Trang

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Lời thề trước 64 liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa


Hôm 16/4, cán bộ chiến sĩ tàu HQ 936 cùng đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền ngày 14/3/1988.

Chiều 16/4, cán bộ chiến sĩ tàu HQ 936 cùng đoàn công tác các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Điện Biên tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa tại khu vực đảo chìm Cô Lin, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày 14/3/1988.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng, phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân, đọc diễn văn tưởng niệm, phác họa lại cuộc chiến đấu hi sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ quần đảo: “Cách đây 24 năm, với âm mưu và thủ đoạn thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của nước ngoài, cuối năm 1987 và đầu năm 1988, họ đã sử dụng một lực lượng quân sự chiếm đóng trắng trợn và phi lý đối với một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, gây lên sự kiện 14/3/1988 tại cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin. Trong những trận chiến đấu ngoan cường đó, 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604. 

Anh hùng liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương - phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa trên tàu HQ 936.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa trên tàu HQ 936.

Đó là anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu địch, vừa nhanh chóng đưa tàu vào bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành chiến hạm nổi chiến đấu chống lại đối phương, và còn rất nhiều gương anh dũng đã hi sinh khác.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng kết thúc diễn văn tưởng niệm bằng một lời thề khảng khái: “Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”.

Sáng cùng ngày, tập thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2012).

Cũng trong ngày 16/4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo ở nước ngoài, tại Trung tâm huấn luyện 125 (Học viện Kỹ thuật quân sự). 

Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài, đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay. Do đó lực lượng được tuyển chọn cần phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng... làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét