
- Quản lý nhà nước về biển là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Hiện nay, phạm vi thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, các lực lượng tham gia quản lý biển được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy liên quan và được đặt dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ.
Luật Biển Việt Nam là một luật khung quy định các nguyên tắc lớn đối với các vấn đề liên quan đến biển nên không nêu cụ thể, chi tiết chức năng của từng bộ, ngành tham gia quản lý biển. Luật khẳng định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện quản lý biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo được thể hiện thế nào trong Luật Biển Việt Nam?
- Phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật đã có trước đây, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam.
Luật quy định rõ là mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong các vùng biển của ta. Mọi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến biển, đảo của Việt Nam đều bị xử lý theo pháp luật liên quan.
- Việt Nam còn có một số bất đồng, tranh chấp về biển, đảo với một số nước láng giềng. Trong Luật Biển Việt Nam, vấn đề này được đề cập như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Luật Biển Việt Nam quy định rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ năm 1997, ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ; năm 2003, cùng Indonesia phân định thềm lục địa…
Tôi cho rằng với việc Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Chương 1 gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.
Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo…
Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài…
Chương 4 dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.
Chương 5 quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu.
Chương 6 quy định về xử lý vi phạm, bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm.
Theo Chinhphu.vn

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trường Sa – nơi máu thịt Tổ Quốc


Không ít người đang tận hưởng những giây phút yên bình với gia đình và công việc mà không hề biết rằng vẫn có nhiều người lính vẫn chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. 
Những ngày vượt sóng gió ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết, với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh, chúng tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người…  

Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao
Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tháng tư ở Trường Sa

Trường Sa những ngày tháng Tư lịch sử nắng chói chang, gió thổi nhẹ và biển lặng. Một cán bộ Quân chủng Hải quân bảo với chúng tôi: “Mùa này tranh thủ biển lặng nên Quân chủng và Bộ Quốc phòng có thể triển khai được nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Càng về cuối năm, sóng càng dữ, rất to nên khó đi hơn rất nhiều”.

Địa điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi đặt chân tới quần đảo Trường Sa là đảo chìm Đá Lát. Tiếp chúng tôi, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo rơm rớm nước mắt vì vui mừng khiến các thành viên đi trong đoàn cũng… rơm rớm theo. Các anh cười bảo: “Lâu rồi mới lại có đoàn đất liền ra thăm anh em, không vui sao được, vui đến phát khóc ấy chứ”. Những bài hát, những tiếng cười vang lên trong trẻo và giòn tan trong không gian bốn bề mênh mông nước biển và tiếng sóng rì rào.

Ở đảo chìm Đá Lát, ai cũng có thể cảm nhận được một tình cảm gắn bó như ruột thịt, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt của những con người, nếu ở trong đất liền có lẽ chỉ là những người xa lạ. Ở nơi đảo xa, nơi đầu sóng, ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, những tình cảm vốn đời thường nay trở thành phi thường, tiếp thêm động lực và là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm đóng quân tại đây.

Trong suốt chuyến hành trình hơn 10 ngày đi thăm các điểm đảo và nhà giàn DK1 của đoàn công tác, chúng tôi đặt chân tới các đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Thuyền Chài và đặc biệt là nhà giàn DK1 mới thấy cuộc sống vất vả và gian khó của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ tại đây.

Họ, những con người còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ mới mười chín, đôi mươi. Đình Chí (19 tuổi, quê Cam Lâm, Khánh Hòa) đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Tây tâm sự với chúng tôi: “Em mới ra đây hồi tháng 1 trong đợt giao quân. Ban đầu còn nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng ra đây rồi, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính nơi tuyến đầu và trên hết, nhiều tấm gương anh em trên đảo thực sự khiến chúng em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giờ đây, em yên tâm công tác và cũng hứa với đất liền rằng, mọi người có thể yên tâm ở chúng em. Còn người, còn đảo, chúng em không bao giờ có thể để ngoại xâm có thể xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Hỏi chuyện các cán bộ chỉ huy trên đảo Đá Tây mới hay, Chí là một chiến sĩ trẻ thuộc khẩu đội 12,7, Chí bắn rất chuẩn và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Câu chuyện với chúng tôi với các chiến sĩ trên đảo Đá Tây kéo dài đến sát giờ lên tàu để di chuyển đến thăm một điểm đảo khác. Chúng tôi, những phóng viên làm báo, ghi chép những câu chuyện mắt thấy tai nghe không khỏi trầm trồ, thán phục Thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh (Cán bộ xuồng máy chiến đấu CQ, đảo Đá Tây) bắt đầu là chiến sĩ Hải quân từ năm 1991. Và cũng từ đấy anh bắt đầu những chuyến công tác dài ngày trên biển và đóng quân tại các biển đảo.

Anh tâm sự: “Ngần ấy năm gắn bó với biển đảo quê hương, gần như các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta tôi đã từng có thời gian công tác, phục vụ. Từ Tiên Lữ những năm 1997 đến Thuyền Chài rồi lại Tiên Lữ, An Bang…nhiều kỉ niệm khó quên. Đã có lúc chứng kiến anh em đồng đội ngã xuống, có những lúc nguy nan nhưng chưa bao giờ thôi nghĩ mình còn sức còn phải chiến đấu, phải xứng đáng với niềm tin của “đất liền”. Và cứ như thế, tôi cũng như một con hải âu biển, đến bây giờ đã hơn hai mươi năm”.

Đến với đảo An Bang, sóng thường ngày cũng lớn hơn so với các đảo nổi khác trong quần đảo. Liên tiếp những con sóng to ào lên trùm kín cả tiểu đội chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ chắc dây buộc để chiếc xuồng của đoàn công tác thôi khỏi lắc lư. Vẫn những nụ cười ấy, ánh mắt ấy của những chiến sĩ trẻ tuổi khoác trên mình bộ quân phục Hải quân nổi bật giữa đại dương bao la và trở thành tâm điểm chú ý của những con người lần đầu tiên đến với họ. Nhưng cái bắt tay thân tình của đồng chí, đồng bào như thắp lên những tin yêu nơi họ. Và họ hát, họ tặng chúng tôi niềm tin, tặng chúng tôi quyết tâm của người lính. Những tiếng hát của các chị em văn công trong đoàn đi cùng đem đến tiếng cười, những nụ cười giòn tan y như mới ngày hôm qua trên đảo Đá Lát.

Tại cụm đảo Thuyền Chài, hình ảnh vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân xâm lăng lẫy lừng trong lịch sử và nổi tiếng hơn cả là bài thơ: “Nam quốc sơn hà” được khắc ghi quan trọng như lời khẳng định đanh thép, không chối cãi về mặt lịch sử và cả pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ trước đến nay, bất di bất dịch. Và chắc chắn, tinh thần yêu nước và những giá trị của lịch sử sẽ tiếp tục được các chiến sĩ Hải quân nước ta kế tục và tiếp bước.

Có những người hóa thành bất tử


Những năm hòa bình của thế kỷ 21 này, vẫn có nhiều người lính lặng lẽ nằm xuống trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đó là sự thật. Mười ngày ra với Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết với nhà giàn DK1, ngồi bên nấm mộ các anh – những người lính đã hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc, tôi mới hiểu cái giá phải trả cho giây phút hạnh phúc của mình và bao người.

Hầu hết những người lính đã ngã xuống đều có tuổi đời, tuổi quân rất trẻ, thậm chí có người còn chưa có người yêu. Trên mỗi hòn đảo ở huyện đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca… đều có các nghĩa trang liệt sĩ nhỏ để các anh ngày ngày ở bên cùng đồng đội, là nơi mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra tới thăm. Gọi là nhỏ vì khoảng đất đó chỉ quây quần 2-3 mộ liệt sĩ . Có rất nhiều lý do khiến các anh nằm xuống, nhưng tựu trung lại đều do nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ở nơi xa tít tắp đất liền.  

Tôi may mắn được ra với Trường Sa, bước chân ra khoảng đất kề sát biển, đầu đường băng Trường Sa Lớn, thắp hương cho những người mới nằm xuống, khi tuổi đời còn quá trẻ. Đó là  Lê Văn Tuấn, sinh ngày 2/2/1988, hy sinh 26/10/2010, quê quán: Quảng Đức, Quảng Xương, Thanh Hóa; Hoàng Văn Nghĩa, sinh ngày 3/7/1986, hy sinh 29/3/2010, quê quán: Xóm 5, Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định…Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa. Chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Thi hy sinh trong khi bơi ra dòng xoáy, cứu chiếc xuồng của đảo bị đứt dây. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Thi đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời sắp tròn 26. 

Quãng đường đi lại dài ngày, vất vả, những món quà viếng mộ cho các anh chẳng có gì nhiều mà cũng bị ảnh hưởng. Tôi nhớ hình ảnh chị Hương ở công ty cao su xuýt xoa khi những bông hoa cúc gói ghém cẩn thận thế mà cũng dần héo úa.. Trong ánh hoàng hôn chới với ở Trường Sa Lớn, tôi được thắp hương tưởng nhớ các anh, vào thời phút này, tôi đã may mắn hơn rất nhiều những người con đất Việt khác, luôn khao khát mà chưa được đặt chân đến Trường Sa lần nào, chưa bao giờ được cúi đầu trước ngôi mộ những người lính vì mỗi tấc đất, mỗi sải biển của Tổ quốc mình đã vĩnh viễn nằm lại với biển Ngồi bên các anh trong ráng chiều, tôi thêm hiểu sự hy sinh cho Tổ quốc thiêng liêng đến chừng nào. 

Trên con tàu HQ 996, qua vùng biển nhà giàn Phúc Tần DK1, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cơn bão kinh hoàng số 10 đêm ngày 4 tháng 12 năm 1990. Khi đó, nhà giàn Phúc Tần DK1 bị sóng dâng cao 14m-15m đánh nghiêng, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới và đến hơn 2 giờ sáng ngày 5 tháng 12, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển. Các tàu cứu nạn của Quân chủng Hải quân đã kịp thời đến tìm kiếm, sau 5 giờ đã cứu được 5 cán bộ, chiến sỹ. Nhưng 3 đồng chí cán bộ nhà giàn: Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, trạm phó người Hà Nội, trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Là quân y sỹ và hạ sỹ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện đã mãi mãi ở lại với biển cả. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Đông của Tổ quốc.

Tháng 12 năm 1998 lại một cơn bão số 8 rất mạnh tràn qua vùng biển DK1. Nằm trong khu vực trọng điểm của bão, trong tình thế hiểm nghèo, dưới sự chỉ huy của Trạm trưởng, đại úy Vũ Quang Chương và 8 cán bộ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, với sóng gió, vừa mệt, vừa đói rét, 9 cán bộ, nhân viên nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên vẫn kiên trì bám trụ, kiên quyết bảo vệ nhà giàn đến cùng. Trong một thời gian dài, liên tiếp gồng mình chống chọi với những trận cuồng phong.

Những cơn sóng lớn, đỉnh sóng lên tới 14-15m đánh mạnh trùm kín qua cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho cả nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng lắc mạnh. Vào 3h sáng ngày 14 tháng 12 năm 1998 nhà giàn Phúc Nguyên DK1/6 bị ảnh hưởng mạnh và bị đổ, hất cả 9 chiến sỹ hải quân trong đó có Đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng xuống biển. Ngay sau đó lực lượng cấp cứu của bộ đội Hải quân đã khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn. Đến 3 ngày sau tàu HQ 606 đã phát hiện cấp cứu được 6 chiến sỹ. Đồng chí đại úy Vũ Quang Chương, trạm trưởng, chuẩn úy chuyên nghiệp ra đa Lê Đức Hồng và chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An mãi mãi ở lại với biển khơi, thi thể các anh đã hóa thân vào với sóng, gió đại dương. 

Nhiều thành viên trong đoàn cúi đầu rơi lệ khi lời tưởng niệm như những câu chuyện khắc cốt ghi tâm, như những lời tâm sự cùng đồng đội vang lên giữa biển cả. Tất cả im lặng, trang nghiêm, thành kính. Sóng vỗ to hơn. Trời xanh thẳm hơn. Biển mênh mông hơn. Khói hương cũng như nghi ngút hơn… 

Vĩ thanh


Trên khắp các đảo nổi thuộc chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa, bất kỳ nơi nào có thể phát triển, những cây bàng vuông và phong ba vẫn vươn mình ra đón nắng mai để vươn lên mạnh mẽ khẳng định sự lớn mạnh của loài cây đặc trưng nơi đảo xa. Ở một điều kiện khắc nghiệt đến như vậy, chúng vẫn xanh tốt, ra hoa, và kết thành những quả bàng vuông vức khiến ai ra đến đảo cũng phải trầm trồ.

 Trường Sa bây giờ đã đổi khác rất nhiều, đầy đủ và tiện nghi hơn. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là  sự bất trắc, hiểm nguy ập lên vai người lính bất cứ lúc nào có khi phải trả bằng mạng sống của người lính khi chống chọi với kẻ thù lăm le cướp đảo, gồng mình chịu đựng thiếu thốn, đau ốm - bệnh tật hiểm nghèo ở những đảo nổi, đảo chìm, bãi đá, rặng san hô...

Thế nhưng, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường, anh dũng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ cười vượt qua thiếu thốn, khó khăn, gian nan và thử thách. Họ không ngại gian khổ, mất mát, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ - những người lính, người con đất Việt của hôm nay và của cả mai sau vẫn luôn chắc tay súng để đất liền yên giấc ngủ. 

Đất nước này mãi ghi nhớ công ơn các anh. Và, trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam, Trường Sa – Hoàng Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc, trong lịch sử, hôm nay và mãi mãi.

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Khẳng định chủ quyền biển, đảo từ hơn 300 hiện vật

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội vừa mở cửa phòng trưng bày "Di sản văn hóa biển Việt Nam" với hơn 300 hiện vật có niên đại trải dài từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Ðây là những hiện vật quý, mang giá trị khoa học và lịch sử rất cao, là minh chứng rõ rệt nhất, khẳng định một cách rõ ràng cơ sở lịch sử về chủ quyền biển, đảo vùng lãnh hải của Việt Nam, cũng như quá trình thực hiện liên tục và mang tính thực tế về chủ quyền đó trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Tượng đài Ðội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.
Tượng đài Ðội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.

Các hiện vật "Di sản văn hóa biển Việt Nam" được trưng bày theo ba không gian với các nội dung: Di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử tới thế kỷ 10; di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 và di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ 19 đến hiện đại. Bên cạnh những hiện vật khảo cổ học và các hình ảnh thể hiện các không gian di sản văn hóa biển Việt Nam qua các di chỉ Hạ Long ở Quảng Ninh, Quỳnh Văn, Xóm Ốc ở đảo Lý Sơn, các hiện vật văn hóa Ðông Sơn, Sa Huỳnh... phòng trưng bày còn có nhiều tài liệu khoa học như bản đồ di tích khảo cổ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồ đồng vùng duyên hải và một số đảo, quần đảo Việt Nam; bản dập hoa văn hình thuyền trên trống đồng Ðông Sơn, bản đồ con đường gia vị thời cổ đại, v.v.  Các hiện vật không những cho thấy sự phong phú về văn hóa biển Việt Nam qua các thời kỳ mà còn thể hiện sự phát triển về thương mại, giao lưu quốc tế với các nước trong khu vực đường biển ở nước ta qua các di tích, tài liệu về những cảng thị lớn  trải dài từ bắc vào nam...

Nhiều tài liệu lịch sử quý hiếm cũng đã được trưng bày một cách đầy đủ theo tiến trình lịch sử về quá trình tiến ra Biển Ðông, khai thác và khai phá các vùng biển, đảo từ rất sớm của người Việt, nhất là trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây là phần trưng bày thu hút sự quan tâm của người xem, trong đó có tấm bản đồ khảo cổ học Vân Ðồn, bản trích Ðại Việt Sử ký Toàn thư về việc lập thương cảng Vân Ðồn; bản phục chế Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn có ghi chép rõ chi tiết về việc thành lập và quá trình hoạt động của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ðặc biệt là tấm bản đồ trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630 - 1653) do Ðỗ Bá, tự Công Ðạo soạn. Tài liệu này bao gồm các bản đồ nước ta từ thế kỷ 15, trong đó có tấm bản đồ vẽ và ghi chú về quần đảo Hoàng Sa; bản đồ Ðông - Nam Á, bao gồm Biển Ðông và quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam của Blaeu năm 1635. Trong phần trưng bày từ thế kỷ 19 đến nay, người xem cũng được chứng kiến nhiều tài liệu khoa học như bản in sao Ðại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh; bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1838), trong đó nói rõ về quá trình thực hiện khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với việc cử các đội hải binh cùng các chức quan lên đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Bên cạnh đó, còn có bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Ðại thứ 13 (1939) về Hoàng Sa và bản in nội dung trang sách Ðại Nam thực lục ghi rõ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn cùng những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam...

Những hiện vật của phòng trưng bày "Di sản văn hóa biển Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bằng chứng cho thấy quá trình tham gia khai thác, giao lưu và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào lịch sử hình thành và hoạt động sôi động của hệ thống giao thương hàng hải trong khu vực và quốc tế, đồng thời là sự khẳng định mạnh  mẽ sự thật không thể tranh cãi về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Mỹ đưa siêu tàu ngầm tấn công đến Philippines


Tàu ngầm tấn công cao tốc USS North Carolina của Hải quân Mỹ đã cập cảng Subic Freeport của Philippines nằm gần bãi đá ngầm Scarborough nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc.
USS North Carolina, tàu ngầm tấn công cao tốc có khả năng tàng hình và được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
USS North Carolina, tàu ngầm tấn công cao tốc có khả năng tàng hình và được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines, Trung tá Omar Tonsay, tiết lộ thông tin trên ngày 15/5.

Theo ông Tonsay, chiếc tàu ngầm lớp Virginia cực kỳ tối tân này cập cảng Subic Freeport hôm 13/5 trong sứ mệnh bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ tại Philippines và "không liên quan gì” đến cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với bãi đã cạn hình móng ngựa không có người ở mà Philippines gọi là Scarborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.


Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, với chiều dài 350 feet và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.

Việc tàu USS North Carolina tới cảng Subic Freeport của Philippines sẽ giúp nâng cao khả năng thực hiện đầy đủ các sứ mệnh của tàu ngầm như tác chiến chống tàu ngầm, chống hạm; triển khai tấn công và chiến tranh đặc biệt cho các lực lượng tác chiến đặc nhiệm; và tiến hành các hoạt động tình báo, theo dõi, trinh sát.

Thông tin trên được đưa một ngày sau khi Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hối thúc Washington ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu tại hội thảo ở Washington ngày 14/5/2012.
Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu tại hội thảo ở Washington ngày 14/5/2012.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ cho rằng Mỹ cần đảm bảo rằng Trung Quốc không thể “tự tung, tự tác” ở Biển Đông và “muốn làm gì thì làm” trong khi các nước nhỏ hơn phải chịu tổn hại.

Theo ông McCain, Mỹ cần phải ủng hộ các nước đối tác trong khối ASEAN để họ có thể hình thành một mặt trận thống nhất và thông qua đường lối đa phương để giải quyết tình hình tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.

Lâu nay, Trung Quốc nhất mực đòi tiến hành các cuộc đàm phán song phương với các nước tuyên bố có chủ quyền biển đảo ở Biển Đông nhằm dễ bề đạt được mục đích riêng của mình.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối 90% diện tích ở Biển Đông, trong khi thực chất nước này chỉ kiểm soát khoảng 10%. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, trong đó có cả việc quấy nhiễu, đe dọa tàu thuyền của các nước khác đang hoạt động hợp pháp trên Biển Đông.

Toàn cảnh tranh chấp chủ quyền Trung Quốc – Philippines


Căng thẳng Manila - Bắc Kinh vì tranh chấp bãi đá Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông kéo dài từ ngày 8/4 mà chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí khả năng chiến tranh từng được nhắc tới.

Scarborough/Hoàng Nham là một bãi đá hình móng ngựa không có người sinh sống trên Biển Đông. Bãi đá này cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Đây là tâm điểm của căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua.

Chạm mặt trên biển


Ngày 8/4, căng thẳng phát sinh khi máy bay tuần tra Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của hải quân nước này sau đó được cử tới nắm tình hình. Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 lên tàu cá Trung Quốc kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn san hô, trai lớn cũng như cá mập sống.

Soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Ảnh: Inquirer
Soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Ảnh: Inquirer

Khi phía Philippines định bắt giữ các ngư dân và tàu cá Trung Quốc thì hai tàu hải giám của Bắc Kinh xuất hiện. Các tàu hải giám di chuyển vào vị trí giữa soái hạm Philippines và các tàu cá Trung Quốc, nhằm ngăn chặn việc bắt giữ. Tình trạng so kè này được cả hai phía duy trì.

Soái hạm BRP Gregorio Del Pilar sau đó rời đi, nhường chỗ cho hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Phía Trung Quốc cũng rút một tàu hải giám, nhưng sau đó lại điều tàu Ngư Chính 310 thuộc loại hiện đại nhất tới khu vực này. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 14/4 còn cho biết máy bay và một tàu của Trung Quốc tìm cách cản trở tàu nghiên cứu của Philippines.

Trong suốt hơn một tháng qua, cả Philippines và Trung Quốc liên tục có những sự điều động tại khu vực này. Trung Quốc hiện có 3 tàu lớn, 7 tàu cá và 23 xuồng nhỏ, trong khi Philippines có 2 tàu của Lực lượng Tuần tra Bờ biển, Cục Các tài nguyên biển và Nghề cá cùng 5 tàu cá.

Chạm mặt trên mặt trận ngoại giao


Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Vì thế, ngay sau khi vụ chạm mặt xảy ra tại khu vực này, cả Manila và Bắc Kinh đều có những động thái ngoại giao để khẳng định chủ quyền.

Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc hơn một tháng qua. Ảnh vệ tinh: Google
Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc hơn một tháng qua. Ảnh vệ tinh: Google

Ngoại trưởng Philippines, del Rosario hôm 10/4 liên lạc với đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Mã Khắc Thanh, để nhấn mạnh rằng khu vực xảy ra "va chạm" nằm trong lãnh thổ của quốc đảo Đông Nam Á. Ông Del Rosario sau đó còn triệu ông Mã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines để cùng tìm ra một giải pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Philippines nêu rõ rằng Philippines sẽ tự vệ nếu bị khiêu khích. Manila cũng đề nghị đưa vấn đề Scarborough/Hoàng Nham ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tỏ ý muốn vấn đề được giải quyết qua con đường ngoại giao. "Chúng tôi hướng tới việc tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này", ông nói. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định: "Chẳng ai có lợi nếu xung đột xảy ra".

Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng nước này có quyền chủ quyền đối với khu vực xảy ra sự việc, đồng thời yêu cầu tàu chiến của Philippines rời đi. "Chúng tôi đã đưa ra lời phản đối chính thức với phía Philippines về vụ việc tàu của nước này quấy rối các tàu cá và ngư dân Trung Quốc", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân.

Căng thẳng leo thang


Giữa tháng 4, thế bí giữa Manila và Bắc Kinh tưởng như đã được hóa giải. "Chúng tôi vừa đi tới một số thỏa thuận. Đã có tiến triển trong một số vấn đề, nhưng vẫn còn những tồn tại nhất định", ông del Rosario nói sau cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh. "Cả hai bên đều nhất trí không có bất cứ hành động nào khiến căng thẳng leo thang tại khu vực đó".

Tuy nhiên, cả Philippines và Trung Quốc đều không muốn nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, khiến căng thẳng lại leo thang sau đó. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ hôm 16/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng "không một cá nhân hay tổ chức nào được phép tiến hành những hoạt động như vậy trong khu vực nếu không được chính quyền Trung Quốc cho phép".

Căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh diễn ra trùng với thời điểm Mỹ cùng Philippines tiến hành cuộc tập trận thường niên quy mô lớn mang tên Balikatan (Kề vai sát cánh).

"Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy điều gì phía sau cuộc tập trận này và nó có thể đưa vấn đề Biển Đông rẽ sang một con đường hướng tới sự đối đầu quân sự, cũng như việc giải quyết thông qua vũ lực", bài bình luận trên tờ Liberation Army Daily của quân đội Trung Quốc có đoạn. "Thông qua cách can thiệp này, Mỹ sẽ chỉ khuấy động toàn bộ tình hình Biển Đông theo hướng gia tăng sự hỗn loạn. Điều này sẽ khó tránh khỏi việc có tác động xấu tới hòa bình và ổn định trong khu vực".

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong cuộc họp báo sau hội đàm "2 + 2". Ảnh: AFP

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Ngoại trưởng Philippines, del Rosario cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin tới Washington để tham gia cuộc gặp mặt "2 + 2" với những người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton và Leon Panetta. Sau khi trở về từ cuộc gặp này, giới chức Philippines tuyên bố có được sự bảo đảm từ Mỹ rằng Washington sẽ bảo vệ Manila nếu xung đột xảy ra. Đáp lại động thái này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng sự góp mặt của Mỹ chỉ làm phức tạp tình hình.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh hôm 7/5 tuyên bố Bắc Kinh hoàn toàn sẵn sàng đối phó tình trạng leo thang căng thẳng với Philippines. "Trung Quốc đã chuẩn bị tất cả để đối phó với bất cứ sự leo thang nào trong tình hình này xuất phát từ phía Philippines", bà Phó nói với Đại biện lâm thời Philippines Alex Chua

Bà Phó triệu ông Chua tới để đưa ra một tuyên bố rõ ràng về tình hình căng thẳng tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa hai người kể từ vụ căng thẳng trên Biển Đông. Hai lần trước là vào các ngày 15 và 18/4. "Rõ ràng là phía Philippines không nhận thấy rằng họ đang phạm những sai lầm nghiêm trọng", bà Phó nói với ông Chua.

Đáp lại tuyên bố của phía Trung Quốc, Philippines hôm 8/5 cho hay nước này đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. "Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một sự khởi đầu ngoại giao mới mà chúng tôi hy vọng sẽ có ích cho tình hình hiện nay", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết khi được hỏi về phản ứng đối với phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ông Hernandez cho biết sẽ không cung cấp thêm chi tiết về các nỗ lực của Philippines.

Nguy cơ chiến tranh?


Trong thời gian qua, trước tình hình căng thẳng gia tăng vì tranh chấp chủ quyền Scarborough/Hoàng Nham, báo chí Trung Quốc bắt đầu nói về khả năng xảy ra một cuộc chiến để giải quyết vấn đề này. Những tin đồn lan nhanh trên mạng Internet cũng cho hay Trung Quốc đã ra lệnh cho một số đơn vị quân đội nâng lên cấp hai trong 4 cấp sẵn sàng chiến tranh.

Khu trục hạm tên lửa Cáp Nhĩ Tân của hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận gần đây. Ảnh: Xinhua
Khu trục hạm tên lửa Cáp Nhĩ Tân của hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận gần đây. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó bác bỏ khả năng này. "Những thông tin cho rằng quân khu Quảng Châu, hạm đội Nam Hải và các đơn vị khác vừa bước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh là không đúng sự thật", thông báo ngắn trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay. Quân khu Quảng Châu là lực lượng chịu trách nhiệm cho khu vực mà Bắc Kinh hiện có căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Manila.

Tuy nhiên, song song với việc bác bỏ khả năng chiến tranh, Trung Quốc cũng có những động thái khá rõ ràng. Khi Mỹ và Philippines cùng tập trận, hải quân Trung Quốc cũng cùng với hải quân Nga lần đầu tiên diễn tập chung. Nhiều chiến hạm của Trung Quốc được điều động tham gia cuộc diễn tập này.

Trong khi đó, giàn khoan dầu khổng lồ Ocean Oil 981 của Trung Quốc mới đây chính thức đi vào hoạt động tại phía đông của Biển Đông sau 6 năm xây dựng. Ocean Oil 981 sẽ khoan dầu tại lô Liwan 6-1-1, cách Hong Kong khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines. Đây là một giàn khoan kiểu "nửa chìm nửa nổi". Nó hiện có thể hoạt động được ở độ sâu 1.500 m và được thiết kế để làm việc tốt tại độ sâu tới 2.371 m. Độ sâu giếng khoan tối đa của Ocean Oil 981 lên tới 12.000 m.

Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng đang đưa tổ hợp chế biến thủy sản ra Biển Đông, trong đó giữ vị trí trung tâm là tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có trọng tải 32.000 tấn. Cùng với một đội tàu hỗ trợ, Hải Nam Bảo Sa 001 chế biến được 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.

Các công ty du lịch Trung Quốc mới đây đồng loạt tạm ngừng các tour tới Philippines. Bắc Kinh còn đưa ra cảnh báo với công dân nước này đang sinh sống tại quốc đảo Đông Nam Á, đặc biệt là vào ngày diễn ra cuộc biểu tình lớn ở Manila với các khẩu hiệu đòi Trung Quốc rút tàu khỏi Scarborough/Hoàng Nham.

Căng thẳng Manila - Bắc Kinh càng được chú ý khi một người dẫn chương trình của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lỡ lời coi Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines và Trung Quốc đã kéo dài hơn một tháng mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Những diễn biến tiếp theo của vụ việc này chắc chắn sẽ còn thu hút sự chú ý của dư luận.