Trang

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Trung Quốc lại đưa đường lưỡi bò vào game


Trò chơi trực tuyến Chinh Đồ 2.0 của Công ty Giant Interactive (Trung Quốc) do Công ty VNG phân phối duy nhất tại Việt Nam đang bị game thủ phản ứng dữ dội vì để “đường lưỡi bò xuất hiện trên bản đồ biển Đông”.
Cụ thể trong bản đồ các bang hội của trò chơi này, phần thể hiện mười quốc gia trong phiên bản “anh hùng thập quốc” có một hình bản đồ nhỏ bên góc phải phía dưới. Bản đồ nhỏ này thể hiện vùng biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhưng lại nằm trong hình “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Đường lưỡi bò xuất hiện trong bản đồ các bang hội của game Chinh đồ 2.0
Đường lưỡi bò xuất hiện trong bản đồ các bang hội của game Chinh đồ 2.0
Game thủ phản ứng
Anh Hải (quận Tân Bình, TP.HCM) tỏ ra rất tức giận: “Tôi là một game thủ đã chơi Chinh Đồ từ trước đến giờ. Tôi cũng như nhiều bạn khác chơi game này cho rằng việc bản đồ lưỡi bò là điều không thể nào chấp nhận được”. Game thủ Tố Nga đã chơi Chinh Đồ ngay từ những ngày đầu tiên cũng cho biết: “Đây là một hành vi rất thâm hiểm của công ty phía Trung Quốc, nhưng Công ty VNG cũng đã phạm sai lầm khi để lọt tấm bản đồ trên. Họ cần phải xử lý việc này ngay lập tức”…
Nhiều game thủ khác kiến nghị cơ quan chức năng phải rà soát thật kỹ tất cả trò chơi trực tuyến xuất xứ từ Trung Quốc hiện đang lưu hành tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty trong nước. Các phản ảnh đều có chung nhận định: “Công ty Trung Quốc đang lợi dụng chuyện kinh doanh để làm chính trị. Trong khi doanh nghiệp game online trong nước vì lợi ích riêng mà bỏ quên trách nhiệm với chủ quyền đất nước Việt Nam”.
Game thủ chơi game Chinh Đồ 2.0 tại một tiệm Internet ở Q.Tân Bình, TP.HCM chiều 18-12
Game thủ chơi game Chinh Đồ 2.0 tại một tiệm Internet ở Q.Tân Bình, TP.HCM chiều 18-12
VNG bất ngờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Bùi Minh Phương, giám đốc khối phát hành game Công ty VNG, cho biết trò chơi Chinh Đồ được VNG nhập từ đối tác Trung Quốc và phát hành phiên bản đầu tiên vào hè năm 2008.
Từ đó đến nay, trò chơi luôn được cập nhật thường xuyên nội dung để hấp dẫn người chơi. “Lần cập nhật nội dung mới nhất của Chinh Đồ được thực hiện vào ngày 14-12-2012 và đưa lên máy chủ thực tế vào thứ bảy (15-12). Qua hôm sau, đội ngũ kỹ thuật của VNG đã phát hiện tấm bản đồ này và xóa bỏ vào đêm chủ nhật (16-12). Phía VNG rất bất ngờ vì tấm bản đồ nằm ngoài bản yêu cầu nội dung cập nhật VNG gửi cho nhà sản xuất. Bản đồ nằm sâu trong phần hướng dẫn chơi game nên VNG đã không phát hiện sớm ngay khi thử nghiệm.
Tấm bản đồ có đường lưỡi bò không nằm trong thỏa thuận về nội dung khi hợp tác phát hành game, bởi nhà cung cấp đã tự động đưa vào và không cho nhà phát hành biết” – ông Phương nói.
Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, trưởng ban truyền thông Công ty VNG, cho biết đây là một sai sót của VNG khi kiểm tra nội dung trò chơi, bởi phiên bản có rất nhiều chi tiết và tấm bản đồ này nằm sâu trong phần hướng dẫn chơi. Tiêu chí của VNG khi phát hành trò chơi là tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng chủ quyền quốc gia và kiên quyết nói không với các đối tác không thực hiện nghiêm túc tiêu chí này.
Hiện VNG đã gửi công văn cho nhà sản xuất trò chơi Chinh Đồ về sự việc này. Tối qua, VNG cho biết đã chấm dứt hợp tác với nhà sản xuất này, bồi thường thiệt hại cho người chơi và ngừng phát hành trò chơi Chinh Đồ từ ngay ngày 19-12-2012.
Dù việc đóng cửa trò chơi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho VNG nhưng là một doanh nghiệp do người Việt thành lập, VNG sẽ mạnh tay với các đối tác vi phạm nội dung liên quan đến văn hóa, chính trị và lãnh thổ. Theo bà Thi, hiện VNG đang phát hành năm trò chơi tương tự Chinh Đồ và bộ phận kỹ thuật của VNG đang rốt ráo rà soát nội dung của năm trò này để tránh sự cố như trên.
Yêu cầu gỡ bỏ ngay bản đồ lưỡi bò!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Ngọc Hương, chánh thanh tra Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, cho biết trước mắt sẽ yêu cầu VNG gỡ bỏ ngay bản đồ lưỡi bò nêu trên. Đồng thời sở sẽ đối chiếu với kịch bản ban đầu trong hồ sơ của Công ty VNG. Nếu có sai sót, sở sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.


Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Trung Quốc xây dựng trái phép tại Hoàng Sa


Trung Quốc vừa cho xây dựng trái phép một trạm giám sát khí quyển tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nối tiếp những hành động sai trái của nước này tại Biển Đông trong thời gian qua.

Một nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Oceandots
Một nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Oceandots

Hãng tin Xinhua của Trung Quốc hôm qua đưa tin nước này vừa chính thức khởi công xây dựng trạm giám sát tổng hợp khí quyển tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mục đích của việc xây dựng này là nhằm triển khai việc bảo vệ môi trường tại Biển Đông, và phục vụ cho cái gọi là "nhu cầu thực hiện chủ quyền quốc gia và quản lý các công việc liên quan đến lãnh thổ".

Đây là hành động sai trái tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua. Hôm 30/11, hai tàu cá Trung Quốc đã cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, khi tàu này đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trước đó, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ra quy định mới về “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Ngày 23/11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc còn phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử loại mới có hình bản đồ nước này kèm theo đường lưỡi bò, một định nghĩa nhằm tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Việc làm này bị các nước liên quan như Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ.

Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên. Hôm 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng tuyên bố các việc làm của Trung Quốc đã làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

“Những hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp", thông cáo của người phát ngôn viết.

Ông Nghị cho biết thêm rằng đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

VNExpress

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hòa bình, nhưng phải tự vệ!


Hôm qua 4.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng và trả lời thẳng thắn những vấn đề đang nóng bỏng trong dư luận hiện nay.
Về tình hình đất nước năm 2012, Thủ tướng nói: Năm 2012, chúng ta phải đương đầu với khó khăn rất lớn về kinh tế và sự chống phá của thế lực thù địch. Một mặt là thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình, gây mất ổn định xã hội. Mặt thứ hai là sự đe dọa, xâm phạm về chủ quyền quốc gia, trên biển đảo của chúng ta. Chúng ta phải dành rất nhiều sức lực để đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, trên diễn đàn đa phương, song phương và cả trên thực địa… để giữ cho được chủ quyền.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi cử tri tại Hải Phòng - Ảnh: Thiên Bình
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi cử tri tại Hải Phòng - Ảnh: Thiên Bình
Về vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp thăm dò dầu khí, Thủ tướng nói: “Tàu thăm dò của chúng ta vừa bị cắt cáp. Trong vụ việc này, chúng ta đã chủ động ngăn chặn, sau vài tiếng đồng hồ, tàu tiếp tục hoạt động, không có lực lượng, chúng ta không thể làm được thế. Chúng ta phải đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị của đất nước”.

Nước ta lúc nào cũng bị đe dọa

Thủ tướng nói: “Nước ta lúc nào cũng bị đe dọa. Chúng ta bình yên như thế này nhưng luôn luôn xuất hiện những nhóm từ bên ngoài kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ. Chúng ta phải có lực lượng và phương án để xóa ngay những ổ nhóm từ manh nha, không chỉ là bắt giam, xử án mà cả bằng đấu tranh, thuyết phục… Về chủ quyền quốc gia, chúng ta đang và sẽ phải dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ”.
Thủ tướng cho biết: “Chúng ta có tàu công suất lớn, đi được trong mọi điều kiện thời tiết. Cả thế giới biết chúng ta sắp có tàu ngầm hiện đại, chúng ta cũng không giấu giếm gì. Chúng ta làm hết sức mình để giữ hòa bình, bằng ngoại giao, bằng mọi biện pháp, nhưng chúng ta phải tự vệ. Nước ta có hơn 1 triệu km2 biển, bờ biển dài hơn 3.200 km, chúng ta phải có lực lượng. Đường lối quốc phòng của chúng ta là tự vệ, tự vệ bằng sức mạnh của toàn dân. Nhưng phải có lực lượng nòng cốt đó là quân đội. Quân đội phải xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Một số lực lượng phải đi thẳng vào hiện đại như tên lửa, tàu ngầm, hải quân, không quân”.

“Có những việc chưa sát”

Cử tri Bùi Văn Ngọc (P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng) nêu kiến nghị về sơ hở trong công tác quản lý người lao động nước ngoài. Ông Ngọc nói: Tôi đọc báo thấy ở Lào, Campuchia cũng đang lo lắng về người nước ngoài, trong đó có nhiều lao động Trung Quốc nhập cảnh vào làm việc “chui”. Đây là vấn đề rất phức tạp, tại nước ta, một số nơi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, để người nước ngoài thuê đất, thuê mặt nước nuôi cá ngay tại khu vực gần quân cảng Cam Ranh.
Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi nhận khuyết điểm, quản lý của Chính phủ có những việc chưa sát, có một số người nước ngoài vào nước ta lao động “chui”, có thể có cả một số người vào nước ta với động cơ khác. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần nhìn 2 mặt, khi nước ta  mở cửa, lao động nước ngoài vào Việt Nam, còn hàng vạn lao động của chúng ta cũng ra nước ngoài làm việc. Có những công trình, yêu cầu kỹ thuật thi công cao nên cán bộ, công nhân của chúng ta không đáp ứng được thì các nhà thầu phải đưa công nhân nước ngoài vào. Chúng ta không nên định kiến kiểu dân tộc hẹp hòi, cái gì người nước ngoài ở Việt Nam làm chưa tốt thì chúng ta nhắc nhở, xử lý”.
Thủ tướng nói: “Tàu thăm dò của chúng ta vừa bị cắt cáp. Trong vụ việc này, chúng ta đã chủ động ngăn chặn, sau vài tiếng đồng hồ, tàu tiếp tục hoạt động, không có lực lượng, chúng ta không thể làm được thế. Chúng ta phải đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị của đất nước
Thủ tướng nói: “Tàu thăm dò của chúng ta vừa bị cắt cáp. Trong vụ việc này, chúng ta đã chủ động ngăn chặn, sau vài tiếng đồng hồ, tàu tiếp tục hoạt động, không có lực lượng, chúng ta không thể làm được thế. Chúng ta phải đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị của đất nước

15.800 đảng viên bị xử lý các hình thức

Về cuộc chiến chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tuy Đảng, Chính phủ rất quyết tâm, có nhiều biện pháp và đã có một số kết quả nhất định, nhưng tham nhũng, lãng phí tiêu cực chưa bị đẩy lùi. Nhân dân còn chưa hài lòng, còn bức xúc về tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng và tiêu cực cấp nào cũng có, ngành nào cũng có, địa phương nào cũng có, tuy không phải là đa số, chỉ là một bộ phận, nhưng gây bức xúc, gây xói mòn lòng tin. Việc chống tham nhũng là việc làm phải kiên trì, phức tạp. “Đa số cán bộ, đảng viên là tốt, nhưng một bộ phận hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Đảng như một cơ thể sống, chúng ta liên tục kết nạp công dân ưu tú từ thanh niên, công nhân… vào Đảng. Mặt khác, chúng ta cũng phải kiên quyết đấu tranh để đưa những người thoái hóa ra khỏi Đảng, nếu đảng viên vi phạm pháp luật thì xử lý theo pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, năm 2011, cả nước xử lý kỷ luật 13.700 đảng viên, từ đầu năm 2012 đến nay, xử lý 15.800 đảng viên các hình thức, kể cả đưa ra trước pháp luật, điều đó thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh của Đảng.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã đi thăm, làm việc tại Nhà máy Z189 – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng – Bộ Quốc phòng tại khu công nghiệp Đình Vũ, TP.Hải Phòng. Tại đây, Thủ tướng thăm tàu Khánh Hòa 01, là loại tàu quân y hiện đại do đơn vị này đóng mới.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Tàu TQ gây hấn, cắt cáp Tàu Bình Minh 02


Ngày 30/11/2012, trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang làm nhiệm vụ lại bị các tàu Trung Quốc xâm hại, phá hoại cáp thu nổ địa chấn. Đây là một thủ đoạn mới của Trung Quốc khi cho tàu cá vừa đánh bắt hải sản trái phép vừa cản trở, xâm hại hoạt động hợp pháp của PVN trên vùng biển Việt Nam.


Phóng viên Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò – phụ trách Văn phòng Biển Đông của PVN về vụ việc nghiêm trọng này.
PVTheo một số nguồn tin, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của PVN lại bị cản trở khi đang làm việc ở vùng biển Việt Nam. Xin ông cho biết thông tin cụ thể?
Cáp tàu BM02 bị cắt
Cáp tàu BM02 bị cắt
Ông Phạm Việt Dũng: Vào lúc 4 giờ 5 phút ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 đang di chuyển từ tuyến PVN12-R009 về tuyến PVN12-R005 ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị khảo sát. Có rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo dã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau tàu Bình Minh 02 và gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25m.
Nhìn lại video tàu Bình Minh 2 bị cắt cáp vào ngày 26/5/2011:
Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam – Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.
PVXin ông cho biết đôi nét về nhiệm vụ của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này?
Vị trí xảy ra sự cố và hướng di chuyển của tàu BM02
Vị trí xảy ra sự cố và hướng di chuyển của tàu BM02
Ông Phạm Việt Dũng: Từ tháng 5/2012 đến nay, tàu Bình Minh 02 tiến hành đề án khảo sát địa chấn 2D liên kết các bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 bắt đầu khảo sát các tuyến liên kết ở bể Cửu Long, sau đó là bể Nam Côn Sơn, bể Phú Khánh và hiện nay đang đang khảo sát các tuyến liên kết ở bể Sông Hồng tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Thời gian gần đây, có rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lần chiếc. Các tàu chấp pháp của Việt Nam đã yêu cầu các tàu cá Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tàu cá Trung Quốc vẫn cố tình quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.
PVVậy phía PVN đã có những phản ứng như thế nào trước vụ việc này, thưa ông?
Ông Phạm Việt Dũng: Ngay sau khi xảy ra sự việc, PVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tàu Bình Minh 02 nhanh chóng khắc phục sự cố, sửa chữa cáp địa chấn để sớm tiếp tục công việc. Đến 14 giờ ngày 1/12/2012, anh em đã khắc phục xong sự cố cáp địa chấn và tàu Bình Minh 02 đã tiếp tục công tác khảo sát bình thường.
Việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, không những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hoạt động trên biển của PVN.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kịch liệt phản đối hành động xâm hại tàu Bình Minh 02 của tàu cá Trung Quốc và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc giáo dục công dân Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
PVXin cảm ơn ông.

Nguồn: Nguyen Tan Dung

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Không ai hiểu Trung Quốc bằng Mỹ, trừ Việt Nam


Khiến Trung Quốc tự trói chân tay mình

Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô , lúc đó là đối thủ “ kẻ tám lạng, người nửa cân” với Mỹ, chưa từng sợ Mỹ, tan rã. Nước Nga mới thân phương Tây đã hình thành và nắm quyền điều khiển.

Lẽ ra với chế độ chính trị giống Mỹ và phương Tây như Nga thì Nga sẽ yên ổn làm ăn, không lo lắng gì về an ninh quốc phòng với Mỹ, nhưng thực tế thì không.

Chính Nga, chứ không phải Trung Quốc mới là đối thủ tiềm tàng cản trở, thách thức địa vị Bá chủ thế giới của Mỹ.

Bởi thế, kiềm chế Nga là mục tiêu chiến lược lâu dài của Mỹ. Hiệp ước Bắc đại tây dương(NATO) không bị bãi bỏ mà còn phát triển về hướng Đông để bao vây Nga. Các hệ thống lá chắn tên lửa cũng để chống Nga…Mỹ muốn Nga không còn “cựa quậy” giống như Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần 2 vậy.
Tàu Ngư Chính 204 của Trung Quốc.
Tàu Ngư Chính 204 của Trung Quốc.

Hơn ai hết, Mỹ thừa hiểu sức mạnh quân sự của Nga. Nếu tiếng gầm của con Sư tử Mỹ vang rền hùng mạnh trên thế giới đầy khí phách, nội lực thì tiếng gầm của con Hổ Nga nghe có vẻ yếu vì đói mồi, nhưng xin lưu ý, đó vẫn là tiếng gầm của Hổ, chúa sơn lâm.

Đừng thấy hổ đói mồi phải ăn cỏ mà tưởng là giống Dê rồi đến “Vuốt râu Hùm” thì mất mạng như chơi. Ông Mikheil Saakashvili, Tổng thống Georgia là một nạn nhân như vậy. Tiếc là khi ông ta hiểu ra điều này thì đã quá muộn.

Còn Trung Quốc thì sao? Là nước thứ hai sau Liên Xô cùng phe xã hội chủ nghĩa, khi Liên Xô tan rã tại sao Mỹ không “làm gỏi” luôn? Chẳng lẽ 3 thập kỷ giấu mình chờ thời để trổi dậy mà Mỹ bỏ qua, không biết ư?

Đơn giản là qua cuộc chiến tranh Việt Nam không ai hiểu ý đồ, ý chí, nội lực của Trung Quốc hơn Mỹ. Vì thế Mỹ rất tự tin, Trung Quốc chẳng là cái gì khi cạnh tranh, thách thức địa vị thống trị của Mỹ. Mỹ bắt đầu chơi con bài Trung Quốc.

Một thực tế là Trung Quốc có tiến bộ vượt bậc về kinh tế và quân sự khiến thế giới ca ngợi. Bộ máy tuyên truyền của Mỹ thì không ngừng thổi phồng lên sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nào là tàu ngầm Trung Quốc đuổi tàu SB Mỹ, nổi lên cách vài trăm mét mà Mỹ không biết; nào là trong 5-10 năm tới Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ…Trung Quốc cũng tự mình xếp hạng đứng thứ 2 sau Mỹ về quân sự…

Mỹ tự “lo sợ, hốt hoảng”, Mỹ vẽ ra một bức tranh màu hồng cho Trung Quốc, làm Trung Quốc mất tỉnh táo sinh ra ngộ nhận.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Thứ nhất họ cho rằng Mỹ bị khủng hoảng kinh tế, sa lầy ở Irac, Apganxtan nên suy yếu, việc Trung Quốc đuối kịp và vượt chỉ là vấn đề thời gian. Thời cơ soán ngôi đã đến.

Thứ hai là tiềm lực quân sự của họ cho phép họ tuyên bố “lợi ích cốt lõi” (là lợi ích mà Trung Quốc có quyền dùng vũ lực để bảo vệ hoặc chiếm giữ) ở nơi mà họ muốn (trước mắt là biển Đông, tiếp theo là Châu Á TBD chẳng hạn).

Cái bẫy của Mỹ giăng ra, Trung Quốc chui vào không ngần ngại

Trung Quốc lập tức thay đổi thái độ và hành xử với các quốc gia láng giềng, khu vực. Thái độ thì hung hăng, hiếu chiến, nước lớn. Hành động thì ngang ngược, chèn ép, bắt nạt, đe dọa dùng vũ lực.

Ngay như Nhật Bản-siêu cường biển châu Á thật sự mà vụ Nhật bắt Thuyền trưởng tàu đánh cá TQ xét xử khiến TQ gầm lên, hùng hùng hổ hổ,(đúng là nghé không sợ cọp) vậy, thử hỏi những nước nhỏ khác trong khu vực Trung Quốc coi ra gì? Ai dám bắt tay thân thiện với một quốc gia như thế mà không bất an? Họ sẽ làm gì, chịu hòa tan, lệ thuộc hay là tìm lối khác?

Và đây là những bước đi của họ:

Đầu tiên là tăng cường tiềm lực quân sự, hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh. Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhiều nhất và đương nhiên bị gây căng thẳng, đe dọa nhiều nhất. Bởi vậy, tăng cường tiềm lực quân sự, xây dựng Hải quân hiện đại đủ sức đương đầu với nguy cơ xâm lược là điều không thể không làm.

Thực tế, với sự hợp tác với Nga, Ấn Độ về quân sự, Việt Nam đã tăng cường đáng kể sức mạnh phòng thủ của mình, có đủ tự tin để quan hệ với Trung Quốc một cách bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và cùng phát triển. Việt Nam đã học được từ lịch sử bài học không nên đặt niềm tin vào những lực lượng bên ngoài.

Nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước một cơ hội khác thường trong việc xây dựng một liên minh quốc tế và khu vực hiệu quả trong việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền hợp pháp. Rõ ràng Việt Nam không còn đứng một mình trong việc phản đối bá quyền Trung Quốc. Các nước khác như Philipin, Malaixia, Indonixia… cũng có những bước đi như vậy.

Bước đi tiếp theo là tìm đối tác để đối trọng, cân bằng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc (Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ…) và Mỹ là sự lựa chọn tối ưu.

Hoa Kỳ cũng chỉ chờ có thế. Giống như một vở kịch có 3 màn tuyệt phẩm.

Màn thứ nhất: Bi kịch tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm. Không cần biết nguyên nhân ai là thủ phạm, chỉ biết rằng mối quan hệ giữa Mỹ-Hàn tưởng như đã nguội lạnh bỗng nhiên ấm áp trở lại.

Màn thứ hai: Sự kiện tranh chấp với Nhật Bản. Những tưởng Mỹ không còn chỗ đứng chân trên đất Nhật nào ngờ thái độ như muốn ăn tươi nuốt sống Nhật Bản khiến cho Liên minh Mỹ-Nhật có thêm sức sống mới. Trung Quốc vô tình khiến Nhật nổi máu “Võ sĩ đạo”.(Với Philipines thì Mỹ đã có sẵn Hiệp ước phòng thủ chung)

Và bước đi cuối cùng là giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Một nước như CHDCND Triều Tiên mà quan hệ với Nga để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì đủ biết sự lệ thuộc vào Trung Quốc nó phức tạp như thế nào.

Đối với các nước ASEAN thì Myanmar là một minh chứng sinh động. Ngả theo phương Tây đã đành, Myanmar còn quyết định ngừng hợp đồng xây thủy điện với Trung Quốc khiến ông lớn hàng xóm phản đối quyết liệt.

Vậy là Mỹ trở lại châu Á-TBD như là một “hiệp sỹ” đối với các quốc gia trong khu vực, củng cố, hình thành mau lẹ những liên minh quân sự…khiến Trung Quốc không kịp phản ứng, chỉ “thốt lên” “Trung Quốc chưa từng thành lập một liên minh quân sự như vậy” (Lưu Vi Dân).

Hiện diện của Mỹ ở châu Á-TBD, bất kỳ cách dùng từ ngữ nào cũng vì mục đích: Bao vây, kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó Trung Quốc thu được gì? Họ mất bạn, láng giềng gần thì tự mình khiến họ xa lánh, cảnh giác, mất lòng tin. Trung Quốc nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Trung Quốc cứu vãn tình thế bằng cách ngăm người này, đe người khác rằng không được theo Mỹ, Nhật…nhưng đã muộn.

Chính Trung Quốc đã tự đẩy các quốc gia láng giềng ngả theo Mỹ, chính họ vì ngộ nhận, do sự ru ngủ của Mỹ đã tự trói tay chân mình.

Trục Đức-Ý-Nhật ngày xưa mà không làm được gì thì một Trung Quốc đơn độc liệu có thành công khi bộc lộ tham vọng và ngông cuồng quá sớm?

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thông điệp biển Đông từ TT Nguyễn Tấn Dũng


Hiện quan hệ Việt -Trung vẫn còn tồn tại nhận thức khác biệt về vấn đề trên biển. Hai bên cần bàn bạc, thảo luận, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hợp tác chung hai nước.

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Đó là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ hôm qua (23/10).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Mạnh Kiến Trụ bày tỏ: “hai bên cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tin tưởng vấn đề về Biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ đại cục Việt Nam – Trung Quốc”.

Cũng tại buổi tiếp, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, để giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng với thiện chí, nỗ lực của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, Việt Nam và Trung Quốc nhất định sẽ tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Việt Nam luôn ứng xử một cách linh hoạt để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Cùng với đặc điểm “núi liền núi”, “sông liền sông”, trong những năm qua, các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc luôn được duy trì, giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quan hệ Việt -Trung từ lâu được các thế hệ lãnh đạo hai nước dầy công vun đắp, trách nhiệm của hai nước là phải cùng nhau phát huy, gìn giữ và đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, sâu rộng, hiệu quả. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và sẽ nỗ lực hết mình hết mình để cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai bên”.

Xử lý tranh chấp ở biển Đông một cách khéo léo, không làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt – Trung, quả là không hề đơn giản chút nào. Xong từ xưa ông cha ta đã có cách ứng xử với láng giềng là phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong mọi tình huống chúng ta sẽ tìm được hướng giải quyết hợp lý. Yêu cầu đặt ra là làm sao thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách linh hoạt, sáng tạo, làm sao duy trì được quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng làm an lòng dân


Đánh giá thông điệp của Thủ tướng trước Quốc hội “làm an lòng” nhân dân, ĐBQH Dương Trung Quốc mong muốn có hình thức giám sát để đánh giá sự sửa chữa của Chính phủ được thể hiện trong thực tiễn.

Ông Dương Trung Quốc trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội sáng 23/10:

ĐBQH Dương Trung Quốc.
ĐBQH Dương Trung Quốc.

Theo ông, thông điệp của Thủ tướng trong bài phát biểu tại Quốc hội hôm qua có tạo sự kết nối với những điều dân đang chờ đợi như thế nào?

Với việc Thủ tướng nhận trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân, một cán bộ cao cấp của Đảng, với tư cách Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, tôi cho là làm sáng tỏ vấn đề Hội nghị TƯ 6 vừa đưa ra.

Thái độ thành khẩn của Thủ tướng phần nào làm an lòng dân. Tâm lý người dân đã nghe nhiều sự thành khẩn, thừa nhận khuyết điểm ở mức độ khác nhau của các thành viên Chính phủ, giờ đây là người đứng đầu Chính phủ, nên điều mong muốn là có hình thức giám sát để có thể đánh giá sự sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn.

Báo cáo trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong điều hành, quản lý, với những chỉ tiêu không đạt. Cá nhân ông lưu tâm vấn đề nào đang tạo ra cản trở cho những nỗ lực chung?

Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ nhất định. Nền kinh tế của chúng ta đang có những khó khăn vô cùng to lớn, nằm chung trong khó khăn của nền kinh tế thế giới vì đất nước hội nhập nhiều rồi.

Nhưng trong việc đưa ra mục tiêu thay đổi, tôi nghĩ quan trọng là thay đổi ngay cách nhận thức. Một ý kiến mà tôi phát biểu từ rất lâu là “hội chứng GDP” mà chúng ta không bao giờ phân biệt GDP tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh tham nhũng, có một cái mà tôi cho là chưa đề cập đúng mức là lãng phí, cực kỳ lãng phí. Lãng phí ngay trong lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng.

Tạo dựng kênh lắng nghe


Ông từng đề cập đến chỉ số lòng tin của Chính phủ và “năng lực lắng nghe” tại kỳ họp trước của Quốc hội. Liệu điều ông kỳ vọng sẽ đem đến ý nghĩa thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Tôi cho lắng nghe là cần thiết. Chúng ta không hoàn toàn lý thuyết hóa câu nói “cách mạng là sự nghiệp của toàn dân”. Sự sáng suốt luôn luôn từ phía người dân. Quan trọng là mình có nắm bắt được không, có tập hợp được không, có phát huy được không, và đó gần như là “thuật” cầm quyền. Vì thế nếu Chính phủ quan tâm, bên cạnh cơ quan tư vấn thì cố gắng có kênh lắng nghe các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, rồi những tổ chức chính trị xã hội.

Tôi nhắc lại, ngày xưa, Bác Hồ bận như vậy nhưng rất quan tâm đọc báo, thể hiện thái độ của mình đối với mỗi bài báo, kiểm tra lại, rồi khen đâu, thưởng đâu rất rõ ràng. Tôi thấy có rất nhiều vấn đề báo chí nêu lên mà không thấy cơ quan của Chính phủ trả lời khiến người dân không biết ai đúng, ai sai. Vì thế bên cạnh những bộ máy nằm trong tổ chức của Chính phủ thì Chính phủ cần hết sức tạo dựng kênh để tiếp cận những ý kiến của người dân và phản hồi cho người dân yên lòng.

Bỏ phiếu tín nhiệm phụ thuộc chất lượng ĐBQH


Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Có thể chờ đợi đề án này sẽ tạo ra tác động như thế nào trong việc đánh giá chỉ số tín nhiệm, lòng tin đối với cán bộ, lãnh đạo?

Việc này thực thi những điều Hiến pháp quy định mà lâu nay chúng ta chưa đưa vào cuộc sống. Nghị quyết này của Quốc hội tôi cho sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nhưng để thực thi, băn khoăn nhất của tôi không phải về phía vấn đề thủ tục mà là chất lượng của chính các đại biểu Quốc hội.

Người đại biểu Quốc hội liệu có thật khách quan, đủ năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp lòng dân, nhất là cử tri của mình? Trong khi cách bỏ phiếu kín có thể dẫn đến việc người dân không giám sát được vị đại biểu mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế nào.

Ở nhiều nước, một trong những yếu tố người ta quan tâm là bên cạnh việc Quốc hội, các tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp thì còn có những điều kiện để cho người dân giám sát được chính đại biểu Quốc hội của mình để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau.

Vì thế, tôi cho rằng hiện nay khó khăn của chúng ta là làm sao để cho mỗi quyết định của đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ của mình thì người bầu ra họ biết được đại biểu đó đã hành xử như thế nào. Điều đó hết sức quan trọng. Cũng như việc bỏ phiếu ở các nước, người ta bỏ phiếu xong, trừ những bỏ phiếu kín thì tất cả tính danh của đại biểu Quốc hội, thái độ công khai của họ hiển thị trên màn hình hay các hồ sơ mà người dân có thể tiếp xúc được.