Được đánh giá là “rốn dầu và khoáng sản” trên biển Đông, các vấn đề liên quan đến chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xem là một trong những vấn đề an ninh quan trọng bậc nhất của thế kỷ 21.
Theo một vài ước tính, trữ lượng dầu ở khu vực này có thể sánh ngang với Qatar. Thêm vào đó, có lẽ quan trọng hơn, vùng biển xung quanh hai quần đảo này là một trong những tuyến đường biển đông đúc, nhộn nhịp nhất thế giới.
Vì lẽ đó, biển Đông giữ vai trò chi phối hàng đầu đối với nền kinh tế khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Một giả thiết là nếu khu vực này bất ổn bởi những tranh cãi quyết liệt từ lâu liên quan đến chủ quyền các đảo xung quanh biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khiến giao thông trên biển bị cản trở, tất yếu hoạt động thương mại hàng hải trong khu vực, vốn chiếm tới 90% hoạt động thương mại toàn cầu sẽ bị đình trệ. Hệ quả kéo theo còn khủng khiếp hơn là nền kinh tế thế giới bị tàn phá.
Do đó, trên danh nghĩa đảm bảo sự an toàn cho các dòng chảy thương mại và sự ổn định trong khu vực, không chỉ các quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp biển Đông mà nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia vào "trò chơi trên biển".
Quân sự hóa khu vực
Là khu vực tồn tại nhiều tranh chấp về chủ quyền, bất cứ xung đột nào trên biển Đông hiện nay cũng có thể sẽ đẩy cả thế giới đến bên bờ vực chiến tranh; khi tất cả các quốc gia trong khu vực và thậm chí, các cường quốc bị lôi kéo vào một cuộc chiến để bảo vệ cho lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp của họ.
Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy sự nổi lên của khuynh hướng quân sự hóa trong khu vực, đặt ra nhiều thách thức cho châu Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Nhiều quốc gia trong khu vực đang có xu hướng quân sự hóa, đặc biệt là cho hải quân. Ảnh: China.news. |
Chẳng hạn, tháng 12/2011, Công ty Daewoo của Hàn Quốc giành được hợp đồng đóng ba tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel trọng tải 1.400 tấn cho Jakarta. Trước đó, năm 2007, Jakarta bắt đầu tìm kiếm các đối tác đóng ba tàu ngầm trên trong nỗ lực gia tăng sức mạnh cho hải quân.
Một động thái đáng chú ý khác là, năm ngoái Việt Nam công bố mua 6 tàu ngầm lớp Kilo – một loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel và điện của Nga. Lô tàu ngầm này sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2014.
Trước đó một vài năm, Ấn Độ cũng đặt một đơn hàng mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga.
Tương tự như các quốc gia trong khu vực đã chính thức tuyên bố chủ quyền và có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên biển Đông - Trung Quốc, Philippines, Brunei và Malaysia... – Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, vừa đặt bút ký nhiều thỏa thuận nhằm gia tăng đáng kể sức mạnh cho Hải quân.
Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng ký các thỏa thuận tập trận chung với nhau, với cường quốc số 1 thế giới là Mỹ và “tay chơi” khu vực - Ấn Độ. Các liên minh đang được hình thành trong khu vực nhằm để đối trọng với ý đồ bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông.
Nhật Bản, cường quốc trong khu vực cũng đang có nhiều dấu hiệu tích cực hơn và bắt đầu hợp tác quân sự với Philipines. Cả hai vừa tập trận chung với vai trò trung tâm sẽ là lực lượng hải quân.
Lý giải cho động thái trên của Nhật chính là việc 90% nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này muốn vào được nội địa đi qua biển Đông.
Tương tự như vậy, Australia cũng đang xúc tiến kế hoạch đóng 12 tàu ngầm mới để thay thế cho 6 tàu ngầm lớp Collin sắp hết thời. Đặc biệt là, nếu Australia vì quá nóng lòng mà quyết mua một lô các chiến hạm được đóng sẵn bởi các đối tác châu Âu, hạm đội tàu ngầm của Australia sẽ tăng lên gấp ba lần.
Ngoài ra, sự kiện máy bay giám sát P-8 Poseidon của Tập đoàn Boeing chính thức ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 cũng hứa hẹn sẽ tác động mạnh mẽ đến an ninh khu vực. Ấn Độ đã “xí ngay” 12 chiếc còn Không quân Hoàng gia Australia thì đang trong quá trình cân nhắc nhưng theo một nguồn tin nội bộ, cũng sẽ sớm đặt hàng.
Quan ngại về tình hình Biển Đông và sự trỗi dậy của Trung Quốc rõ ràng đang làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, dẫn đến việc Mỹ phải điều chỉnh đáng kể chính sách đối ngoại.
Tổng thống Obama vào hồi tháng 11/2011 phát biểu: “Bằng quyết định thận trọng và chiến lược, như là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đảm nhận trọng trách lớn hơn và dài hạn hơn nữa trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó".
Để chứng tỏ mình không nói suông, ngay sau đó, Chính quyền Obama thỏa thuận với Canberra để mở một căn cứ hải quân Mỹ tại Darwin, Australia hồi tháng 11 năm ngoái và dễ dàng đạt được mục tiêu này.
Theo dự tính ban đầu, đây sẽ là “nhà” của khoảng 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ, giúp tổng số quân nhân nước đóng trong khu vực tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, con số trên vẫn thua xa tổng số khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại các cơ sở quân sự ở Nhật Bản, 28.000 ở Hàn Quốc và 38.000 ở Hawaii.
Giới chức Mỹ cho hay, tại thời điểm tháng 9/2011, có khoảng 22.000 thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại châu Á – Thái Bình Dương, tăng 20% so với năm ngoái. Hải Quân Mỹ thậm chí còn tăng tới 80% với 18.302 quân nhân.
Trước bối cảnh trên, tháng 1/2012 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin kêu gọi các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương gạt bỏ "tâm lý chiến tranh Lạnh" trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp trong khu vực.
Căng thẳng trên Biển Đông có thể được hóa giải?
Tầm quan trọng chiến lược của biển Đông đối với Trung Quốc theo Asia Times, lớn hơn gấp đôi so với các quốc gia khác. Việc kiểm soát được tuyến đường biển đông đúc và nhộn nhịp bậc nhất thế giới dẫn đến khả năng cho phép hoặc từ chối sự ra vào của tàu thuyền trong khu vực cũng như quyền khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào tại đây sẽ giúp con rồng châu Á thỏa mãn cơn khát năng lượng.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định việc Mỹ tái cam kết thực hiện vai trò lớn hơn nữa trong khu vực là sự đáp trả cho tuyên bố hồi năm 2010 của Bắc Kinh rằng Biển Đông là khu vực "lợi ích cốt lõi quốc gia" của họ.
Trước đó, Trung Quốc chỉ thường sử dụng thuật ngữ trên khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia cảm thấy tuyên bố trên là dấu hiệu cho bước chuyển đổi chính sách đối ngoại đáng kể của Trung Quốc và buộc họ phải chỉ ra sách lược đối phó phù hợp.
Song song với sự chuyển đổi chiến lược, Trung Quốc bắt đầu chỉ ra các dấu hiệu khiêu khích và hiếu chiến hơn. Hàng loạt các sự cố hàng hải quốc tế thời gian qua là minh chứng cho điều đó.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt bài bình luận trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng có thể chứng minh nhận định trên.
Có thể dễ dàng chỉ ra một ví du như bài bình luận có tiêu đề “Đã đến lúc dạy cho các quốc gia xung quanh biển Đông một bài học” đăng trên Global Times.
Thông qua bài bình luận trên, không khó để nhận ra sự gia tăng đáng kể của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đối với các vấn đề hệ trọng quốc gia. Do đó, khó mà hi vọng Trung Quốc nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Để tránh xung đột, các biện pháp xây dựng lòng tin về mặt quân sự (như trong Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc năm 2010 đề cập) giữa Mỹ và Quân đội Giải phóng Nhân dân cần phải được hai bên đặt lên làm mối quan tâm hàng đầu. Thêm vào đó, các cuộc đối thoại khu vực cũng cần được xúc tiến và mở rộng lớn hơn về quy mô.
Có thể những giải pháp trên không giúp giải quyết triệt để các tranh chấp trên biển Đông hay không phải là giải pháp để giảm các căng thẳng đang gia tăng trong khu vực này, nhưng chúng sẽ đóng vai trò nhất trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột mở rộng.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là, trong một năm qua, các quốc gia trong khu vực và Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng nhằm mục đích ngăn chặn căng thẳng leo thang thành các cuộc xung đột làm tổn hại đến lợi ích các bên.
Tuy nhiên, theo Asia Times, để đạt được hiệu quả thiết thực và rộng lớn hơn, các thỏa thuận song phương như trên cần phải mở rộng phạm vi ra toàn khu vực, trở thành các thỏa thuận đa phương. Điều này phụ thuộc nhiều vào thiện chí và sự hợp tác của Trung Quốc bởi con rồng châu Á có xu hướng thích đối thoại song phương hơn. Lý do là, trong các cuộc đối thoại song phương, Trung Quốc luôn chiếm giữ ưu thế, vượt trội so với đối thủ, do đó, có thể dễ dàng đạt được những điều khoản có lợi nhất cho mình.
Tuy nhiên, một khó khăn là, giống như bất cứ cường quốc mới nổi nào, chiến lược của Trung Quốc hiện nay đối với khu vực là chia rẽ và áp đặt sự ảnh hưởng thông qua “cây gậy và củ cà rốt kinh tế”.
Chiến lược này của Trung Quốc có nguy cơ gây ra các bất đồng giữa các quốc gia châu Á, làm suy yếu vị thế và các liên minh giữa họ. Toan tính này giúp con rồng châu Á loại trừ khả năng các nước nhỏ và yếu hơn trong khu vực liên kết với nhau đối phó với họ trong một cuộc chiến không cân sức David và Goliath.
Tuy nhiên, việc Mỹ chuyển đổi chiến lược, cam kết thực thi vai trò rộng lớn hơn ở châu Á – Thái Bình Dương có tác dụng cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực, phá vỡ vị thế thống trị trước đó của Trung quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái của nó. Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực ngày càng gia tăng thì nguy cơ chiến tranh lạnh Trung – Mỹ cũng tăng theo, thậm chí, có khả năng bùng lên thành xung đột nóng đẩy cả thế giới đến bên bờ vực chiến tranh nếu cả hai không thể kìm chế và xóa bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau nhằm hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi mà mỗi bên tuyên bố.
Tuy nhiên, kịch bản xung đột có thể không xảy ra nếu cả Trung Quốc lẫn Mỹ coi trọng quan hệ hợp tác song phương, đặt sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa hai bên lên làm mối quan tâm hàng đầu.
Song một thực tế là, hiện nay quan ngại ngày càng cao liên quan đến việc các quốc gia trong khu vực đều đang cố gia tăng các khả năng quân sự, đặc biệt là các khả năng của Hải quân; bầu không khí căng thẳng tại các cuộc đối thoại và một viễn cảnh kinh tế không chắc chắn cũng như sự thiếu hụt các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên đang khiến căng thẳng tại biển Đông trên đà leo thang.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét