Trang

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Chào cờ ở Trường Sa


Một buổi sáng giữa tháng 5-2012 tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đại biểu “Góp đá xây Trường Sa” đã được tham dự một sự kiện đặc biệt hiếm có trong cuộc đời: chào cờ, hát quốc ca và xem nghi thức duyệt đội ngũ trang trọng bên cột mốc chủ quyền.

Thành viên chuyến tàu “Góp đá xây Trường Sa” chào cờ ở đảo Sơn Ca - Ảnh: T.T.D.
Thành viên chuyến tàu “Góp đá xây Trường Sa” chào cờ ở đảo Sơn Ca - Ảnh: T.T.D.

Ngay tại khu vực đường băng mát lộng gió của sân bay Trường Sa, tất cả đại biểu, quân và dân đứng nghiêm trang. Sau khi đảo trưởng báo cáo và mời cấp trên dự lễ chào cờ, nhạc quốc ca vang lên. Cờ Tổ quốc đỏ tươi bay giữa trời Trường Sa xanh ngắt. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/Đường vinh quang xây xác quân thù..., lời hát hào hùng, mạnh mẽ như có thép, như truyền lửa từ những người lính đảo và những người dân trên đảo sang người ở đất liền. Tiếng hát của họ cùng hòa vào nhau trong từng từ, từng lời. Lọt thỏm giữa biết bao người lớn có một cậu bé mặc áo yếm hải quân - công dân tí hon của Trường Sa - đứng nghiêm, say sưa hát quốc ca hùng hồn, dõng dạc. Đôi mắt trong veo trẻ thơ hướng về quốc kỳ đầy mãnh liệt.

Rưng rưng xúc động

“Những ngày còn ở trên biển và cả khi về bờ, khi nhắm mắt lại thì hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ đến là lá cờ Tổ quốc, là chủ quyền và nghĩ đến gương mặt, đôi mắt cương nghị của những người đang ngày đêm giữ lá cờ ấy. Tôi đã được xem bức ảnh chụp thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và đồng đội - những người đã đưa con tàu HQ505 lên ủi bãi và giữ được đảo Cô Lin trước họng súng của đối phương tháng 3-1988. Các chú ngày ấy còn rất trẻ, gương mặt rất hiền, trong sáng nhưng đôi mắt rất cương nghị mà nói như anh Hải (đại tá Đặng Minh Hải) là “những đôi mắt như thắp lửa khơi xa”. Khi đến đảo nào của Trường Sa tôi cũng bắt gặp ánh mắt đó trên những gương mặt cũng còn rất trẻ. Họ đã cho tôi niềm tin về thế hệ những người chiến sĩ hải quân ngày hôm nay...” - ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV) nói.

Người phụ nữ đứng trước chúng tôi đã không thể hát trọn câu, lấy khăn lau nước mắt và đôi vai chị cứ run lên... Lễ chào cờ nào lại không nghiêm trang và thiêng liêng. Cũng là bài quốc ca ấy, cũng là màu cờ ấy, lá cờ ấy nhưng khi hát ở Trường Sa, những cảm xúc mãnh liệt khó gọi thành tên cứ trào dâng mạnh mẽ. Hát quốc ca ở Trường Sa, dễ dàng nhận ra rằng “thiêng liêng” không còn là tính từ trừu tượng nữa, đang hiện hữu, rất cụ thể, rất sống động trong từng nhịp đập, từng hơi thở. Hiển hiện trong từng lời hát là dáng hình của biết bao thế hệ dựng nước, giữ nước trong chiều dài lịch sử của một đất nước hay bị nạn xâm lăng nhưng không bao giờ chịu khuất phục.
“Trong cuộc đời mình, tôi đã mấy trăm lần hát quốc ca nhưng khi chào cờ ở vùng đất xa xôi của biên cương Tổ quốc, không gian làm từng lời ca trở nên thiêng liêng, làm tôi thật sự cảm xúc. Tôi vừa hát vừa khóc. Nhìn quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong gió, trong nắng của bầu trời Trường Sa, tôi cảm nhận được sự vĩ đại của đất nước mình, dân tộc mình; sự hi sinh của cha ông, lớp lớp thế hệ đi trước. Để bảo vệ được giang sơn này, dân tộc ta đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Cũng ngay lúc đó, tôi cảm nhận được trách nhiệm của mình sâu sắc hơn” - ông Nguyễn Mậu Chi (tổng giám đốc Công ty Bia Huế, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế) xúc động nói.

“Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân VN, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc... hi sinh tất cả vì Tổ quốc VN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN... Xin thề!”... Giữa rì rầm sóng, lồng lộng gió và mênh mang nắng Trường Sa, mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên đầy dõng dạc và mạnh mẽ. Mỗi lần đọc xong một lời thề, hai tiếng “xin thề” vang lên như sóng dậy. Lần lượt từng khối cán bộ, chiến sĩ của đảo và các lực lượng đóng quân trên đảo thực hiện nghi thức duyệt đội ngũ.

Thượng tá Đinh Văn Hải - đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn - cho biết: “Việc chào cờ được thực hiện đều đặn theo từng cấp: cấp đảo (gồm quân, dân và các lực lượng đóng quân trên đảo) cứ một tháng một lần vào thứ hai của tuần đầu tiên. Còn cấp cụm chiến đấu và khối đảo bộ thì cứ sáng thứ hai hằng tuần đều nghiêm túc thực hiện lễ chào cờ”. Anh Hải cũng cho biết thêm sau lễ chào cờ, đảo còn tặng quốc kỳ cho các đoàn đại biểu, đoàn công tác mang về đất liền để ở nơi trang trọng nhất: phòng truyền thống. Đó là những lá cờ được cán bộ, chiến sĩ treo trên đảo, qua sương gió, mưa nắng của Trường Sa đã bị phai bạc, cũ kỹ nhưng với những người từ đất liền, đó là món quà vô giá, là kỷ vật thiêng liêng của Trường Sa dành cho đất liền.

“Chú hải quân con”


Đại tá Đặng Minh Hải - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân VN - kể: “Trong lần chào cờ và duyệt đội ngũ ở đảo Trường Sa Lớn năm 2011, tôi đã chứng kiến một hình ảnh rất bất ngờ và cảm động. Ấy là khi quân và dân đang chào cờ, một đội quân đang đi diễu duyệt thì đằng sau có một cháu bé mặc áo yếm hải quân cũng đi đều bước, chân sải dài đi theo rất nghiêm trang. Hình ảnh đó khiến tôi xúc động bởi cách biểu hiện tình yêu Tổ quốc rất trong sáng, hồn nhiên và tự nhiên như máu thịt của cháu bé. Hình ảnh đó cũng làm tôi nghĩ đến những “chú hải quân con” trên đảo, tiếp nối thế hệ cha ông mình giữ lấy biển trời Tổ quốc”.

“Chú hải quân con” ấy là bé Nguyễn Chin Si, con trai của anh Nguyễn Xuân Yên và chị Trần Thị Hoa, một trong những hộ dân sống trên đảo. Si là học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trường Sa (thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Cháu rất thích đội mũ hải quân, mặc áo yếm hải quân để được như các chú bộ đội. “Bé cứ thích mặc đồ như các chú bộ đội nên mình phải nhờ người thân trong đất liền mua giúp mấy bộ hải quân ra cho cháu. Bé thích lắm, đi đâu cũng mặc” - chị Hoa kể.

Chin Si còn cố gắng để thật giống tác phong của các chú bộ đội. Khi văn công biểu diễn, bé cũng mặc “quân phục” hải quân ngồi ngay hàng ưu tiên dành cho lính đảo, nghe rất chăm chú. Các chú bộ đội đi huấn luyện, Si cũng đòi đi theo. Khi các chú bộ đội huấn luyện điều lệnh, Si cũng có mặt, cũng học theo, làm theo rất chăm chỉ và nghiêm túc. “Chin Si thích ở với các chú bộ đội, thích sinh hoạt với các chú lắm: cùng ăn uống, nghỉ ngơi, học tập. Ngày nghỉ cuối tuần bé cứ quấn quýt với các chú suốt, nhiều khi ngủ lăn ra, các chú phải cõng bé về cho bố mẹ” - anh Đinh Văn Hải, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, cho biết.

Si cũng như những đứa trẻ lớn lên ở đảo, gây bất ngờ cho biết bao người khách từ đất liền ra, khi nghe các bé hát Khúc quân ca Trường Sa hùng hồn, dõng dạc và đầy “lửa”. Những giọng hát trẻ thơ non nớt với ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên nhưng khiến người lớn phải rơi nước mắt khi cảm nhận được khí chất của người lính đảo đã thấm vào máu, vào tim, đã truyền vào lời hát của các bé và cảm động bởi tình yêu Tổ quốc rất hồn nhiên của những đứa trẻ ở Trường Sa. “Lớn lên con sẽ là chú bộ đội giữ đảo” - Si nói nở nụ cười trong veo, trong như bầu trời Trường Sa sáng hôm ấy, khi quốc ca vang lên giữa trùng khơi sóng nước...

Hoàng Sa đến Trường Sa


Trên chuyến tàu chở bạn đọc báo Tuổi Trẻ ra khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A có một cô gái mang cái tên rất đặc biệt: Huỳnh Hoàng Sa. “Em trai tôi là Huỳnh Trường Sa. Bố mẹ tôi đặt tên hai quần đảo của VN cho hai đứa con với mong muốn các con lớn lên có thể đi xa quê hương lập nghiệp. Và đó cũng là cách để nhắc chúng tôi luôn nhớ về biển đảo đất nước mình” - Sa giải thích. Cô gái sinh năm 1989 người Phú Yên này tốt nghiệp Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2011. Hoàng Sa chính là cô gái đã viết đơn tình nguyện xin được ra Trường Sa dạy học vào tháng 9-2011.
Từ những bài viết, những hình ảnh trên báo Tuổi Trẻ, tình yêu biển đảo, yêu Trường Sa đã ngấm vào tâm hồn Sa. Thế nên, khi đang là sinh viên năm 4 - năm cuối cùng của thời sinh viên - trong khi nhiều người đang phân vân tìm chỗ này chỗ nọ, Sa đã có ý định sẽ dạy học ở Trường Sa. “Mỗi người đều mong muốn làm gì đó đóng góp cho Trường Sa. Tôi chọn cách ra Trường Sa để gần hơn cuộc sống ở đó, để được dạy học cho những em nhỏ vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi so với trẻ em TP, đất liền” - Sa nói.
Khi biết tin chỉ có hai giáo viên được chọn và đều là nam, cô khóc sưng cả mắt. Được đi Trường Sa là khao khát của Sa từ lâu. Khi có mặt trên chuyến tàu “Góp đá xây Trường Sa” vào tháng 5-2012, Sa không giấu được niềm vui cứ bừng lên trên gương mặt. “Đây là chuyến đi rất có ý nghĩa với mình - Sa nói - Tôi đã được chứng kiến những tình cảm thiêng liêng của mỗi thành viên trên chuyến tàu này dành cho Trường Sa, được tham dự hai buổi lễ tưởng niệm rất xúc động. Khi nhìn vòng hoa trắng kết từ những bông hoa nhỏ thả xuống mặt biển, tôi bỗng nghĩ đến tấm lòng của hàng triệu người dân VN, cùng kết tinh và hội tụ trên chuyến tàu này trong công trình Góp đá xây Trường Sa”.
Hoàng Sa đang là giáo viên tiểu học tại Q.11. Cô cho biết: “Khi được tận mắt thấy những khó khăn, gian khổ của người lính đảo càng thôi thúc tôi thực hiện ước mơ của mình. Từ đây tới lúc lập gia đình, nếu Trường Sa có tuyển giáo viên nữ, tôi sẽ tình nguyện đi ngay. Tôi đi dạy không chỉ là dạy mà đang tích lũy kinh nghiệm để có cơ hội sẽ dạy cho các em nhỏ ở Trường Sa”. Khao khát được dạy học ở Trường Sa không chỉ để “làm một điều gì đó đóng góp cho Trường Sa” mà còn có một lý do rất dễ thương: để chứng minh tình cảm của Sa với người cô yêu - đang là chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét