Trang

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Chung tay giu gin bien dao


Hơn 30 kiều bào trở về từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có chuyến đi lịch sử đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc – Trường Sa – từ ngày 18 đến 26-4

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”. Lời bài hát vẫn cứ ngân vang trong lòng hơn 30 kiều bào sau hành trình 9 ngày đến với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sơn Đông, Đảo Lớn, nhà giàn DK1… Họ đến với đảo để được tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Họ đã cùng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các linh hồn chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.

Những người con trở về


Ông Võ Đăng Quốc, Việt kiều Đức, từng làm việc cho Công ty Siemens và nay là thành viên CLB Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều thuộc Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết chuyến đi của ông thật tuyệt vời.
Ông thật sự bất ngờ khi gặp ở Trường Sa toàn màu xanh bát ngát trên các đảo, người dân và chiến sĩ không lo thiếu nước, rau xanh trong hoàn cảnh khắc nghiệt của hải đảo. Là một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, ông bày tỏ mong muốn được góp công sức, cung cấp các máy lọc nước biển thành nước ngọt để giúp cho quân, dân sống trên các đảo có thể yên tâm sinh sống, vững tin gìn giữ biển đảo của quê hương.
Tuy không phải là lần đầu tiên ra Trường Sa nhưng anh Điện Văn Hùng đến từ Romania vẫn không giấu được xúc động khi đi thăm các ngôi mộ liệt sĩ ở đảo Nam Yết. Anh tâm sự: “Dù chúng ta cố gắng bù đắp bao nhiêu vẫn không thể đền đáp hết được công lao những chiến sĩ quên mình vì chủ quyền Tổ quốc. Tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh để sau chuyến đi này sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với bà con nhằm chia sẻ và giới thiệu cho mọi người cùng biết”.

Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát
Các kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Lát. Ảnh: QUEHUONG ONLINE

Cũng như Hùng, ca sĩ hải ngoại Lệ Hằng tâm sự sẽ mang những băng video, tranh ảnh về khoe với gia đình, bạn bè của bà ở California, nơi bà sinh sống. Trên tất cả, điều mà bà muốn khoe nhất vẫn là tình cảm của chiến sĩ và đồng bào Trường Sa dành riêng cho mình. Ở đâu, ca sĩ Lệ Hằng cũng cố gắng hát “hết công suất”, cứ chiến sĩ nào yêu cầu là bà lại cất cao giọng, hát cho đến khi không thể hát được nữa.
“Được trở về với biển đảo quê hương là một vinh dự và tôi thật sự xúc động khi mang tiếng hát lời ca đến với các chiến sĩ” – ca sĩ Lệ Hằng tâm sự. Lệ Hằng kể ở đâu bà cũng được đón chào nhiệt tình như một người thân trong gia đình. Khi bà hát, có người đuổi muỗi cho bà, rồi có chiến sĩ còn muốn trang điểm cho bà khi bà đã quá mệt vì hát nhiều. “Chuyến đi này thật đặc biệt. Tôi rất hạnh phúc khi được trở về quê nhà, về với Trường Sa thân yêu ” – Lệ Hằng thốt lên.

Cùng xây dựng quê hương


Chồng ca sĩ Lệ Hằng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng, mang tâm trạng của người con tha hương đã lâu, nay được trở về mái nhà xưa. Ông cảm thấy ân hận vì đã gần 36 năm mới đặt chân lên nơi mình đã sinh ra. “Tôi là một người Việt Nam bỏ đất nước ra đi dù là trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng sao đất nước thống nhất lâu rồi tôi lại không về? ” – ông Hùng tự hỏi.
Từng tham gia quân đội Sài Gòn, ông Hùng đã rời bỏ quê hương và không muốn quay lại bởi những thông tin mù quáng và bị bưng bít. Thế nhưng, sau 9 ngày về với đất mẹ, ông đã hiểu mình bị lừa dối. Ông tâm sự: “Ai cũng sung sướng được đặt chân lên hải đảo thiêng liêng nhưng với tôi còn thêm cảm giác ăn năn của một người con từng bỏ đất nước đang quay về tạ tội”.
Làm việc cho một trang mạng, ông Hùng đã liên tiếp gửi hàng chục bài viết, hàng ngàn tấm ảnh và video lên đó. Ông cho biết bước chân về Việt Nam, ông cảm thấy quê hương thật sự thanh bình suốt 37 năm. Theo ông, giờ là lúc “cần đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” để cùng bắt tay xây dựng quê hương, giữ gìn biển đảo.

Tại lễ cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ trên đảo Gạc Ma, đại diện cho cộng đồng Hồi giáo Việt Nam ở Ninh Thuận, ông Issa Tâm xúc động nói ông cảm thấy rất gần gũi với các chiến sĩ trên đảo và muốn được ở lại cùng với họ nơi đầu sóng ngọn gió để chia sẻ đắng cay, ngọt bùi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, thay mặt đoàn đã trồng những cây bồ đề trên các đảo nổi. Đoàn công tác cũng mang theo những nắm cát mang về từ dãy Himalaya để trao cho trụ trì chùa Song Tử Tây, đại diện đảo Nam Yết và Trường Sa Lớn.

500 triệu đồng ủng hộ quân, dân Trường Sa

Đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa cùng với một số kiều bào ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha ngày 1-5 đã chuyển số tiền hơn 500 triệu đồng ủng hộ quân, dân quần đảo này.
Nhiều kiều bào cho biết sẽ tiếp tục vận động bà con ở hải ngoại hưởng ứng đợt phát động “Vì biển đảo thân yêu” của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét