Bài học “Phát huy cao nhất những vũ khí” từ chiến thắng trận đầu được Hải quân Nhân dân Việt Nam kế thừa, áp dụng lập nên nhiều chiến công hiển hách trong mùa xuân 1975.
Ba bài học từ chiến thắng trận đầu
Ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi của ta, mỗi tàu chỉ có 2 ngư lôi, súng máy 14,5mm, đã tấn công tàu khu trục Mỹ Maddox nặng 2.000 tấn, trang bị đủ loại từ đại bác 127mm, pháo 40mm, 5 dàn ngư lôi, thủy lôi, buộc tàu này phải rút chạy khỏi vùng biển Thanh Hóa.
Ba ngày sau, 5/8/1964 bộ đội hải quân phối hợp với các lực lượng phòng không và vũ trang địa phương ở Hòn Gai – Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Vinh – Bến Thủy (Nghệ An) và cảng Giang (Quảng Bình) đập tan 64 cuộc tập kích của máy bay Mỹ từ 2 tàu sân bay, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, lần đầu tiên bắt sống phi công Mỹ.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Trinh, hiệu trưởng đầu tiên Trường Sĩ quan Hải quân, chỉ huy trưởng đầu tiên của Vùng 5 Hải quân, từ chiến thắng trận đầu, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam non trẻ đã nhanh chóng những bài học quý báu. Đó là:
- Luôn luôn giữ vững bản lĩnh chiến đấu, dám đánh, biết đánh;
- Cảnh giác, phán đoán đúng, kịp thời phát hiện âm mưu, hành động của đối phương;
- Phát huy cao nhất những vũ khí, trang bị có trong tay và vai trò của quần chúng, của bộ đội chủ lực với địa phương.
Trong đó, bài học thứ ba được Hải quân Nhân dân Việt Nam áp dụng thành công trong các chiến dịch giải phóng đảo Song Tử Tây và các đảo trên quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu và các đảo ở vùng biển Tây Nam...
Tận dụng tàu cá và … tàu gỗ
Ngày 14/4/1975, đặc công hải quân cùng 3 tàu vận tải phối hợp đặc công quân khu 5 đã giải phóng đảo Song Tử Tây và nhiều đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đem lại kinh nghiệm đầu tiên cho các trận đánh giải phóng đảo gần bờ, góp một mũi tiến công trong Mùa Xuân đại thắng 1975.
Nhiệm vụ tiếp theo của một lực lượng hải quân là cùng các đơn vị quân khu 5 và địa phương tỉnh Ninh Thuận, giải phóng Cù Lao Thu, còn có tên là đảo Phú Quý (nay là huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận).
|
Biên đội gồm ba tàu 673, 674, 675 chở quân ra giải phóng Trường Sa. |
Lúc này, các tàu hải quân chủ yếu đã di chuyển vào phía nam tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, một số tàu đi xa hơn về nam mũi Cà Mau. Lực lượng và tình trạng đối phương trên đảo có 1 liên đội nghĩa quân, 1 trung đội cảnh sát, 800 tàn quân từ đất liền chạy ra (gần 1.000 tên đông nhưng không mạnh), có 2 tàu tuần tiễu bảo vệ đảo. Ta quyết định dùng bộ binh có 1 đại đội, 1 phân đội đặc công nước của quân khu 5 và 43 chiến sĩ bộ đội địa phương Ninh Thuận. Hải quân có tàu 643, trưng dụng 3 tàu cá của thành phố Nha Trang và 1 thuyền gỗ để chở bộ đội.
Tối 26/4/1975, các tàu quân sự, dân sự và thuyền của ta đến vị trí tập kết, 1h50 ngày 27/4 bí mật đổ bộ từ nhiều hướng triển khai tiến công. Tới 5h15 phút đồng loạt nổ súng, sau hơn 1h chiến đấu đã làm chủ Cù Lao Thu. Ngoài khơi Cù Lao Thu, tàu 643 bắn bị thương 1 tàu địch, buộc 1 tàu khác phải rút chạy.
Thắng lợi trận Cù Lao Thu, về mặt hải quân đã đem lại kinh nghiệm về tổ chức đánh chiếm cù lao trên biển gần bằng lực lực hỗn hợp tàu thuyền quân sự, dân sự trong thời gian chuẩn bị gấp vì từ khi nhận lệnh ngày 22/4 đến khi hoàn thành trận đánh là 6 ngày.
|
Bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Song Tử Tây. |
Hướng về vùng biển Tây Nam sóng gió
Ngày 1/5/1975, trên giao nhiệm vụ cho hải quân, nhanh chóng đưa một lực lượng xuống miền Tây Nam Bộ để: tiếp quản các vùng 3, 4, 5 duyên hải của Hải quân VNCH gồm các cứ Cát Lở, Năm Căn, Phú Quốc và các vùng 4, 5 sông ngòi, gồm các căn cứ Đồng Tâm, Bình Thủy; nắm nhật cụ thể tình hình các quần đảo và đảo ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt các đảo giáp ranh với Campuchia và Thái Lan…
Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã giao nhiệm vụ cho trung tá Nguyễn Thế Trinh làm chỉ huy trưởng, trung tá Nguyễn Văn Lắm làm chính ủy lực lượng hải quân hảnh quân xuống miền Tây Nam Bộ. Ngày 6/5, phó tư lệnh hải quân Hoàng Hữu Thái xuống trực tiếp chỉ huy lực lượng, đến ngày 8/5 khi các đơn vị đã tâp hợp ở Rạch Giá chuẩn bị hành quân ra Phú Quốc (cách 60 hải lý) đồng chí Thái giao nhiệm vụ cho đồng chí Trinh. Tại Phú Quốc từ 9/5, ban chỉ huy nhận tin Khơ me đỏ đã chiếm một số đảo ở miền tây, đe dọa chiếm đảo Phú Quốc.
Khi đó, tại Phú Quốc có trên 300 sĩ quan và thủy thủ của Hải quân VNCH. Do bộ đội ta luôn giữ vững tư thế, tác phong chính qui có kỷ luật nghiêm, có kiến thức từ mái trường xã hội chủ nghĩa, lại rất khiêm tốn, giản dị nên đã nhanh chóng cảm hóa, vận động lực lượng có chuyên môn trở lại làm việc. Lực lượng kỹ thuật này giúp nhiều cho tác chiến trên đảo xa ở vùng biển Tây Nam. “Hải quân chế độ cũ rất nể bộ đội hải quân của ta vì ai cũng sáng sủa, đều tốt nghiệp tú tài”, ông Nguyễn Thế Trinh nhớ lại.
Phú Quốc vừa được giải phóng nhưng tình hình lúc đó khá căng thẳng. Khi đó, Khơ me đỏ cho quân chiếm các đảo Phú Dự, Tiên Mối, Kiến Vàng, Keo Ngựa. Ngày 5/5/1975, Khơ me đỏ đổ quân lên đảo Phú Quốc, Hòn Thơm nhưng bị lực lượng vũ trang huyện đảo Phú Quốc chặn đứng, chúng phải rút ngay. Từ ngày 6-10/5/1975, chúng đổ bộ chiếm Hòn Ông, Hòn Bà, Thổ Chu… chiếm đảo nào chúng đều đưa dân ta rời khỏi đảo, xây dựng tuyến phòng thủ, dự định chiếm tiếp các đảo Hòn Buông, Hòn Chuối, Hòn Khoai sát bờ của ta, nếu được sẽ quay lại chiếm Nam Du, Hòn Tre, Bà Lụa, Hòn Thơm, Phú Quốc, hoàn thành chiếm tuyến đảo Tây Nam… kết hợp trên bộ hòng tiến đánh 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ
Lấy chính nghĩa cách mạng thu phục nhân tâm và tận dụng phương tiện, con người của chế độ cũ, Hải quân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo ở Tây Nam Tổ quốc.
Tận dụng phương tiện, con người của chế độ cũ
Để chuẩn bị cho trận đánh then chốt để phá tan kế hoạch chiếm dãy đảo Tây Nam của Khơ me đỏ, ta đã tập trung, khẩn trương chuẩn bị nhiều mặt, và nhất là không quên bài học “phát huy cao nhất trang bị hiện có”. Từ ngày 10/5, bên cạnh việc tiếp nhận trang bị từ miền bắc đưa vào ta đặc biệt coi trọng việc tận dụng tàu, xưởng và nhân viên kỹ thuật của chính quyền cũ.
Cụ thể đã sắp xếp lại đội ngũ kỹ thuật của xưởng sửa chữa tàu 58 (Phú Quốc) để công nhân nhân đi làm trở lại, xưởng nhanh chóng hoạt động. Đồng thời, Quân khu 9 được đề nghị sớm bàn giao xưởng 55 (Bình Thủy) để phục vụ kịp thời chiến đấu.
Năm 1973, Khi Mỹ rút quân, chúng cho mang theo hầu hết các phương tiện, dụng cụ của công nghệ hàn, cắt nhôm. Số công nhân có tay nghề cao cũng đi nơi khác. Thời gian đó công nghệ này ở ta và một số nước cũng chưa phát triển, chỉ mới tán đinh ghép đóng một số tàu tốc độ cao. Ở xưởng Phú Quốc chúng không kịp đưa dụng cụ đi, nhưng số thợ nhôm đã về huyện An Biên, ta tìm đưa họ về để khôi phục các tàu PCF vỏ nhôm (PCF – tàu nhỏ tuần tiễu ven biển tốc độ cao, Mỹ mới trang bị cho Hải quân VNCH giai đoạn cuối chiến tranh) và sửa chữa phục hồi các tàu khác.
|
Tàu PCF của chế độ cũ. |
Ngày 17/5, xưởng 58 khôi phục được 4 tàu PCF, 4 tàu chuyên chở đổ bộ gồm 2 tàu LCM–6 loại nhỏ và 2 tàu LCM–8 loại vừa, tổ chức sắp xếp biên chế cho từng tàu, gồm nhân viên lái, thợ máy, pháo thủ do số hải quân chế độ cũ đảm nhiệm, bên cạnh có thủy thủ ta; chỉ huy tàu do cán bộ ta chỉ huy.
Ủy ban quân quản Phú Quốc hạ quyết tâm chiến đấu, lấy lực lượng hải quân là chính, nhanh chóng giải phóng Thổ Chu, đảo xa nhất và cũng đông quân địch nhất, không chờ đợi. Điểm rất thuận lợi là địa hình, tình hình địch trên đảo Thổ Chu được nhân dân cung cấp kết hợp trinh sát của ta.
Rất cảm động khi ngày 18/5 có 2 thiếu niên 15 và 13 tuổi, là 2 anh em ruột từ Thổ Chu trốn được về An Biên, ra Phú Quốc xin gặp chỉ huy cao nhất để báo cáo tình hình, đã bổ sung cho quyết tâm chiến đấu.
Giải phóng Thổ Chu
Diễn ra từ 23-27/5/1975 với lực lượng hải quân có phân đội đặc công nước, 4 tàu PCF thu được vừa sửa xong làm nhiệm vụ chi viện cho các hướng đổ bộ, 2 tàu vận tải quân sự chở 4 tổ (của phân đội đặc công nước nơi trên), 4 tàu đổ bộ LCM-8 và LCM-6 vừa sửa, để chở 4 tổ đặc công chuyển từ 2 tàu vận tải sang giai đoạn đổ bộ, 2 tàu chiến đấu 79 tấn của trên chi viện có 8 nòng pháo 37mm. Các tàu PCF có pháo 25mm và cối 81mm. Bộ binh của quân khu có tiểu đoàn 410, trung đội địa phương Phú Quốc. Phía khơ me đỏ có 1 tiểu đoàn tăng cường.
Ngày 23-25 ta giải phóng 2 đảo tiền tiêu của đảo Thổ Chu. Đồng thời đêm 23 rạng 24/5 triển khai quân thành 2 cánh đổ bộ Thổ Chu và Bãi Ngự, sau đó phát triển sang Bãi Nam, Bãi Đông, bắt sống 1 tàu. Địch co cụm ở Bãi Nhất. Hỏa lực của các tàu 79 tấn và PCF phát huy tác dụng cùng bộ binh buộc 20 giờ ngày 26/5 địch đầu hàng. Ngày 27/5 ta hoàn toàn làm chủ đảo.
Chiến thắng giải phóng đảo Thổ Chu có nhiều ý nghĩa quan trọng, trong đó có bài học khẳng định nghệ thuật quân sự hải quân “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc, trong cách đánh và chiến đấu luôn tích cực chủ động, kiên quyết, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, bí mật, bất ngờ”, “tận dụng khả năng nhân viên kỹ thuật và phương tiện, vũ khí vừa có được” và “hậu cần dựa vào dân huyện đảo Phú Quốc”…
Sau khi giải phóng đảo Thổ Chu, tháng 6/1975 bộ đội hải quân còn thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng nhờ phát huy bài học “phát huy cao nhất trang bị hiện có” đã khôi phục, sửa chữa tiếp các tàu hiện có (tàu chiến đấu, tàu đổ bộ) để đủ sức chuyên chở 1 trung đoàn bộ binh của quân khu 9 tham gia tác chiến đổ bộ, động viên sức mạnh xưởng sửa chữa tàu 55 Bình Thủy…
|
Loại tàu đổ bộ LCM-8 mà quân Mỹ sử dụng tại Việt nam. |
Những trận đánh trong tháng 6/1975 ở qui mô lớn hơn, có sự hiệp đồng chặt chẽ với phi đội F-5 (không quân mới thu được). Đây là lần đầu tiên hải quân tham gia chiến dịch đổ bộ đường biển hiệp đồng với lục quân, không quân. Ngoài số tàu đã có, hải quân Phú Quốc đã phối hợp đưa vào chiến đấu 12 tàu PCF, 14 tàu đổ bộ LCM-8, 6 tàu LCM-6…, đủ thấy khả năng sử dụng trang bị mới thu được đã có bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. Chỉ huy trung đoàn bộ binh tham gia chiến dịch này là đồng chí Phạm Văn Trà, anh hùng quân đội 1976, sau trở thành đại tướng (2003), bộ trưởng quốc phòng (1997-2006).
Trong việc đảm bảo cho Trường Sa, hải quân đã phát huy tác dụng cao nhất của các tàu vận tải, đổ bộ cỡ vừa LSM và cỡ lớn (chở xe tăng, xe thiết giáp) LST. Kinh nghiệm sử dụng các tàu LCM từ tác chiến vùng biển Tây Nam đã giúp cho sử dụng các tàu LSM, LST thuận lợi hơn. Hải quân đồng thời làm chủ các tàu chiến đấu cỡ vài trăm đến 1.000 tấn thu được.
Đây cũng là bài học sử dụng các phương tiện do nhiều nước sản xuất, tiến đến mua và tự đóng các tàu vận tải, đổ bộ và nhất là các tàu tên lửa cỡ 500-2.000 tấn hiện nay, nâng cao đáng kể qui mô chất lượng binh chủng tàu mặt nước, bên cạnh bước phát triển mới của các binh chủng tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, tên lửa – pháo bờ biển. Làm chủ kỹ thuật đã đi suốt tiến trình phát triển của quân chủng hải quân.