Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Khánh Hòa: Rộn ràng mang lộc biển về đất liền

Tại cảng cá Hòn Rớ- cảng cá Nam Trung Bộ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), những ngày đầu xuân không khí trở nên rộn ràng khi hàng chục chuyến tàu đánh bắt xa bờ trong dịp Tết đã trở về bên cạnh đó là hàng chục tàu khác lên đường ra khơi.

Lộc biển đầu năm - Ảnh Chinhphu.vn

Cảng Hòn Rớ là cảng cá lớn nhất khu vực chuyên phục vụ cho ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… khai thác tại vùng biển Trường Sa. Chính vì vậy những ngày đầu năm mới, cảng trung bình đón khoảng 30 chiếc tàu cập bến. Sau hơn hai mươi ngày khai thác và đón giao thừa trên vùng biển Trường Sa, những ngày đầu năm, các tàu câu cá ngừ đại dương, lưới cản lần lượt trở về cảng.
Các chủ tàu cho biết, mỗi tàu câu mang về khoảng 2 tấn cá ngừ còn tàu lưới cản thì mang về khoảng trên dưới 10 tấn cá sọc dưa, cá thu, cá dưa gang. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương loại 1 lên đến 170 ngàn/1kg, cao hơn trước Tết 15%.

Bên cạnh đó, hàng chục tàu thuyền cùng lần lượt ra khơi. Ngày mùng 6, mùng 9, ngày 16 tháng Giêng là những ngày được các chủ ghe cho là ngày tốt để xuất quân bám biển. Ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ chia sẻ, không khí ra khơi rộn ràng lắm, chúng tôi phải trực liên tục trong các ngày đầu năm để đón, tiễn tàu.

Ông Mai Đình Phúc, đội trưởng ngư đội Trường Sa, chủ tàu KH 91539TS (TP. Nha Trang) cho biết: Thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2 là mùa cá ngừ đại dương, ngư đội chúng tôi cũng chuẩn bị tập hợp anh em lấy đá, lấy dầu để đi chuyến đầu năm. Trong ngư đội một số đã ra quân vào mùng 9 Tết, số còn lại sẽ đi trong thời gian tới. So với những tháng cuối năm thì chuyến đi biển đầu năm có phần suôn sẻ hơn.

Năm 2011, sản lượng qua cảng cá Hòn Rớ đạt 17 nghìn tấn, tăng khoảng 20% so với năm trước, hầu hết các tàu đều đủ chi phí và có lãi. Hiện nay, rất nhiều ngư dân đã được các Nhà nước hỗ trợ về thông tin liên lạc, kinh phí bám biển xa, tổ chức liên kết sản xuất. Chính vì vậy, các ngư dân các tỉnh đã hình thành hàng trăm tổ đội sản xuất, mỗi tổ từ 5-7 tàu để bám biển Trường Sa. Khánh Hòa đã thành lập hai ngư đội Song Tử Tây và Trường Sa để bám biển.
Theo Chính Phủ

Trường Sa: Khoang đầy cá, niềm vui đầu năm

Tuy ra vào bến khó khăn do cửa biển bị bồi lấp, nhưng ngày 8/2 (17 tháng Giêng) hai tàu câu cá ngừ đại dương đầu tiên của ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) cập bến an toàn, trong khoang đầy cá. Cùng ngày, bốn tàu câu cá ngừ đại dương cuối cùng cũng đã xuất bến ra khơi.

Chuyển cá ngừ đại dương từ tàu PY92719TS vào bờ - Ảnh: A.NGỌC

Sau một tháng ra khơi thực hiện chuyến đánh bắt xa bờ, sáng 8/2 tàu câu cá ngừ PY92719TS, công suất 90CV của ông Trần Văn Lại cùng 11 lao động ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cập bến an toàn tại cảng cá phường 6. Ông Lại phấn khởi cho biết, ra khơi từ ngày 9/1 (16 tháng Chạp), đánh bắt tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, đến 9g sáng 8/2, được sự hướng dẫn của Ban lạch Phú Câu, tàu của ông vượt qua cửa Đà Diễn một cách thuận lợi, cập cảng phường 6 an toàn, mang theo hơn 60 con cá ngừ đại dương, trọng lượng trên 2,5 tấn và nhiều loại thủy hải sản khác. Theo ông Lại, sau khi trừ chi phí 150 triệu đồng, còn thu lãi gần 300 triệu đồng…

Cùng chung niềm vui như tàu của ông Lại, tàu cá PY92044TS của ông Trần Cư cở phường 6 cũng cập bến an toàn. Ông Trần Cư cho biết: “Tàu có công suất 160CV, xuất bến từ ngày 10/1, chi phí chuyến này hơn 150 triệu đồng. Sau gần một tháng ra khơi, 10 lao động trên tàu câu được hơn 70 con cá ngừ đại dương, trọng lượng khoảng 3 tấn. Chuyến biển đầu năm này gặp nhiều thuận lợi, ra khơi gặp luồng cá, biển êm… Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 360 triệu đồng”. Ông Trần Minh Hận ở phường 9 (TP Tuy Hòa), làm việc trên tàu cá PY92044TS, cho biết: “Sau khi trừ các khoản phí tổn của chuyến biển, mỗi thợ bạn như chúng tôi được chia hơn 15 triệu đồng (chưa kể phần câu riêng các loại cá khác). Ông Trần Cư cho biết thêm, dự tính cho thuyền viên nghỉ ngơi khoảng 4-5 ngày sẽ tiếp tục để kịp xuất bến trong thời gian sớm nhất, vì hiện nay cá đang xuất hiện nhiều ở các vùng biển nước ta.

Theo kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân, trong và sau tết thường là thời điểm đánh bắt được mùa nhất trong năm.

Ông Lê Văn Lợi, Chủ cơ sở thu mua hải sản của DNTN Lợi Anh tại cảng cá phường 6 cho biết, dự tính trong những ngày tới, mỗi ngày có từ 3-4 tàu câu cá ngừ cập bến, xuất bán khoảng 1-2 tấn cá/ngày, với giá trên dưới 170.000 đồng/kg. Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trưởng trạm kiểm soát Đà Rằng, thuộc Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết, cũng trong ngày 8/2 có bốn tàu cuối cùng trong tổng số 187 tàu câu cá ngừ của ngư dân phường 6 ra khơi trong mùa biển năm 2012, gồm các tàu: PY92143TS của ông Lê Sim, PY92050TS của ông Nguyễn Văn Thái, PY90955TS của bà Phạm Thị Lệ và tàu PY90576TS của ông Phạm Lánh, cùng ở phường 6.
Theo Phú Yên Online

Sẽ là chỗ dựa tin cậy của ngư dân

Ban Chỉ đạo - Vận động phát triển đoàn viên, thành lập thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá tại Phú Yên vừa được thành lập. Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Trọng Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo, chung quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Trọng Danh - Ảnh: N.HÂN

* Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập tổ chức nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh?

- Hiện nay, tàu thuyền đánh cá trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong tỉnh, đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các vấn đề về an toàn lao động và nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trên biển chưa được quan tâm bảo vệ. Đặc biệt là gần đây, sự mất an toàn về tính mạng, tài sản, nguồn lợi trên biển của người lao động đang có chiều hướng gia tăng do tranh chấp trên biển Đông, khiến cho việc hành nghề của ngư dân đánh bắt xa bờ ngày càng khó khăn và nguy hiểm. Do vậy việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá cho người lao động trên biển ở thời điểm này là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn không chỉ về chính trị, về tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc mà còn giúp nhau nâng cao năng lực khai thác, hỗ trợ cứu nạn cứu hộ khi gặp rủi ro trong quá trình đánh bắt.

Mục tiêu mà LĐLĐ tỉnh hướng đến khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá là tập hợp ngư dân làm việc trên tàu thuyền trong tỉnh vào nghiệp đoàn để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để họ biết và tự giác chấp hành. Điều đó sẽ khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, biết tự bảo vệ mình trong hành nghề và trong cuộc sống; bảo vệ người lao động biển khi có những tranh chấp ngư trường và những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản; tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự gắn kết của nhiều tàu thuyền và nhiều lao động biển khi tổ chức đánh bắt xa bờ. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá còn góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đoàn tàu, các tập đoàn đánh bắt xa bờ trong chiến lược phát triển biển đảo, trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

* Bà con ngư dân có quyền lợi và nghĩa vụ gì khi tham gia nghiệp đoàn này, thưa ông?

- Khi gia nhập nghiệp đoàn, đoàn viên được hưởng một số quyền lợi cơ bản như: được tổ chức công đoàn hướng dẫn việc làm hợp đồng lao động với chủ tàu theo quy định của pháp luật; được cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp luật Việt Nam khi hành nghề trên biển; được tổ chức công đoàn ưu tiên trợ giúp khó khăn khi gặp thiên tai, rủi ro theo các quy định của Chính phủ và của Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam; được tham gia các hoạt động do nghiệp đoàn tổ chức như: văn hóa, văn nghệ, thể thao; được tổ chức công đoàn thăm hỏi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, hiếu, hỉ, lễ, tết…

Đồng thời, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chấp hành hợp đồng lao động đã ký kết; tuân thủ những quy định của chủ tàu, của Bộ đội Biên phòng và các quy định quốc tế về Luật Biển năm 1982; nâng cao ý thức, tích cực tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, đoàn viên nghiệp đoàn; đóng đoàn phí theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) có nghiệp đoàn nghề cá, giúp bà con ngư dân an tâm vượt sóng xa khơi, yên tâm bám biển - Ảnh: N.HÂN

* Những khó khăn trong quá trình triển khai thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở tỉnh là gì, thưa ông?

- Nghiệp đoàn nghề cá là mô hình mới, Phú Yên là một trong bốn tỉnh được chọn làm thí điểm nên có nhiều việc còn gặp lúng túng trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của một số cơ quan ban ngành về chủ trương thành lập nghiệp đoàn chưa nhiều nên ban vận động tỉnh gặp khó khăn trong công tác phối hợp. Đối tượng vận động là ngư dân, đời sống của họ còn nhiều khó khăn, hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thường xuyên bám biển, hành nghề còn lệ thuộc vào thời tiết, không chủ động lịch tàu ra khơi, cập bờ nên việc thông tin liên lạc, tổ chức tiếp xúc tuyên truyền vận động ngư dân vào nghiệp đoàn còn trở ngại.

* Sau khi thành lập, nghiệp đoàn nghề cá sẽ hoạt động như thế nào?

- Phú Yên có 7.228 tàu thuyền khai thác thủy sản và 25.750 lao động ngư nghiệp nên việc thành lập nghiệp đoàn sẽ tiến hành từng bước, chú trọng thực chất, làm cho ngư dân thấy được rằng, nghiệp đoàn ra đời sẽ mang lại lợi ích thiết thân cho họ. Trước mắt, chúng tôi thí điểm vận động kết nạp từ 50 đoàn viên trở lên và thành lập một nghiệp đoàn nghề cá tại TP Tuy Hòa vào giữa tháng ba tới, sau đó sơ kết rút kinh nghiệm, nhân diện rộng để phát triển từ 60% trở lên số ngư dân làm việc trên các tàu khai thác hải sản vào tổ chức công đoàn, thành lập ở mỗi xã, phường ven biển hoặc mỗi lĩnh vực khai thác hải sản một nghiệp đoàn.

LĐLĐ tỉnh không kỳ vọng nghiệp đoàn nghề cá trong một sớm một chiều sẽ đổi đời cho đoàn viên. Nhưng nếu những việc làm thiết thực nói trên được duy trì và nhân rộng thì chúng tôi tin rằng, trong một thời gian không xa, nghiệp đoàn nghề cá sẽ trở thành mái ấm, là chỗ dựa tin cậy của ngư dân Phú Yên.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Phú Yên Online