Trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn đường lưỡi bò. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đường lưỡi bò. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa


Trong các bản đồ mà chính người Trung Quốc vẽ hàng trăm năm trước chưa hề thấy xuất hiện tên gọi biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc đã lợi dụng cách gọi tên của phương Tây để nhập nhằng “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu.

Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí.
Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Biển Giao Chỉ


Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa – Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.

Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí.
An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình


Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14-10-1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”…

Những bước leo thang trên biển Đông


Ngày 15/1/1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988).

Ngày 21/2/1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này.

Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982.

Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu
(Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh 6/2011)

Trung Quốc làm càn trên biển Đông


Trong mấy ngày qua, dư luận Trung Quốc đang xôn xao trước bài viết đăng trên trang web của Thời báo Hoàn Cầu hôm 23.4 và được hàng loạt trang tin điện tử của Trung Quốc đăng lại, chỉ trích “Trung Quốc đã làm càn trên biển Đông”.

Bài viết được đăng trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh tranh chấp trên vùng đảo Scarborough/Hoàng Nham đang ngày càng “nóng”, khiến quốc tế hết sức lo ngại. Với nhan đề Mỹ choáng váng: Trung Quốc bài binh bố trận trên biển Đông vượt quá dự liệu, bài viết chỉ ra, bất chấp cảnh báo của Mỹ và Nhật Bản, nhưng những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông chưa khi nào ngừng.

Thời báo Hoàn Cầu hôm 23.4 chỉ trích “Trung Quốc làm càn trên biển Đông”.
Thời báo Hoàn Cầu hôm 23.4 chỉ trích “Trung Quốc làm càn trên biển Đông”.
Bài viết đặt vấn đề, trong vấn đề biển Đông, chính phủ Trung Quốc luôn chiếm quyền chủ động. Mặc dù dư luận trong nước cho rằng, hải quân Trung Quốc trên biển Đông còn rất yếu, nhưng thực tế thì sao?

Trước đây Hãng dầu khí của Anh BP đã từng đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) khai thác các giếng khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch tại biển Đông, ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng trước sức ép của Bắc Kinh BP phải rút lui khỏi dự án này. “Nếu hành động này chỉ xảy ra một lần vẫn còn chấp nhận được, nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể thấy thái độ của Trung Quốc đối với biển Đông, can thiệp vào các thoả thuận này là vô lý”, bài báo viết.

Do không có đủ năng lực tự khai thác dầu, các nước Đông Nam Á thường phải tìm kiếm những công ty phương Tây hợp tác khai thác dầu ở biển Đông. Nhưng vì tàu chiến, máy bay của hải quân Trung Quốc luôn xuất hiện dày đặc. Hơn nữa Bắc Kinh còn thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng sân bay trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), nên họ không thể yên ổn khai thác dầu trên biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Đông
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Đông

Cũng có một số công ty nhỏ muốn thử, nhưng liền gặp phải sự khống chế của hai “ông lớn”: Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Dầu khí – Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) -luôn vươn ra khắp thế giới tìm mua dầu khí, liên kết khai thác dầu mỏ… Hành vi khống chế này cũng không phải chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.

Ngoài Malaysia có những mỏ dầu gần bờ,còn hầu hết các mỏ dầu đều xa bờ, các công ty phương Tây đều không muốn làm mếch lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù Malaysia có những mỏ dầu gần bờ, nhưng nếu mở bản đồ ra xem cho thấy, Trung Quốc chủ trương đẩy đường giới tuyến trên biển đến sát vùng đặc quyền 12 hải lý của Malaysia.

Điều đó có nghĩa là, vùng đặc quyền kinh tế cũng không thuộc về Kuala Lumpur. Đến bãi ngầm James Shoal nằm ở phía đông Malaysia, còn được Bắc Kinh coi là điểm cực nam của nước này, cho thấy sự tưởng tượng quá mức cùng với sự gian tà tột cùng của họ.

Cái bản đồ “đường lưỡi bò” vốn do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra trên biển Đông, nay được Bắc Kinh ra sức tuyên truyền để có sự chấp nhận của dân chúng trong nước cũng như quốc tế. Từ xưa đến nay, đối với các nước như Brunei, Malaysia… Trung Quốc vẫn luôn vẽ đường phân tuyến tới “tận cửa nhà người ta”. Sau đó phân hóa Myanmar, Thái Lan, Campuchia… chia rẽ các nước ASEAN, nhấn chìm Philippines và từng bước gặm nhấm Việt Nam.

"Đường lưỡi bò" vô lý đăng trên bản đồ Hành chính và Du lịch tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), năm 1999
"Đường lưỡi bò" vô lý đăng trên bản đồ Hành chính và Du lịch tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), năm 1999

Thập niên 1930 – thời kỳ cực thịnh của chính quyền Trung Hoa dân quốc. Trong thời kỳ đó, một nhóm chuyên gia tìm cách mở rộng lợi ích dân tộc Hán. Một số người du học trở về đem theo những bản đồ hàng hải của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và tìm tất cả các loại đảo trên khắp tấm bản đồ đó, chỉ cần có lợi cho Trung Quốc liền đánh dấu hết lên trên đó.

Một nhóm chuyên ra trong nước thì tìm kiếm các tư liệu sử sách cũ, từ các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh để mò mẫm những tuyến lãnh hải nhằm tuyên bố chủ quyền. Một lần, họ phát hiện ra một dải đá ngầm mang tên James Shoal. Họ đã đẩy đường giới tuyến biển xuống đến đó, dừng lại đó vì xét thấy không thể mở rộng được nữa, nếu không, sẽ đưa Malaysia nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1935, Trung Hoa dân quốc đã cho công bố tên gọi dải đá ngầm James Shoal này là dải đá ngầm Tăng Mẫu, đồng thời tuyên bố rằng đây chính là ranh giới cực nam vỹ độ thấp nhất thuộc phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc mới ra đời, Trung Hoa dân quốc bị đẩy ra đảo Đài Loan cho đến ngày nay. Mặc dù đối đầu nhiều vấn đề, nhưng riêng về “đường lưỡi bò” này cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan dễ dàng có tiếng nói chung.

“Do địa lý biển Đông quá lớn, khoảng cách giữa các đảo cũng tương đối xa, mặc dù được gọi là biển Nam Trung Hoa, tuy nhiên, điều này không có nghĩa đây là vùng biển của riêng Trung Quốc. Nói theo cách đó, không lẽ Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ?”. Bài viết lập luận.

Ai đã khiến cho biển Đông dậy sóng? Bài viết đặt câu hỏi.


Trung Quốc đã làm càn trong các cuộc xung đột từng xảy ra trên biển Đông. Bài viết thuật lại những trận đánh chiếm của hải quân Trung Quốc lên quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.

Năm 1989, sau khi chiếm được một số đảo trên quần đảo Trường Sa, với ý đồ lôi kéo sự thừa nhận của Liên hợp quốc, trong vai trò là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh kêu gọi UNESCO lập Trạm quan sát hải dương trên dải đá Chữ Thập (Fiery Cross Ree, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử), hàm ý rằng, ai dám đánh chiếm dải đá Chữ Thập, chính là đối đầu với Liên hợp quốc.

Phần cuối, bài viết đưa ra kết luận: “Bắc Kinh ngày càng thích gây ra rắc rối trên biển Đông. Trung Quốc đã tát vào mặt người khác, rồi tỏ thái độ tức giận rằng, họ đã tự đập mặt vào tay mình”.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Càng đuối lý, càng ỷ sức


Thời gian qua, cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines liên tục căng thẳng khiến dư luận đặc biệt quan tâm tình hình chính trị an ninh ở biển Đông. Hai bên triển khai tàu chiến và tàu hải giám, ngư chính đến vùng tranh chấp gần bãi cạn Scarborough thuộc khu vực biển Đông. Manila và Bắc Kinh đều cáo buộc bên còn lại xâm phạm vùng chủ quyền của mình. Bế tắc về giải pháp ngoại giao, Philippines đề nghị đưa cuộc tranh chấp này ra Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS). Đây vốn dĩ là giải pháp mà Trung Quốc chưa bao giờ muốn dùng đến nên nước này tuyên bố bác bỏ.

Có 3 lý do để Bắc Kinh hành động như thế. Thứ nhất, nếu đồng ý để ITLOS xét xử thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận phán quyết của tòa án này. Trung Quốc lo ngại ITLOS bác bỏ mọi đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Vốn dĩ, bãi cạn Scarborough cũng nằm trong khu vực "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Chỉ cần nhìn sơ, người ta đều nhận thấy "đường lưỡi bò" kia vô lý tới chừng nào. Vì thế, dù xét xử theo nguyên tắc "công bằng" hay "đồng đều" thì ITLOS cũng chẳng thể không bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough và thậm chí cả “đường lưỡi bò”. Thứ hai, tiềm lực quân sự, đặc biệt về hải quân, của Trung Quốc vượt trội Philippines. Kẻ yếu thường cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, kẻ mạnh luôn né tránh chuyện tranh chấp bị quốc tế hóa hoặc khu vực hóa. Thứ ba, cả hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ lẫn tư cách thành viên ASEAN của Philippines đều không làm Trung Quốc phải lo ngại trong cuộc tranh chấp này.

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Tăng cường đối trọng với "đường lưỡi bò"


Đó là đề xuất của các chuyên gia khi trao đổi cùng Thanh Niên về chiến dịch tuyên truyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Bên lề Hội nghị An ninh hàng hải tại Đông Nam Á tại TP.HCM, 2 học giả Carl Baker và Swee Lean Collin Koh nhận định với Thanh Niên về việc Trung Quốc (TQ) đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò”. Cùng vấn đề trên, GS Carl Thayer cũng đưa ra những đánh giá trong phần trả lời phỏng vấn qua thư điện tử của Thanh Niên.

TQ đang triển khai kế hoạch tuyên truyền quy mô lớn với sự tham gia của 13 bộ ngành để “tăng cường nhận thức” về bản đồ đường 9 đoạn trên biển Đông cũng như nhấn mạnh chủ quyền ở biển Hoa Đông. Ông có nhận định gì về động thái này và những hậu quả của nó?

GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc: Theo tôi, TQ đang bị chia rẽ. Có đến 9 cơ quan nước này đang cạnh tranh lẫn nhau về quyền lợi trên biển Đông và đưa ra những kế hoạch hoạt động riêng để cố gắng áp đặt quyền tài phán trong khu vực bản đồ 9 đoạn. Vì thế, Bộ Ngoại giao nước này được giao trách nhiệm “gỡ gạc” lại uy tín của TQ sau khi nhiều bên phản đối những hành động cứng rắn của các cơ quan khác.

Tàu biên phòng Việt Nam tuần tra trên biển Đông
Tàu biên phòng Việt Nam tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Lê Chương 

Vừa qua, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố không nước nào được quyền yêu sách trên cả biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” không được xem như lãnh hải của riêng nước nào. Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố trên có ý nghĩa rằng TQ “không độc chiếm” biển Đông mà tuyên bố chủ quyền đối với một số hoặc tất cả các đảo, đá, rạn san hô trong “đường lưỡi bò”. Động thái này đưa TQ đến gần hơn nhưng vẫn không phù hợp luật quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).

Tóm lại, đang có sự tranh chấp nội bộ diễn ra trong quá trình chuyển giao lãnh đạo tại TQ. Đây là giai đoạn ẩn chứa rủi ro khi quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể lấn lướt những nỗ lực ngoại giao ôn hòa.

Ông Swee Lean Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore): Nhiều năm qua, những tuyên bố chủ quyền TQ hầu hết dựa vào cơ sở lịch sử thời cổ đại. Tuy nhiên, “đường lưỡi bò” là thể hiện chính sách cụ thể nhất các yêu sách của nước này. Việc TQ gia tăng tuyên truyền nhấn mạnh “đường lưỡi bò” theo tôi có thể xuất phát từ một số lý do sau:

Gần đây, ngoài các nước trong khu vực phản bác những luận điểm từ TQ còn các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ và Ấn Độ cũng thể hiện rõ quan điểm chú trọng khu vực Đông Nam Á. Những diễn biến này khiến TQ cảm thấy cần đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Về hệ quả, luận điểm của TQ chắc chắn sẽ bị nhiều bên phản đối và dẫn đến tình hình trong khu vực thêm phức tạp khi một số bên tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự.

Ông Carl Baker, Giám đốc diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ): Hầu như không bên nào đồng ý với “đường lưỡi bò” và TQ thừa biết điều đó. Tuy nhiên, TQ vẫn công bố “đường lưỡi bò” nhằm dựa vào đó để thương lượng, đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo, đá, rạn san hô nằm trong khu vực này.

Gần đây, “đường lưỡi bò” xuất hiện trong nhiều chuyên san khoa học nổi tiếng như Science, Nature và một số bản đồ trên thế giới. Ông nghĩ VN nên đối phó bằng cách nào để tăng cường nhận thức về chủ quyền của mình và hạn chế ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của TQ?

Ông Thayer: Tôi không nghĩ TQ tuyên truyền “thành công” vì quốc tế không hề công nhận đường 9 đoạn và nước này cũng không có yêu sách rõ ràng với bản đồ này. Vì thế, VN và các nước ASEAN cần yêu cầu TQ làm rõ các tuyên bố chủ quyền. Nếu vùng biển bên trong bản đồ 9 đoạn không phải là lãnh hải thì TQ tuyên bố chủ quyền gì? Nếu TQ dựa vào lập luận rằng các hòn đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì khu vực này cũng chồng chéo với các nước khác nên mọi phân xử đều phải dựa trên UNCLOS.

Ngoài ra, VN cần tăng cường hơn nữa nỗ lực để đảm bảo ASEAN đồng thuận về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC). VN nên có một bản đồ riêng làm cơ sở tuyên bố chủ quyền. Theo tôi, có lẽ cũng cần có một sách trắng về biển Đông để VN nêu rõ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền tại đây.

Ông Koh: Tôi nghĩ VN cần thực hiện và công bố rộng rãi với thế giới các nghiên cứu về chủ quyền trên biển Đông để làm đối trọng với những tuyên bố của TQ. Các nghiên cứu này cần tập trung vào những vấn đề trong tuyên bố chủ quyền của TQ. Có lẽ cũng cần chính thức thiết lập một cơ quan trực thuộc chính phủ chuyên trách biển Đông, tập hợp nhân sự từ giới ngoại giao, quân đội và những nhà nghiên cứu. Cơ quan này phụ trách hoạch định chính sách toàn diện về biển Đông và kết nối có tính hệ thống giữa những đơn vị khác. Thứ hai, cơ quan này trở thành trung tâm lưu trữ mọi dữ liệu, nghiên cứu học thuật về biển Đông cũng như đóng vai trò nút thắt quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong vùng biển này. Cũng có thể hợp tác với các nước khác trong khu vực để nghiên cứu chung về biển Đông để phản bác lại những thông tin sai lạc từ phía TQ.

Đẩy mạnh an ninh hàng hải tại Đông Nam Á


Sau 2 ngày thảo luận, hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển” tại TP.HCM với sự tham dự của 40 đại biểu từ nhiều nước đã kết thúc vào chiều 30.3.

Hội nghị An ninh hàng hải Đông Nam Á tại TP.HCM
Hội nghị An ninh hàng hải Đông Nam Á tại TP.HCM - Ảnh: N.M.T

Về tình hình an toàn hàng hải và môi trường biển ở Đông Nam Á, các học giả cho rằng khu vực này có các tuyến hàng hải đóng vai trò quan trọng cùng hệ sinh thái biển lớn nhưng lại đang xuất hiện nhiều nguy cơ. Những tranh chấp chủ quyền càng gây khó khăn trong việc quản lý và thực thi an toàn hàng hải cũng như môi trường biển. Vì thế, các nước cần tăng cường quan hệ hợp tác trong vấn đề này.

Về khuôn khổ pháp lý, các đại biểu cho rằng Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và những công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế vẫn là nền tảng quan trọng. Nền tảng này bao gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, quốc gia mà tàu mang cờ và các quốc gia cảng biển. Bên cạnh các khuôn khổ quốc tế, các nước Đông Nam Á cũng đã thiết lập một số khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển.

Về các đề xuất hợp tác trong khu vực, hội nghị nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp chính sách và hành động.