Sáng 10-6, tàu HQ-571 cập cảng Cát Lái (TP.HCM), kết thúc chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2012” (từ 30-5 đến 10-6) thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Giờ chia tay khi đoàn hành trình về đến cảng Cát Lái, TP.HCM |
Đó là chuyến hành trình tràn ngập cảm xúc yêu thương và tinh thần trách nhiệm.
Mang rau xanh đến đảo chìm
Có mặt trong chuyến hành trình lần này, Trịnh Quang Vinh – Ban cán sự Đoàn ĐHQG và Lê Viết Hoa – SV khoa sinh Trường ĐH KHTN TP.HCM, đã mang theo lỉnh kỉnh những giá trồng rau, mỗi giá gồm bốn khay trồng, chiều dài 1m, chiều ngang 0,3m. Hai bạn là đồng tác giả đề tài “Nâng cao sản lượng rau trồng bằng phương pháp khí canh (sử dụng kỹ thuật phun sương để kích thích cây ra rễ mà không cần dùng đất trồng – PV) cho quần đảo Trường Sa”. Công trình đã đoạt giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2009 và sau đó được Thành đoàn TP.HCM chọn làm công trình thanh niên năm 2011, từ đó cho ra đời công trình rau xanh cho đảo chìm vào mùa mưa.
Trịnh Quang Vinh cho biết đến thời điểm này, công trình rau xanh cho đảo chìm đã triển khai được ở bốn đảo Đá Tây, Đá Đông, Tốc Tan và Đá Lớn. Hai loại rau phù hợp với cách trồng này là cải củ để ăn lá, thu hoạch sau khi gieo 6-7 ngày và rau muống, khoảng chín ngày, khi cây rau già hơn rau mầm một chút. Mỗi khay sẽ thu hoạch 1,3kg rau. Nhờ hệ thống đèn chiếu sáng ở mỗi khay, cách trồng này có thể triển khai trong tầng hầm hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.
Lê Viết Hoa cho biết mong muốn công trình này về lâu dài sẽ được triển khai ở tất cả các đảo chìm, cùng với đó là một quy trình khép kín sẽ được điều chỉnh thông qua việc thay khung inox bằng một loại hợp kim khác có thể chống gỉ, sét. Các đảo sẽ tự nhân hạt giống để gieo trồng.
“Hành trình hạnh phúc!”
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đào Hữu Vinh (khoa hóa Trường ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội) đã thốt lên như vậy sau khi chuyến hành trình kết thúc. Ở tuổi 74, ông đã được đi nhiều nước trên thế giới, khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng ước nguyện cuối cùng của đời ông là được một lần đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng. Ông vác balô tham gia chuyến hành trình với niềm háo hức. “Sóng gió trên đường đi chỉ là thử thách quyết tâm về lòng yêu Trường Sa của mình. Sự háo hức đã át đi nỗi sợ, lo lắng trong tôi”, ông nói.
Đêm trước ngày tàu HQ-571 khởi hành đi Trường Sa, ông thao thức cả đêm nghĩ đến giây phút được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời. Đi đến đâu ông cũng cầm tay chiến sĩ hỏi thăm ân cần. Câu chuyện về cậu lính trẻ có mẹ đang ốm nặng ở quê, khi được hỏi có nhớ nhà không chỉ đáp lại bằng nụ cười, là hình ảnh ông mang về đất liền để sẻ chia với con cháu của mình biết thế nào là tinh thần thép của chiến sĩ hải quân VN.
Trong hành trình đi thăm 11 đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn, ông chỉ bỏ lỡ một đảo vì “chậm chân hơn một chút”. Hôm đến thăm các chiến sĩ ở nhà giàn DK1, ông leo đến cùng từng bậc thang, để đến thăm các chiến sĩ trước cái nhìn ái ngại của nhiều người.
Ông bảo cuộc đời mình coi như đã mãn nguyện. “Hai lần hạnh phúc trong đời tôi là chuyến đi Trường Sa lần này và lần được cùng các anh em làm công việc mạ vàng lên câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trong lăng của Người vào năm 1975”, ông cho biết. Trong balô của mình, ông luôn cất giữ tấm hình chụp ông và những cộng sự đã cùng làm việc trong lăng Bác như báu vật của đời mình. Và giờ đây, báu vật ấy chắc chắn sẽ có thêm những tấm ảnh về Trường Sa thân yêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét