Trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Biển Đông - Tâm điểm của thế giới tương lai


Dưới nhiều góc nhìn khác nhau thì Biển Đông đều là tâm điểm chú ý của thế giới tương lai, hoặc ít ra là tâm điểm chú ý trong thế kỷ này.

Biển Đông trong góc nhìn địa chiến lược


Hiện có khoảng 15 triệu người dân Việt Nam sống dựa vào biển và kinh tế biển luôn chiếm một tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế quốc gia. Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái.

Trực thăng vận tải chiến thuật EC725 (Eurocopter)
Trực thăng vận tải chiến thuật EC725 (Eurocopter) mà Malaysia mua của Pháp

Quanh Biển Đông có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5-2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7-8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới.

Tạp chí La Tribune vừa có bài viết “Pháp – nước xuất khẩu hàng  không dân dụng và quốc phòng lớn nhất của Malaysia” cho thấy, ngay cả người Pháp cũng khó tin một quốc gia cách Paris hơn 10.000km lại “có chất Pháp nhất trong khu vực”, vượt qua cả Mỹ.

Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan… Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỉ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỉ m3.

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỉ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỉ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm, duy trì được trong vòng 15-20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.

Nhiều học giả trên thế giới đã coi Biển Đông là điểm nóng của thế giới trong thế kỷ XXI có khả năng gây bùng nổ xung đột như một vịnh Péc-xích (vịnh Ba Tư) thứ hai. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribbean; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Theo Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, mỗi ngày có khoảng từ 150-200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).

Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz). Nạn cướp biển và khủng bố trên Biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10/2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, việc Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

Điểm nóng tập kết của khí tài quân sự


Hồi tháng 7/2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố “vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ”. Kể từ đó, Mỹ gia tăng mức độ can thiệp. Về mặt quân sự, năm 2010 Mỹ đã tổ chức sáu cuộc diễn tập quân sự, đóng quân tại cảng Darwin của Australia, đưa tàu chiến đến bờ biển Singapore. Dù trong điều kiện dự toán ngân sách quân sự thu hẹp, Mỹ vẫn không ngừng đầu tư cho quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tàu khu trục USS Chung Hoon (DDG-93) của Mỹ
Tàu khu trục USS Chung Hoon (DDG-93) của Mỹ

Mạng tin GMA News gần đây cho rằng, ngay khi cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001 được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương và bất cứ nơi nào trên thế giới, những tranh chấp lãnh thổ ngày một gia tăng ở Biển Đông giờ đây đang được tận dụng để thúc đẩy chiến lược bao vây Trung Quốc của Lầu Năm Góc. Trong 6 tháng đầu năm 2011, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về những vụ thâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực ở quần đảo Trường Sa mà các nước Việt Nam, Philippines và 4 nước khác trong đó có Trung Quốc cũng tuyên bố đòi chủ quyền. Mặc dù Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này, nhưng nhiều vụ rắc rối đã kích động những cuộc phản đối ngoại giao với ít nhất là một trong những nước đòi chủ quyền, đó là Philippines, nước đã kêu gọi Mỹ bảo vệ bằng cách khẩn cầu đến Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) sau Chiến tranh lạnh 1951. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng, các cuộc tập trận chung đã được Mỹ tiến hành với Philippines, Thái Lan và các nước khác, đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường giám sát ở Biển Đông bằng việc đưa tàu sân bay đầu tiên của họ vào hoạt động.

Hiện nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã vượt mức 119,8 tỉ USD, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngân sách khổng lồ này đã làm cho tiềm lực quân sự của Bắc Kinh mạnh hơn bất kỳ một nước nào khác tại châu Á. Riêng trong lĩnh vực hải quân, ngoài tàu sân bay, Trung Quốc còn có thêm tàu ngầm được trang bị đầu đạn hạt nhân, các loại tàu khu trục và tàu đổ bộ đời mới nhất. Ngành ngư chính và hải giám của Trung Quốc cũng được trang bị tàu mới và ngân sách được tăng cường, giúp cho các đơn vị này dễ dàng hoạt động trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Ở cực ngược lại, Philippines là một nước có ngành hải quân cực yếu, từng bị bỏ bê trong cả chục năm nay vì Chính phủ không có tiền tài trợ cho chương trình hiện đại hóa quân đội.

Được mô tả là “mẹ đẻ của mọi tranh chấp lãnh thổ”, Biển Đông còn được gọi là “Vịnh Pécxích thứ hai” không chỉ vì khu vực này có nhiều cá nhất thế giới mà còn được cho là giàu dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản khác. Trung Quốc đã từng mô tả Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi” tương tự như Đài Loan và Tây Tạng, đồng thời nói rằng các quyền lãnh thổ của Trung Quốc là không thể tranh cãi (?!). Sự khẳng định này được giải thích bằng thực tế là 75% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được chuyển qua đường Biển Đông. Biển Đông còn là cửa ngõ của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương và các nguồn hàng nhập khẩu vào Trung Quốc từ một số châu lục trên thế giới, nơi họ trở thành nhà đầu tư lớn, cũng được đưa qua vùng biển này. Để đối phó với chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã mở cửa cho các công ty dầu lửa hàng đầu của Mỹ vào thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông. Thông qua Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, được xếp thứ 10 trong số 50 công ty dầu lửa lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã dự định mua lại Unocal. Họ đã dành cho Công ty Năng lượng Crestone đóng tại Denver hợp đồng thăm dò dầu khí trên diện tích rộng khoảng 9.700m² ở khu vực được gọi là Bãi Tư Chính ngoài khơi Đông Nam Việt Nam.

Philippines đã mua sắm thiết bị hải quân của Mỹ, trong đó có con tàu lớp Hamilton cũ để phục vụ việc tuần tra ở quần đảo Trường Sa. Đã qua 50 năm sử dụng, con tàu này thật sự được coi như một vật bảo tàng của hải quân Mỹ. Chính quyền Philippines đã mua nó với giá 400 triệu peso. Hơn thế nữa, hồi tháng 4/2011, Philippines đã chuyển giao 8 tỉ peso (183 triệu USD) để triển khai và huấn luyện các nhân viên hải quân nhằm bảo vệ việc thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Palawan và Mindanao.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockhom, một phần số kinh phí này đã được chuyển cho Blackwater, một công ty an ninh khét tiếng đóng tại Mỹ. Philippines cũng đã thông báo mua 3 tàu chiến của Mỹ cũng như các máy bay lên thẳng và các hệ thống radar để hỗ trợ cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Palawan và Mindanao, miền Nam Philippines.

Trong năm 2010-2011, Đài Loan, vùng lãnh thổ dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí và tiếp nhận viện trợ quân sự của Mỹ, đã mua các mẫu máy bay chiến đấu F-16 mới và các vũ khí khác trị giá 20 tỉ USD. Chỉ riêng từ năm 2007-2010, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã nhận được các hợp đồng mua sắm trị giá 16,5 tỉ USD từ Đài Loan. Gần đây, Indonesia có kế hoạch mua máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của Mỹ trị giá hàng triệu USD. Mỹ cũng đã cam kết giúp Indonesia hiện đại hóa quân đội. Lượng vũ khí mà Mỹ bán cho Malaysia cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây, trong khi Singapore trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á lọt vào top 10 nước mua sắm nhiều vũ khí trên thế giới.

Chính bởi thế, Biển Đông đã và sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận toàn cầu.

Trong bài viết “Hợp tác an ninh hàng hải tại Đông Nam Á” đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta” ngày 10/2/2012, tác giả Agus Haryanto nhấn mạnh, an ninh năng lượng và thương mại giữa các nền kinh tế ở Đông Á và ­Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào an ninh hàng hải của các tuyến đường biển huyết mạch qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Eo biển Sunda và eo biển Lombok (Indonesia) là các kênh thay thế quan trọng trong trường hợp xảy ra thảm họa dọc eo biển Malacca. Dù tới nay chưa có cuộc tấn công khủng bố hay tai nạn có thể làm cô lập eo biển Malacca, song chuẩn bị cho những khả năng có thể như vậy là cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại đi và đến khu vực bằng đường biển sẽ không bị ắch tắc. Với nhận thức về các tình huống an ninh hay thảm họa tiềm tàng tác động đến các tuyến đường biển quan trọng, có thể nhận thấy sự cần thiết đối với hình thức hợp tác có khả năng ngăn ngừa và quản trị bất cứ khủng hoảng tiềm năng nào có thể gây thiệt hại kinh tế lớn cho khu vực.

Trong khi nạn cướp biển đã đang được kiểm soát, thì vẫn còn đó nguy cơ cao về khả năng các phần tử khủng bố có thể làm tê liệt nhiều nền kinh tế trong khu vực với hoạt động tấn công các tàu chở dầu. Ngoài ra còn có khả năng một cuộc tấn công tinh vi hơn nhằm vào các đường ống dẫn khí gas và cáp viễn thông dưới đáy biển kết nối các nước quanh Biển Đông với biển Java. Không thể bỏ qua những kịch bản đó do các phương tiện điều khiển từ xa có thể thực hiện các cuộc tấn công như vậy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét