Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn Vùng 4 Hải quân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vùng 4 Hải quân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Sóng chồng lên sóng


Trường Sa mùa biển động

Con tàu HQ 936 của Vùng bốn Hải quân đã có hơn ba mươi ngày lênh đênh trên sóng nước và đã có hơn hai phần ba thời gian của hành trình vượt bão tố để mang Tết đến với những người lính đảo. Có mặt cùng các cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), phóng viên đã ghi lại nhật ký từ chuyến hải hành vượt sóng này.
Hát trên boong tàu đang vượt sóng...

Về với biển

Vì chưa một lần được lênh đênh trên biển, hôm nhận được công văn đi Trường Sa, tôi háo hức lắm! Háo hức cứ như là đứa trẻ con được bố mẹ cho đi du lịch vậy. Nhưng, biết tôi đi Trường Sa, một vài bạn bè lo: “Trường Sa sóng cả, mệt mỏi lắm đấy!”. Ngày 15/12/2011, theo kế hoạch, chúng tôi - những nhà báo - đã được bố trí trên ba con tàu để “lênh đênh” theo ba hướng nhằm Trường Sa rẽ sóng.

Đêm đầu tiên ở Nhà khách Vùng bốn Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa), tôi không sao ngủ được. Biển ngoài kia, gần lắm với Nhà khách, vẫn ầm ào sóng. Không ngủ được, tôi chỉ nằm trằn trọc và nghĩ nhiều thứ. Trong đầu cứ lơ mơ một điều gì đó không rõ về biển. Biển lúc dữ dội, lúc yên bình, nhưng vô cùng rộng lớn. Ừ, thì biển rộng nhường kia…

Tôi trở dậy và mở cửa phụ bước ra lan can căn phòng. Trời chưa sáng hẳn. Phía bên kia, ngay trong tầm mắt tôi là hàng dương khẽ rung trong gió sớm. Tôi bỗng nhớ chuyện hồi nhỏ: Lũ trẻ con chúng tôi thường hay ra chơi đủ thứ trò ở một bờ dương trên đồi cát ven làng. Làng tôi cách biển đến năm bảy cây số gì đó. Lũ con trai thường hay leo lên những cây dương liễu cao nhất để nhìn về biển. Hàng dương cao lắm, nhưng không đủ cao để chúng tôi nhìn thấy biển. Thằng Còn là đứa con trai lém lỉnh nhất trong nhóm. Nó leo lên một cây thấp tịt nhưng lại reo lên: “Kìa! Biển kìa! Tao nhìn thấy biển rồi!”. Cả nhóm nhao lên và chạy đến gốc cây liễu có thằng Còn đang đong đưa ngược đầu xuống đất. Cả nhóm tranh nhau trèo lên. Có đứa còn leo cao hơn thằng Còn và hỏi: “Đâu? Biển đâu? Sao tao không thấy?”. Thằng Còn vẫn cố cãi: “Thì đấy! Biển đấy! Biển kia kìa! Biển rộng quá trời kia kìa!”. Tôi không tin thằng Còn nhưng cứ mong là nó nhìn được biển, vì nghe nói biển rộng lớn lắm.

Lúc này đây, mặt trời đã bắt đầu ló rạng trên biển. Mặt trời đẹp quá, và biển cũng đẹp quá! Tôi khẽ thốt lên: “Thì biển rộng nhường kia mà…”. Ngồi trước chiếc máy tính, tôi không nhìn thấy biển nhưng chắc chắn một điều là tôi không giống như thằng Còn bạn bè lúc nhỏ ranh mãnh lừa lũ chúng tôi bằng câu: “Tao nhìn thấy biển rồi!”.

Ngày 15/12/2011, đúng 17 giờ, cả ba con tàu của Vùng bốn Hải quân là HQ 936, HQ 996 và Trường Sa 22 cùng xuất phát từ cảng quân cảng Cam Ranh trực chỉ Trường Sa theo ba hướng giữa, Bắc và Nam.

Sáng 16/12/2011, tôi đã trải qua đêm đầu tiên lênh đênh trên biển sóng với con tàu HQ 936. Tước khi hành quân, thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nói với tôi: “Tàu nào cũng thế, bắt đầu xuất phát vào lúc 5 giờ chiều, đi suốt đêm, rồi tiếp tục chạy cả ngày mai, và rồi lại chạy nguyên một đêm nữa, đến sáng ngày tiếp theo thì sẽ cập vào hòn đảo đầu tiên trong những đảo mà chúng ta sẽ đến”. Có lẽ, với mọi người, vấn đề thời gian không quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là làm sao chống chọi lại cơn say của sóng biển.

Chiều tối đầu tiên trên biển, sau khi rời quân cảng Cam Ranh được khoảng nửa tiếng đồng hồ thì tàu bắt đầu “đánh võng”. Đó là lúc chúng tôi dùng cơm tối trên tàu. Bữa cơm chưa kịp kết thúc, thì mọi người đều đã lăn ra sàn. Cũng cần nói thêm, phòng chúng tôi ở là phòng của Máy trưởng M2.

Ngày đầu tiên, quả thực là tôi không hình dung nổi mức độ sóng biển giữa trùng khơi khủng khiếp đến nhường này. Thỉnh thoảng, bởi tò mò, tôi nhỏm dậy nhìn biển qua ô cửa sổ tròn trong phòng. Biển chỉ một màu xanh thẫm dẫn đến một nơi tít tắp nào đó. Và sóng, dẫu giữa trùng khơi, nhưng vẫn bạc đầu, lớp từng lớp dâng cao ập vào mạn tàu một cách hung tợn. Bước ra lan can, tôi bắt gặp nhiều anh lính trẻ chọn ngay chính lối đi để ngồi và cố gắng chống lại cơn say của sóng biển.

Bình minh từ biển

Buổi sáng hôm sau thức dậy, tôi vội chạy đến ô cửa tròn của con tàu HQ 936 để nhìn về hướng Trường Sa. Chỉ mịt mùng sóng nước. Vậy là đã có liên tục hai đêm và một ngày chúng tôi lênh đênh trên mênh mông biển cả. Cả hai buổi sáng vừa rồi với lần thức dậy cuối cùng (khoảng 5 giờ sáng), tôi đều hướng mắt ra bên ngoài ô cửa sổ hình tròn của con tàu để mong được một lần giữa trùng trùng biển khơi, giữa mông mênh xanh ngắt một màu của sóng cả, tôi lần đầu tiên được nhìn thấy mặt trời mọc lên từ lòng đại dương. Tuy nhiên, mấy buổi sáng liền của chặng đầu hành trình, qua ô cửa tròn của con tàu đang lênh đênh dập dềnh sóng nước, tôi chỉ thấy ngút ngát một màu xanh, xanh đến hút tầm mắt, kéo đến tẩn tận đẩu đâu bên kia bờ sóng.

Mùa này biển động! Có lẽ bởi thế, nên giữa nơi trùng trùng biển khơi này rồi mà sóng vẫn cứ bạc đầu. Con tàu HQ 936 từ chiều hôm 15 đến 17/12/2011 đã có gần bốn mươi tiếng đồng hồ chạy liên tục trên biển với gần như một hướng nên chắc chắn giờ này nó đang ở đâu đó giữa biển khơi cách khá xa đất liền rồi.

Con tàu đã xa đất liền gần bốn mươi tiếng đồng hồ nhưng hiện vẫn cứ chao đảo một cách dữ dội trên sóng nước. Trước khi đi, nhiều người hỏi tôi: “Mùa này biển động, liệu sức có chịu nổi không?”. Suốt gần bốn mươi tiếng đồng hồ đầu tiên đó, tôi phần nào ý thức hơn cái sự “động” của biển thông qua sự chao đảo, ngả nghiêng của con tàu.

Rồi, buổi sáng tiếp theo đó, qua ô cửa sổ hình tròn, tôi lại thấy sóng vẫn bạc đầu trùng trùng điệp điệp chồng lên nhau, nối đuôi nhau, giẫm đạp nhau, hòa vào, rồi tách ra… tung bọt trắng xóa. Sóng biển giữa trùng khơi cứ thế ầm ào đập vào mạn tàu. Nhưng, con tàu vẫn cứ gan lì rẽ sóng lướt tới.

Tôi đoan chắc rằng, những ai sống trên dải đất hình chữ S này đều cảm nhận được ý nghĩa khi lần đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc lên từ mũi Cà Mau hoặc ở ải Nam Quan địa đầu. Con tàu HQ 936 vẫn nhằm hướng Đông trực chỉ. Và có lẽ bởi vậy, chỉ có bên mạn tàu, qua ô cửa sổ hình tròn, tôi đã nhìn thấy những hạt nước li ti lấp lóa vỡ ra từ những con sóng bạc đầu giữa trùng khơi để ngẫm ngợi về chuyện được nhìn thấy mặt trời mọc lên từ lòng đại dương.

Và, tôi nghĩ, chắc chắn trong hành trình gần một tháng theo dự kiến này, tôi không chỉ nhìn thấy “ảnh xạ” mặt trời qua ô cửa kính hình tròn của con tàu đang đưa tôi lênh đênh giữa lòng đại dương mênh mông để đến với biên đảo Trường Sa thân yêu như tôi vừa nhìn thấy và đã kịp nhận ra “ảnh xạ” đó!

"Hành khúc chiến sĩ Trường Sa

Ta là chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa

Giữa bão tố phong ba, đảo vẫn là nhà

Theo tiếng gọi của quê hương, đất nước

Cùng về đây chung lòng bảo vệ đảo Trường Sa"

Theo Thanh tra