Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Khai thác dầu ở Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khai thác dầu ở Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

‘Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại’


Việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty VN thăm dò dầu khí ở Biển Đông hoàn toàn là hành động thương mại - Ngoại trưởng Ấn Độ nói với người đồng nhiệm TQ.

Trao đổi trong khoảng một giờ bên lề hội nghị ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC), Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và người đồng nhiệm Dương Khiết Trì nhấn mạnh cần sớm có cuộc gặp về Đối thoại Hàng hải để “xoa dịu” những điểm nóng.

Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại
Hợp tác Ấn-Việt ở Biển Đông là hành động thương mại

Giải thích quan điểm của Ấn Độ trước khi có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Krishna cho rằng, các con đường thương mại trên những vùng biển quốc tế được mở cửa cho tất cả các nước. 

Với việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ông khẳng định, đó hoàn toàn là hành động thương mại mà không mang bất kỳ ý nghĩa chính trị nào. 

Trước đó, ngày 25/3, báo Press Trust of India dẫn lời Vụ phó Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vĩ Đông cảnh báo Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở Biển Đông vì đây là khu vực tranh chấp. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch - Khoa học - Công nghệ Ấn Độ Ashwani Kumar ngày 12/4 nhấn mạnh, Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này. Ông Kumar tuyên bố Ấn Độ có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích tài chính và chiến lược của quốc gia. 

Hôm 6/4, Ngoại trưởng Krishna cũng đưa ra phát biểu tương tự, nói rằng Biển Đông thuộc sở hữu toàn thế giới, không nước nào được can thiệp cản trở hoạt động thương mại tại đây.

Những nguồn tin chính thức cho biết, hai bộ trưởng cũng cảm thấy rằng, diễn biến các cuộc hội đàm về Trung Á, Tây Á và châu Phi cần được hoàn thành sớm. Đó là những khu vực có sự giao nhau giữa các lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên nhất trí nối lại hội đàm Ấn - Trung về Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông Dương đảm bảo với người đồng nhiệm Krishna rằng, Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Hai bên còn trao đổi về nhiều vấn đề, có trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an gồm Syria và Triều Tiên.

Ông Dương đã mời Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Trung Quốc.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Việt - Nga khai thác dầu khí ở Biển Đông là đúng luật


Bộ Ngoại giao khẳng định rằng dự án của Việt Nam và Nga sẽ hoạt động trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi có tin Trung Quốc đòi Nga ngừng khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Petro Vietnam - Gazprom
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam Phùng Đình Thực tặng quà cho Chủ tịch Gazprom Miller A.B trong lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: PVN

"Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói trong cuộc họp báo hôm nay.

Theo ông Nghị, các dự án nói trên đều phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). "Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở pháp luật của Việt Nam", ông Nghị nêu rõ. "Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài tại Việt Nam".

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là để trả lời cho câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc gần đây yêu cầu Nga dừng khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm 5/4 ký thỏa thuận liên doanh khai thác khí đốt với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) tại Biển Đông. Gazprom sẽ nắm 49% cổ phần của dự án này, trong khi số cổ phần còn lại do Petro Vietnam nắm giữ.

Giàn khoan dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông.
Giàn khoan dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: PVN

Gazprom và Petro Vietnam sẽ tiến hành khai thác khí đốt tại hai lô 05.2 và 05.3 ở Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng tổng trữ lượng khí đốt của cả hai mỏ này ước tính lần lượt ở mức 55,6 tỷ m3 và 25,1 tỷ tấn khí ngưng tụ.

Ngày 15/12/2009, Gazprom và Petro Vietnam đã cùng ký thỏa thuận đối tác chiến lược, trong đó nhấn mạnh hai tập đoàn nhất trí tiếp tục phát triển các mỏ năng lượng tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Lương Thanh Nghị cũng nói về vụ việc 21 ngư dân và hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ.

"Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam với phía Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau", ông Nghị cho hay. "Trung Quốc cần tôn trọng lập trường và sớm đáp ứng những yêu cầu của Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước".

21 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại sứ Trung Quốc để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam, và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Về vụ "va chạm" giữa soái hạm Philippines và hai tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông, ông Nghị cho biết: "Chúng tôi quan tâm tới vụ việc này và cho rằng các bên liên quan cần tránh làm phức tạp tình hình, làm ảnh hưởng tới hòa bình ổn định tại Biển Đông cũng như ở khu vực".

Chiến hạm lớn nhất BRP Gregorio Del Pilar của Philippines mới đây có vụ chạm mặt với hai tàu hải giám của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, cách bờ tây đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 124 hải lý. Manila và Bắc Kinh đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vụ việc này, dù đều không muốn nhượng bộ.